SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chiều 23 Tháng Năm, mạng xã hội lan truyền một clip ngắn cho thấy lãnh đạo công ty Giày Da Huê Phong cúi đầu xin lỗi công nhân khi báo tin giải thể nhà xưởng ở quận Gò Vấp, cho 2,000 công nhân nghỉ việc, và chuyển về cơ sở hai ở tỉnh Trà Vinh vì ảnh hưởng của COVID-19.
Theo báo Tuổi Trẻ, công ty Huê Phong đã giải quyết quyền lợi nghỉ việc cho 2,000 công nhân “theo các quy định pháp luật,” trong lúc Ủy Ban Nhân Dân quận Gò Vấp liên hệ với các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn để bàn thảo việc tiếp nhận lượng lao động vừa mất việc.
Tờ Tuổi Trẻ ghi nhận nguyên do khiến công ty Huê Phong cho 2,000 công nhân nghỉ là “phá sản.” Tuy vậy, tờ Lao Động cùng ngày dẫn lời ông Phạm Văn Tài, phó chủ tịch Liên Đoàn Lao Động Quận Gò Vấp, bác bỏ nguyên nhân này và nói thêm là “do công ty Huê Phong gặp khó khăn về thị trường vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm.”
Mạng xã hội dấy lên suy đoán cho rằng vụ cho 2,000 công nhân nghỉ việc là chỉ dấu cho một loạt doanh nghiệp, nhà máy khác sẽ theo chân công ty Huê Phong trong thời gian tới.
Hồi Tháng Tư, tờ Tuổi Trẻ cho hay, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), dự báo 50% doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phá sản nếu dịch bệnh COVID-19 kéo dài, gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá ba tháng.
“Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hơn 75% doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây,” ông Lộc được tờ báo dẫn lời.
Công ty Huê Phong được ghi nhận thành lập từ năm 1992, có 4,700 công nhân, chuyên sản xuất giày da xuất cảng đi các nước Châu Âu và Mỹ.
Theo Cổng Thông Tin Quốc Gia Về Đăng Ký Doanh Nghiệp, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị và cũng là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là bà Trần Minh Tú, người Việt gốc Hoa.
Trước ngày 11 Tháng Hai, 2020, ông Hsu Chi – Tsang, người Trung Quốc là người đại diện pháp luật của công ty.
Báo Kiến Thức cho biết thêm: “Trong hành trình của mình, Giày Da Huê Phong ‘nhẵn mặt’ với cơ quan chức năng bởi hàng loạt vụ tranh chấp lao động tập thể, hầu hết cuộc tranh chấp đều liên quan đến lương, thưởng và cách đối xử với công nhân. Trong năm 2008, hơn 4,000 công nhân công ty đã đình công và thời gian kéo dài trong hai tuần vì phản đối cách tính lương thưởng.”
Báo này điểm lại các cuộc đình công với quy mô hàng ngàn công nhân tại công ty Huê Phong với cáo buộc “trả lương thấp, buộc công nhân làm việc quá sức, phạt tiền vô tội vạ, buộc nữ công nhân cam kết không được sinh con…” (N.H.K)