Tôi đang xem dở dang bộ phim “The Vietnam War” thì nhận được cuốn sách “Their War” của Julie Phạm. Tôi cố xem hết bộ phim để tìm hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam, trước khi đọc cuốn sách của cô. Quyển sách này viết bằng Anh ngữ, văn chương đại học. Có những phần tôi phải đọc nhiều lần để rõ được ý hơn.Đề tài về chiến tranh Việt Nam không những là một đề tài nhức nhối cho tất cả các phe tham chiến, mà còn dai dẳng hơn nửa thế kỷ không biết bao giờ mới chấm dứt. Tôi đã xem bộ phim “The Ten Thousand Day War” của Michael Maclear, thực hiện năm 1980 gồm 26 tập, mỗi tập dài 30 phút tổng cộng 13 giờ.Bộ phim “The Vietnam War” của Ken Burn và Lynn Novick năm 2017, công phu hơn, vẫn còn được chiếu trên màn hình Netflix tới nay cho cả thế giới có thể xem được. Bộ phim gồm 10 tập, mỗi tập dài khoảng một tiếng rưỡi, tổng cộng gần 18 giờ, trong đó miền Bắc cung cấp cho họ nhiều thước phim. Bộ phim đã đưa ra những điều chưa được nói lên và thêm những hình ảnh, lời bình của những người được phỏng vấn. Phần lớn là những điều tiêu cực, và thảm họa của chiến tranh. Đã có nhiều ý kiến khác biệt về cuốn phim, có nhiều điều đáng bàn, nhưng hãy tạm bỏ qua vì chắc còn nhiều chi tiết bí ẩn chưa được đưa ra.Cô Julie tốt nghiệp tại Đại học Berley, CA và lấy văn bằng Ph.D. về Sử Học tại trường Đại Học Cambridge, MA. Cuốn sách của cô được viết từ nhiều năm qua, vừa được in thành sách do Amazon in và phát hành, vẫn là một đề tài cho chính chúng ta cần thảo luận. Cuốn này đã được Haas Scholars Program tài trợ để thực hiện và sẽ ra mắt trong tháng 11 năm 2019 tại Seattle.Julie là ái nữ của ông Phạm Kim, một nhà báo và là chủ biên của tờ tuần báo Người Việt Tây Bắc, một tờ báo lâu đời nhất tại Seattle. Thân phụ cô cũng là một cựu sĩ quan Hải Quân. Trụ sở báo quán là nơi gặp gỡ thường xuyên của những người bạn chiến binh, nên cô đã có nhiều dịp nghe cha cô cùng những người bạn nói về những kỷ niệm. Những bàn luận về cuộc chiến vừa qua và những bài báo hẳn đã ảnh hưởng nhiều đến cuốn sách.Cuốn sách của Julie nói về chiến tranh Việt Nam, có tựa đề là “Their War”, tạm dịch là “Cuộc Chiến Của Họ”. Với tên cuốn sách, nếu đứng vào vị trí của người Mỹ thì được hiểu như là cuộc chiến này là của Việt Nam Cộng Hòa. Còn nếu đứng vào vị trí của Việt Nam Cộng Hòa thì có nghĩa cuộc chiến này là của người Mỹ chứ không phải là cuộc chiến của chúng ta?. Theo khách quan, dù đứng vào vị trí nào, tựa đề này là vẫn là một vấn đề, một câu hỏi thử thách cho những người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đã cầm súng bảo vệ Miền Nam, chiến đấu cho Tự Do của họ và đã là tiền đồn chống Cộng cho cả thế giới trong hai mươi năm.
Khi mà Mỹ bỏ cuộc họ đã trút phần lỗi và chê trách quân đội Miền Nam. Họ quên rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu độc lập mười mấy năm trời và sau này vẫn anh dũng chống trả lại cả hai hình thức chiến tranh địa chiến và du kích chiến phá hoại của miền Bắc. Phe này luôn được khối Cộng Sản khổng lồ Nga, Tầu và Đông Âu đứng sau yểm trợ, trước khi quân Mỹ vào tham chiến.Một cuốn sách nghiên cứu thường phải dùng những dữ kiện và tài liệu tham khảo có giá trị và được tin cậy để hỗ trợ và chứng minh cho những điều mình muốn trình bầy. Do đó phải đọc và chọn lựa các sách đã xuất bản hay các công cuộc nghiên cứu khác liên quan đến đề tài. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên vì những tài liệu tìm được trong các trường đại học Hoa Kỳ hầu hết viết bằng Anh ngữ, mà các tác giả này lại có những cái nhìn riêng của họ.Khi nghiên cứu về luận án, Julie Phạm đã được hai Trung Tâm Indochina Center của Viện Đại Học UC Berkeley và Vietnamese Center and Archives của viện Đại Học Texas Tech cung cậ́p tài liệu. Ngoài ra cô cũng xem kỹ những phim ảnh sau thời hậu chiến về chiến tranh Việt Nam như “Full Metal Jacket”, “Apocalypse Now” và “Good Morning Vietnam”…
Tóm lại, để hỗ trợ hai câu hỏi của cô sau đây mà cô nêu ra để phỏng vấn, cô đã đọc các sách tại hai trung tâm nói trên, xem phim và theo dõi các chuyện của cha cô và các chiến hữu đã trải qua trận chiến một thời.Có một sự kiện đáng lưu ý là đã có hàng trăm cuốn sách, hàng ngàn bài viết của những cựu chiến binh và người Việt tị nạn viết bằng tiếng Việt hơn bốn chục năm qua về cuộc chiến đã không có chỗ trong các trung tâm văn khố của các đại học đó, và vì thế đã không có tiếng vang trong công luận. Thực là một điều đáng tiếc.Để hoàn thành cuốn sách, Julie Phạm đã dùng phương pháp phỏng vấn 40 cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, tại bốn vùng dọc Thái Bình Dương nơi có đông dân Việt định cư như Seattle, Sacramento, San Jose, Orange County. Những cuộc phỏng vấn này được thực hiện bằng Anh ngữ hay qua thông dịch viên. Sau đó, để kiểm chứng, cô đã gửi lại những bản câu hỏi để họ trả lời. Hầu hết đều được hồi đáp.Cô chú trọng đến ba thời điểm chính mà các sĩ quan tham gia trong trận chiến Việt Nam. Các sĩ quan này hầu hết là những người có thời trực tiếp cầm súng đối đầu với trận mạc, mà không phải là những người ở thượng tầng chỉ đạo chiến tranh:Đợt nhất từ 1950 – 1962: Chiến tranh ở mức độ thấp.
Đợt thứ hai 1963 – 1968: Quân đội Mỹ tham gia tăng cường cuộc chiến.
Đợt thứ ba từ 1969 –1972: Việt-Nam-hóa chiến tranh.Julie lại cho biết rõ thêm các sĩ quan mà cô phỏng vấn thuộc thành phần như thế nào trong xã hội: Hầu hết họ thuộc gia đình trung lưu, học vấn từ trung học đến đại học, số đông theo lệnh động viên, hơn một nửa là người di cư từ miền Bắc.
Cô cũng phân ra các sĩ quan tị nạn đến Mỹ trong hai đợt: Đợt đầu tiên năm 1975 và đợt sau theo diện HO.
Những điều nêu trên đã chứng tỏ công cuộc nghiên cứu của cô có thêm giá trị và hợp với tiêu chuẩn đại học. Đó là chưa kể đến phần phân tích những dữ kiện thâu lượm được của chính cô.
Trong cuộc nghiên cứu đó các tài liệu của giới truyền thông, phim ảnh đã gây nên nhiều sự khác biệt của vấn đề. Hình ảnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa rất mờ nhạt, tiêu cực và còn bị chê trách nhiều phần trong cuộc thất trận. Người Mỹ lúc đầu tin vào thuyết Domino, coi miền Nam Việt Nam là tiền đồn chống Cộng. Nếu tiền đồn đổ thì cả vùng Đông Nam Á sẽ sụp đổ theo. Quân Mỹ đã đổ vào và nắm quyền chủ động chiến tranh.
Chính nghĩa của miền Nam lung lay. Có thể vì thế mà một vị Tổng Thống đã bị thảm sát. Miền Bắc lợi dụng, đã đánh mạnh vào lòng ái quốc mù quáng, trương khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước” lùa dân vào thảm họa chiến tranh.Julie Phạm đã đặt ra hai câu hỏi trong cuộc phỏng vấn:
- Câu hỏi thứ nhất: Vị trí của Quân Đội VNCH trong cuộc chiến? Có phải chỉ là một thành phần phụ thuộc không?
- Câu hỏi thứ hai: Trách nhiệm về sự thất bại của cuộc chiến? VNCH đã bị chê trách là sao nhãng nhiệm vụ, không có khả năng và tham nhũng.
Về câu hỏi thứ nhất: Hầu hết trả lời họ không phải là lực lượng phụ thuộc của quân Mỹ. Khi có cố vấn Mỹ trong đơn vị, họ vẫn giữ phần quyết định. Họ cũng cho biết thêm là các cố vấn rất hiệu quả trong vấn đề gọi yểm trợ khi cần.Về câu hỏi thứ hai: Ai đáng bị chê trách làm thất trận? Hầu hết đều cho là người Mỹ đã “phản bội” và “bỏ rơi’ Miền Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính mình phải chịu trách nhiệm.
Về vai trò của người Mỹ, trong đoạn cuối của bộ phim “The Vietnam War”, họ đã trưng một lá thư của Tổng Thống Nixon gửi Tổng Thống Thiệu, khi hiệp ước Hoà Bình được ký kết và để quân Mỹ rút quân, đã cam kết nếu Cộng Sản miền Bắc vi phạm, Hoa Kỳ sẽ dùng không lực trừng phạt ngay. Nhưng chẳng may TT. Nixon phải từ chức vì vụ Watergate. Cộng Sản sau đó đã vi phạm, Tổng Thống Gerald Ford kế nhiệm đã không thực hiện lời cam kết và Quốc Hội Mỹ cũng từ chối $750 triệu quân viện.Có ba câu hỏi phụ thuộc mà truyền thông Mỹ chê trách quân đội Miền Nam là:
– Sao nhãng nhiệm vụ. – Không có khả năng. – Tham nhũng. Tôi không muốn thảo luận thêm về những điểm này. Nếu có chắc chỉ xẩy ra ở thượng tầng. Tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng những người lính Dù Mũ Đỏ, Mũ Xanh Thủy Quân Lục Chiến và Mũ Nâu Biệt Đông Quân Việt Nam… lúc nào cũng giữ được truyền thống dũng cảm, thiện chiến nơi tuyến đầu của họ. Họ là những người lính Chính Danh giữ vững lời thề Tổ Quốc, Trách Nhiệm và Danh Dự.*Thử nhìn lại, sau chiến tranh, tất cả các bên tham chiến đều lâm vào tình trạng thảm thương. Như lời một nhà văn – cựu chiến binh được chiếu trong phần đầu của bộ phim “The Vietnam War” là “Không có ai thắng, ai thua mà chỉ có sự tàn phá”.Thật thế, theo Wikipedia, tổn hại trong chiến tranh Việt Nam của ba phía là: Hoa Kỳ lính chết 58,272, bị thương 153,000, mất tích nay còn là 1,687, tù binh hồi hương 866 người. Nước Mỹ đã trải qua một thời phân hóa, rối loạn. Nguồn tin từ chính phủ miền Bắc cho biết, tử trận 1.1 triệu, trong đó có 849,000 lính Bắc Việt và 251,000 lính Việt Cộng miền Nam, 300,000 binh sĩ mất tích, số bị thương không được biết.Phía Việt Nam Cộng Hòa, 266,000 tử trận, các con số khác không có nguồn tin. Về phía thường dân thì khoảng trên 2 triệu người thiệt mạng.Cuộc chiến tranh triền miên vừa qua là một cuộc nội chiến tàn hại nhất trong lịch sử Việt Nam. Bao nhiêu người đã chết, hận thù vẫn chưa tiêu. Hai bên đều bị thế lực bên ngoài trực tiếp hay gián tiếp thúc đẩy để tương tàn, sát hại lẫn nhau.
Chiến thắng Điện Biên Phủ tưởng sẽ đem lại cho miền Bắc hạnh phúc ấm no, trái lại người dân vẫn bị trầm luân trong cảnh đói khổ bao cấp suốt hơn hai mươi năm trời kế tiếp.
Rồi đến “Đại Thắng Mùa Xuân” 1975, đất nước thống nhất, nhưng đói khổ trầm luân vẫn tiếp tục và biết bao nhiêu thảm cảnh mới lại xẩy ra. Hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam bị lâm vào cảnh cải tạo, tù đầy chết chóc, gia đình ly tán. Cả triệu người liều thân vượt biển đi tìm tự do. Hàng trăm ngàn mạng người đã vùi thân dưới biển.
Phải đợi đến hai mươi năm sau khi lệnh cấm vận được Hoa Kỳ bãi bỏ, đất nước mới có cơ hội thay đổi và phát triển, nhưng đồng thời lại gây nên bao tệ trạng xã hội, ô nhiễm không gian, ô nhiễm não trạng trầm trọng và vẫn không thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc, mất đất mất biển.Có câu nói: Chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi và là bài học cho tất cả các bên. Phía Mỹ, sau chiến cuộc Việt Nam, họ đã đưa quân tham chiến tại nhiều nước, họ đã tránh khỏi bị sa lầy. Miền Bắc tỉnh ngộ sau ba cuộc tổng phản công tổn hại hàng trăm ngàn mạng lính, vì tin tưởng vào chiến tranh nhân dân nổi dậy, đi đến đâu dân hưởng ứng đến đó. Nhưng trái lại, kể từ năm 1954, khi đất nước chia đôi, Cộng Sản đi đến đâu dân đều bỏ chạy. Cảnh bỏ chạy đó vẫn tiếp diễn đến tận ngày nay.Sau này Cộng Sản phải đổi sang trận địa chiến lại mất thêm mấy trăm ngàn quân nữa, lâm vào cảnh “Sinh Bắc tử Nam”. Chỉ khi người Mỹ bỏ cuộc họ mới có cơ hội thắng trận. Sự thất trận của Miền Nam vì bị Mỹ bỏ rơi cũng là lý do khiến cho Cộng Sản Hà Nội do dự khi muốn ngả về Mỹ.Trước áp lực của Trung Cộng, họ theo chính sách “Ba Không”, đi dây, không liên kết. Sự do dự này khiến Trung Cộng ngày càng lấn áp sâu rộng về mọi mặt và Việt Nam chắc sẽ khó lòng đứng vững được trong tương lai.*Trong cuốn sách của Julie Phạm nhiều lần có nhắc tới Đại Tá Trần Đức Minh. Tôi vẫn nhớ đến ông. Khi tôi phụ trách một Trung Tâm Tị Nạn tại Seattle, ông cùng làm việc với tôi. Sau này, chương trình tị nạn thu hẹp, chúng tôi được chuyển đến các cơ quan khác nhau.
Bẵng đi ít lâu không gặp, một hôm tôi nhận được điện thoại của ông, ông nói:
-Tôi sắp chết rồi ông ạ. Ông đến tôi đi, tôi tặng ông bộ sách.
Ngày hôm sau tôi đến thăm, ông còn đi được từ phòng trong ra đón tôi. Lúc tôi ngồi xuống cạnh bàn, hai bộ sách lớn bìa dầy đã nằm sẵn tại đó, ông lặng lẽ mở trang đầu lấy bút đề tặng tôi. Chúng tôi ngồi nói chuyện một lúc lâu. Thấy ông mệt, bà vợ ông xin phép dìu ông về phòng. Tôi bắt tay ông và ôm ông lần cuối, lòng rưng rưng khôn tả.
Ông sanh năm 1932, tại Thái Bình, Bắc Việt. Động viên vào Khóa 3- Sĩ quan Quân đội Quốc Gia Việt Nam. Ông là một trong những chiến binh dự các trận đánh cuối cùng của hai cuộc chiến tại Việt Nam. Năm 1954, khi đang hành quân tại vùng Vĩnh Phúc Yên, Bắc Việt lần cuối, ông nhận được lệnh ngưng bắn khi đất nước chia đôi. Ông cũng là người chiến binh với cương vị là Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức – Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị, cùng đồng đội cầm súng bảo vệ ngọn đồi Tăng Nhơn Phú lần cuối năm 1975 trước khi nhận lệnh buông súng.Sau đó ông bị Cộng Sản cầm tù hơn 13 năm.Tôi mang bộ sách về, giở từng trang, bộ sách có tên là “ Một Thời Nhiễu Nhương – (1945 – 1975)”. Hai tập dày cộm, hơn hai ngàn trang, qua những giai đoạn lịch sử, qua cuộc chiến tranh dài từ 1945 đến 1975, tưởng như chuyện mới xẩy ra, không bao giờ quên được.Đại Tá Trần Đức Minh đã nằm xuống, sau cả một đời chinh chiến. Nhưng ông vẫn sống trong hàng ngàn trang sử ông đã víết, cũng như các đồng đội của ông vẫn sống trong hàng trăm cuốn sách, trong hàng ngàn bài viết. Họ vẫn sống trong bóng Cờ Vàng đã được dựng lên tại khắp lục địa và trong các bộ quân phục mà các chiến hữu của họ đã lại hãnh diện khoác lên mình trong các buổi diễn hành.Xin tưởng niệm những người lính già như ông, những đồng đội của ông. Như câu nói, “Những người lính già, họ không bao giờ chết”..* *Sách Their War của Julie Phạm tuy là một cuốn sách nhỏ, nhưng là một cuốn sách bằng Anh ngữ đầu tiên mang một nội dung lớn lao. trong một rừng truyền thông về chiến tranh Việt Nam của người Mỹ đầy thiên kiến. Cuốn sách của cô là một dịp để những người chiến binh VNCH có cơ hội lên tiếng, nói lên sự thật, khác hẳn với những sự bóp méo của truyền thông báo chí, truyền hình Mỹ từ lâu nay..
Cuốn sách của cô còn một là một ngọn nến, để người ta có thể tìm đến, khơi cho ngọn lửa to lên. để tìm ra sự thật và để giành lại danh dự cho những người lính Miền Nam.Có thể nói, Julie Phạm là một người nghiên cứu trong sự tỉnh táo, công bằng và can đảm.Cô đã đưa ra vấn đề từ một bối cảnh mịt mờ.Tôi mong rằng những thế hệ sau này nữa cũng có được những tỉnh táo và công bằng như thế.
Nguyễn Công Khanh
tháng 10-2019