Theo Associated Press, hiện tại “làn sóng” châu chấu thứ 2 đã trở lại. Hàng tỷ con châu chấu sa mạc non bay từ nơi chúng sinh ra ở Somalia để tìm kiếm và phá hủy thảm các thực vật tươi tốt do những cơn mưa theo mùa.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), dịch châu chấu cho thấy “mối đe dọa chưa từng có” đối với nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế. Các quan chức của tổ chức này cũng cho rằng làn sóng thứ 2 này lớn hơn khoảng 20 lần so với lần 1 đã xảy ra vài tháng trước.
Mùa màng của hàng triệu người có nguy cơ bị phá hoại. Chính điều này đã khiến người dân địa phương tập hợp lại và cố gắng chiến đấu với chúng, bất chấp nguy cơ lây nhiễm virus Corona Vũ Hán.
Anh Yoweri Aboket, một nông dân ở Uganda, cho biết: “Mọi người đều nhắc đến những con châu chấu này. Một khi chúng đáp xuống trong khu vườn của bạn, chúng sẽ phá hủy tất cả. Một số người thậm chí sẽ nói với bạn rằng châu chấu có sức tàn phá mạnh hơn virus Corona. Thậm chí có một số người không tin rằng virus có thể bùng phát tại đây [vùng nông thôn hẻo lánh]”.
Một số nông dân ở làng Abokat, gần biên giới Kenya, dùng cách đập chảo kim loại, huýt sáo hoặc ném đá để cố gắng đuổi châu chấu đi. Nhưng cuối cùng họ cũng chỉ biết nhìn châu chấu phá hoại trong sự thất vọng bởi vì họ bị hạn chế đi lại do virus Corona Vũ Hán.
Theo Associated Press, khi một vườn sắn bị phá hủy có nghĩa là nạn đói càng đến gần. Nỗi lo về nạn đói ở ngôi làng khoảng 600 người này cũng phản ánh trên phần lớn của Đông Phi, bao gồm Kenya, Ethiopia và Nam Sudan. Bầy châu chấu cũng đã bắt gặp ở Djibouti, Eritrea, Tanzania và Congo.
Theo đánh giá của FAO: “Tình hình hiện tại ở Đông Phi vẫn cực kỳ đáng báo động khi ngày càng nhiều bầy châu chấu mới đang hình thành ở Kenya, miền nam Ethiopia và Somalia”.
Trung tâm Ứng dụng và Dự báo Khí hậu có trụ sở tại Nairobi cũng cho biết, châu chấu đang “xâm chiếm khu vực Đông Phi với những đàn đặc biệt lớn chưa từng thấy trước đây”.
Theo ông Kenneth Mwangi, một nhà phân tích thông tin vệ tinh tại trung tâm này, những bầy châu chấu mới bao gồm những con non mới trưởng thành rất phàm ăn.
Theo Associated Press, ông Mwangi và các quan chức khác ở Kenya đã kể ra những khó khăn trong việc chống lại sự phá hoại của châu chấu như việc chậm đi qua biên giới và sự trì hoãn của việc cung cấp thuốc trừ sâu do các lệnh phong tỏa liên quan đến virus Corona Vũ Hán.
Tổ chức FAO dự kiến một đợt dịch châu chấu thứ 3 nữa sẽ xuất hiện vào cuối tháng 6 và tháng 7 – trùng với thời điểm bắt đầu mùa thu hoạch. Tổ chức này đã yêu cầu thế giới viện trợ 153 triệu USD, tăng từ 76 triệu USD để chống lại dịch châu chấu. Cho đến nay, FAO mới chỉ nhận được 11 triệu USD tiền mặt hoặc các cam kết mặc dù những gì họ cần là phải có hành động khẩn cấp trước khi mùa mưa đến khiến số lượng châu chấu bùng nổ trở lại.
Theo Associated Press, phun thuốc từ trên không là cách hiệu quả duy nhất để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp của Uganda nói rằng họ không thể nhập đủ thuốc trừ sâu từ Nhật Bản do sự gián đoạn trong các chuyến hàng quốc tế. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã thất bại trong việc phân bổ hơn 4 triệu USD được yêu cầu để kiểm soát châu chấu.
Theo FAO, trong khi đó, tại Ethiopia – quê hương của khoảng 6 triệu người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự bùng nổ của châu chấu, sự phá hoại sẽ gây ra mất mùa quy mô lớn, mất cỏ và mất rừng, làm mất an ninh lương thực và thức ăn”, nếu không được giải quyết nhanh chóng.
Nông dân George Dodds nói với FAO: “Tôi nghĩ, thật không may, vì những điều khác [đại dịch virus Corona Vũ Hán] đang diễn ra trên khắp thế giới, mọi người đang quên mất vấn đề với châu chấu. Nhưng đó là một vấn đề rất, rất thực tế”.
Được biết, vài tuần trước khi virus Corona Vũ Hán bắt đầu bùng phát toàn cầu, dịch châu chấu lần 1 đã quét qua nhiều quốc gia khác nhau ở châu Phi. Theo thống kê của FAO, thiệt hại do nạn châu chấu lần 1 gây ra cho cây trồng là nặng nề nhất ở Đông Phi trong 25 năm qua và trong 70 năm qua đối với Kenya. Somalia và Ethiopia trực tiếp tuyên bố rằng sản xuất nông nghiệp bị đình trệ hoàn toàn, và hàng triệu người đang gặp phải mối đe dọa lương thực chưa từng có.
Châu chấu là loài gây hại di cư lâu đời nhất trên thế giới và châu chấu sa mạc là một trong những loài phá hoại nhất. Số lượng châu chấu trên mỗi km vuông có thể lên tới 40 triệu con, chúng có thể bay 150 km mỗi ngày và ăn hết số thực phẩm dành cho 35.000 người chỉ trong một ngày.
Văn Thiện