San Francisco Chronicle viết vềnhà sử gia mới
BERKELEY, Calif. – Nhật báo San Francisco Chronicle hôm Thứ Tư 26-4-2000 đã có bài viết về các nhà sử gia mới từ cộng đồng Việt hải ngoại đang “tìm cách viết lại trang sử Cuộc Chiến VN dưới quan điểm của VNCH”.
Julie Phạm, con gái của một cựu sĩ quan Hải Quân Miền Nam VN, lớn lên mà không biết nhiều gì về cuộc chiến- đã đưa gia đình cô phải tị nạn tại Hoa Kỳ.
Nhưng sau khi cô vào Đại Học UC Berkeley năm 1997, cô Sinh Viên 21 tuổi ban Sử bắt đầu thắc mắc “vì sao các cựu sĩ quan VNCH như cha cô cứ luôn luôn bị mô tả trong sách và phim Mỹ như là kẻ thất trận và hèn nhát !”.
Cô đang nghiên cứu cuộc chiến nhìn từ quan điểm của các cựu sĩ quan, và binh sĩ VNCH cho bản luận án bậc cử nhân của cô, “Họ (bị mô tả) hoặc là thô bạo hay là các chiến sĩ tồi, hay là kẻ hèn nhát. Họ đã bị đẩy vào vai phụ. (Đến nổi) Bạn không hiểu họ là ai.”
Hầu hết tuổi trẻ Mỹ gốc Việt biết rất ít về cuộc chiến, nhưng một vài người, như cô Phạm, đang tìm cách hiểu biết xuyên qua mắt nhìn của Miền Nam thất trận. Cố vấn của cô, Tiến sĩ Peter Zinoman, một giáo sư khoa sử Đông Nam Á, nói là ngày càng có nhiều sinh viên Mỹ gốc Việt “muốn thay đổi cách mô tả về bố mẹ họ” xuyên qua cách nghiên cứu học thuật.
“Quan điểm phổ biến của truyền thông Hoa Kỳ là “Miền Nam thua bởi vì họ bất lực và tham nhũng,” theo giáo sư Zinoman. “Người Mỹ có năng lực và lương thiện, nhưng họ bị kéo ngã bởi đồng minh của họ – đó là kiểu nói của Mỹ. Quan điểm của cộng đồng người Việt hải ngoại thì vắng mặt (không có cơ hội lên tiếng nói).”
Cô Phạm dẫn ra một thí dụ điển hình từ “A Bright Shining Lie” (Lời Nói Dối Hào Nhoáng, thắng giải Pulitzer, và đã có bản Việt ngữ) trong đó tác giả Neil Sheehan đưa ra cách nhìn: chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ, và chế độ Sài Gòn thì tham nhũng và bất lực.
Trong cách nhìn Hollywood như phim “Boys in Comapny C” và loạt phim TV “Tour of Duty” thì lính VNCH bị mô tả là tàn bạo, kiêu căng, lãnh đạo bởi cấp chỉ huy tham lam và bất tài, những kẻ không lo gì tới đất nước của họ.
“Họ không chỉ thua cuộc chiến,” theo lời cô Phạm nói về các cựu sĩ quan VNCH qua được Hoa Kỳ. “Họ cũng mất cả vị thế của họ trong cách người Mỹ viết về cuộc chiến.”
Hy vọng có một toàn cảnh đầy đủ, Phạm bắt đầu một dự án lịch sử bằng lời năm ngoái, phỏng vấn các cựu sĩ quan VNCH đang sống ở Mỹ – kể cả cha cô, người đã giúp cô tiếp cựu với các chiến hữu của cha. Cô nói là cô hy vọng đi VN để phỏng vấn các cựu sĩ quan còn ở lại trong chế độ CS.
“Tôi không chỉ trực tiếp tìm cách vinh danh quân lực VNCH,” theo lời Phạm, người mới hơn một tháng tuổi (40 ngày) khi gia đình cô vượt biển, sau đó định cư ở Seattle. “Tôi chỉ muốn có cách mô tả quân bình-trung thực. Rất thắc mắc là họ (chiến binh VNCH) không có thể (cơ hội) kể về chuyện của họ.”
Một cựu trung úy VNCH mà cô Phạm không phỏng vấn đã nói (với nhà báo) rằng ông và những người Miền Nam khác nên tự trách mình khi để cho người Mỹ chi phối và kiểm soát các lãnh tụ chính trị của họ.
“Họ là con rối (Puppet) , nhưng tại sao chúng ta đã cho phép họ là con rối” theo lời Lê Hữu Quế, bây giờ là một kỹ sư ở Santa Clara. “Tôi cũng tự trách mình. Tôi đã mất nước.”
Cô Phạm nói là hầu hết những người cô phỏng vấn đã tin tưởng chân thật rằng “họ đã chiến đấu cho tự do,” và họ cảm thấy (chính) là người Mỹ, (chứ) không phải họ, “đã bỏ rơi cuộc chiến chống CS tại VN”.
“Khi tôi tham chiến, tôi cảm thấy tôi có thể giúp đất nước,” một cựu chiến sĩ nói với cô Julie Phạm. “Tôi nghĩ đồng bào tôi cần hòa bình. Hành động [tham chiến] của tôi thuần túy là yêu nước.”
Julie Phạm nói là công trình của cô mang cô tới gần cha hơn, ông Kim Phạm, một chủ bút một báo Việt Ngữ ở Seattle. Kim Phạm nói là ông vui khi thấy con gái tìm hiểu về những gì đã xảy ra từ quan điểm của những người chiến sĩ VNCH như ông.
“Sau 25 năm, tôi thấy những người như chúng tôi, các chiến sĩ VNCH, đã ít cảm tính hơn,” ông nói. “Đây là công trình nghiên cứu tốt- để người ta biết được cách nào họ (những chiến sĩ VNCH) đã chiến đấu và (chiến đấu) vì lý tưởng gì.
(nguồn: San Francisco Chronicle số ra ngày thứ Tư 26-4-2000
Bài chuyển ngữ- này được đăng trên NVTB- vùng Tây Bắc Hoa Kỳ tháng 4 năm 2000 và cùng lúc cũng có đăng trên Viet Báo Daily- phát hành toàn quốc- số ra ngày 28-4-2000
Chú thích ảnh:
ảnh 1: Julie Phạm, ảnh in lại từ Tuyển Tập “New Americans” chọn lọc một số người Mỹ gốc di dân, trong sốcác nhân vật di dân này có cả Kissinger, Kennedy, Maryline Monroe với hình ảnh cũ và mới in trong Tuyển Tập “American Portraits”- của GS Reiner Leist (Đại Học M I T)” ấn hành năm 2000, giới thiệu một số nhân vật đến Hoa Kỳ định cư với một ảnh từ trước và ảnh khi đã định cư tại Hoa Kỳ … Julie Phạm (phải) năm 5 tuổi (lớn lên tại Tacoma) và ảnh trái chụp năm 2000 tại San Francisco…
ảnh 2: Bìa sách “Their War” của Julie Phạm hoàn tất năm 2000, phải đợi mãi gần 20 năm sau đã được Amazon ấn hành năm 2019 dưới dạng “Pocket Book” , “E-Book” và “Large Print”, theo lời yêu cầu của một số cựu chiến binh, cao niên để dễ đọc và dành cho giới nghiên cưú…