WESTMINSTER, California (NV) – “Những thành công đạt được trong đời tôi đều hoàn toàn không do chủ tâm, nhưng làm gì cũng phải làm cho ‘hết mình,’” MC Việt Thảo chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt bằng giọng chân thành và thân mật.
Theo Việt Thảo, anh là người đầu tiên dùng chữ “MC” (master of ceremony) để thay cho nhiệm vụ giới thiệu chương trình trong các sinh hoạt văn nghệ hay sinh hoạt cộng đồng.
Câu chuyện lý thú bất ngờ giữa Việt Thảo và Người Việt cho thấy một điều ít ai biết đến về một người từng được mệnh danh là “đệ nhất MC” là sự ngẫu nhiên từ bên ngoài xảy đến cho anh và sự “hết mình” trong tâm, là yếu tố để anh thành công.
Những bước ngoặt quan trọng trong đời anh đều xảy ra do một sự ngẫu nhiên, nhưng chính vì có thái độ thích hợp mà anh tận dụng được những ngẫu nhiên đó.
Thái độ của Việt Thảo luôn luôn xuề xòa, dễ mến và tận tâm trong công việc. Vì vậy, đi đến đâu anh cũng chiếm được cảm tình của mọi người chung quanh. Nhờ đó mà làm gì anh cũng thành công dù là chưa hề được huấn luyện để làm công việc ấy.
Vì nhiều điều tốt lành xảy ra cho Việt Thảo một cách ngẫu nhiên nên anh luôn tin vào cái “duyên” và cũng vì anh tham dự quá nhiều cuộc gây quỹ xây chùa nên nhiều lúc, anh nói chuyện sặc mùi thiền.
Thí dụ, trong một lần hẹn gặp anh ở quán Ngon trên đường Garden Grove, anh nhắn tin: “Từ 6 đến 8 giờ (tối) cứ ghé quán, có duyên thì sẽ gặp. Mà không gặp thì cũng sẽ gặp.”
Về sự ngẫu nhiên đầu tiên đưa Việt Thảo vào nghề “MC,” anh kể lại mà vẫn cứ cho là mình may mắn chứ không phải do anh có một cá tính đặc biệt để thành công như vậy.
Vượt biên, đến Mỹ vào Tháng Giêng, 1980, anh gác bỏ mảnh bằng chuyên khoa Khoa Học để làm “assembly” cho hãng sản xuất dụng cụ chơi “golf.” Anh cười vang: “Mới qua Mỹ mà được họ trả $2.10 một giờ, tôi mừng quá, đâu dám đòi hỏi gì hơn đâu,” Việt Thảo tâm sự. “Trừ thuế má, mỗi tuần tôi lãnh về $79 là thấy hạnh phúc quá rồi.”
Định mệnh hay cái “duyên” đẩy đưa, một hôm anh dự đám cưới một người quen. “Lúc đó, một đám cưới mà có năm, sáu bàn là ‘xôm tụ’ lắm rồi và làm gì có văn nghệ giúp vui,” anh kể. “Ăn uống xong, nhân lúc trà dư, tửu hậu, tôi ngồi kể chuyện vui với mấy người ngồi cùng bàn. Rồi mấy người ở bàn gần đó xúm lại nghe.”
Không nhớ hôm ấy anh kể chuyện gì, nhưng một lúc sau, có người đến “ngỏ lời” với anh.
Anh hồi tưởng: “Một người đàn ông không quen biết đến mời tôi tuần sau đến dự đám cưới của gia đình ông ấy. Rồi ở đám cưới đó, lại có người khác mời tôi nữa. Lần này, ông ấy đề nghị tôi nhận $200 thù lao.”
Rồi tin đồn vang xa, số tiền người ta trả cho anh vượt hơn $250, rồi dần dần hơn cả những người có tài hài hước lẫn ảo thuật, lẫn ca hát có danh tiếng từ Việt Nam đang tính giá lúc bấy giờ.
“Được vậy, tôi nửa mừng, nửa lo. Biết mình cần thêm tài liệu, tôi ra nhà sách Tú Quỳnh mua sách hài hước về đọc. Mỗi cuốn mà tìm được một truyện xài được là tôi vui lắm rồi. Tôi kiên nhẫn tìm kiếm, lựa chọn rồi sắp xếp thành một hệ thống cho thích hợp với cách kể chuyện của mình,” anh kể.
Trong vòng vài tháng, Việt Thảo biết rằng anh không cần phải chấp nhận đồng lương $2.10 một giờ nữa. Anh vẫn đi học ngành kỹ sư, làm hãng nhưng nhận “show” nhiều hơn.
Anh vẫn tiếp tục học ngành kỹ sư tại Đại Học Cal State Long Beach. “Nhưng cũng do nhiều ‘ngẫu nhiên’ khác nên tôi lại không được làm ngành mình học,” anh lắc đầu chấp nhận. “Ở Việt Nam, có bằng khoa học, phải bỏ. Giờ học kỹ sư, cũng bỏ nữa.”
Việt Thảo, ngay từ lúc chập chững vào nghề “MC,” đã biết rằng làm bất cứ việc gì thì cũng phải làm một cách thực lòng. “Làm việc mà không làm ‘hết mình’ thì sẽ không bao giờ thành công,” anh khẳng định.
Là người không tự coi mình là quan trọng, anh từng chạy bàn cho Phở 79.
Làm cái việc mà ít người hãnh diện, anh vẫn dồn tâm trí vào công việc với ý muốn làm sao để phục vụ thực khách hữu hiệu hơn. Thay vì đợi khách bước vào tiệm rồi mới mời khách đến bàn trống rồi lấy “order,” anh ra ngoài, lấy “order” trước để cắt ngắn thời gian chờ đợi.
Anh nhớ lại: “Làm xong những người đang sắp hàng, tôi ra tới bãi đậu xe. Khách vừa bước ra khỏi xe là tôi lấy ‘order’ ngay tại chỗ. Khi khách vô tới bàn là mấy phút sau có tô phở nóng hổi liền.”
Nhờ vậy, thời gian chờ đợi của khách trở nên mau chóng hơn và họ vui lòng hơn. Chưa xong, vẫn muốn phục vụ “hết mình,” Việt Thảo còn kín đáo quan sát để chìu khách trước khi họ lên tiếng hỏi.
“Thấy dĩa rau gần hết, tôi lẳng lặng đem dĩa mới ra. Mình không đứng quanh bàn, chút xíu lại hỏi họ cần gì. Âm thầm phục vụ thì họ không bị làm phiền nên có thể ăn uống tự nhiên và ngon miệng hơn,” anh chia sẻ kinh nghiệm.
Rồi anh được mời giới thiệu chương trình cho phòng trà Caravan. “Được vậy là nhờ chị Lệ Thu giới thiệu. Tôi không quên được chuyện này,” anh khẽ nói. “Rồi tôi qua vũ trường Ritz và tiếp xúc nhiều hơn nữa với giới nghệ sĩ.”
Phối hợp tinh thần “hết mình” với óc khoa học, làm việc có hệ thống, Việt Thảo, lại một lần nữa, cải thiện lề lối lồng tiếng cho phim Hồng Kông. Việc gì mà đến tay anh, anh cũng tìm ra phương thức làm nhanh chóng hơn, hữu hiệu hơn và ít tốn kém hơn.
Đến năm 1986, Việt Thảo trở thành cái tên quen thuộc của mọi gia đình sau khi anh thành công trong việc lồng tiếng cho nhân vật Vi Tiểu Bảo trong bộ phim “Lộc Đỉnh Ký.”
Rồi thì sau đó, anh chứng tỏ là mình có năng khiếu kêu gọi sự đóng góp nhiệt tình của mọi người trong những cuộc đấu giá gây quỹ cho việc thiện nguyện nên thường xuyên được các chùa chiền cũng như nhà thờ ở nhiều nơi trên thế giới mời tham dự vận động.
“Tôi phải đi rất nhiều nơi nên mỗi tháng mà được về khu Little Saigon bốn, năm ngày là nhiều rồi,” anh cho biết. “Số chùa và nhà thờ tôi từng đến để vận động đấu giá có thể nói là không thể nhớ nổi.”
Hỏi về bí quyết của năng khiếu này, anh cười xởi lởi: “Có gì đâu, chùa mời tôi Thứ Bảy thì tôi tới từ Thứ Sáu, nắm vững tình hình sinh hoạt từ trong ra ngoài, từ chính điện tới nhà bếp để biết chùa cần gì rồi tìm hiểu tâm trạng Phật tử vùng đó để khi mình kêu gọi lòng hảo tâm, mình kêu gọi bằng sự cảm thông với họ.”
Khi hỏi rằng Việt Thảo là ai, anh gãi đầu: “…Tôi cũng không biết nữa.”
Sau một lúc nặn óc, anh cố giải thích: “Vầy nè, nếu gọi tôi là MC thì cũng không phải vì MC đâu có ai tới địa điểm trước để tìm hiểu mọi chuyện. Hoặc khi thấy nhà vệ sinh dơ quá, MC đâu có chịu xắn tay áo lau chùi cho sạch sẽ. Hoặc khi thấy nhà bếp bừa bộn, chén dĩa chưa kịp rửa, đâu có MC nào nhào vô rửa chén cho khách có chén ăn.”
“Nếu gọi tôi là người làm quảng cáo cho nhà hàng thì cũng không phải, vì đâu có người làm quảng cáo nào yêu cầu nhà hàng nên tạm đóng cửa để sửa đổi cách nấu nướng cho đến khi món ăn ngon miệng rồi mới chịu cho quay đâu,” Việt Thảo tiếp.
Anh cho thêm ví dụ: “Rồi khi làm ‘host’ cho ‘channel Chuyện Bên Lề’ trên YouTube, đâu có ‘host’ nào chịu khó lặn lội đi đến những nơi đồng hương mình phải kham khổ ở những nơi xa xăm, bỏ tiền túi ra, mua lương thực rồi đến phân phát cho từng người.”
Chương trình “Chuyện Bên Lề” của anh thu hút được rất nhiều người nhờ những chuyến du lịch xông xáo và những truyện ma anh đọc từ thư khán giả gởi về.
Anh làm nhiều việc mà việc khác nhau nào cũng tận tụy “hết mình.”
“Bởi vậy, tôi không biết Việt Thảo là ai cả,” anh nở nụ cười dễ mến như một thiền nhân.
Năm 2016, anh bắt đầu chương trình “Tonight With Việt Thảo” cho đài VietFace TV, một chương trình được đón nhận nồng nhiệt.
Tuy nhiên, anh muốn mọi người biết rằng Việt Thảo là người làm gì cũng làm bằng tấm lòng, không cầu tư lợi. “Cứ trải lòng mình ra và làm ‘hết mình’ thì làm gì cũng sẽ dễ dàng hơn,” anh trầm giọng. (Đằng-Giao)
—-
Chú thích ảnh:
Hình trên cùng là trang chính ủa Báo Người Việt Tây Bắc giới thiệu bài viết của tác giả Đằng-Giao, và hai hình trong các sinh hoạt của MC Việt Thảo trong Ngày Giổ Tổ Ngành Sân Khấu tại Seattle
và hình ảnh sinh hoạt của MC Việt Thảo với Teletron (NVTB)
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com