Hoài Lê
GLENDALE HIGHTS, Illinois (NV) – Nếu không có gì thay đổi, các tiệm nails ở tiểu bang Illinois sẽ được phép mở cửa vào ngày 29 Tháng Năm. Sau 72 ngày đóng cửa vì đại dịch COVID-19, nghề nails được “trở lại với đời” nhưng với một vị thế hoàn toàn khác với nhiều dự báo… chẳng lành.
Thời huy hoàng nay còn đâu
Gần như đó là một câu nói cửa miệng của những người hành nghề làm đẹp cho cộng đồng ở Mỹ trong những ngày này. Anh Aaron Lê, chủ tiệm nails Five Star, một trong những tiệm thuộc loại có “số má” trong giới làm nail ở Illionois nói chung và vùng Glendale Heights nói riêng, chia sẻ về sự đảo lộn của nghề nails sau đại dịch với không ít những trăn trở.
Còn khá trẻ nhưng có tay nghề khá giỏi nhờ nhiều năm “lăn lóc” trong nghề, anh và cộng sự của mình, chị Christine Nguyễn, chịu khó tiếp cận với những xu thế tiếp thị tiên tiến để thay đổi phong cách phục vụ, chú trọng chăm sóc khách hàng nên chỉ trong một thời gian ngắn, tiệm của anh chị có chỗ đứng trong vùng.
Là một tiệm có diện tích trung bình (khoảng 1,600 sq ft) và 14 thợ, nhưng ngày Hè hoặc vào các dịp lễ, tiệm của anh chị không còn một chỗ trống và khách phải xếp hàng để chờ đến lượt mình được chăm sóc, thậm chí, vào mùa Đông, tuyết phủ trắng đường, tiệm vẫn có lượng khách rất ổn định…
Đại dịch COVID-19 ập đến, nghề nails cũng như tất cả các ngành nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp khác, là những nghề dễ bị thiệt hại nhất. Ngay lập tức, tiệm phải đóng cửa, thậm chí tiệm của họ còn đóng cửa trước khi có lệnh cách ly của thống đốc tiểu bang.
Chị Christine cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi quyết định tạm đóng cửa hai tuần để bảo vệ thợ của mình và gia đình của họ. Thời điểm đó, dịch ở Châu Âu và thế giới đang lan nhanh trong khi khách của chúng tôi phần lớn đều có gốc da trắng. Ai dè hai ngày sau, tiểu bang có lệnh đóng cửa vậy là ‘cuộc chơi đang vui phải dừng lại giữa chừng.’ Cũng chỉ tưởng một vài tuần, ai dè đóng cửa hơn hai tháng.”
Nghề nails là nghề khá nhạy cảm với sức khỏe của cả khách lẫn thợ nên yêu cầu vệ sinh sạch sẽ là điều tuyệt đối quan trọng. Dù đóng cửa tiệm nhưng mỗi tuần, hai anh chị phải thay phiên nhau ra tiệm trống để dọn dẹp, làm vệ sinh và cho tiệm có… hơi người. Có thể nói, với nghề nails, cả chủ và thợ đều coi tiệm như ngôi nhà hay gia đình thứ hai của mình bởi vì họ có thời gian làm việc, gần gũi bên nhau nhiều hơn thời gian bên chính gia đình họ.
“Những ngày đóng cửa, khi đến tiệm tôi luôn có cảm giác cay cay nơi sống mũi. Căn phòng lạnh lẽo, bãi xe trống vắng, người đi đường thưa thớt… cứ đọng lại những cảm nhận về sự thay đổi theo chiều hướng mông lung, mơ hồ. Linh cảm về sự đảo lộn trong tương lai làm người ta se lại,” anh Aaron chia sẻ.
Âu lo trước “giờ G”
Ở Mỹ, ai cũng biết nghề nails rất cần thiết cho cộng đồng như thế nào. Ở xứ lạnh vùng Trung Tây nước Mỹ như tiểu bang Ilinois cũng vậy. Việc chăm sóc sắc đẹp như nghề làm nails cũng “gây nghiện.” Những bộ “full set,” những ngón tay có màu sơn “No Chip” hay lóng lánh của “Dip Powder” đầy quyến rũ bởi vì… sau hai tuần chợt trở nên “tang thương” khi móng đã dài hơn nên rất cần “fill,” hay làm lại. Có lẽ vì vậy mà trong thời gian đóng cửa, khách liên tục gọi điện thoại chỉ hỏi duy nhất một câu: Khi nào mở cửa?
Nhưng sau thời gian dài chờ đợi trong vô vọng, khi gần đến ngày mở cửa trở lại thì âu lo lại dồn dập.
Vào ngày 20 Tháng Năm, tất cả chủ và thợ nails của tiểu bang Illinois bị yêu cầu phải có chứng nhận của “Barbicide,” công ty kiểm soát vệ sinh trong ngành sắc đẹp, về việc am hiểu những điều bắt buộc với COVID-19. Chưa hết, đọc bảng tiêu chuẩn căn bản về vệ sinh dành cho các tiệm nails theo hướng dẫn của chính quyền mới thật sự “rối não.” Đọc bốn trang với gần 100 điều khoản trong “Section 1175.115 Sanitary Standards…” nhiều ông chủ, bà chủ tiệm nails ở Ilinois phải kêu trời. Đại loại như: “Đọc xong cái danh sách muốn đóng cửa tiếp luôn,” “Đi làm mà như đi đánh giặc, trang bị nhiều thứ như vậy cũng mệt à nhe,” “Chán quá, thôi dẹp tiệm luôn cho rồi, ở nhà ăn tiền thất ngiệp có lý hơn.”
Tuy vậy, mọi người cũng an ủi nhau: “Nghề là nghiệp mà, nếu không trang bị như vậy virus đánh trúng mình là tiêu,” hay “Lúc mới thấy mệt vậy thôi, từ từ cũng quen…”
Tiểu bang Illinois hiện có khoảng gần 1,000 tiệm nails, đa phần do người Việt làm chủ. Ngày thường, các tiệm đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách tiểu bang. Các tiệm nails cũng là nơi giải quyết công ăn việc làm cho gần 100,000 ngàn lao động và đương nhiên là với cả trăm ngàn gia đình tiền ăn, tiền học, tiền nhà và hàng chục các khoản chi phí khác phụ thuộc vào người thợ làm nails.
Tuy nhiên, phần lớn nghề nails ở Illinois là cả chủ và thợ đều khai thuế theo Form 1099, như là người làm việc theo khế ước. Điều này có nghĩa là họ không có bảo trợ thất nghiệp nên sau khi tiệm đóng cửa, nghỉ làm, thì tất cả mọi chi phí sinh hoạt chỉ còn trong cậy vào khoảng tiền $1,200 tiền kích thích kinh tế của chính phủ liên bang. Không thể trông cậy vào tiền thất nghiệp, cả chủ và thợ nails chỉ còn trông mong vào ngày mở cửa để được đi làm.
Nhưng đi làm sau đại dịch sẽ không còn như trước.
Theo anh Aaron, hàng loạt các trang thiết bị cần phải có để giữ an toàn cho thợ và khách mà chủ phải đầu tư. Đầu tiên là các tấm chắn giọt bắn (shield cover), kế đến là găng tay, khẩu trang. Nếu như các tấm chắn cho làm tay và chân giá khoảng $100/bộ thì khẩu trang không chỉ là yêu cầu bắt buộc với thợ mà cả với khách, trong khi hai mặt hàng thiết yếu này đều tăng gấp 8-10 lần so với trước đây. Đó là chưa kể những loại sản phẩm khác mà trước kia rất ít dùng, nay bắt buộc phải có đó là nước rửa tay khô (sanitizer), bình xịt khử khuẩn…. Hiện nay, các sản phẩm này đều thuộc loại hàng hiếm và giá… trên trời.
Dân làm nghề nails thường nói đùa nghề của mình là nghề “nhậu” “alcohol” và “acetone,” bởi vì đây là hai thứ cần thiết. Nhưng hiện nay, các thứ này đều tăng giá gấp nhiều lần bởi vì chúng được sử dụng như là một dung dịch kháng khuẩn rộng rãi trong cộng đồng.
Có nghĩa là chỉ tính sơ sơ, để bảo vệ cho thợ và cho khách đã có nhiều khoản phải chi ra, chưa kể các vật dụng làm móng đều tăng giá… Điều đó chắc chắn sẽ làm đảo lộn nhiều thứ. Đặc biệt, thông báo gần đây của chính quyền, trong giai đoạn đầu được mở cửa, các tiệm nails bắt buộc phải tuân thủ việc giữ khoảng cách. Căng à nhe, trong nghề nails, nếu phải giữ khoảng cách, có nghĩa không được nhận nhiều khách. Mà đón khách nhỏ giọt thì coi như… héo hàng.
Những nghịch lý gây bất ổn
Nhiều dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi rất mạnh sau đại dịch. Nhưng với nghề nails lại được dự báo với khá nhiều bất ổn. Trước hết là giá. Việc phải chi tiên để mua hàng loạt các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho khách và thợ sẽ đội giá thành nên nghề nails sau đại dịch sẽ không còn như ba tháng trước nếu muốn tồn tại. Và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khách hàng, những người cũng bị thiệt hại trong mùa dịch.
Có dịp trao đổi với những ông, bà chủ của loại doanh nghiệp vừa và nhỏ như tiệm nails trong những ngày gần mở cửa này, chúng tôi luôn được nghe những lời trăn trở về áp lực mà họ phải chịu. Đó là tiền thuê mặt bằng. Chia sẻ trong mùa đại dịch cũng có những chủ đất đồng ý giảm tiền thuê tiệm nhưng phần lớn đều trong tình trạng “No connection” (Không thể kết nối). Có nghĩa là cả trong những tháng hoàn toàn đóng cửa, chủ tiệm vẫn phải trả đủ tiền thuê nhà, khi mở cửa đi làm lại chẳng thể trông chờ vào việc giảm giá. Cũng không thể trách được họ bởi vì chính chủ đất cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19. Với lượng khách hạn chế, cộng với hàng loạt chi phí phát sinh, và như được dự báo trước, việc mở cửa trở lại đối với các chủ tiệm nails may ra chỉ đủ… trả tiền thuê nhà.
Có một điều gần như là nghịch lý nhưng lại tạo áp lực không nhỏ, đó là nỗi lo thiếu hoặc thừa… thợ. Chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị COVID-19, tạo tâm lý không an tâm cho những người thợ có cha mẹ già hay con nhỏ nên việc họ từ chối đi làm trong thời gian đầu, hay một thời gian dài sau đó, là điều có thể dự đoán được. Tuy nhiên, sự hạn chế lượng khách, vì yêu cầu giữ khoảng cách, lại tạo áp lực khác cho chủ tiệm. Đó là cần phân chia ca làm việc như thể nào để giữ được thợ, giữ được khách quen chờ qua cơn khủng hoảng… không phải là điều đơn giản.
Nghề nails là nghề hết sức nhạy cảm, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thiếu thợ để khách phải chờ lâu đã khổ thì phân chia thợ không công bằng hay thiếu tinh tế rất có thể mất thợ và liền sau đó là mất khách thì còn khổ hơn.
Nhưng theo anh Aaron Lê và chị Christine Nguyễn, áp lực lớn nhất đối với họ lại là việc bảo vệ an toàn và giữ uy tín cho tiệm trong giai đoạn này khi mức độ rủi ro quá cao mới là “gánh nặng trầm kha.” Không thể kiểm soát được sự giao tiếp trong các mối quan hệ xã hội của khách hàng nên gần như không có gì biết trước họ có bị nhiễm bệnh hay không trước khi đến tiệm. Dù đã trang bị đầy đủ các yêu cầu về khoảnh cách, vệ sinh, kháng khuẩn, hay đo thân nhiệt, chỉ cần một thông tin khách hay thợ nhiễm COVID-19 trong thời gian này sẽ để lại “tai tiếng,” ảnh hưởng thê thảm đến thương hiệu mà họ mất khá nhiều công sức để gầy dựng.
Chưa biết đoạn tiếp theo sau ngày nước Mỹ mở cửa lại nền kinh tế như thế nào, nhưng với nghề nails, quả là những âu lo chập trùng và “mong manh như chỉ mành treo chuông.” (Hoài Lê)