[ot-video][/ot-video]
.
Giữa tháng 5 năm 1980. Xóm cầu bóng Nha Trang, nơi đã là bến bãi đưa tôi rời khỏi đất nước trong một đêm tối. Chuyến ra đi đó ngờ đâu đến hôm nay đã là 40 năm dài biền biệt, nhưng cũng là một thoáng qua trong một đời người.
Ra đi, ngổn ngang với trái tim bỏ lại nơi quê hương cho đến hôm nay cuối tháng Tư nhớ lại như một đoạn phim dần rõ nét. Con thuyền nhỏ, mong manh như thân phận của người vượt thoát trong sợi chỉ treo ngàn cân. Sóng to, gió lớn xô đẩy thuyền tôi suốt cuộc hành trình.
Một đêm tối, nước biển tràn đầy mạn thuyền, con thuyền bị trận “nồm Nam” là một cơn giông hung dữ có thể làm đắm thuyền. Sóng cao ầm ĩ thét gào man rợ… Tôi buông gáo tát nước và nằm xuống khoang thuyền chật hẹp, tôi biết là mình sẽ phải chết trong giây khắc sinh tử này.
Bên ngoài thuyền, qua ô vuông nhỏ cánh cửa dưới khoang, trời tối đen thẳm một màu tang. Tôi thấy những đợt sóng và đầu ngọn sóng trắng xoá, những ngọn sóng trong đêm loang lở như gầm thét đe doạ của sự chết bủa vây.
Nhắm mắt, như bản năng, để được chết bình an, tôi thầm đọc “Kinh Cáo Mình” và một “Kinh ăn năn tội”, và thêm một “kinh Kính Mừng Maria” xong bình an nằm chờ chết…
Thiếp đi trong cơn ngủ vì quá mệt sau những đêm trước thức trắng, tôi thấy hai bàn tay của Mẹ Maria đưa sau bánh lái của con thuyền. Bỗng có tiếng la to “có tàu lớn rồi”. Trên thuyền ai cũng lao xao. Rồi ánh nắng của bình minh trên biển ló dạng. Ánh sáng dần lên xua tan sợ hãi của suốt đêm dài. Biển dần dịu lại và thôi còn những con sóng dữ.
Thuyền vẫn trôi… và thuyền cứ trôi… chúng tôi được Tàu buôn Tây Đức vớt giữa biển khơi!
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Sau hơn 35 năm… có dịp tôi về lại Xóm Cầu Bóng và dừng chân nơi bến bờ tôi đã ra đi trong đêm tối. Bao thay đổi. Bến xưa giờ không còn hoang sơ như năm 1980. Nhưng con đường nhỏ vẫn còn đấy, những căn nhà sàn nằm sát bờ biển cũng không còn, nhưng tôi vẫn nhớ con dốc nhỏ mà dấu chân mình đã đi xuống trong đêm. Rồi nhớ lại đêm lo âu nằm chờ ghe đến…vượt biển.
Mỗi lần nghe lại tiếng sóng, như tiếng gào thét của giận dữ, trách móc, muộn phiền của người ở lại và kẻ ra đi. Đất nước chúng ta qua giông tố thời cuộc đã tạo nên cảnh chia ly của từng cá nhân, từng chuyện tình, từng gia đình. Có người còn gặp lại sau bể dâu thời gian, nhưng… cũng có người xa nhau vĩnh viễn.
Đứng ở bãi bờ, cảm xúc trào dâng tôi đã viết ca khúc “Em ở lại sóng trôi đời tôi”. Bài hát viết tại nơi tôi đã sinh tử ra đi ngày nào.
Tôi không muốn nói nhiều về chi tiết, vì khi một tác phẩm hình thành, người tạo nó không cần phải giải thích. Như ngắm một bức tranh, người hoạ sĩ muốn cho chúng ta suy tưởng và khám phá. Ca khúc cũng thế, nó đến từ rung cảm thật sự để được kể một câu chuyện trong âm nhạc
Tôi nghĩ đến, sóng biển đã trôi đời em? Đời anh? Đời chúng ta? Đời ai? Cả một đời lưu lạc vì con sóng cuốn ta trôi xa. Sóng cuốn ta đi, ném ta vào dòng đời, ở nơi đấy ta không lường trước được đời ta sẽ ra sao. Cũng thế, sóng cuốn tôi trôi dạt về miền quá khứ hồi tưởng, rồi đến lúc chúng ta sẽ ra đi. Ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại cõi trần gian này, chỉ vì đời sống con người chúng ta là một nỗi ngậm ngùi…
Em ở lại sóng trôi đời ai?
Câu hỏi trong tâm khảm vang vọng… và biết đến bao giờ tôi mới trả lời được câu hỏi này?
Châu Đình An