LM Nguyễn Ngọc Bích-Dòng Chúa Cứu Thế
BBC ghi nhận những ý kiến phản hồi phát ngôn của Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Bích từ những người theo sát biến động của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn thời gian qua.
Bài trả lời phỏng vấn của Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Bích trên BBC về việc một số linh mục ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn bị thuyên chuyển, và phòng Công lý & Hòa bình của nhà dòng này bị dẹp, gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày qua.
Quanh vụ LM Lê Ngọc Thanh ‘rời khỏi Sài Gòn’
Báo QĐND nói về ‘lợi dụng tôn giáo kích động’
Quanh việc ‘đại tu’ Nhà thờ Bùi Chu
Trả lời BBC sau khi một số blogger chỉ trích và cáo buộc việc một số linh mục ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn “bị thuyên chuyển khắp nơi, phòng Công lý & Hòa bình của nhà dòng này bị xóa sổ, chương trình tri ân thương phế binh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa có thể bị dẹp, chính quyền chi phối hệ thống nhà thờ…”, linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Bích nói:
“Sự bổ nhiệm và thuyên chuyển là việc rất bình thường của tất cả các dòng tu. Đó là công việc nội bộ mà người ngoài, thậm chí cả các đức giám mục, chẳng có lý do gì để xen vào hay thắc mắc vì họ không thể biết được những gì liên quan đến phẩm chất, đến tư cách và đến hoàn cảnh của từng tu sĩ và vì họ cũng không có trách nhiệm phải trả lời trước mặt Chúa về những gì liên quan đến sứ mạng và sự phát triển của nhà dòng,” Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Bích nói trong cuộc phỏng vấn.
Ông cũng cho biết thêm: “Phòng Công Lý Hòa Bình ở Sài Gòn trực thuộc Tu Viện Sài Gòn chứ không thuộc Tỉnh Dòng nên tôi không trực tiếp điều hành. Tuy nhiên, tôi chưa thấy ai đổi tên phòng này với tên gọi khác. Tôi cũng vừa trao đổi với cha bề trên Tu Viện Sài Gòn. Ngài khẳng định vẫn tiếp tục việc giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy, những thông tin trên mạng xã hội về việc này là không đúng sự thật.”
‘Đáng hoan nghênh’
Hôm 20/5, Facebooker Ann Đỗ nói với BBC: “Tôi có đọc một số post của các blogger đã từng hoạt động trợ giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, về mặt logic chính trị thì chúng ta có thể hiểu suy tư của họ.”
“Trong một tổ chức chính trị, nếu nhân sự bị thuyên chuyển công tác có nghĩa họ có quyền nghi ngờ nhân vật đó có dính phốt gì đó, hay có sự tác động chính trị mà nhân vật đó bị ”điều” đi chỗ khác, nhằm giảm sự ảnh hưởng hay hạn chế khả năng làm việc của người đó trong tổ chức cũ.”
“Nhưng Giáo hội không phải là một tổ chức chính trị mà có luân lý riêng, cấu trúc riêng, học thuyết riêng. Khi quan tâm, đánh giá Giáo hội chúng ta cần đặt địa vị mình ở vị trí của Giáo hội, không lấy cái này để phán xét cái kia. Linh mục Bích đã giải thích cho công luận biết qua bài phỏng vấn của BBC, điều đó rất đáng hoan nghênh.”
“Vì ít nhất, để giáo dân hiểu thêm về cấu trúc quản lý của các phòng ban lẫn tu viện, giám tỉnh… mà những thứ này người ngoài rất mù mờ. Cũng như qua đó, giáo dân lẫn công luận hiểu hơn về đạo Công giáo, về chức sắc trong Giáo hội, vai trò của các linh mục trong sứ mệnh xây dựng Đức Tin, rao giảng lời Chúa.”
“Tôi hy vọng rằng, nếu ai đó muốn phản biện Đức giám tỉnh Nguyễn Ngọc Bích, hãy đứng trên đôi chân của ngài. Nói về cái lý thì phải là cái lý trên nền tảng sứ vụ của tông đồ, để tránh tình trạng ”ông nói gà bà nói vịt”, dẫn đến cãi nhau, đến bất hòa, và tạo những thế đối lập không cần thiết.”
Thỉnh cầu Vatican ‘minh xét’ về cựu TGM Kiệt
Linh mục Thái Hà bị cấm xuất cảnh
Linh mục Thục ‘không được xuất cảnh’
Biểu tình hôm 5/3 ‘không như mong đợi’
‘Làm đẹp lòng nhà cầm quyền’
Cũng trong hôm 20/5, nhà báo tự do Teresa Avila Sương Quỳnh bình luận với BBC:
“Khi đọc phát biểu của Linh mục Bích trên BBC, tôi rất buồn lòng cho công giáo của Việt Nam. Lâu nay, rất ít các linh mục chọn đứng cạnh dân oan hay giáo dân bị cướp đất, cướp nhà hay bị đàn áp về đức tin.”
“Hầu như các linh mục chọn im lặng hay thỏa hiệp, ủng hộ nhà cầm quyền. Lời phát biểu của Linh mục Bích về vụ Vườn rau Lộc Hưng cho thấy sự vô cảm của cha bề trên đối với giáo dân cũng như bàng quan với những linh mục khác đang giúp đỡ cho bà con ở đó.”
“Dưới chế độ cộng sản trị, tôn giáo nói chung đều bị dưới sự áp đặt của nhà cầm quyền. Ít vị linh mục dám lên tiếng trước hiện trạng đất nước cũng như sự bức hại đối với Công giáo. Ví dụ như chiếm các cơ sở của giáo hội cũng im lặng. Theo như tôi hiểu, Vườn rau Lộc Hưng cũng là đất của giáo hội đấy chứ, có văn bản từ thời Pháp thuộc vậy mà các cha bề trên vẫn im lặng để cho nhà cầm quyền chiếm đất, chiếm nhà thờ.”
“Theo tôi, đó là những người vô cảm với tình hình đất nước cũng như xã hội, hoặc đó là những người để nỗi sợ vượt lên trên Đức Tin. Nếu thực sự tin vào Thiên Chúa và phó thác cho ngài thì người đó tự do hoàn toàn. Tôi sợ rằng Linh mục Bích đang làm đẹp lòng nhà cầm quyền hơn làm đẹp lòng Chúa, tức là phải làm trọn bổn phận của vị mục tử chăm lo cho đàn chiên.”
“Ví dụ như lời phát biểu về Vườn rau Lộc Hưng, Linh mục Bích nói rằng một số vị linh mục nhìn thấy và ra tay giúp đỡ giáo dân kêu oan và như vậy là làm phù hợp với Tin Mừng. Vậy tại sao cha bề trên không làm như các quý cha kia? Mà có vẻ người ta thấy những việc cha làm đang phù hợp với ý của chính quyền.”
“Các cha bề trên còn để nỗi sợ và thờ ơ với nỗi oan ức của giáo dân thì không làm tròn bổn phận. Cha thờ ơ với yêu thương và bác ái thì đâu phải là người đi rao giảng tin mừng. Một khi linh mục đã đóng yêu thương trong lòng thì mọi sự rao giảng giáo lý đều chỉ là lời sáo rỗng.”
‘Lờ mờ nhìn ra vấn đề’
Cùng ngày, blogger Phạm Thanh Nghiên, người từng sống ở Vườn rau Lộc Hưng, nói với BBC: “Tôi xin phép không bình luận về các nội dung mà Linh mục Bích trả lời trong bài phỏng vấn của quý đài.”
“Nhưng từ góc độ một người quan sát, hoạt động xã hội và từng tham gia một số chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghĩ rằng sau này khó có ai, dù là tổ chức hay hội nhóm nào có thể làm tốt công việc này hơn văn phòng Công lý & Hòa bình. Trong 6 năm, từ con số ban đầu là hơn 100 thương phế binh, mà nay, văn phòng đã chăm lo, giúp đỡ cho khoảng 7.000 ông. Đó quả là một công việc phi thường.”
“Không chỉ là công việc liên quan đến thương phế binh, mà văn phòng này còn giúp cho dân oan, tù nhân lương tâm và đồng hành cùng một số hoạt động bảo vệ nhân quyền khác nữa. Chỉ một vài vị linh mục, một số tình nguyện viên không được đào tạo chuyên nghiệp mà “cõng” một khối công việc khổng lồ. Đó là chưa kể đến uy tín mà văn phòng này đã tạo dựng được. Từ khi thành lập văn phòng cho tới khi buộc phải đóng cửa, có thể nói là họ chưa để xảy ra những sai lầm, những sự cố đáng chê trách nào.”
“Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người nhất là giáo dân tỏ ra lo ngại rằng Giáo hội Công giáo ngày càng bị nhà cầm quyền chi phối. Điều này đang diễn ra tại Trung Quốc rồi. Phật Giáo cũng vậy, lệ thuộc vào nhà cầm quyền lâu rồi. Nhìn các biến động quanh Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn những ngày qua, người ta đã lờ mờ nhìn ra vấn đề rồi.”
“Chưa kể các vụ “thuyên chuyển” trước đó trong nhà dòng, hay với các linh mục khác như trường hợp cha Nguyễn Duy Tân chẳng hạn. Có nhiều “thay đổi” có lợi cho phía Nhà nước không tiện nói. Họ đều là các linh mục dám dấn thân bảo vệ Giáo hội khỏi sự ác, sự dữ, can đảm lên tiếng đấu tranh chống bất công, chống sự vi phạm nhân quyền trên đất nước này.”
“Dường như Nhà nước đang bằng mọi cách để thao túng Giáo hội. Nhưng họ có thành công hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ chính lòng can đảm của các vị linh mục cho đến các giáo dân. Nhưng đó không phải là tất cả, cái chính còn phụ thuộc vào ý của Thiên Chúa.”
“Là một người Công giáo, tôi luôn cầu nguyện và tin rằng, đây chỉ là những thử thách và Chúa có chương trình riêng của ngài để bảo vệ Giáo hội.”