Con gái kính gởi bài viết này đến người hùng lớn nhất của đời con, cựu cảnh sát truyền tin Việt Nam Cộng Hoà, Ba Nguyễn Hoa
Trong cuộc đời mỗi một người con gái, thường có những vị anh hùng mà cô ta ngưỡng mộ. Tôi may mắn ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, dù đớn đau khổ nạn, hay lúc hạnh phúc ngập tràn, thì đâu đó luôn có những người hùng xuất hiện để phò trợ tôi, từ những việc rất nhỏ đến việc to tát vượt quá sức tưởng tượng, thì tôi đều sẽ gặp được những thiên thần từ trời sai phái. Tuy vậy người hùng lớn nhất và là người tôi ngưỡng mộ nhất nhất trong cuộc đời này không ai khác ngoài Ba tôi.
Ông bà nội mất sớm nên Ba là một đứa trẻ mồ côi từ bé, Ba phải tá túc, nương nhờ nơi người chú. Nhà chú cũng nghèo nên mới hết lớp 2 thì Ba đã phải thôi học để vật lộn với cuộc đời mà lo kiếm sống. Tất cả những gì Ba học được là ở sự nhạy bén và không ngừng nỗ lực của bản thân, và đời đã dạy cho Ba thay cho học đường.
Năm 20 tuổi Ba đã gặp mẹ và đeo đuổi mẹ suốt một thời gian dài. Mẹ là một tiểu thư, con nhà gia giáo, theo đạo Tin Lành, và ông ngoại là một người cực kỳ khó tánh. Mẹ kể rằng Ba muốn trò chuyện với Mẹ thì phải tham gia những buổi nhóm họp thanh niên tại nhà thờ, và phải đứng cách xa xa trò chuyện. Không bao giờ có chuyện cầm tay nắm chân chứ đừng nói chi đến việc hôn hít. Mẹ nói với Ba: “Nếu anh thật lòng thương em thì phải làm sao cho Ba em đồng ý cho anh hỏi cưới em thì mới được, bằng không thì đừng đeo đuổi em để em phải mang tiếng.” Thế là Ba đã đi gặp mục sư, tình nguyện theo đạo, phấn đấu tham gia đoàn thanh niên, sau đó trở thành một lãnh đạo, làm trưởng ban thanh niên. Ba vào lính tham gia học tập, huấn luyện và nhanh chóng trở thành một cảnh sát của quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Ba là một người có tài lãnh đạo, thông minh, nhanh nhẹn. Ba rất được lòng người, các sếp cấp bậc tướng tá rất thương Ba. Sau một năm, các tướng tá với quân hàm oai phong lẫm liệt, đã đại diện thay cho đàn trai đến hỏi cưới mẹ cho Ba. Ông Ngoại đã không phản đối nhưng với điều kiện duy nhất, Ngoại chỉ có một đứa con gái, bà Ngoại đã qua đời từ sớm, nên con gái của ông ở đâu thì ông sẽ phải đi theo đó. Ba phải về làm rể chứ không được mang Mẹ ra đi mà không mang theo ông Ngoại.
Khi quân đội Mỹ rút binh, Việt Nam Cộng Hoà yếu ớt cầm cự cho đến giây phút cuối cùng, cấp trên ra lệnh cho lính tráng phải đầu hàng không được chống cự. Lúc đó Ba đang có mặt tại chiến trường, quân lệnh như núi, không được cãi lại. Ba buộc lòng phải vứt bỏ súng ống, thay bộ đồ thường dân, bọc một cọc tiền trong túi, lẻn vô rừng sâu để tìm đường thối lui.
Hơn một tháng trời lẩn trốn để kiếm đường về nhà, nhưng cuối cùng trên đường đi Ba vẫn bị bắt. Họ không tìm thấy bất cứ giấy tờ gì chứng minh thân phận của Ba, ngoài một cọc tiền. Ba khai tên khác, và khai mình là một thương gia, vì trên đường gặp nguy hiểm nên Ba đã lạc vào rừng. Trong người có nhiều tiền vì do buôn bán. Ba bảo họ có thể tịch thu số tiền, Ba chỉ cần được bình an về nhà với vợ con. Sau nhiều tháng ngày tra tấn và không tìm ra được manh mối gì ngoài lời khai cung được lặp đi lặp lại, không thay đổi của Ba, nên 9 tháng sau họ đành thả Ba ra, với tội danh tư bản đỏ, giàu có, nên phải bị phạt 9 tháng tù cho biết thân biết phận.
Ba về nhà và nói với Mẹ, Ba phải lẻn vào trong Nam ngay lập tức, vì trước sau gì họ cũng sẽ tìm ra manh mối, và sẽ bắt Ba trở lại. Ở cái đất Quảng Nam chật hẹp, ai cũng biết ai nên chắc chắn sẽ bị đấu tố. Ba kêu Mẹ coi thu xếp bán nhà cửa rồi vào Nam gặp Ba. Mẹ mỗi ngày cứ dỡ ít tôn, ngói và cắt đất bán đi từ từ. Mỗi ngày đều bị hợp tác xã mời lên làm việc vì lý do gì bán nhà. Mẹ bảo tôi một mình không nuôi nổi đàn con thơ, chồng tôi không biết đã biệt xác phương nào, tôi phải cắt đất bán để nuôi con.
Một thời gian sau thì mẹ cũng đùm túm đưa được đàn con thơ vào Nam đoàn tụ với Ba. Ba vào Nam và tới một nơi gọi là Trảng Gùi, nơi đó bấy giờ là rừng hoang, không ai canh tác. Ba nhắm thấy có nguồn nước suối chảy ngang những mảnh đất đó, nên Ba đã khai hoang, đắp đất cho nước chảy vào ruộng mình và gieo trồng lúa. Ngay cả những lúc hạn hán hay nghịch mùa thì Ba vẫn dẫn được nguồn nước chảy vào ruộng mình, nên có lúa gạo quanh năm. Ba cũng làm bẫy săn bắn thú rừng, đặt lồng bắt cá, trồng cây ăn quả. Ngoài những giờ canh tác ruộng vườn cho mình, Ba cũng để thời gian đến phụ những người chòm xóm xung quanh. Chính vì thế, Ba rất nhanh lấy được lòng của người địa phương.
Bấy giờ ở Trảng Gùi, người giàu và có quyền lực nhất là ông Bác Sáu. Những lúc săn được thú rừng, làm sạch rồi, Ba cũng thường mang biếu tặng Bác Sáu. Rồi thỉnh thoảng cũng chén ra chén vô với Bác Sáu để tạo mối quan hệ tốt. Bác Sáu rất thích Ba ở chỗ Ba rất hài hước và biết điều. Bác Sáu nhận đỡ đầu cho Ba và kêu Ba về phụ giúp lò đường cho Bác Sáu. Bác cũng cắt 2 sào đất sau hè ở căn nhà ngoài phố tặng cho Ba để Ba có thể cất thêm căn nhà ngoài phố cho con cái có chỗ ở đi học. Những ngày cuối tuần gia đình thường tập trung về nhà ngoài phố cách nơi làm rẫy khoảng 10km để đi nhà thờ.
Chính bởi ở sự thông minh nhạy bén nên bất cứ việc gì Ba bắt tay vào làm thì Ba đều có những sáng kiến mới vượt người. Chẳng hạn như việc làm đường, lúc Bác Sáu làm thì người ta cầm cái cột đẩy xung quanh lò đường rất mệt và mất sức. Khi Ba về phụ Bác Sáu thì Ba bắt một con trâu cột cái sào vào cổ nó và dắt cho nó đi xung quanh lò đường, năng xuất tăng nhanh, những tán đường Ba đổ ra cũng đầy và nặng hơn, nên khi tung ra thị trường, hàng của bên Bác Sáu vượt trội người khác và bán chạy hơn. Một năm sau thì Bác Sáu bảo: “tao biết chú mày là người có tài, nếu chú mày muốn tự mở lò đường của riêng để phát triển thì Bác sẽ cho mượn tiền.” Điều kiện là vẫn phải giúp vận hành và điều khiển tốt công việc cho Bác, rồi song song đó có thể tự phát triển thêm cho mình thì Bác sẽ không cản. Đúng là cuộc đời con người không bao giờ có đường cùng, ở đâu thì cũng có người giàu, kẻ nghèo, người tốt, kẻ xấu. Ta cứ sống hết mình thì cũng sẽ được người khác thương yêu lại.
Nhưng tất cả sự việc trên đời, người tính không bằng Trời tính. Dưới sự giúp đỡ của Bác Sáu và một số ân nhân khác, Ba đã đặt mua được bộ che mới để thành lập lò đường của mình. Ba nhận nhiều hợp đồng xay mía làm đường cho các vựa mía trong vùng. Máy móc đang trên đường về, thì tối hôm đó, người chủ bến tàu ở căn nhà đối diện sang gõ cửa, gởi vài người khách từ Sài Gòn đến ngủ qua đêm. Họ cho biết đêm nay sẽ có chuyến vượt biên thật. Thời đó cứ 3 chuyến vượt biên sẽ có 2 chuyến giả, một chuyến thật, chuyến giả chủ tàu sẽ báo trước cho công an địa phương biết để đến bắt người khi họ đổ bộ lên tàu. Chuyến thật thì công an sẽ làm ngơ không biết. Như thế hàng tháng công an sẽ vẫn có con số người bị bắt nhiều hơn số người vượt biên để trình lên cấp trên. Dân Sài Gòn sẽ không biết được chuyến nào thật, chuyến nào giả. Chỉ có thể đánh liều cá cược với cuộc đời, hên thì đi lọt, xui thì bị bắt, mất 1/2 tiền đặt cọc, 3 ngày một tháng sẽ được thả tù về nhà, lại chung tiền để đi chuyến khác. Nhiều người số xui cứ bị trúng chuyến giả, bị bắt mấy chục lần, nhà tan cửa nát, nợ nần chồng chất, vẫn mong một ngày tìm được con đường đến bến bờ tự do. Dù tương lai mờ mịt, không biết được phía trước là những gì đang chờ đón mình. Mọi người đều chỉ có một tâm niệm duy nhất là cần thoát khỏi chế độ Cộng Sản. Lúc bấy giờ dù chân trời nào thì cũng tốt hơn là sống dưới sự điều hành và kiểm soát của bọn Cộng Nô.
Trở lại việc người chủ tàu gởi khách ngủ qua đêm tại nhà, chủ tàu cho biết có thể cho một người con trong nhà theo tàu đi vượt biên miễn phí. Khuya đó Ba đưa anh trai lên tàu vượt biên, nào ngờ lên được tàu rồi họ không cho Ba vòng về lại, vì sợ rủi Ba đi tố tụng thì cả đám sẽ bị bắt. Ba tính nhảy sông bơi về, thì bị những người lính trên tàu cản lại, họ nói nếu nhảy xuống họ sẽ bắn. Chuyến tàu đó họ chuẩn bị rất kỹ, vì chuyến đi thiệt nên có vợ con người thân của họ trên tàu, họ chuẩn bị lương thực, nước uống, súng ống không thiếu thứ gì. Trên tàu có thầy chùa, cha xứ, lính tráng, bà mụ, phụ nữ mang thai, người già trẻ nhỏ. Tổng cộng 143 người, giữa đường một phụ nữ đã sanh em bé, vừa cập đất liền một phụ nữ khác sinh em bé nữa. Nên tính ra tất cả là 145 người. Khi tàu vượt khỏi địa phương an toàn ra tới cửa biển Vũng Tàu thì gặp công an đi tuần, hai bên đã nổ súng bắn nhau dữ dội, may thay không có người nào chết, nhưng đạn xuyên thủng những thùng chứa nước ngọt, và nhiều lỗ đạn trên tàu làm nước tràn vào. Thuyền trưởng ra lệnh quăng bỏ tất cả mọi thứ cho nhẹ bớt tàu và chỉ chừa một ít lương thực và nước uống để cầm cự cho mọi người. Đàn ông ai có sức khoẻ thì thay phiên tát nước để giữ cho Tàu không bị ngập. Ai có nhiệm vụ tát nước thì mỗi ngày sẽ được nhận một miếng cơm bằng quả trứng gà và một vài muỗng nước để lấy sức. Những người khác thì phải ráng nằm yên để cầm cự. Đến ngày thứ 6, tất cả đã mệt lã và như không còn có thể cầm cự thêm được nữa. Thuyền đã sắp đắm vì nước ngập, thì may thay một chiếc tàu giàn khoang của Mỹ đã cứu vớt và đưa họ vào đất liền đến trại tị nạn của đảo Ga Lăng II.
Ở trại tị nạn gần một năm thì Ba và anh trai được một nhà thờ Mỹ tại Iowa bảo trợ. Người Mỹ đúng thật là nhân văn, thời bấy giờ người tị nạn chính trị như Ba được họ cấp nhà cho ở miễn phí, và được đi học. Mỗi giờ Ba đi học, họ trả cho $2.50. Ở Iowa được khoảng 6 tháng thì phu nhân sếp cũ của Ba tìm được hồ sơ của Ba nên liên lạc đem Ba qua Tacoma, Washington. Đa phần người Viet Nam sinh sống tại thành phố Tacoma đều là người Quảng Nam, chính bởi vì sự có mặt của vợ chồng ông cựu trưởng ty cảnh sát VNCH Huỳnh Tấn Tuân. Vợ chồng ông hễ liên lạc được người quen nào đều kéo họ về nơi này cho có đồng hương.
Cuộc sống của Ba những ngày đầu trên đất Mỹ rất chật vật, với chút vốn liếng tiếng Mỹ mà người ta gọi là tiếng Bồi, chữ được chữ mất, đụng đâu bồi đó. Tuy nhiên vốn là một người chăm chỉ chịu khó, Ba lại một lần nữa không ngừng nỗ lực. Ba bắt đầu làm lại từ đầu, không khuất phục trước khó khăn hay số phận. Ba nhận làm bất cứ công việc gì có thể để nuôi sống bản thân cùng đứa con trai ở tuổi teen, (tuổi này thời đó ở Mỹ rất nguy hiểm đối với cộng đồng người Việt, nhất là những đứa trẻ đang bị mất lạc phương hướng, cha mẹ chỉ lo đi làm kiếm tiền, cô đơn, shock với cuộc sống mới, rất dễ gia nhập băng đảng, may thay ông anh vẫn học hành tốt và sống tốt). Ba luôn cố gắng làm việc hết sức mình để có thể dành dụm gởi tiền về quê nhà lo cho vợ cho con. Với những hợp đồng trước đó Ba đã nhận làm đường cho người ta, cùng với máy móc các thứ đã mua, giờ không ai điều khiển. Mẹ phải bán tháo bán chạy đền bù hợp đồng cho họ. Mẹ vay mượn nợ khắp nơi, vì thế Ba phải cật lực đi làm gom tiền gởi về giúp Mẹ trả nợ. Hằng đêm Ba không nề hà thức dậy lúc 3:00 giờ sáng để đi dọn dẹp nhà hàng, sáng về Ba nhận làm job custodian, dọn dẹp cho nhà trường, chiều Ba nhận thêm job làm ở tiệm phở. Ba cho biết mỗi ngày Ba ngủ không đầy 4 tiếng đồng hồ, nhưng Ba luôn nỗ lực phấn đấu. Ba nói hễ nghĩ đến vợ đến con ở quê nhà, không ai nương tựa, đói khát, khổ cực, là Ba lại kiên tâm tiếp tục phấn đấu. Nỗi khổ nào Ba cũng ráng vượt qua. Hằng tuần Ba đều đặn biên thư về kể cho Mẹ và các con nghe cuộc sống nơi xứ Mỹ. Ngày đó, đối với tôi, chú đưa thư là ông bụt, chú thường mang những cánh thư màu trắng viền xanh, với nét chữ đẹp mạnh mẽ, đều đặn, cứng cáp, đầy nam tính của Ba, từ một vùng trời xa xôi mơ hồ nào đó có tên gọi là nước Mỹ. Mỗi lần nhớ Ba, tôi len lén lôi thư Ba ra hè ngồi đọc, rồi lại ôm thư Ba cầu nguyện và khóc. Dù lúc đó tôi chỉ là một đứa bé chưa đầy 8 tuổi thì tôi đã cảm được tất cả nỗi khó nhọc của Ba. Tôi nhớ Ba da diết, tôi thèm khát những ngày Ba địu tôi trên đôi vai lực lưỡng. Những lần Ba dẫn tôi lội suối lấy ống lươn, tát mương bắt cá. Những trưa hè Ba dạy tôi bơi, hay những buổi chiều ba cho tôi ngồi cỡi trên lưng bò và Ba dắt cho bò chạy khắp cánh đồng cỏ xanh bát ngát. Hằng đêm tôi và chị Phúc An, (người chị bị tai nạn xe cộ năm rồi trong câu chuyện trước của tôi), 2 chị em tôi đều đặn, đêm nào cũng trải chiếu ra nằm chờ sao băng, để làm một điều nguyện ước duy nhất đó là: “ước được sang Mỹ gặp Ba.”
Những chú bác hàng xóm vượt biên cùng chuyến với Ba, họ đều có vợ bé, có con riêng, nhưng Ba tôi thì vẫn một lòng chung thuỷ cùng Mẹ. Ba nói động lực duy nhất để Ba phấn đấu và không ngã quỵ trước những mệt nhọc khó khăn, hay những cám dỗ xa hoa của xứ sở này, đó chính là mấy mẹ con chúng tôi. Việc tôi thường ôm thư của Ba ra hè đọc và khóc được Mẹ kể Ba nghe, việc chị em tôi thường trông sao trời để nguyện ước gặp Ba, Ba đều biết rõ. Ba viết thư riêng cho chúng tôi, Ba hứa sẽ cố gắng nhanh chóng tìm mọi cách để đưa tất cả mẹ con chúng tôi cùng sang Mỹ đoàn tụ với Ba. Ba dặn Mẹ thay Ba chăm sóc chúng tôi, và chờ đợi ngày Ba thực hiện lời hứa của mình. Thời đó việc được đi Mỹ đoàn tụ là một việc rất mơ hồ, xa xôi, ảo huyền. Dẫu vậy tôi luôn tin vào lời hứa của Ba, tôi biết chắc những gì Ba hứa, Ba nhứt định sẽ thực hiện. Vì thế từ rất sớm tôi đã xin Mẹ cho tôi được đi học Anh văn. Nhưng khổ thay, ở cái miền quê nghèo khó thời ấy, học Anh văn là một việc làm vô bổ, và thầy cô dạy thì cà trật cà duộc. Học 3 năm Anh văn mà vốn liếng tiếng Anh của tôi sau này sang Mỹ cả cái tên của mình còn không biết đánh vần, thiệt là đốt sách mà.
Mãi gần 10 năm cách biệt, thì đầu năm 1992, gia đình chúng tôi 5 người được chính phủ phê duyệt phỏng vấn và được chấp thuận cho sang Mỹ đoàn tụ cùng Ba. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay. Lúc bấy giờ tâm trạng của tôi buồn vui lẫn lộn, ở cái lứa tuổi 15, vừa chớm biết đến những vui buồn vu vơ và nhớ mong đợi chờ một ai đó, thì giờ đã chia xa. Nhưng sự mong đợi được đoàn tụ cùng Ba, người hùng của đời tôi là mãnh liệt hơn hết. Thế nên lần cuối nhìn qua khung cửa sổ của máy bay, phía dưới là một màu xanh ngát của quê hương bỏ lại sau lưng, tôi từ giã ra đi không biết ngày nào trở lại. Tạm biệt tất cả 15 năm đã gắn bó hình thành nên tôi, một cô gái Việt. Tạm biệt quê hương thân yêu, tạm biệt thầy cô, bạn bè, trường lớp, tạm biệt những mái nhà tranh và khói lam chiều với tiếng bìm bịp kêu con nước ròng nước lớn, tôi sang Mỹ gặp người hùng lớn nhất của đời tôi.