Người sinh viên gốc Hội An – Từ Khánh Thuận, giã từ trường lớp, để gia nhập HQVNCH, sau người anh cả Từ Khánh Sinh tình nguyện vào Trường Võ Bị, vào thời điểm đất nước tràn ngập những biến động. Không chỉ riêng ở miền Trung, Huế mà còn cả đến Saigon sau Đảo Chánh, Chỉnh Lý 1963-1966.
Gia nhập Khóa 17 (1966) Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và trở thành Sĩ Quan ngành Chỉ Huy.
Sau khi ra trường, Từ Khánh Thuận từng phục vụ, thực tập trên các chiến hạm, Hạm Đội Hải Quân Hoa kỳ và đi biển…
Từ thiếu úy lên tới trung úy và có mội thời gian đáng nhớ và mẫu mực là khi ông lên cấp Trung úy, trở thành Đại Đội Trưởng Khóa 25 và sau đó phụ trách trong Liên Đoàn khóa sinh- các khoá 25, khóa 26 và khoá 5 Sĩ Quan Đặc Biệt tại trường Hải Quân Nha Trang’. Cho đến ngày nay vẫn có rất nhiều cựu sĩ quan Hải Quân trẻ, xuất thân từ quân trường thường giữ ấn tượng tốt đẹp về niên trưởng Từ Khánh Thuận.
Tình bạn quân ngũ khắn khít như gia đình
Tình đồng đội trong quân ngũ khắn khít cuả anh Từ Khánh Thuận và đồng đội: Xem như tình gia đình giữa SQHQ khóa 15: Phan Tấn Triệu, Trịnh Như Toàn, khóa 16: Nguyễn Lương Thuật, và khóa 17 là khóa của Từ Khánh Thuận. Những tháng cuối của Miền Nam dần xụp đổ… Những ngày cuối cùng… Thuận và Thuật cùng trú đóng tại đơn vị HQ Cam Ranh.
Đến cuối tháng 4 năm 1975: Cuộc di tản của Hạm Đội HQ VNCH, đã mang ít ra là hơn 6 SQHQ thân thiết cùng về Seattle, Washington. Đó là HQ Thiếu Tá Phan Tấn Triệu, HQ Thiếu Tá Trịnh Như Toàn, HQ Đại Úy Nguyễn Lương Thuật, HQ Đại Úy Từ Khánh Thuận, HQ Đại Úy Nguyễn Văn Thu, Phạm Kim (Báo Chí BTL-HQ) … Bạn của một thời quân ngũ, thương nhau như anh em một nhà và lại còn có Trần Khải, Trần Thăng, Đỗ Công, Đỗ Mỹ…
Những năm đầu đời tỵ nạn, họ thương nhau như ruột thịt. Trước đây các con của anh chị Nguyễn Lương Thuật (theo lời chị Bích Khuê): “Đã dành cho anh Từ Khánh Thuận tình thương khăng khít như một gia đình”.
Những cưu sĩ quan Hải Quân thời ấy, còn đầy nhiệt tình tranh đấu cho quê hương bên kia bờ đại dương như ca khúc Nguyễn Đức Quang (*)
Khi mới đến Hoa Kỳ, những nhiệt huyết vẫn còn nóng hổi. Điển hình là cuộc biểu tình chống lại đại Nhạc Hội văn nghệ năm 1977, do Đào Duy Anh tổ chức trùng hợp đúng “ngày 19 tháng 5” tại Rạp Paramount. Lần ấy cũng có mặt của các anh Nguyễn Lương Thuật, Từ Khánh Thuận, Trần Khải, Trần Thăng, Trần Minh, Nguyễn Ngọc Võ .v.v.. trong một cuộc biểu tình sôi nổi-thật đáng nhớ…
Chẳng bao lâu sau đó, người cựu Sĩ Quan Hải Quân Từ Khánh Thuận đã hoàn tất chương trình Kỹ Sư tại Đại Học Cogswell Polytechnical College, Redmond; và trước đó là trải qua ngưỡng cửa Technical Engineering của Bates Technical College.
Từ đó định mệnh đã xếp đặt cho anh một công việc khởi sự là Field Engineer rồi chung thủy nối nghiệp thân sinh từng là kỹ sư công chánh, trưởng ngành tại công ty. Là một kỹ sư xuất sắc gắn bó chỉ một công ty liên tục cho tới hết 37 năm không bay nhẩy….
Cũng tại thành phố Tacoma thời ấy, nổi bật còn có Phan Tấn Triệu cùng giữ một công việc tương tự đứng đầu một ngành Điện, với người anh vợ của anh Thuận là anh Trần Thăng (công việc của các người này là Field Engineer). Công việc này cũng chỉ kéo dài không tới 10 năm rồi họ bay nhảy về Cali, tiếp tục hoàn tất văn bằng kỹ sư, hoặc chuyển ngành.
Sự chung thủy và bền bỉ của kỹ sư Từ Khánh Thuận, không chỉ với việc làm của một kỹ sư Công Chánh mà còn cùng bạn hữu, đồng đội chiến hữu Hải Quân của Từ Khánh Thuận luôn bền bỉ son sắt, là ví dụ điển hình hiếm có của một người sĩ quan tỵ nạn: 37 năm bền bỉ trong ngành Civil Engineering tại duy nhất một công ty, nối nghiệp thân phụ từng là một kỹ sư nổi tiếng tốt nghiệp từ đại học từ Pháp liên tục phục vụ trước 1975 tại Hội An.
Khi nhắc về anh Từ Khánh Thuận, Giảng viên Ed Carlson của Bates Technical College, mỗi khi gặp lại những người Việt ghi danh học đều gật gù ngưỡng mộ “một số học viên người Việt giỏi, như Từ Khánh Thuận-vài năm đầu tỵ nạn”, vì anh là sinh viên chuyên cần “chăm chỉ học gấp rút để sớm có công ăn việc làm nuôi gia đình, sớm thoát khỏi các khó khăn cần chính phủ trợ giúp” trong năm tháng đầu đời tỵ nạn….
Người cựu sĩ quan Hải Quân Từ Khánh Thuận sau 37 năm liên tục phục vụ trong ngành Civil Engineering tại Seattle đã về hưu vào năm 73 tuổi cho dù công ty vẫn cần sự cố vấn của anh khi cần.. Đã an hưởng hưu trí cùng người vợ một đời quên mình để chăm sóc dưỡng dục con và lo cho chồng. Thành quả là 3 người con gái đều xuất sắc trong các lĩnh vực chuyên môn về y khoa như: bác sĩ, dược sĩ….
Sau 44 năm định cư tại Hoa Kỳ: Ghi dấu 44 năm của người cựu sĩ quan Hải Quân đã “hoạch định chuyến hải hành cho đời mình: Chọn cho bản thân những ưu tiên đó là: “- Không quên Quê Hương bỏ lại bên kia bờ đại dương, – Chăm sóc gia đình hoàn hảo, – Chu toàn công việc sự nghiệp một kỹ sư, Sống trọn vẹn ý nghĩa và tình chiến hữu cùng Quân Chủng”.
Vào lúc 3 giờ 30 chiều thứ Bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2019: Người cựu sĩ quan Hải Quân Từ Khánh Thuận đã thanh thản theo tiếng gọi của đại dương “Xin chọn nơi đây là quê hương” – từ biệt mọi người, trong vòng tay thương yêu của vợ, các anh chị em, con cháu thân thiết trong gia đình…
Thánh Lễ Tiễn đưa được tổ chức vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ Bẩy 4 tháng 5 tại Thánh Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở thành phố Tukwila, nơi những năm còn sinh thời ông Giuse Từ Khánh Thuận và gia đình vẫn thường xuyên tham dự các Thánh lễ cùng cha chánh xứ Đào Xuân Thành, và cha nguyên chánh xứ Hoàng Phượng, các Linh Mục Phụ Tá, Thầy Sáu Mậu (Hải Quân) và các tín hữu thân quen.
Một ngày trước đó, theo chương trình, vào lúc 2-3 giờ chiều thứ Sáu 3 tháng 5: Hội Hải Quân VNCH Tiểu Bang WA cũng dành một nghi lễ tưởng nhớ ông, bao gồm nghi thức Phủ Cờ VNCH với các anh em Hải Lục Không Quân, để cho trọn vẹn tình chiến hữu một đời với Hải Quân và tưởng nhớ một chiến hữu vẫn một đời đã yêu màu Cờ- sắc áo, coi đó chính là một phần đời mình…
Người chiến sĩ không bao giờ già! đã “Chọn nơi đây làm quê hương“: Sau 44 năm thủy chung, và trước đó trải qua… gần 10 năm trong Quân Chủng Hải Quân tại quê nhà./. (PK)
Ghi chú:
(*) Tựa đề bài tưởng niệm, dựa theo lời một ca khúc Nguyễn Đức Quang, phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch:
“Ta còn những người- ngồi quanh đây trán in vết nhăn”.
“Xin chọn nơi này là quê hương, dẫu cho khó thương”
*
… “Trên đường muôn vàn, … gặp nhau lúc vui lúc buồn” …
“Ta còn kiêu hùng… vì đi xa, vẫn chưa thấy xa ..”