Từ Hội Thảo Việt Nam Hóa Chiến Tranh tại Vietnam Center
Đến Dự án đào tạo Hỗ Trợ Viết Sử VNCH và Bộ Sử về Người Mỹ Gốc Việt
*Triều Giang
Thế hệ Sử gia Kế Tục về Chiến Tranh Việt Nam của Vietnam Center
Lubbock-Texas 28/4/2019: Đã có nhiều ngàn cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng những cuộc tranh cãi về cuộc chiến sau 44 năm vẫn tiếp tục nóng bỏng và hứa hẹn còn tiếp tục trong nhiều năm sắp tới, vì hầu như mỗi bên đều giải thích cuộc chiến tranh quyết liệt theo cái nhìn riêng của mình. Đại chúng, sinh viên, học sinh vì thế không hiểu rõ về chiến tranh Việt Nam. Sáng lập viên của Vietnam Center, Giáo sư Tiến sĩ Sử học và cũng là cựu chiến binh Việt Nam James Reckner, người vừa từ trần năm ngoái, đã có sáng kiến thành lập Trung Tâm sử liệu về Chiến tranh Việt Nam, đặt tên là Vietnam Center vào năm 1989, và từ năm 1993, ông bắt đầu tổ chức Hội thảo hàng năm. Những cuộc Hội thảo “không giống ai” này quy tụ mọi phía; cộng sản, những người Mỹ, Việt và tất cả những người đã chiến đấu chống CS, những tài liệu, những ký ức của họ được quy tụ về đây để cung cấp dữ liệu cho học giả, tác giả, đại chúng thuộc “thế hệ sử gia kế tục về chiến tranh VN” (next generation of Vietnam War scholars). Và đó chính là sứ mạng của Vietnam Center: thu thập và lưu trữ sử liệu về Chiến tranh Việt Nam, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu và giáo dục về mọi khía cạnh của Kinh nghiệm giữa Việt Nam & Hoa Kỳ.
Đó là tóm tắt phần mở đầu cho bài diễn văn dài khoảng 10 phút của Tiến sĩ Ron Milam, Tổng Giám đốc Học viện Hòa bình và Xung Đột (Institute for Peace and Conflict) của Đại học Texas Tech vào buổi sáng thứ Sáu gày 26 tháng 4 vừa qua để bắt đầu cho 2 ngày chính của cuộc Hội thảo.
ảnh tác giả Triều Giang
Trước đó Tiến sĩ Brent Lindquist, Khoa trưởng Đại Học Nghệ thuật của Texas Tech nơi Vietnam Center trực thuộc đã có bài diễn văn ngắn ghi nhận sự tham gia đông đảo và đa dạng cũa cuộc Hội thảo năm nay với trên 70 bài tham luận từ trên 100 diễn giả; ngoài những nhà nghiên cứu độc lập, số còn lại đến từ trên 30 đại học và các Trung Tâm Sử liệu của 9 quốc gia. Ông cám ơn sự có mặt đông đảo của cộng đồng người Mỹ gốc Việt năm nay, đặc biệt là những diễn giả nguyên là viên chức trong chính quyền Nam Việt Nam đã đến để chia sẻ những kinh nghiệm trực tiếp của họ về việc xây dựng xã hội miền Nam trong thời Việt Nam Hóa trong chiến tranh Việt Nam.
Giám đốc Vietnam Center, Tiến sĩ Steve Maxner sau đó đã nói về đề tài của năm nay: “1969: Việt Nam Hóa Chiến Tranh, và Những Năm Chuyển Đổi Cuộc Chiến” (1969: Vietnamization and the Year of Transition in the Vietnam War). Ông tỏ vẻ hài lòng về sự tham gia đông đảo và đa dạng của thành phần diễn giả. Ông cũng chia sẻ những khó khăn về việc sắp xếp chương trình và cám ơn các cộng tác viên của ông đã làm việc nhiệt tình để có kết quả hôm nay. Ông cám ơn quan khách tham dự và tỏ ý hy vọng mọi người sẽ có những ngày hội thảo trong sự tôn trọng lẫn nhau dù có những khác biệt để đem lại lợi ích cho mỗi người. Ông hy vọng mọi người sẽ trở lại Vietnam Center vào năm tới để thảo luận vể chiến tranh VN năm 1970. Vietnam Center sẽ kéo dài thảo luận hàng năm tới năm 2025 là năm kỷ niện 50 năm chiên tranh VN chấm dứt (1975-2025) . Sau đó có thể sẽ chuyển sang hướng mới.
Viết Sử Về Chiến Tranh Việt Nam: Một Hồi Tưởng
Bài thuyết trình đầu tiên do hai giáo sư : Lloyd Gardner thuộc Đại học Rutgers và George Herring thuộc Đại học Kentucky với đề tài “ Viết Sử Về Chiến Tranh Việt Nam: Một Hồi Tưởng” ( Writing The History of the Vietnam War: A Retrospective) đã được giới thiệu bởi nghiên cứu sinh Tiến sĩ Justin Hart về tiểu sử cũng như những công trình nghiên cứu của hai diễn giả; Cả hai đều giảng dạy môn sử về chiến tranh VN trong nhiều năm và đã xuất bản nhiều sách. Riêng Giáo sư George Herring đã từng được CSVN mời thăm Hà Nội cùng với phái đoàn gồm những viên chức Hoa Kỳ và một số giáo sư và sử gia, dẫn đầu bởi cựu ngoại trưởng McNamara vào năm 1997. Phần trình bày được Giáo sư Pierre Asseline của Đại học San Diego điều phối theo lối hỏi đáp nên linh động và bớt khô khan. Câu hỏi: đâu là những vấn đề căn bản về chiến tranh Việt Nam khiến nhiều người quan tâm nhiều nhất?
Giáo sư George Herring cho rằng việc người Mỹ tham chiến tại VN là điều sai lầm, nhất là quan điểm cho rằng người Mỹ phải lãnh đạo cuộc chiến tranh lạnh (chiến tranh giữa 2 khối tự do và Cộng Sản) và Nam Việt Nam là pháo đài quan trọng cần phải bảo vệ.
Riêng Giáo sư Lloyd Gardner thì trả lời rằng: Khó mà có thể có câu trả lời rõ ràng làm thỏa lòng mọi người. Mặc dầu đã có trên 4,000 cuốn sách được xuất bản nhưng những vẫn chưa có câu trả lời đích đáng cho những câu hỏi căn bản như: vì sao người Mỹ tham chiến tại VN? Chính quyền Hà Nội muốn gì? Chuyện gì thực sự đã xảy ra tại Tết Mậu Thân? Tại sao các tác giả không quan tâm đến miền Nam VN bằng miền Bắc VN?…
Trả lởi câu hỏi hãy nêu tên 3 cuốn sách nên đọc để hiểu rõ hơn về chiến tranh VN, hai vị giáo sư đã nêu tên 3 cuốn: The Best and The Brightest của David Halberstam, theo hai ông thì sách này giải thích tốt nhất về lý do Người Mỹ tham chiến tại VN. Cuốn thứ hai là The Things They Carried của Tim O’s Brien’s diễn tả về tâm trạng của một chiến binh Mỹ tham chiến tại VN và cuốn thứ ba làThe Sorrow of War của tác giả Bảo Ninh nói về kinh nghiệm của ông, môt chiến binh CS miền Bắc trong cuộc chiến.
Hai vị Giáo sư này là biểu tượng cho nhóm sử gia kinh điển chống chiến tranh Việt Nam. Mặc dù Gs. George Herring đã thú nhận ngay tại buổi hội thảo và trong Lời mở đầu của cuốn “America’s Longest War” tái bản lần thứ 5 rằng ông cũng thay đổi nhiều về cái nhìn của ông về cuộc chiến vì sự có mặt của người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nhưng, ông vẫn chỉ nhắc đến sự mất mát về nhân sự của Bắc Việt là 1 triệu người, của Hoa Kỳ là trên 58,000 người mà vẫn không nhắc nhở gì đến Nam Việt Nam hy sinh trên ¼ triệu nhân mạng.
Sống Sót Trong Chiến Tranh Việt Nam Và Thời Hậu Chiến
Vì số diễn giả quá đông và các đề tài đa dạng nên cuộc hội thảo sau đó được chia ra thành 3 phòng: Phòng Petroleum, Utility và Cotton gồm 6 bài tham luận với sự giới thiệu và điều phối của 3 phối trí viên Tiến sĩ Paul L. Miles từ Đại học Princeton, Nghiên cứu sinh Gerald Waite thuộc Đại học Ball State và Cựu Cố Vấn Tổng Thống kiêm Tổng Trưởng Bộ Dân Vận Và Chiêu Hồi VNCH, Hoàng Đức Nhã.
Bài tham luận của nữ ký giả Vũ Thanh Thủy tại phòng Cotton số người tham dự khá đông; khoảng một nửa là người Việt trong đó có một số nghiên cứu sinh và Tiến sĩ người Việt từ trong nước. Bà Thủy trình bày về kinh nghiệm làm ký giả chiến trường của bà và chồng bà ký giả Dương Phục trong thời gian chiến tranh khốc liệt giữa sự sống và cái chết trong gang tấc và bà cũng đã suýt chết ngoài chiến trường. Quyết định khó khăn của bà phải ở lại không di tản vào những ngày cuối tháng 4, 1975 để vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân của những chính sách trả thù của CSVN sau khi họ lấy được miền Nam. Họ bắt bớ, tù đày, lột sạch tài sản của người miền Nam qua những cuộc đổi tiền, đánh tư sản mại bản. Chồng bà bị đi tù trong khi các con còn rất nhỏ. Bà đã giúp chồng vượt ngục rồi vượt biển tìm tự do trong một chuyến đi nguy hiểm và phải đối đầu với hải tặc, bà và gia đình đến được trại tị nạn Songkhla, Thái Lan và cuối cùng được định cư tại Hoa Kỳ.
Giọng bà xúc động, nghẹn ngào khi nói đến những thảm cảnh chia lìa của các gia đình, của sự khốn cùng của người dân VN trong những ngày tháng đau thương ấy khiến khán giả xúc động không ít.
Phần thảo luận cũng khá sôi nổi. Một trong những nghiên cứu sinh từ trong trong nước đặt câu hỏi về việc làm ký giả phải qua những huấn luyện của trường lớp nào? Bà Thủy cho biết trong thời đó tại miền Nam chưa chính thức có phân khoa báo chí tại các Đại học. Trường hợp của bà sau khi học xong Trung học, bà đã phải giấu cha mẹ để theo đuổi nghề ký giả vì thời đó nghề làm báo vẫn bị coi như không thích hợp với phụ nữ. Tại miền Nam mặc dù là thời chiến tranh nhưng các ký giả muốn viết viết gì thì viết, mặc dù có vấn đề kiểm duyệt nhưng nếu họ không cho đăng thì họ yêu cầu bỏ đi. Đó là đối với báo chí trong nước còn làm báo tự do (freelancer) cho các báo ngoại quốc thực ra không có gì hạn chế. Tuy nhiên, làm báo tự do không có lương chính thức, bà chỉ được trả công nếu bán được tin và hình ảnh. Những ký giả Việt Nam làm báo tự do cho các báo ngoại quốc (stringers) thường chịu nhiều thiệt thòi như họ không được ký tên trên những bản tin, hoặc hình. Nếu bản tin và hình được chọn đăng trên trang nhất cùa các báo ngoại quốc hay thậm chí được giài thưởng quốc tế, người mua hình được những vinh dự đó.
Môt câu hỏi khác là câu chuyện của bà rất hay và cảm động nói lên được cảnh tàn khốc của chiến tranh và tàn ác của CS, làm hế nào để có thể phổ biến rộng rãi cho người Mỹ và nhất là giới trẻ? Bà Thủy trả lời là bà sẽ tiếp tục phổ biến qua những Hội thảo tương tự như thế này. Bà và chồng bà mới xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh: “Surviving: The Vietnam War and Its Aftermath”. Bà cũng nhắc lại là tât cả những gì xảy ra trong cuộc Hội thảo này được quay phim và để lại ở đây cho các nghiên cứu sinh, học sinh và các học giả, bà quả quyết: “Chúng ta phải làm nhiều lần, liên tục thì hy vọng sẽ có kết quả”.
Các “Think Tank” từ lạc quan đến bi quan
Mọi người sau đó đã tụ tập tại phòng Petroleum để dùng bữa trưa và để nghe bài thuyết trình về đề tài Cơ Quan Nghiên Cứu và Phát Triển Chiến Tranh Việt Nam: Từ Lạc Quan đến Bi Quan (RAND and The Vietnam War: Optimism and Pessimism) của bà Dương Vân Mai Elliot, tác giả của cuốn sách được đề cử giải Pulitzer Liễu Thiêng, Câu Chuyện Gia Đình Về Bốn Cuộc Đời Trong Chiến Tranh VN.
Sau khi đảo chính TT. Ngô Đình Diệm, miền Nam VN đi vào thời kỳ bất ổn định chính trị, và Hoa Kỳ cũng rơi vào cảnh lúng túng trong việc hoạch định đường lối cho cuộc chiến. Họ thết lập cơ quan Nghiên cứu và Phát Triển (Research and Development viết tắt là RAND), cơ quan đầu não của cuộc chiến. RAND xử dụng những “Think Tank” là những tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu và cung cấp những dữ kiện để RAND dùng để hoạch định những chính sách . Theo sự phân tích của bà Mai, mặc dù những nhà nghiên cứu này đã được chính phủ Hoa kỳ dành mọi phương tiện để làm việc, kể cả việc tiếp xúc, điều tra tù binh CS để lấy tin tức nhưng ý kiến của các “Think Tank” này rất khác biệt và đối chọi; có “Think Tank” kết luận bi quan rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất của dân tộc VN, kéo dài từ thời Pháp thuộc của những người đầy kinh nghiệm chiến trường cũng như lòng can đảm. Và họ kết luận rằng cuộc chiến tranh này không thể thắng và người Mỹ đang ủng hộ phe phi chính nghĩa (“wrong side”; ý chỉ miền Nam).
Lại có những “Think Tank” khác cho những ý kiến đầy lạc quan cho TT. Johnson, cho rằng phần thắng đang nghiêng về phía Hoa Kỳ và chỉ cần tiếp tục dội bom để sàng lọc người dân ra khỏi vùng xôi đậu của Việt Cộng thì chiến thắng chỉ là thời gian. Nhưng khi CSBV tổ chức tổng công kích tết Mậu Thân trên toàn lãnh thổ VN thì chính giới và người dân Hoa Kỳ đã hoàn toàn nghi ngờ lập luận này. Sau đó, vào thời TT. Nixon, RAND làm việc với “Think Tank” khác do Daniel Ellsberg, một phân tích gia sáng chói vào thời ấy đã đưa ra một Bản đề nghị nếu muốn chương trình Bình định và Việt Nam Hóa của TT. Nixon và Henry Kissinger thành công, cần phải có những chương trình hỗ trợ đặc biệt của Hoa kỳ từ chiến trường cho đến những việc trợ kinh tế cho miền Nam VN. Nhưng vào lúc này mục đích chính của TT. Nixon và đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Kissinger là muốn rút khỏi VN càng nhanh, càng tốt để đưa chú tâm của Hoa Kỳ vào vùng đất khác; đó là Do Thái và Trung đông nên đã bỏ qua. Không được trọng dụng, Ellsberg trở thành người chống chiến tranh VN và những hoạt động như lấy trộm tài liệu để trao cho các báo như New York Times, Washington Post đã khiến Ellsberg bị bắt và bị tù về tội trộm cắp và gián điệp, vai trò của RAND kể như bị tan biến sau đó.
Bài tham luận của bà Dương Vân Mai Elliot đã đem lại cho thính giả hiểu được nguồn gốc của những chính sách sai lầm và bất nhất của Hoa Kỳ vào những năm 1964-1969. Những sai lầm này không những đã đóng góp vào sự thất bại của Hoa Kỳ và sự thất thủ của miền Nam VN mà còn để lại hệ lụy đến ngày hôm nay; đó là một xã hội Hoa Kỳ hoàn toàn chia rẽ mỗi khi nói đến chiến tranh Việt Nam.
Chiếu Phim, Thảo luận về Phim VIETNAMERICA
Buổi chiều Hội thảo gồm 2 tiết. Tiết từ 1:30pm tới 3:00pm và từ 3:30pm tới 5:00pm. Mỗi tiết gồm 4 phòng hội thảo; mỗi phòng có từ 2 tới 3 bài tham luận. Tiết 1 và tiết 2 tại phòng Petroleum dành cho việc chiếu phim và thảo luận về phim VIETNAMERICA.
Cựu Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã một lần nữa đã làm điều phối viên. Ông giới thiệu nhà sản xuất Nancy Bùi. Bà Nancy chia sẻ: VIETNAMERICA là tác phẩm của hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt và công ty Edwards Media, đã dược làm để nói lên sự thực về chiến tranh Việt Nam đặc biệt là chuyện gì đã xảy ra cho người miền Nam VN sau khi chiến tranh chấm dứt Bà nhấn mạnh rằng: mọi người trên thế giới đã nghĩ rằng người Việt Nam đã tìm được hòa bình và sống an vui, nhưng không lâu ngay sau đó, thế giới kinh ngạc trước những con thuyền rách nát chở những con người khốn khổ trốn chạy khỏi quê hương để tìm tự do. Đã có hàng trăm ngàn người bỏ xác trên đường đi tìm tự do trong nhiều thập niên trên biển đông. Những người sống sót đã được nhiều nước trên thế giới đón nhận, riêng tại Hoa Kỳ, người Việt trở thành nhóm người tị nạn đông đảo nhất với những thành công và đóng góp đáng kể vào đất nước này.
Phần chiếu phim đã lôi cuốn được khán giả với nhiều cảm xúc, nhiều khán giả đã khóc vì cảm thương cho hoàn cảnh đáng thương của các nhân vật trong phim.
Phần thảo luận khá sôi nổi dưới sự điều phối đầy kinh nghiệm của cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã và sự tham gia của Bác sĩ Phạm Đình Vượng, chủ tịch Ban Điều Hành của Tập Thể Chiến sĩ VNCH Hải Ngoại và ông John Hòa Nguyễn, Giám đốc Liên lạc Cộng đồng của hội VAHF và nhà sản xuất Nancy Bùi. Một số khách người Mỹ phát biều những cảnh trong phim họ có nghe nhưng ít được thấy và họ cám ơn nhà làm phim đã đem đến cho họ để họ hiểu thêm về những gì đã xảy ra cho người Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt. Câu hỏi khác thuộc về nhóm nghiên cứu sinh trẻ đến từ VN hỏi rằng những người trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ làm thế nào để vượt qua sự khủng hoảng về bản thể tại xứ người đã được trả lời rằng Hoa Kỳ là một Hiệp Chủng Quốc, người dân đến định cư từ ít nhất là 168 quốc gia trên thế giới, do đó, người trẻ dù có phải trải qua một giai đoạn khó khăn về tinh thần của tuổi thanh thiếu niên thì cũng như các bạn trẻ khác tại Hoa Kỳ. Đặc biệt là sự đa dạng về sắc tộc tại Hoa Kỳ đang có những thay đổi mà theo các nhà nhân chủng học thì đến năm 2025, người Mỹ trắng tại Hoa Kỳ có thể trở thành người thiểu số trên đất nước này. Vì thế, có những bài báo hay những tuyên truyền từ trong nước nói rằng thanh thiếu niên VN sống trên nước Mỹ khủng hoảng về bản thể, về nguồn gốc trầm trọng là không đúng. Một câu hỏi khác hỏi rằng vì sao người Việt hải ngoại vẫn mang quá nhiều hận thù mà không cùng những người trong nước xây dựng đất nước, chiến tranh đã chấm dứt 44 năm rồi? Ba tham luận viên đã trả lời rằng nếu nói người Việt hải ngoại vì hận thù mà không hợp tác với nhà nước CS thì không đúng. Người Việt lúc nào cũng yêu thương quê hương, chúng tôi vẫn nhớ từng con đường, từng nhánh sông, từng dãy phố chúng tôi đã sống một phần đời. Với người Việt Nam, họ là bà con, thân thuộc của chúng tôi, chúng tôi không có gì để thù ghét họ. Chúng tôi không tiếp tay với nhà cầm quyền CSVN vì biết rằng mọi lợi ích sẽ chỉ đem lại cho họ và phe nhóm của họ, trên 90% người dân vẫn phải sống nghèo đói trong kềm kẹp thiếu tự do, thiếu công bằng dưới một chế độ toàn trị, độc đảng.
Riêng ông bà Wiliam & Mary Alice Tynan là những nhà giáo sống và làm việc tại khu học chánh thành phố Lubbock đã chia sẻ: “Cuốn phim có giá trị giáo dục, tất cả những người trẻ tại Hoa Kỳ cần phải xem, chúng tôi sẽ vận động để tất cả học sinh Trung học thuộc khu học chánh Lubbock phải được xem phim VIETNAMERICA để các em hiểu được giá trị của tự do và yêu mến quê hương của họ nhiều hơn”.
Canada và Viện Bảo Tàng Quân Đội Calrary Alberta
Trong khi đó tại phòng Utility, phối trí vên Rebecca McGee, thuộc Đại học Texas Tech giới thiệu 3 diễn giả nói về đề tài Người Canada và Chiến Tranh VN. Quản thủ Thư viện Rory Cory giới thiệu cuộc triển lãm được bày ngay trong hành lang của các dãy phòng Hội thảo. Diễn giả James Baldwin đến từ Viện Bảo tàng Quân đội Calgary Alberta trình bày về chương trình Oral History phỏng vấn những cựu chiến binh Canada từng có mặt tại VN trong thời chiến tranh.
Hai diễn giả Cựu Thượng sĩ Mike Male từng có mặt tại Việt Nam từ năm 1967-1971 thuộc đơn vị Kỹ thuật và Corporal Dana Urban, công tác tại VN từ năm 1968-1969 trong ngành Quân Y thuộc đơn vị thứ 26 của Thủy Quân Lục Chiến. Trong suốt thời chiến tranh, mặc dù Canada đứng thế trung lập và đất nước Canada từng là “nơi trú ẩn an toàn” (safe haven) của nhóm phản chiến chống chiến tranh VN và những người Mỹ trốn quân dịch ẩn náu, nhưng chính phủ Canada cũng đã có những chương trình nhân đạo. Họ gửi các đơn vị quân y và kỹ thuật để giúp về vấn đề cứu thương cũng như xây dựng những đổ nát của chiến tranh VN. Chính phủ Canada cũng đã ghi chép và bảo tồn những hình ảnh và kinh nghiệm của các cựu chiến binh của họ để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau của Canada.
Tại phòng Cotton, ba diễn giả nói chuyện về những binh chủng đặc biệt qua sự giới thiệu của nhà báo Donald Kirk. Ông Stephen Sherman, một cựu chiến binh trình bày về Lực Lương Đặc Biệt Green Beret, Kyle Horst giới thiệu về Ông Thái Khắc Chuyên và Lực Lượng Green Beret và Tiến sĩ James Sanday, Thuộc Đại học UT Arlington.
Phòng Heritage có 2 bài tham luận về cái nhìn tổng quát về cuộc chiến vào năm 1969 và chính sách của Tổng Thống Nixon. Giáo sư Lloyd Gardner của Đại học Rutgers làm phối trí viên với sự trình bày của Tiến sĩ Carolyn Eisenberg thuộc đại học Hofstra và nghiên cứu sinh Tiến sĩ Ashley Neale thuộc Đại học Kansas.
“Đâu là Những Chọn Lựa Có Thể Của TT Nixon?”
Ngày đầu Hội thảo được kết thúc bằng bữa tiệc tại Đại sảnh của Trung Tâm Văn Hóa Quốc tế của Đại học Texas Tech. Tại đây, khảng gần 50 cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại VN và cựu chiến sĩ VNCH được mời lên nhận một nút cài áo kỷ niệm của cựu chiến binh với hình diểu hâu đẹp mắt. Quang cảnh của đại sảnh với trần nhà xây hình vòng tròn có treo một rừng cờ của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi quan sát thì thấy không có cờ CSVN cũng như cờ VNCH được treo.
Bài nói chuyện với đề tài “Đâu là Những Chọn Lựa Có Thể Của Nixon?” của Tiến sĩ Fred Logevall, tác giả đoạt giải Pulitzer năm 2013 với tác phẩm: Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam, tạm dịch là: “Tàn Cuộc Chiến: Sự Sụp Đổ Của Một Đế Chế và Ảnh Hưởng Hoa Kỳ Vào Việt Nam”. Với cái nhìn của sử gia kinh điển cho rằng chiến tranh VN sau 1954 -1975 là sự kéo dài của cuộc chiến chống Pháp của người quốc gia VN (nationalist) chống thế lực xâm lăng từ phương Tây và cả hai thế lực Pháp rồi Mỹ đã phải thua tại vùng đông Nam Á và TT Nixon không có nhiều chọn lựa khi vụ nghe lén Watergate bị phanh phui với kết cuộc là TT. Nixon phải từ chức. Những lập luận này không có gì là mới mẻ, hấp dẫn mặc dầu diễn giả là người có tiếng. Thêm vào suốt một ngày dài làm việc, không còn mấy ai tập trung để theo dõi.
Trên 40 bài tham luận cho ngày cuối của cuộc Hội thảo
Ngày thứ ba của Hội thảo chương trình cũng đầy ắp. Chúng tôi đếm được tất cả trên 40 bài tham luận gồm những đề tài về: Hành quân của Không lực Hoa Kỳ, Tham dự của các quân đội đồng minh Cam Bốt, Nam Hàn, Canada, Các mật vụ của Ba Lan, Phong trào phản chiến của nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ và Nhạc phản chiến vào năm 1969, Chương trình phát triển nông thôn với sự hỗ trợ của các cố vấn Mỹ, Kinh Tế của Nam Việt Nam trong thời gian Việt Nam Hóa, Những trận đánh lớn sau Việt Nam Hóa gồm trận Hamburger Hill và Cuộc hành quân tại Cam Bốt, Thảm sát Mỹ Lai, Giáp chiến trong chiến tranh VN, Việt Nam Hóa và tình hình an ninh của miền Nam, Hội thảo bàn tròn về kinh nghiệm của cựu chiến binh người Mỹ gốc Latinh, Nhiệm vụ mới của hàng không mẫu hạm USS Midway trở thành viện Bảo Tàng với Trung Tâm Nghiên cứu về chiến tranh VN cho các thầy cô giáo, Mặt trận hậu phương tại Nam Việt Nam với hai bài tham luận về phát triển Đại học tại miền Nam và Phong trào Phật giáo tranh đấu ảnh hưởng ra sao tới sự thất bại của miền Nam VN từ năm 1969 tới- 1975, Kinh nghiệm của người lính tiền phương trong năm đầu tiên của Việt Nam Hóa, Chương trình Việt Nam Hóa và Bình Định tại Sư đoàn 5 VNCH, Hiệu quả của Việt Nam Hóa, Tù binh chiến tranh CSVN đã được đối xử ra sao, Tị nạn, và Lực lượng Cảnh sát của miền Nam VN vào năm 1969.
An Ninh và Phát Triển Kinh Tế của Miền Nam VN thời Việt Nam Hóa
Mặc dầu Vietnam Center có hai bộ sưu tập nổi tiếng mà trên bảng quảng cáo của website, Việt Nam Center vẫn quảng bá hàng ngày; đó là bộ sưu tập của ký giả Douglas Pike với đầy đủ những chứng cứ tội ác của CSVN về cuộc thảm sát Mậu Thân và bộ sưu tập về Tù Nhân Chính trị VN gồm 200, 000 đầy đủ tang chứng của gần 1 triệu tù nhân chính trị gồm những sĩ quan, viên chức của quân đội và chính quyền VNCH, những vị lãnh đạo tôn giáo, trí thức doanh thương gia và những người bất đồng ý kiến về việc cai trị tàn ác của CSVN. Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt đặt để tại đây từ năm 2007. Bộ sưu tập này do bà Khúc Minh Thơ và Hội Tù Nhân Chính Trị Việt Nam lưu trữ trong gần 30 tranh đấu cho tù nhân chính trị VN được thả tự do và định cư tại Hoa Kỳ. Nhưng những buổi hội thảo hàng năm ở đây trong hơn 26 năm qua phần lớn vẫn nghiêng về phe chống chiến tranh và ít nhiều phản ánh những luận điệu tuyên truyền của CS. Lý do chính vì những buổi hội thảo này tùy thuộc vào ai là những diễn giả? Họ là những người bị ảnh hưởng sách vở cũ của các sử gia kinh điển phản chiến Hoa Kỳ, những nhà nghiên cứu như những con mọt sách nhai đi, nhai lại mớ kiến thức cũ rích và sai sót. Thêm vào những nỗ lực tuyên truyền của CSVN liên tục mỗi năm bỏ hàng nhiều triệu đô la để dịch ra tiếng Anh những sách vở tuyên truyền của họ. Ít ai có can đảm nghiên cứu và tìm hiểu rộng hơn để có cái nhìn khác biệt với đám đông bậc thầy đã sai và còn tiếp tục sai?
Vì thế, hai phần trình bày và thảo luận của 6 viên chức VNCH do Giáo sư Tiến sĩ Tường Vũ, Giám đốc Trung tâm Á Châu học tại Đại học Oregon điều phối đã là một luồng gió mới cho cuộc hội thảo năm nay của Việt Nam Center. Phần trình bày về Kinh tế của miền Nam trong thời Việt Nam Hóa được mở đầu với đề tài: “Cải cách hay sụp đổ: Thách thức kinh tế đối với Việt Nam Cộng Hòa 1969-1973” do nguyên Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc, một người có rất nhiều kinh nghiệm về Ngân hàng trước khi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng, năm nay ông đã 92 tuổi nhưng tuổi tác đã không ảnh hưởng gì đến bài thuyết trình của ông. Bài nói chuyện của ông thật khúc triết với những dẫn chứng mạch lạc. Ông nói về thách thức lớn nhất trong thời gian này là làm thế nào để cân bằng ngân sách trước những cắt giảm viện trợ. Trước đó, tiền viện trợ chiếm 80% ngân sách quốc gia, tới năm 1973, viện trợ giảm xuống số không nên cần phải khuyến khích sản xuất, nỗ lực tìm kiếm và phát triển ngành dầu hỏa, phải tìm các nguồn thuế để bù đắp như thuế nhập cảng các mặt hàng xa xỉ. Khi đó có 40 loại thuế khác nhau khiến dư luận dân chúng và báo chí không mấy ủng hộ. Ông và nhân viên của ông phải tìm ra nhiều giải pháp và những điều chỉnh liên tục. Ông là Tổng trưởng kinh tế lâu đời nhất vào lúc bấy giờ (1969-1973). Dù sao thì kinh tế miền Nam trải qua rất nhiều khó khăn nhưng không vì sự cắt giảm đột ngột đó mà sụp đổ. Đây cũng là một thành quả đáng ghi nhận, nhất là trong một hoàn cảnh khó khăn là áp dụng kinh tế thị trường, một hình thái kinh tế rất mới cho một xã hội vừa ra khỏi một nửa là chế độ đô hộ của người Pháp và một phần là quân chủ chuyên chế, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt.
Kinh tế miền Nam trong cảnh “Mỹ hóa chiến tranh”
Bài tham luận thứ hai do Tổng trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ Nguyễn Đức Cường nói về những nỗ lực phát triển thương mại và Kỹ nghệ. Ông Cường cho biết; ông và nhóm bạn trẻ vào thời đó được học bổng du học tại Mỹ qua chương trình USAID (US Agency For International Development). Ông về nước năm 1965, cùng thời với những chuyên viên trẻ với kiến thức học từ Hoa Kỳ, hầu hết thuộc các ngành kỹ thuật, với những tên tuổi như Hoàng Đức Nhã, Trần Quang Minh, Nguyễn Đăng Khôi, Lê Trọng Mưu, Lê Mạnh Hùng, Hà Xuân Trừng…và với một bầu nhiệt huyết muốn làm một cái gì đó cho đất nước. Riêng ông với bằng kỹ sư nhưng với nhu cầu lúc bấy giờ, ông đã sớm từ bỏ ngành kỹ thuật và phục vụ trong ngành kinh tế, thương mãi và Kỹ nghệ.
Ông chia sẻ: “Vào lứa tuổi của chúng tôi, chúng tôi may mắn được sống khoảng thời gian đẹp nhất của miền Nam; đó là những năm 1956-1963 dưới thời TT. Ngô Đình Diệm. Khi người Mỹ muốn đưa quân vào Việt Nam, ông Diệm bị giết và sau đó là một thời gian khủng hoảng chính trị. Năm 1965 họ bắt đầu đổ quân vào VN và chỉ trong khoảng 2 năm vào cuối năm 1967 số quân nhân Mỹ có mặt tại miền Nam là trên 500,000”. Ông gọi thời gian này là thời gian “Mỹ hóa chiến tranh”. Ngoài mặt trận chiến tranh mỗi ngày, mỗi khốc liệt, tại hậu phương, việt Nam đón nhân một số lính Mỹ đông đảo với những phương tiện được đưa thẳng từ Mỹ. Họ đổ tiền vào xây đường xá, căn cứ. Họ đem cả mộ hệ thống chợ PX để đưa thực phẩm và đồ gia dụng…kinh tế và đời sống người Việt cũng được nâng cao. Tuy nhiên, vì chiến tranh mở rộng, đất sản xuất bị co lại. Hàng nhập cảng tràn ngập, miền Nam trở thành một xã hội tiêu thụ và mỗi ngày mỗi phải dựa vào tiền viện trợ. Dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa gần 10 năm tổng số tiến viện trợ chỉ khoảng trên 3 tỉ; trung bình mỗi năm khoảng $220 triệu. Từ năm 1965 tới 1975, tiền viện trợ lên tới 22 tỉ. Có những năm tiền viện trợ lên tới 4 tỷ. Trong khi đó, gần một nửa ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng, dù mức lương bổng của 1.4 triệu quân nhân và công chức rất thấp so với vật giá. Trong bối cảnh đó, bộ thương mại và kỹ nghệ cố gắng phát triển đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đánh thuế vào hàng nhập cảng để khuyến khích hàng nội địa, thành lập những khu công nghiệp, tìm các nguồn tài trợ ngoài viện trợ của Hoa kỳ, phát triển việc tìm các mỏ dầu, và đánh bắt hải sản…những biện pháp này đã giúp Nam Việt Nam giữ mức độ lạm phát khoảng 30%-40% là mức độ có thể chịu đựng được.
Sự phồn vinh với những nhà cao cửa rộng, quán xá tấp nập, ban đêm quán bar đèn xanh đỏ tưng bừng, tập trung tại thủ đô Sài gòn, ảnh hưởng từ chiến tranh chỉ là lâu lâu có những vụ đánh bom của đặc công CS gây chết chóc và thiệt hại không đáng kế. ¾ dân số còn lại sống tại các miền quê nghéo khổ và phải đối đầu với chiến tranh hằng ngày, hàng giờ. Hình ảnh này đã không gây ấn tượng đẹp đẽ cho những dân biểu, thượng nghị sĩ, báo chí Hoa Kỳ, những viên chức trong phái đoàn đi khảo sát thực tế (fact finding) đến Việt Nam để xem dân cho biết sự tình để về trình lại với chính phủ, quốc hội và người dân Hoa Kỳ, những người đã và đang đóng thuế để viện trợ cho cuộc chiến tranh quá dài, quá mỏi mệt. Phong trào chống chiến tranh VN tại Hoa Kỳ lan dần ra thế giới, cùng với truyền thông, không bỏ lỡ cơ hội để truyền truyền Miền Nam mất dần sự ủng hộ của quốc hội, của người dân Hoa Kỳ và toàn thế giới.
Phải công tâm mà nói, nhìn chung dù gặp nhiều khó khăn vì chiến tranh, so với các nước Á Châu trong vùng như Thái Lan, Đài Loan, Nam Hàn…Nam Việt Nam vẫn phát triển trước họ nhiều mặt. Riêng nếu so sánh với miền Bắc thì đời sống dân miền Nam cao hơn cả trăm lần. Nhưng vào lúc đó, mấy ai đã lên tiếng để bênh vực cho miển Nam?
Phần trình bày về “Năm 1969: Chương Trình Người Cày Có Ruộng Ra Đời” (1969: The Year the Land-to-the-Tiller” Program was Launched) do cựu Thứ Trưởng Bộ Cải Cách Điền Địa và Phát Triển Nông Nghiệp, Trần Quang Minh trình bày. Là một trong những chuyên viên được học từ Mỹ về, thứ trưởng Minh gốc người miền Tây, xuất thân từ gia đình điền chủ nên ông rất gần gũi với nông thôn miền Nam. Với tuổi đời gần 80 nhưng ông vẫn không dấu được sự nhiệt tình khi ông nói về những thay đổi tốt đẹp cho nông thôn Việt Nam ngày ấy. Những biện pháp để chống giá gạo tăng hầu ổn định thị trường, việc thử nghiệm và thành công của lúa Thần nông, những thay đổi cung cách làm việc bị ảnh hưởng nặng nề lối làm việc chậm chạp, thiếu năng động và sáng kiến của người Pháp, đặc biệt là chương trình “ Người Cày Có Ruộng” đem lại công bằng và sinh khí mới cho nông thôn Vệt Nam khiến cho một số những phân tích gia trên thế giới phải nhận định rằng: “ Người Cày Có Ruộng là chương trình thành công quan trọng nhất của Việt Nam Hóa chiến tranh”, vì “đây là cuộc cách mạng nông thôn đem lại công bình, no ấm cho người dân mà không cần đổ một giọt máu”…
“Đồng minh nhưng không đồng lòng”
Phần trình bày về tình hình an ninh và những biện pháp đáp ứng với tình hình mới của miến Nam với 3 bài tham luận; một của cựu Tổng Trưởng Dân vận và Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã qua đề tài: “Tác động Của Việt Nam Hóa và Chiến lược Tự lực và Tự Cường”. Ông Hoàng Đức Nhã mở đầu phần trình bày với tuyên bố rằng danh từ Vietnamization, mà các giới truyền thông dịch là Việt Nam Hóa, là một danh từ phía chánh quyền Nixon tạo ra vì nhu cầu giao tế và giải thích chánh sách mới của họ. Ông Nhã nói thêm rằng chánh phủ VNCH không bao giờ dùng danh từ Việt Nam Hóa. Trái lại, VNCH lúc nào cũng mô tả chánh sách Tự Túc Tự Cường của mình là một mặt, quân lực VNCH, dần dần và theo một chương trinh có mục tiêu rõ ràng và thời gian tính, thay thế các đơn vị chiến đấu và hỗ trợ của Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, và mặt khác, VNCH yêu cầu Hoa Kỳ giúp đở quân sự và kinh tế để bảo tồn tự do và phát triển đất nước.
Ông Nhã xác nhận rằng VNCH giữ cam kết trong việc thây thế quân lính Hoa Kỳ mặc dù Cộng Sản Bắc Việt vẫn tấn công toàn diện trên lãnh thỗ của VNCH; tuy nhiên, phiá Hoa Kỳ dần dần cắt đứt viện trợ quân sự và kinh tế để mặc VNCH tiếp tục chiến đấu chống Bắc Việt vẫn được đồng minh Nga Tàu tiếp tục viện trợ dồi dào và với những vũ khí tối tân”;
Trong khi đó, quân VNCH tiếp tục chiến đấu anh dũng trong thiếu thốn nhưng đã thắng vẻ vang những trận tấn công ồ ạt và vũ bão của CSVN như tại Quảng Trị, Bình Long, Kontum… Rồi đầu năm 1973, TT. Thiệu phải ký vào Hiệp định Paris với nhiều khoản bất lợi cho VNCH. Tại nghị trường của Hoa Kỳ, những nghị sĩ dân biểu muốn chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá đã có những vận động và phát biểu bất lợi cho việc vận động Hoa Kỳ giúp Nam Việt Nam cho đến khi được ổn định. Thượng Nghĩ sĩ Fulbright của Arkansas tuyên bố khi nghe tin Nam VN sắp mất: “…không thất vọng hơn khi nghe tin đội banh Arkansa bị thua đội Texas”, hoặc nhóm điều tra thực tế của Quốc Hội Hoa Kỳ về những cáo buộc vi phạm nhân quyền tại VN. Báo cáo của họ đã không có kết quả tốt. Và miền Nam bị cắt đứt dần các nguồn viện trợ quốc phòng cũng như kinh tế sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào đầu năm 1973. Chương trình Việt Nam Hóa coi như sụp đổ hoàn toàn cùng với sự sụp đổ của Nam VN vào ngày 30/4/1975.
Vì lý do sức khỏe, cựu Trung tá Bùi Quyền, Chỉ huy Phó Lữ đoàn 3 Nhảy dù Quân lực VNCH đã không thể đến để trình bày bài thuyết trình: “Quân Đội VNCH Trong Quá Trình Việt Nam Hóa: Những Quan Điểm Một Người Lính tại Tiền Tuyến” (The Army of the RVN during Vietnamization: Reflections of a Frontier Soldier), Cựu TT. Cường đã thay thế đọc bài tham luận để nói đến những khó khăn ngàn lần của quân đội Nam VN khi chiến đấu cùng với quân đội Hoa Kỳ. Khi người Mỹ muốn đổ quân vào miền Nam VN, họ đã làm cho bằng được, họ tự động mà không có sự tham khảo hay đổng ý của chính phủ Nam VN để có sự chuẩn bị tâm lý cho quân dân Nam VN hay dư luận tại Hoa Kỳ. Tháng 3, 1965 họ đã đổ toán quân đầu tiên trên 3,000 quân tại vịnh Đà Nẵng. Những quyết định có tính cách đơn phương này không có lợi về mặt dư luận tại VN cũng như tại Hoa Kỳ, nên mặc dù sau đó là những đợt đổ quân ào ạt trong vòng 3 năm số quân Hoa Kỳ tham chiến tại VN lên tới quá nửa triệu người và hầu như họ và quân đội Nam VN không thua bất kỳ trận đánh nào, nhưng miền Nam đã thất thủ vì lý do chính trị. Đó là kết quả không tránh được của một đồng minh nhưng không đồng lòng. Và đó là kinh nghiệm mà Nam VN đã phải trả giá quá đắt. Những người trả giá đắt nhất là quân cán chính VNCH và gia đình họ.
Bài tham luận cuối cùng của các viên chức VNCH với đề tài “Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Trong Quá Trình Việt Nam Hóa” (The RVN National Police Force during Vietnamization”), do cựu Đại tá Trần Minh Công, Viện trưởng Học viện Cảnh Sát Quốc Gia, trình bày. Ông cho biết ngoài việc gìn giữ an ninh cho hậu phương dù phải đối đấu với các phong trào biểu tình chống đối như của sinh viên, học sinh…, Lực Lượng Cảnh Sát QGVN còn phài lo việc tự cải cách và hỗ trợ cho những những chương trình hỗ trợ quân đội chiến đấu ngoài mặt trận như chương trình tình báo, phối hợp với Bộ Chiêu hồi về tù binh, với các chương trình Bình Định và Phát Triển Nông Thôn. Lực Lượng CSQG đã giữ vũng được hậu phương miền Nam cho đến ngày cuối cùng.
“Đồng sàng, dị mộng”
Những bài tham luận về tình hình miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chuyển tiếp do chính những người trong cuộc trình bày nên nó có giá trị đặc biệt với những chứng từ của người mang rách nhiệm nói về những nỗ lực của miền Nam ngoài việc bảo vệ đất nước vẫn cố gắng xây dựng xã hội, kinh tế, kỹ nghệ, thương mại…Mặc dầu còn rất non trẻ nhưng những viên đá đầu tiên đã được đặt xuống cho nền tảng của môt xã hội dân chủ tự do, tôn trọng quyền làm người. Tiếc thay cơ hội này đã không được cất cánh, cũng như dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa sau những năm tháng ổn định chính trị, cơ hội ổn định miền Nam và chiến thắng Cộng sản của TT. Ngô Đình Diệm cũng bị tan tành khi người Mỹ muốn đưa quân vào miền Nam ủng hộ phe đảo chính, giết TT. Diêm và đổ quân ào ạt vào miền Nam khiến miền Nam mất dần chính nghĩa.
Kinh nghiệm đau xót của người Việt tự do với đồng minh Hoa Kỳ, “nhũng kẻ đồng sàng nhưng dị mộng”với đồng minh Nam Việt Nam và những nỗ lực xây dựng đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt của nam VN để người dân được hưởng tự do, nhân bản, trong khi miền Bắc thì hoàn toàn nằm trong sự kềm kẹp của của CSVN, người dân sống không hơn con vật, phải hy sinh tất cả cho mộng bá chủ của CSVN và CS quốc tế. Phần đông các sử gia Hoa Kỳ cố tình bỏ quên và CSVN thì tìm mọi cách che dấu và xuyên tạc. Muộn còn hơn không, nếu chúng ta nói lên với đầy đủ chứng cớ hai vấn đề quan trọng kể trên tại các diiễn đàn giáo dục như tại Vietnam Center đây, thì hy vọng bài học về chiến tranh VN có cơ hội được sáng tỏ cho thế hệ mai sau cùng học hỏi và tránh vết xe đổ.
“Hiểu Kẻ Thù: Chìa Khóa Chiến Thắng Của Hà Nội”
Bài nói chuyện trong bữa trưa thứ bảy tại phòng Petroleun của Giáo sư tiến sĩ Pierre Asselin thuộc đại học San Diego State với đề tài “Hiểu Kẻ Thù: Chìa Khóa Chiến Thắng Của Hà Nội” (Understand the Enermy: Keys to Ha Noi’s Victory) đã có cái nhìn sắc bén về chiến thuật, chiến lược của Hà Nội. Ông phân tích rằng Hà Nội biết không thể nào chiến thắng Hoa Kỳ và Nam Việt Nam bằng súng đạn, nên họ đã nhắm vào cuộc chiến tranh tâm lý, vận động dư luận tại Hoa Kỳ và toàn thế giới bằng cách dồn mọi nỗ lực vào mặt trận tuyên truyền với sự hỗ trợ của tình báo Nga. Họ đã đưa ra những hình ảnh để mô tả Hoa Kỳ là kẻ mạnh đến VN để xâm lăng những người yếu đuối, nhỏ bé chỉ muốn bảo vệ quê hương. Những hình ảnh như: một anh lính Mỹ to béo đứng cạnh một nữ cán binh cộng sản ôm súng người gầy gò và chỉ cao bằng nửa người lính Mỹ, hay hình ảnh cô Kim Phúc chạy trần truồng trên đại lộ Trảng Bàng vì bị bom Napal đốt cháy …Và hình Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉa súng bắn tên đặc công Nguyễn văn Lém mặc quần áo dân sự để bôi nhọ miền Nam là một chế độ tàn ác và người Mỹ đã đứng về phía kẻ ác trong cuộc chiến tranh. Hà nội đã khôn ranh trong việc họ sống lẫn trong dân nên những chiến dịch sai lầm của người Mỹ như “Search and Destroy” tạm dịch là “Tìm Kiếm và Tiêu Diệt” đã bị chống đối gay gắt ngay tại Hoa Kỳ. Khi người Mỹ đi hành quân họ vào làng mạc, họ không phân biệt được ai là Việt cộng ai không nên họ rất lúng túng, họ giết lầm cũng có nên ngay cả một số lính Mỹ cũng rất hoang mang và sợ hãi. Khi về Mỹ họ gia nhập các tổ chức cựu quân nhân chống chiến tanh VN, chính họ cũng lên án gay gắt cuộc chiến mà họ từng tham dự.
Từ đó, cả thế giới đã lên án cuộc chiến tranh, những phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ mỗi ngày mỗi lớn mạnh rồi lan đi khắp thế giới như Canada, Âu Châu, Á Châu. Cuối cùng chính phủ Hoa Kỳ mất sự hỗ trợ của người dân. Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống tất cả những sự trợ giúp cho miền Nam Việt Nam. Và tất nhiên kết quả là Hoa Kỳ phải rút ra để miền Nam chiến đấu một mình và sụp đổ vì không có nguồn viện trợ trong khi Hà Nội vẫn tiếp tục được viện trợ gấp nhiều lần từ Nga Xô và Tàu.
Có thể nói Giáo sư Pierre Asselin là đại diện cho giới sử gia trẻ, trung thực, can đảm dám đi ngược lại những kinh điển của nhóm sử gia đàn anh, những người bị ảnh hưởng nặng nề của giới phản chiến để nghiên cứu sâu rộng hơn trong việc đem lại trung thực cho lịch sử và trả lại công bằng cho miền Nam Việt Nam.
Những bài tham luận từ nhóm giáo sư, nghiên cứu sinh trẻ từ trong nước.
Thế Hệ Sử gia Kế tục về Chiến Tranh Việt Nam Của Hà Nội
Hầu hết người Việt Hải ngoại cũng như trong nước khi được biết về sự tham dự của một số thuyết trình viên từ trong nước, mọi người đều rất tò mò và muốn biết nhóm này nói gì và phản ứng của người tham dự ra sao? Một số những người tham dự từ cộng đồng người Việt khắp nơi đã được nhắn gửi, thậm chí có những người cung cấp rất nhiều tài liệu về đủ mọi lãnh vực với hy vọng người tham dự sẽ có đủ dữ kiện để phản bác những luận điệu tuyên truyền.
Hiểu được sự mong đợi đó nên nhóm người Việt hải ngoại tham dự đến từ nhiều thành phố: New Orleans, Dallas, Austin, Illinois, San Jose, Santa Anna, Washington DC, Boston…đã cùng nhau ngồi lại và chia người ra để tham dự ít nhất là 6 bài thuyết trình của nhóm từ Việt Nam gồm:
“Vai trò chuẩn mực của Báo chí Việt Nam Cộng hòa: Trường hợp Việt Nam hóa năm 1969” do Thanh Hoàng, nữ nghiên cứu sinh từ Đại học Khoa học Nhân văn TP HCM, Việt Nam, “Trận Đánh Hamburger Hill Từ Cái Nhìn Của Người Việt Nam” do Tiến sĩ Lê Nam Trung Hiếu từ Đại học Huế, Việt Nam, “Thảm sát Mỹ Lai- Chất xúc tác cho Việt Nam Hóa” do nghiên cứu sinh Hùng Nguyễn từ Đại học Khoa Học Nhân Văn TP HCM, Việt Nam và William Doan, từ Đại học Columbia, “ Học thuyết Nixon và tác động của nó đối với mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh châu Á (Nam Hàn, Thái Lan và Philippines”. Do nghiên cứu sinh Đỗ Diệu Khuê của Đại học Quốc gia Hán Thành.
Riêng đề tài được dành cho nguyên một phần của cuộc Hội Thảo là “Mặt Trận Hậu Phương Trong Chiến Tranh Việt Nam” tại phòng Heritage do Tiến sĩ Justin Heart của Đại học Texas Tech giới thiệu và điều phối, gồm 2 bài tham luận: ” Nền Giáo dục đại học của Nam Việt Nam Phát Triển Trong Bối Cảnh Việt Nam Hóa” do nghiên cứu sinh Triệu Duy Hà thuộc Đại học Khoa học Nhân Văn TP HCM, Việt Nam, “ Ảnh Hưởng Của Phong Trào Phật Giáo Tới Sự Thất Bại của Kế Hoạch Việt Nam Hóa và Chính Quyền Sàigòn, 1969-1975” của Đại học Khoa học Nhân Văn TP HCM, Việt Nam.
Nhìn chung thì những bài tham luận này nói về những đề tài về Nam Việt Nam gồm mọi lãnh vực; các trận đánh, mặt trận tuyên truyền, sự tham dự của các đồng minh, sinh hoạt báo chí, đại học, cho đến những phong trào phản chiến và chống chính phủ tại hậu phương… giống như là họ đại diện cho miền Nam VN để đi trình bày về quan điểm của người Việt Nam (bao gồm cả Bắc lẫn Nam VN), những người đã đứng lên chống xâm lăng trước là Pháp và sau là Mỹ . Nội dung trình bày không có những điều tuyên truyền trắng trợn nhưng hầu hết là nhắc đi nhắc lại một cách nhã nhặn hơn, có tham khảo hơn so với những luận điệu một chiều của CSVN và nhóm phản chiến.
Điều khác biệt rõ nét là những thuyết trình viên mà chúng tôi tạm gọi là “thế hệ sử gia kế tục về chiến tranh Việt Nam của Hà Nội” không giống những người CS thuộc thế hệ trước sang tham dự hội thảo nhưng chỉ nói tiếng Việt, phải có thông dịch viên, với bề ngoài còn rất xa lạ với thế giới văn minh. Những thuyết trình viên từ trong nước ra hôm nay là những người trẻ, rất trẻ, nói tiếng Anh khá lưu loát, với bề ngoài lịch thiệp trông còn có dáng ngây thơ và rất dễ gây cảm tình với người chung quanh. Khi bị chất vấn, nếu các em không trả lời được thì đều trả lời rất nhã nhặn là các em không biết. Một số người Mỹ tham dự cũng có những lời như bênh vực các em cho rằng Việt Nam giờ đã đổi khác và người Việt Nam hiện nay đang sống hạnh phúc. Lại có những người Mỹ trả lời ngay sau đó rằng nếu nói người Việt Nam đang sống hạnh phúc thì đó là nhận xét quá khái quát không nhìn sâu vào thực tại…
Một đầu tư lớn cho một kế hoạch không nhỏ và lâu dài của Hà Nội
Kinh nghiệm về chương trình dạy tiếng Việt tại học đường Hoa Kỳ
Chúng ta không cần phải lý luận xa xôi để có thể nhìn ra CSVN đã chịu đài thọ cho một phái đoàn trên dưới 10 người cho một chuyến đi nhiều ngày thì chắc chắn rằng đây là một đầu tư rất lớn cho một kế hoạch không nhỏ và lâu dài.
Những năm gần đây, sinh viên trong nước không mấy ai muốn học môn Sử nếu không bị bắt buộc. Do đó, có những năm sĩ số của các lớp Sử tại các đại học nhiều nơi đã xuống tới số 0. Lý do chính vì Sử học trong nước chỉ gồm tuyên truyền một chiều về chủ nghĩa Cộng sản và luôn dùng “chỉ đỏ xuyên suốt” tức là nhìn điều gì cũng lý luận theo lăng kính của chủ nghĩa CS, khiến sinh viên phải chán ngán. Hơn thế nữa, học Sử không kiếm được việc làm, ngoài việc làm thầy dạy Sử để phải nhai đi, nhai lại những điều dối trá cũ rich thì không gì nhàm chán bằng.
Nhưng chương trình giáo dục thì không thể không có môn Sử nên nhà nước CS phải tìm cách đưa ra một chương trình hấp dẫn hơn. Không có gì hấp dẫn cho sinh viên trong nước hơn là được xuất ngoại, nhất là xuất ngoại sang Mỹ. Vì thế, học Sử hôm nay lại có cơ hội hơn nhiều ngành khác cho sinh viên. Riêng với nhà nước CSVN lại có một đội ngũ trẻ, năng động đi ra ngoài tuyên truyền cho họ.
Xa hơn nữa, mới đây, tại Hoa Kỳ đã có những vận động ráo riết của cộng đồng người Việt cũng như một số các vị dân cử như nguyên Thượng Nghị sĩ tiểu bang California Janet Nguyễn cho chương trình dạy sử về nguồn gốc người Mỹ Gốc Việt tại các trường Trung và Đại học và đã đạt được kết quả. Đó là tin vui nhưng nếu cộng đồng người Việt chúng ta không có những đầu tư về nhân lực, thì chương trình này sẽ mở cửa cho “Thế Hệ Sử gia Kế tục về Chiến Tranh Việt Nam của Hà Nội” sang Hoa kỳ để giảng dạy cho con em chúng ta về lịch sử của chúng ta. Kinh nghiệm không lấy gì vui của chúng ta về chương trình dạy tiếng Việt tại học đường Hoa Kỳ tại những địa phương có đông người Việt sinh sống. Sau khi khổ công tranh đấu, cuối cùng các trường không tìm được thầy dạy từ cộng đồng chúng ta, họ đã phải mướn các giảng viên từ trong nước. Chúng ta ai cũng nhìn thấy rằng nếu trường hợp dạy sử cho con em chúng ta sẽ xảy ra như chương trình dạy tiếng Việt thì còn tác hại đến như thế nào?
Chúng ta phải làm gì?
Dự án đào tạo Hỗ Trợ Viết Sử VNCH và Bộ Sử về Người Mỹ Gốc Việt
Để đáp ứng với tình huống cấp bách này, hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF), đã hội ý và hợp tác với nhóm các viên chức VNCH qua vị đại diện là Ông Hoàng Đức Nhã và Giáo sư Tiến sĩ Tường Vũ người đã nhận chức Giám đốc Trung Tâm Á Châu học của Đại học Oregon từ hơn 5 năm qua và là tác giả của 2 cuốn sách có cái nhìn khác biệt so với quan điểm của các sử gia kinh điển Hoa Kỳ ; Vietnam Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology (2017) và Paths to Development in Asia (2010). Chương trình hợp tác gồm 2 phần; một là Hỗ trợ Viết Sử VNCH và hai là hoàn thành Bộ sách sử về Người Mỹ Gốc Việt để đưa vào các trường học Hoa Kỳ và thế giới.
Ông Hoàng Đức Nhã đại diện cho nhóm các cựu viên chức của VNCH những người đã và đang có những nỗ lực tổ chức và tham dự nhiều cuộc hội thảo của các Đại học Cornell, Berkeley, Oregon…trong gần 10 năm qua để nói lên tiếng nói của VNCH, điều mà các sử gia Hoa Kỳ phần đông đã bỏ quên, và CSVN luôn tìm cách lập lờ đánh lận con rằng miền Nam là tay sai của Mỹ nên không có tiếng nói , họ mới là đại diện của người Việt Nam (!). Riêng hội VAHF đã sinh hoạt sang năm thứ 16 với mục đích đưa môn Sử học về nguồn gốc Người Mỹ Gốc Việt vào các Đại học và đang làm việc với 4 Đại Học UT Austin, Rice University, University of California, Irvine và Texas Tech. Hội đã sản xuất phim VIETNAMERICA và hoàn thành chương trình Oral History trên thư khố online và Youtube với trên 4 triệu người xem.
Theo như dự tính thì chương trình hỗ trợ viết sử VNCH trong vòng 5 năm (2020-2025) sẽ được trao cho một tân tiến sĩ (postdoc) nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam và VNCH để trình bày hàng năm tại hai Hội thảo Sử học quan trọng nhất nhì tại Hoa Kỳ liên quan đến Việt nam: Vietnam Center/Texas Tech University và Society for Historians of American Foreign Relations (SHAFR). Nhiệm vụ của tân tiến sĩ còn bao gồm việc mời gọi ít nhất là 2 thuyết trình viên để cùng tham dự..
Riêng về dự án viết Bộ Sử cho người Mỹ Gốc Việt để cung ứng cho các trường Trung và Đại học cũng kéo dài 5 năm. Sẽ có nhiều đồng tác giả, và sẽ có một chương trình làm việc với cộng đồng “Community Outreach” để được hỗ trợ tài liệu, tinh thần cũng như tài chánh hầu có thể hoàn tất một cách tốt đẹp. Ông Hoàng Đức Nhã đã chia sẻ: “Phía CS Việt Nam có kế hoạch lợi dụng những cuộc hội thảo này để trình bày những luận điệu sai lầm và thiên lệch, thậm chí bóp méo sự thật. Nếu chúng ta không tham dự để trình bày và chất vấn họ tại những hội thảo này thì chúng ta sẽ lỡ cơ hội nói lên sự thật và quan điểm của chúng ta về lịch sử VNCH với giới giáo sư, sinh viên, khảo cứu viên, Mỹ và ngoại quốc và thế hệ hậu duệ của chúng ta ở hải ngoại và ở trong nước”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các thành viên của hai dự án nói trên và sẽ thông báo tới độc giả với hy vọng chúng ta cùng góp một bàn tay. Cộng đồng chúng ta không có chính phủ, chúng ta không có kinh phí, chúng ta chỉ có những người có tâm huyết bỏ thì giờ và công sức cho những việc hữu ích chung. Nếu được cộng đồng chúng ta hỗ trợ, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Mong lắm thay!
Triều Giang (05/2019)
Hình trên: Buổi tiệc tại phòng khánh tiết Trung tâm Văn hóa Quốc tế của Đại học Texas Tech. Hình dưới: Một số người Việt Nam chụp hình kỷ niệm sau buổi chiếu phim và thảo luận về phim VIETNAMERICA
Hình trái: Vinh danh người chết: Tiến sĩ Jim Recker , sáng lập viên Vietnam Center mới qua đời năm ngoái. Hình giữa và phải: Nút cài áo hình chim ưng được tặng cho tất cả cựu quân nhân Mỹ, Việt.
HÌnh trái: Giáo sư Tiến sĩ Goerge Herring. Hình cực phải; Giáo sư Tiến sĩ Lloyd Gardner, thuộc nhóm kinh điển, chống chiến tranh VN. Hình giữa là 3 cuốn sách mà hai ông đã đề nghị đọc nếu muốn tìm hiểu về chiến tranh VN. Cuốn đầu nói về người Mỹ tham chiến tại VN là sai lầm, cuốn giữa nói về tâm trạng người lính Bắc Việt, cuốn cuối nói về tâm trạng người lính Mỹ. Không thấy có cuốn nào nói về tâm tình người lính miền Nam VN.
Nhóm nghiên cứu sử trẻ có cái nhìn trung dung, không chịu ảnh hưởng của nhóm sử gia kinh điển: Từ trái, Giáo sư Tiến sĩ Pierre Asselin thuyết trình về đề tài “Hiểu kẻ thù, Chìa Khòa Chiền Thắng Của Hà Nội”, Tiến sĩ Martin G. Clemis, nghiên cứu sinh Uyển Nguyễn, Tiến sĩ Marc Gilbert, trình bày về sinh hoạt của các cố vấn Mỹ và chương đình bình định và phát triển nông thôn.
Từ trái: Buổi cơm trưa đầu tiên tại phòng Petroleum với diễn giả Dương Vân Mai Elliott về đề tài:” Những Bi Quan và Lạc Quan của Các “Think Tank” trong Chiến Tranh Việt Nam”
Triển lãm về Sự có mặt của quân đội Canada trong chiến tranh VN (Hình của Bs. Nguyễn Linh Huy, Boston)
Từ trái: Ông bà Bác sĩ Nguyễn Linh Huy chụp hình kỷ niệm với hai người Canada phụ trách triển lãm, Uyển Nguyễn, cựu TT. Nguyễn Đức Cường, Cựu TT. Phạm Kim Ngọc, Tiến sĩ Ron Milam, Tiến sĩ Tường Vũ, ký giả của VIETV phỏng vấn Tiến sĩ Milam,
Nhóm người Việt hải ngoại tham dự Hội thảo chụp hình kỷ niệm trước khi chia tay. (Ảnh của Hoàng Đức Nhã)
(Nguồn: Triều Giang)