Cát Linh/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Các cơ sở thương mại ngành nail, “nền kinh tế chủ chốt” của nhiều người Việt hải ngoại được nhắc đến với nhiều câu hỏi liệu có an toàn cho chủ tiệm, nhân viên và cả khách hàng khi các tiểu bang cho “mở cửa kinh tế” hay không? Nếu “mở cửa” trở lại, các chủ tiệm cần chuẩn bị những gì để bảo vệ an toàn cho mọi người trước dịch COVID-19?
Lo thì lo, nhưng vẫn muốn đi làm
Trong một tháng qua, không ngày nào trang Facebook của Trà Lê, nhân viên của một Nail Salon Spa A ở thành phố Alexandria, Virginia, không xuất hiện những món ăn do chính cô nấu cùng với câu: “Em sắp béo phì rồi” hoặc “Em chán lắm rồi!”
Như bao người làm ở các tiệm nail khác trên toàn nước Mỹ, Trà đã ở nhà suốt hơn một tháng vì tiệm cô làm đóng cửa theo lệnh “shut down” của tiểu bang.
Thống đốc bang Virginia kéo dài lệnh “stay at home” và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu đến ngày 10 Tháng Sáu. Tuy là rất buồn theo lời cô nói, nhưng cô cũng cảm thấy không an toàn nếu đi làm lại lúc này. Thêm vào đó, như rất nhiều người mẹ khác, đứa con trai nhỏ chưa vào lớp Một vẫn là quan trọng nhất đối với Trà.
Trà nói: “Nail là việc làm đối diện trực tiếp với khách hàng ở cự ly rất gần, nên khả năng bị lây nhiễm rất cao, em cũng hoang mang lắm.”
Ngược lại là một suy nghĩ rất tích cực, rất khả quan của Mindy, nhân viên một tiệm nail cũng ở vùng Đông Bắc.
Khi được hỏi liệu cô có tự tin đi làm trở lại nếu lệnh bỏ cách ly và mở cửa kinh tế trong thời điểm này được thực hiện hay không? Cô thốt lên ngay: “Ở nhà mới chán mới buồn. Em muốn mở cửa liền để đi làm liền. Chủ yếu là bản thân mình tự vệ sinh sạch sẽ, khách vào mình kêu rửa tay. Em thấy vấn đề này không có gì phải gọi là bi quan hết.”
Lý do để Mindy có suy nghĩ như vậy vì cô cho rằng “đại dịch này trăm năm mới có một lần” và nếu mỗi người giữ vệ sinh cẩn thận hơn rất nhiều lần so với thời gian trước đây thì “mọi chuyện không có gì đáng lo.’
Với Mindy, mong muốn sớm đi làm trở lại vì “buồn” và “không qúa đáng lo ngại về đại dịch” nhưng, với nhiều người khác, không đơn giản chỉ là như thế.
“Những người làm hãng thì họ làm lương W2. Họ đã nhận được trợ cấp của chính phủ rồi. Nhưng đa phần người làm nail mình nhận lương theo nhận 1099. Một nửa số bạn bè của em quen biết làm lương 1099. Họ đã nộp đơn xin trợ cấp từ rất sớm nhưng đến giờ vẫn có được đâu? Mọi người cứ hy vọng rồi chờ đợi, mặc dù họ vẫn phải gánh tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm. Một người bạn của em đã bị “sốc” đến nỗi phải vào viện.” Trà kể về hoàn cảnh những người bạn trong nghề của mình.
Một người khác, ông Nguyễn Đình Hoàng Sơn, chủ tiệm nail ở Texas, cho rằng ông không có kiến thức về y khoa để có thể nhận định việc mở cửa kinh tế lúc này là đúng hay sai. Tuy nhiên, quan trọng nhất với ông Sơn, đó là cuộc sống kinh tế của mọi người.
“Ngành nail thiệt hại rất lớn vì nơi tiểu bang của tôi, thợ và cả chủ đa phần làm theo dạng 1099 cho nên nhiều chương trình hỗ trợ của chính phủ không đến được người làm nail. Họ không có khoản trợ cấp nào hết trừ $1,200. Nhưng đến giờ phút này, trong thành phố tôi ở chưa ai nhận được hết. Vậy thì hỏi hơn một tháng qua, người ta sống thế nào?”
Ông Sơn bày tỏ thêm: “Là một người chủ, thật sự rất lo lắng. Không biết mở cửa thì thế nào mà không mở cửa thì thế nào. Nhưng nếu chính phủ cho mở cửa thì chắc chắn thợ người ta cũng hối mình để đi làm.”
Cuộc sống Mỹ có nhiều thực tế không thể dễ dàng đặt gọn vào ba chữ “giấc mơ Mỹ.” Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã tăng từ mức hơn 3.3 triệu lên hơn 6.8 triệu trong tuần cuối của Tháng Ba (tính đến ngày 28 Tháng Ba), theo dữ liệu của Bộ Lao Động. Hãng thông tấn Reuters đã nhận định con số này là kỷ lục của lịch sử Mỹ cho đến nay.
Mặc dù chính phủ đã có những khoản ngân sách hỗ trợ, giải cứu khẩn cấp kinh tế, nhưng có một sự thật, đó là không phải người thợ nail nào cũng nhận được.
Do đó, cho dù có hoang mang, chưa đủ tự tin về quyết định mở cửa kinh tế trở lại trong Tháng Năm hoặc Tháng Sáu, nhưng có một yếu tố khác để cho Trà Lê cảm thấy mình được trấn an.
Trà nói: “Nếu như ở tiệm nail họ làm tấm chắn kính, trang bị cho thợ khẩu trang, tấm che mặt, găng tay và bản thân mình có ý thức cẩn thận nhiều hơn thì em nghĩ cũng không sao.”
Yếu tố này cũng là tấm lá chắn thứ hai giúp cho Mindy có sự tự tin lẫn lạc quan.
Cô nói: “Bây giờ tất cả tiệm nail đã chuẩn bị các vách ngăn. Thợ phải mang cái tấm che mặt lẫn khẩu trang. Khách vào tiệm cũng phải đưa mask cho khách đeo. Khi làm tay và chân thì phải mang bao tay. Làm xong lau chùi sạch sẽ chỗ mình làm. Cũng không có gì quá lo.”
Các chủ tiệm nail đã sẵn sàng các phương cách an toàn
Trong khi các thợ làm nail mong muốn mau chóng quay lại làm việc “an toàn,” có thể thấy họ đặt niềm tin rất nhiều vào chủ tiệm. Người chủ tiệm, hơn ai hết là những người mong mỏi từng ngày để được mở cửa kinh doanh.
“Ngành nail là một kỹ nghệ rất lớn, không đơn giản. Người dân đi làm có tiền thì không ai muốn lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Việc này (mở cửa kinh tế) là việc nên làm “nhưng với điều kiện là phải giữa khoảng cách và vệ sinh an toàn.” Ông Nguyễn Hiếu, chủ tiệm nail ở Arkansas đưa ra ý kiến về quyết định mở cửa các cơ sở thương mại ở các tiểu bang.
Theo ông Hiếu, đại dịch COVID-19 đã làm cho hơn 50 ngàn người ở Mỹ thiệt mạng, một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, cá nhân ông có đặt ra một hỏi, trong số hơn 50 ngàn người chết đó, bao nhiêu người thật sự chết vì virus Corona?
Ông Hiếu nhận định: “Với số lượng người chết như vậy mà shut down toàn bộ nước Mỹ hơn 300 triệu dân thì tôi nghĩ là không công bằng. Bên cánh tả có thể họ lợi dụng điều này để làm cho nền kinh tế Mỹ lụi bại và làm cho Tổng thống Donald Trump thất bại trong kỳ bầu cử sắp tới.”
Và do đó, cũng theo ông, các chủ tiệm nail đã chuẩn bị rất kỹ các hình thức bảo vệ an toàn sức khoẻ để sẵn sàng mở cửa tiệm.
“Nếu mình chuẩn bị đầy đủ những đồ bảo vệ như đeo tấm che mặt (Face Shield), khẩu trang, và có một miếng mica chắn giữa thợ và khách, gọi là Table Shield, thì nên mở cửa.”
Tấm chắn bằng mica mà ông Hiếu vừa nhắc đến có hình dạng như những vách ngăn thường thấy ở ngân hàng. Trường hợp này được dùng để ngăn cách và tạo an toàn cho người thợ và khách. Người khách sẽ đưa tay qua khoảng trống to được cắt rời khỏi tấm mica. Khoảng trống này vừa đủ an toàn, vừa đủ cho người thợ phía bên kia thoải mái thực hiện công việc của mình.
Biện pháp Table Shield được dùng cho cả dịch vụ làm chân (pedicure). Một tấm mica sẽ được treo từ trên trần nhà xuống đúng vị trí ngồi làm của người thợ.
Từ Texas, ông Nguyễn Đình Hoàng Sơn nói cụ thể thêm về những bước người chủ tiệm cần phải chuẩn bị.
“In những qui định rõ là khách đến làm phải đeo khẩu trang. Khi họ không có, thì mình có thể phát miễn phí nếu mình có nguồn mask phong phú, hoặc mình bán 1 hoặc 2 đồng/cái. Nhất định không phục vụ nếu khách từ chối không mang mask. Đó là điều qui định trước tiên.”
“Thứ hai, phải để nước rửa tay diệt khuẩn trước cửa tiệm cho khách dùng trước khi bước vào. Kế nữa là ngay chỗ quầy đón khách và trước bàn của thợ, tôi để tấm chắn, gọi là Table Shield để giảm thiểu khả năng lây nhiễm. Nhiệm vụ của người thợ là trước và sau khi làm khách đều phải lau khử trùng chỗ làm, ghế ngồi.”
Cẩn thận hơn, ông Sơn nói rằng nếu có thể, mỗi một cửa tiệm nail nên trang bị máy đo thân nhiệt để kiểm tra người thợ vào tiệm mỗi ngày. Ông cũng nhấn mạnh “đây là biện pháp ngăn ngừa tốt nhất có thể thực hiện trong tầm tay của mình.”
Với ông Sơn, nếu xảy ra một ảnh hưởng nào với bất kỳ tiệm nail nào đó thì ngành nail của người Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là một “đại hoạ.”
Đồng ý điều này, ông Hiếu ở Arkansas khẳng định đầu tư bảo vệ an toàn cho thợ và cho khách là trách nhiệm của người chủ tiệm. Ngoài ra, còn một điều khác mạnh mẽ hơn, đó là:
“Ngoài trách nhiệm, đó còn là lòng tự trọng. Ngoài việc doanh nghiệp của mình bị mang tiếng, mình còn gây tiếng xấu cho cả cộng đồng người Việt hải ngoại của mình. Cho nên, chuẩn bị thật tốt và thật kỹ với tôi là điều bắt buộc phải làm.”
Cho đến nay, vẫn chưa có quyết định cuối cùng của các thống đốc tiểu bang về ngày mở cửa kinh tế địa phương. Khó khăn của ngành nail và các cơ sở thương mại khác của cộng đồng người Việt vẫn còn đó.
Nhưng, ông Nguyễn Đình Hoàng Sơn tin rằng: “Năm 1975, giữa sự sống và cái chết cách nhau chỉ một sợi tóc, người Việt chúng ta vẫn vươn lên, vẫn sống và ngẩng cao đầu đi về phía trước. Ngày hôm nay, chúng ta vẫn phải vươn lên, tìm ra giải pháp tốt nhất cho mình và cho cộng đồng.” (Cát Linh) (kn)