WASHINGTON, DC (NV) – Đại dịch COVID-19 gây ra hiện đang tạo thành kiến trong giới tiêu thụ ở Mỹ và Trung Quốc về sản phẩm của nhau, và khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất và nhì thế giới này xa rời hơn nữa.
Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Tư, 20 Tháng Năm, cho biết kết quả một cuộc thăm dò mới đây của dbDIG, thuộc ngân hàng Đức Deutsche Bank, thì có tới 41% dân Mỹ nói sẽ không mua món hàng có nhãn hiệu “Made in China” nữa, và 35% dân Trung Quốc nói sẽ tránh không mua sản phẩm có nhãn hiệu “Made in USA.”
Tuy rằng giới tiêu thụ ở cả hai quốc gia hiện chưa sẵn sàng để hoàn toàn từ bỏ việc mua sản phẩm của nhau, kết quả cuộc thăm dò cho thấy sự gia tăng của tinh thần quốc gia chủ nghĩa trong lãnh vực thương mại, và sự chán ghét tinh thần “toàn cầu hóa,” theo lời phân tích gia Apjit Walia ở Deutsche Bank.
Sự nghi ngờ của người tiêu thụ Mỹ đối với sản phẩm Trung Quốc cũng một phần được thúc đẩy do các phát biểu của giới chức chính phủ Mỹ, nhất là từ Tổng Thống Donald Trump, người đổ lỗi cho Trung Quốc là gây ra COVID-19 và tạo nghi ngờ về sự khả tín của Bắc Kinh, theo tờ SCMP.
Các phân tích gia nói rằng với cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ sẽ diễn ra chỉ trong chưa đầy sáu tháng nữa, Tổng Thống Trump sẽ tiếp tục đả kích Trung Quốc để giảm bớt sự chú ý của dư luận về cách chính phủ ông đối phó với dịch, cũng như những thiệt hại kinh tế mà dịch gây ra.
“Sự nóng giận và bực bội đang lên cao ở cả hai quốc gia, và các nhà chính trị ở cả hai nước đều biết rõ điều đó, và cũng vì đây là năm bầu cử ở Mỹ nên vấn đề lại còn phức tạp hơn nữa,” theo phân tích gia Walia.
Trong một cuộc thăm dò khác về người tiêu dùng ở Mỹ, do công ty tư vấn FTI Consulting ở Washington, DC, thực hiện, có 78% người trả lời nói rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền để mua một sản phẩm, nếu công ty liên hệ di dời xưởng sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong số những người được thăm dò, có 55% nói họ không tin rằng Trung Quốc sẽ giữ lời hứa mua hàng hóa sản phẩm Mỹ, theo thỏa thuận giai đoạn 1 được ký hồi Tháng Giêng năm nay.
Trung Quốc ủng hộ việc toàn cầu hóa và mậu dịch đa phương vì đã giúp đưa cả tỷ người dân ra khỏi cảnh nghèo khó và đưa kinh tế quốc gia này lên hàng nhì thế giới.
Với chi phí nhân công rất rẻ và hệ thống hạ tầng cơ sở vững chắc, Trung Quốc trở thành xưởng sản xuất của cả thế giới, và người dân Mỹ cũng được hưởng lợi là có nguồn cung cấp hàng rẻ từ Trung Quốc.
Nhưng do chi phí trong nước dần tăng lên, cùng cuộc chiến mậu dịch kéo dài đã hai năm với Mỹ đã khiến Trung Quốc bị giảm giá trị trong hệ thống cung cấp hàng hóa toàn cầu, ngay cả trước khi có dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 và các ảnh hưởng đối với kỹ nghệ sản xuất ở Trung Quốc, gây khó khăn cho người tiêu thụ ở mọi nơi trên thế giới, đã khiến gây ra sự lo ngại về tình trạng trông cậy quá nhiều vào chỉ một quốc gia cho các món hàng vô cùng quan trọng như dụng cụ y tế, thuốc men.
Các phân tích gia tài chánh nói rằng giới doanh gia bị áp lực từ giới cổ đông và cả chính quyền là phải nội địa hóa phần nào nguồn cung cấp để có thể đương đầu với các cú sốc bất ngờ trong tương lai. (V.Giang)