SINGAPORE (NV) — Khi chiếc tàu West Capella, do công ty quốc doanh Petronas của Malaysia thuê để thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông hoàn tất nhiệm vụ của mình tuần qua, một chiến hạm Hải Quân Mỹ, chiếc USS Gabrielle Giffords, đã rời căn cứ ở Singapore để đến vùng biển này và đi ngang qua chiếc tàu.
Theo bản tin của tờ South China Morning Post hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Năm, đây là lần thứ ba trong ít tuần trở lại đây, chiến hạm Mỹ làm nhiệm vụ chứng tỏ sự hiện diện của họ trong vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này, vốn cũng là nơi đang có trở lại sự căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Đông Nam Á do tranh chấp về hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí.
Bắc Kinh nói rằng một khu vực rộng lớn trong vùng Biển Đông, kéo dài khoảng 1,000 dặm (1,600 km) từ bờ biển phía Nam Trung Quốc là của họ. Chính quyền Trung Quốc sử dụng các tàu thăm dò địa chất, tàu tuần duyên và tàu dân quân giả dạng đánh cá để duy trì sự hiện diện ở vùng biển này.
Tuy Bắc Kinh nói rằng các tàu của họ chỉ có những hoạt động bình thường, Washington đã cáo buộc Trung Quốc là có thái độ bắt nạt các quốc gia láng giềng. Vào năm 2018, Việt Nam đã từng phải ngưng các hoạt động thăm dò của công ty Tây Ban Nha Repsol tại vùng biển của mình khi Trung Quốc đưa tàu tới gây sự.
Việt Nam là một trong bốn quốc gia, gồm cả Malaysia, Brunei và Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc trong vùng Biển Đông.
Hiện nay, trong các quốc gia ASEAN, Hà Nội có phản đối mạnh mẽ nhất để chống lại các hành động lấn chiếm của Bắc Kinh ở Biển Đông, tiếp theo đó là Manila.
Tám quốc gia còn lại trong khối ASEAN nói chung là vẫn có thái độ dè dặt, kín tiếng. Và họa hoằn khi họ lên tiếng, thì cũng để chỉ nói về sự quan trọng của việc tránh có đối đầu và duy trì sự ổn định trong khu vực.
Các phân tích gia nói rằng các quốc gia này không muốn công khai tranh cãi với Trung Quốc vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại và đầu tư, nhất là trong giai đoan kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19.
Ông Joseph Liow Chin Yong, một chuyên gia về chính trị địa dư Á Châu-Thái Bình Dương tại đại học Nanyang Technological University ở Singapore, nói rằng các quốc gia ASEAN đều muốn có sự thảo luận sau hậu trường, để cho phép họ có biện pháp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà không bị mất đi mối giao hảo với Bắc Kinh.
Sự lựa chọn của Hà Nội là đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, trong khi đó phản ánh mối quan hệ phức tạp của hai quốc gia láng giềng này. Nỗ lực gia tăng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam có vẻ không làm giảm nỗ lực xác định quyền lợi quốc gia của cả hai bên, theo bài báo South China Morning Post.
Hồi tuần qua, Hà Nội công khai lên tiếng phản đối việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá đầu mùa Hè, như vẫn thấy hàng năm, và khuyến khích ngư dân của mình cứ mạnh dạn ra khơi đánh cá quanh vùng quần đảo Hoàng Sa.
Tháng qua, Việt Nam cũng phản đối việc Trung Quốc thiết lập đơn vị hành chánh tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gọi đây là hành động phi pháp và không có giá trị. Điều này xảy ra sau khi Việt Nam tố giác và đưa công hàm phản đối vụ tàu tuần duyên Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Tại Philippines, chính phủ của Tổng Thống Rodrigo Duterte bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam sau khi xảy ra vụ tàu cá bị đâm chìm. Manila cũng gửi công hàm phản đối việc tàu chiến Trung Quốc chiếu radar hỏa lực vào một chiến hạm Philippines cũng như việc Bắc Kinh thành lập khu vực hành chánh tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Bãi Macclesfield.
Ông Jay Batongbacal, một chuyên gia về luật hàng hải và giáo sư tại University of Philiippines, nói rằng Manilan nay có thái độ cứng rắn hơn khi trước, nhưng không nghĩ rằng tình hình sẽ căng thẳng hơn.
Trước đây, dưới thời Tổng Thống Benigno Aquino, Philippines đã đi kiện Bắc Kinh trước tòa quốc tế năm 2013 và đã thắng kiện năm 2016. Tổng Thống Duterte đã gặp nhiều chỉ trích vì không dám đòi Trung Quốc phải tuân hành phán quyết của tòa.
Ông Batongbacal giải thích với tờ South China Morning Post lý do vì sao ông không dự trù tình hình giữa Philippines và Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn vì: “Dưới thời chính phủ Duterte, phía Philippines chọn lựa cách lặng lẽ đưa công hàm phản đối mà không loan báo ra ngoài công chúng để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc là giải quyết sự việc trong nội bộ.”
Theo ông Nguyễn Quang Dy, một cựu giới chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam, thì nên có một cơ chế mói cho an ninh khu vực để phá tan âm mưu bành trướng hàng hải trong tương lai của Trung Quốc.
Một ý kiến do ông Dy đề nghị là cơ chế “Bộ Tứ cộng”, trong đó Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khối ASEAN. Ý kiến này được Viện Nghiên Cứu Chính Sách Chiến Lược Úc, cơ quan được sự tài trợ của chính phủ Úc và các chính phủ khác, kể cả Mỹ, phổ biến rộng rãi.
Tuy nhiên, hiện có rất ít chỉ dấu cho thấy là sẽ có sự thay đổi trong nguyên trạng.
“Vùng Biển Đông là mối quan tâm của khu vực, nhưng khu vực để cho mỗi quốc gia liên hệ tự tìm giải pháp. ASEAN không phải là tổ chức được thành lập để giải quyết tranh chấp,” cũng theo giáo sư Liow ở Nanyang Technological University. (V.Giang)