Nhà văn Phạm Quốc Bảo,
tác giả của nhiều sáng tác văn, ký sự, thơ trên nửa thế kỷ qua.
Tên tuổi của nhà văn Phạm Quốc Bảo đã từng nổi lên ở hải ngọai này từ tác phẩm “Cùm Đỏ” được viết lại sau những năm đi tù ngoài Bắc trở về.
Cùm Đỏ mới năm ngoái được tái bản tới lần thứ 3, như là một trong những hồi ký cô động mà tha thiết với cuộc đời còn lại, bắt nguồn từ những năm tháng chờ chết trong ngục tù ngoài Bắc, đón nhận những hận thù của bên thắng cuộc dành cho thành phần sĩ quan Miền Nam, đặc biệt là giới trí thức, được sắp ngang hàng với lính tác chiến- chủ lực quân.
Nhà văn Phạm Quốc Bảo ông sẽ có mặt trong sinh hoạt Stories & Love Songs tại Langston Hughes Performing Arts Center cùng với nhà văn Quyên Di, Melanie NgaMy, Cecilia Bạch đến từ Cali. Tại rạp hát này, 20 năm trước, ông từng có mặt với Đỗ Tân Khoa, Tố Uyên v.v…và cả cố nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, người bạn thân thiết của ông, hai người cùng chủ trương trang Quán Văn.
Trở lại Performing Arts Center kỳ này chính là vì ông đã gắn bó với tuần báo Người Việt Tây Bắc từ lúc mới thành lập, năm 1986. Và cho đến năm 1999 ông đã từng cùng với BS Nhảy Dù Phạm Gia Cổn, và cố Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn…là mấy nhân vật đầu tiên đóng góp những câu trả lời then chốt cho “Their War”. Hơn nữa, ông đã thực hiện những buổi thảo luận đầy tính thuyết phục với giáo sư trưởng khoa Á châu tại Berkeley, Peter Zinoman, người đã có công lớn trong việc thể hiện lên tiếng nói trung thực, thổ lộ từ đáy tâm can, của hơn 40 cựu chiến sĩ VNCH, qua cuốn “Their War”..
Their War vừa được Amazon in dưới hai dạng: Large Print, Pocket Book, và EBook… từ tháng 7 năm 2019.
Và xuất hiện lần này cũng nói lên phần thiện cảm thân thiết đặc biệt giữa nhà văn Phạm Quốc Bảo và gia đình cố nhạc sĩ Anh Bằng: ông rất trân quý tác phẩm ca nhạc Tình Ca 30 Năm.
Cũng giống nhận định của nhà văn Thái Phạm (San José), GS Quyên Di (Đại học UCLA), Lê Hữu (Seattle) đã dành cho CD giá trị và nổi bật này do Trung Tâm Asia thực hiện và phát hành trong năm 2019.
Theo nhà văn Phạm Quốc Bảo thì Melanie NgaMy là một tiếng hát rất đặc sắc, rất có hồn, tha thiết hát tự trái tim của mình, và đầy sức quyến rũ và lay động trái tim mỗi người nghe.
Tình ca 30 năm còn là tác phẩm đánh dấu chặng đường tờ báo Người Việt Tây Bắc trải qua trên 30 năm, cũng như đánh dấu những ca khúc “lãng mạn mới của Anh Bằng” kể từ những năm cố nhạc sĩ Anh Bằng bước vào khu rừng lãng mạn tình ái, như chưa bao giờ người nhạc sĩ ấy lại có thể lãng mạn, ngọt ngào hơn thế…
Mới nhất đây, tin chấn động thế giới về 39 người Việt di dân lậu bị bỏ chết trong một chiếc xe tải bên Anh; trong ấy có tiếng kêu thương của thiếu nữ Phạm Trà My đã thốt lên lời từ biệt và xin lỗi Mẹ, vì ước mơ tìm một cuộc sống tươi đẹp hơn không thành … Tiếng kêu thương ấy đã khiến chạm đến một cảm giác xót xa bi thảm cũ của trên nửa thế kỷ, những dòng thơ tuyệt mệnh của những người lính trẻ nhắn gửi cho Mẹ khi họ xông pha ngoài chiến trường thời Đệ Nhị Thế Chiến, họ sa vào tay địch quân “Mẹ ơi, cho con nói lời từ biệt, vì sáng nay họ sẽ mang con qua bên kia cầu để xử bắn ..” Đó là những lời nhắn gửi chứa đầy thương tâm mà ta đọc thấy nhan nhản trong tác phẩm “Chiến Tranh và Tuổi Trẻ Phương Tây” của Jean Lartegy (Phạm Quốc Bảo dịch, Hồng Lĩnh xuất bản năm 1969)…
Và nhà văn Phạm Quốc Bảo từ năm 1982 đã làm việc tại Nhật Báo Người Việt. Trước khi trải nghiệm với báo chí hải ngoại, ông đã khởi nghiệp khi làm tờ nguyệt san Đối Thoại, từng là chủ tịch các phong trào thanh niên sinh viên phục vụ xã hội từ năm 1965.
Nhân chuyến chính thức trở về an nghỉ tại Little SaiGon của 81 quân nhân Nhẩy Dù, chúng ta liên tưởng đến những mất mát của những đời người đã thể hiện tràn ngập ở trên hai mươi tác phẩm của một người từng là thầy giáo, nhà văn, nhà sinh hoạt và là nguyên chủ bút của tờ nhật báo lớn nhất hải ngoại, Phạm Quốc Bảo.
(LD P)