Phan Anh Dũng giới thiệu
Năm 2007 lần đầu tiên tôi được nghe ca khúc “Những Sáng Thứ Bảy” của nhạc sĩ Lại Quốc Hùng – sáng tác trước 1975. Melody nhẹ nhàng, lời tình tự êm ái, lồng trong khung cảnh buổi sáng yên tĩnh, chỉ có gió mùa thu lay động những chiếc lá vàng … (còn thứ bảy có lẽ là ngày cuối tuần rảnh rỗi để tác giả đi lang thang chăng?). Ca khúc buồn man mác nhưng vẫn thấy chút hy vọng mong manh qua tia nắng ấm ban mai. Đây quả là một ca khúc hay và “quyến rũ” người yêu nhạc …
Cũng năm 2007, Tâm Hảo đã hân hạnh thu âm ca khúc trữ tình này để tặng tác giả:
MP3-2007:http://www.cothommagazine.com/nhac1/LaiQuocHung/NhungSangThuBay-LQH-TH.mp3
Youtube-2020:
Sau khi giới thiệu “Những Sáng Thứ Bảy” lên website Cỏ Thơm, thân hữu và độc giả đã gởi một số cảm nhận như sau: vài người đã nghe từ thuở Sài Gòn trước 75 qua tiếng hát của ca sĩ Anh Ngọc bây giờ mới nghe lại, có người nghe lần đầu viết thư hỏi nhạc sĩ Lại Quốc Hùng là ai … tóm lại ai cũng khen ca khúc này và mong được nghe thêm các ca khúc khác của anh.
Thời gian lững lờ trôi, cách đây vài tuần Vũ Trung Hiền (em ruột của cố nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm) có liên lạc với Lại Quốc Hùng và được biết anh vừa thực hiện một số nhạc phẩm sáng tác trước và sau 1975 – album có tên “Những Sáng Thứ Bảy – Ca khúc Lại Quốc Hùng”. Sau đó, chúng tôi có dịp thư từ qua lại và được tác giả – hiện cư ngụ ở California, gần thủ phủ Sacramento – ưu ái gởi cho những nhạc phẩm trong album và tài liệu để chúng tôi thực hiện trang này. Một số các ca khúc đã được nhà văn/họa sĩ Đinh Tiến Luyện đưa vào Youtube channel với những tranh “bìa” anh vẽ thật đẹp và lãng mạn [Đinh Tiến Luyện là tay viết/minh họa chủ lực cho báo Tuổi Ngọc (1969-1975) – https://sites.google.com/site/tusachtuoihoa/tuoi-ngoc ]
Thời gian này đúng là cơ duyên để chúng tôi hiểu thêm về một nhạc sĩ tài hoa nhưng ít người biết đến. Ngoài dạy học, anh Lại Quốc Hùng đã từng tích cực sinh hoạt văn nghệ trước 1975, từng là ca trưởng trong Ca Đoàn Trùng Dương, một số ca khúc của anh được các ca nhạc sĩ nổi tiếng yêu mến và trình bày như Thái Thanh & Ban Thăng Long, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc …
Chúng tôi thích thú với nét nhạc đẹp của Lại Quốc Hùng, từ những ca khúc sáng tác sau 1975: Lời Thầm của Giòng Sông (1978), Sài Gòn Lại Có Em (1992), Cali Đêm Giao Thừa (2019) … cũng như các ca khúc sáng tác trước 1975: Cho Nhau (1972), Thì Thầm (1973) và Tình Chết (1971)… 3 bài viết của người bạn thân Nguyễn Tường Thiết, Trần Đình Lương và người yêu âm nhạc/ nhà văn Lê Hữu cho biết thêm về tác giả và nhận định về nhạc Lại Quốc Hùng, thuộc nhạc thính phòng, kén cả người hát lẫn người nghe, sáng tác với âm vực rộng, có những đoạn chuyển đổi lạ nên ca sĩ phải chú ý để hát cho chuẩn … Khi nghe “Thì Thầm” và “Lời Thầm của Giòng Sông” do ca sĩ “thứ thiệt” trình bày mà cũng thấy những chỗ hát chưa được “thoát” cho lắm – chắc chắn tác giả vốn là một cựu ca trưởng vẫn còn muốn tốt đẹp hơn nữa!
Trang này vẫn tiếp tục được bổ túc với các ca khúc khi tác giả thực hiện thêm trong tương lai.
Thân chúc anh Lại Quốc Hùng những ngày nghỉ hưu thoải mái và nhiều sức khỏe,
Phan Anh Dũng
Rockville, Maryland USA
Ngọc Quy hát “NHỮNG SÁNG THỨ BẢY”: MP3 Youtube
Trần Mạnh Tuấn solo kèn saxophone: MP3
Ngọc Quy hát “CA KHÚC CHO NGƯỜI TÌNH BÉ NHỎ”: MP3 Youtube
Thụy Long hát “THÌ THẦM”: MP3 Youtube
Vài hàng về Lại Quốc Hùng
Lại Quốc Hùng 1973
1943: Sinh tại Hà Nội
1954: Di cư vào Nam, học sinh Dòng Chúa Cứu Thế, Taberd Sài Gòn.
1967: Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, ban Triết, dạy học.
Sinh hoạt với ca đoàn Trùng Dương, Sài Gòn.
1968: Nhập ngũ khóa 2/68. Hai năm sau biệt phái trở lại dạy học.
1974: Xuất bản “Ca Khúc Cho Người Tình Bé Nhỏ” gồm 11 ca khúc của Lại Quốc Hùng và 2 ca khúc của Nguyễn Phúc Thọ.
1975: Tù “cải tạo” gần 5 năm
1993: Sang Hoa Kỳ diện H.O. Tiếp tục dạy học.
2000: Về hưu, hiện sống tại Elk Grove, California.
Dự định sẽ xuất bản “ Những Sáng Thứ Bảy, Ca Khúc Lại Quốc Hùng”
Lại Quốc Hùng 2019
Những nốt nhạc gợi nhớ một thời
Nguyễn Tường Thiết
(Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ – 26/4/2020)
Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương…
Đây là đoạn văn kết một truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam mang tên Dưới Bóng Hoàng Lan. Nhà văn Mai Thảo sau này chắc hẳn tâm đắc với đoạn văn trên nên đã chọn hàng chữ “để tưởng nhớ mùi hương” đặt thành nhan đề cho một cuốn tiểu thuyết của mình.
Thật vậy, một mùi hương nào đó đôi lúc chỉ hơi thoảng qua trong đời cũng đủ khiến ta lâng lâng tưởng nhớ. Mùi hương ấy đánh động khứu giác ta: từ sâu trong tiềm thức một kỷ niệm, một hình ảnh chợt hiện, chợt loé, làm ta bàng hoàng.
Tương tự một vài nốt nhạc, một mảnh lời ca nào đó cất lên đôi khi cũng khiến ta sống dậy trong khoảng khắc một mẩu đời cũ. Những nốt nhạc này lôi ta về kỷ niệm đẹp của một mối tình đầu, lời ca kia gợi nhớ một hoài niệm đau thương… Gần như chúng ta ai ai cũng trải nghiệm những giây phút như thế, dù rằng mỗi chúng ta những kỷ niệm riêng tư được gợi nhớ từ những nốt nhạc lời ca hoàn toàn khác nhau.
Với tôi nhạc và lời trong ca khúc Lại Quốc Hùng mỗi khi được cất lên khiến tôi sống dậy cả một thời kỳ trong quá khứ, một thời thật đẹp, trong đó nẩy nở tình bạn sâu đậm giữa hai chúng tôi, tác giả ca khúc Những Sáng Thứ Bẩy và người giới thiệu tuyển tập ca khúc này.
Những nốt nhạc gợi nhớ một thời… được đặt tên và viết ra cũng vì lẽ đó.
*
Tôi quen anh Lại Quốc Hùng trong quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau biến cố Tết Mậu Thân chúng tôi, xuất thân từ nhà giáo, nhập ngũ khoá 2/68 trường BB Thủ Đức theo lệnh Tổng Động Viên. Theo truyền thống mỗi khoá của trường Bộ Binh liên đoàn sinh viên sĩ quan thành lập các ban văn nghệ như ban ca nhạc, ban báo chí … để giúp vui trong các buổi liên hoan được tổ chức trong các dịp lễ hoặc để đóng góp bài vở cho tờ nguyệt san Bộ Binh của trường.
Tôi gia nhập vào ban ca nhạc của khoá mà người trưởng ban là anh Lại Quốc Hùng. Anh Hùng được các anh em sinh viên bầu làm trưởng ban vì trước khi nhập ngũ anh đã từng là nhạc trưởng của ban hợp ca Trùng Dương.
Chúng tôi thân nhau không phải vì hoạt động chung trong ban nhạc này mà vì sự kiện sau khi tốt nghiệp khoá 2/68 Hùng và tôi là hai trong số rất ít tân sĩ quan được chọn ở lại phục vụ ngay tại quân trường Thủ Đức, Hùng là sĩ quan quân huấn và tôi là sĩ quan thuộc khối chiến tranh chính trị của trường, phụ trách tờ Nguyệt san Bộ Binh với chức vị chủ bút. Chính trong thời gian phục vụ tại quân trường Thủ Đức này mà hai vị tân Chuẩn úy thân thiết với nhau. Sau gần một năm làm việc tại trường Bộ Binh, Hùng được biệt phái về Bộ Giáo Dục còn tôi được thuyên chuyển về làm việc tại Tổng Cục CTCT, vì vậy chúng tôi vẫn tiếp tục thường xuyên gặp nhau tại Sài Gòn cho mãi đến năm 1975, biến cố 30 tháng Tư xẩy ra, chúng tôi mới xa nhau. Gia đình tôi di tản qua Mỹ, định cư ở Seattle, Hùng ở lại Việt Nam cho đến năm 1993 di tản qua Mỹ và định cư tại Sacramento, tiểu bang California.
Bìa Nguyệt san Bộ Binh số 37, minh họa “đêm đi kích trên đồi Tăng Nhơn Phú”
Trang 1 Nguyệt san trường Bộ binh Thủ Đức
Khi quen anh tôi mới biết anh còn là một nhạc sĩ và đã sáng tác khá nhiều ca khúc. Trước đó tôi chỉ biết anh là nhạc trưởng của ban hợp ca Trùng Dương khá nổi tiếng hồi ấy ở Sài Gòn. Tôi biết điều này vì cô em họ tôi, ca sĩ Từ Dung, ái nữ của nhà văn Hoàng Đạo, là một trong những thành viên của ca đoàn Trùng Dương.
Trong suốt sáu năm quen biết anh đã nhiều lần hát cho tôi nghe những bản nhạc do chính anh sáng tác và tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao với số lượng sáng tác dồi dào như thế, với những ca khúc có nội dung phong phú như thế, nhạc của anh đã không được phổ biến rộng rãi để anh trở thành một nhạc sĩ có tiếng.
Sau này thân với anh, hiểu rõ con người anh, tôi biết anh chỉ muốn khiêm tốn là một người làm nhạc tài tử. Anh mê nhạc nên thích tạo nhạc, anh hát những bài anh sáng tác cho một số người thân nghe như một niềm vui cho chính mình, nhiều hơn là muốn truyền tải nhạc của mình cho người khác.
Trong thời gian mấy năm trước 1975 ở Sài Gòn tuy thỉnh thoảng những ca khúc của Lại Quốc Hùng cũng đã được một số ca sĩ tên tuổi như Thái Thanh, Anh Ngọc, Kim Tước, Mai Hương… hát và truyền đi trên làn sóng phát thanh, nhưng tên tuổi Lại Quốc Hùng cũng không vì thế mà được nhiều người biết tới. Nhạc của anh thuộc loại kén người nghe, đòi hỏi một trình độ thưởng ngoạn hơi cao, lại không phải là loại nhạc dễ hát, nên dù có được phổ biến rộng cũng không thể đi vào lòng quảng đại quần chúng.
Khoảng cuối năm 1974 anh cũng cho xuất bản tập nhạc “Ca Khúc Cho Người Tình Bé Nhỏ” gồm 11 ca khúc của anh và 2 ca khúc của ông cậu ruột, nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thọ. Tập nhạc in rất đẹp, với bìa màu tranh vẽ của họa sĩ, văn sĩ Đinh Tiến Luyện. Tôi nhớ đã đưa anh đến gặp ông chủ nhà sách Khai Trí và ông đã mua 50 tập ca khúc của anh. Anh cũng cho tôi biết là ca sĩ Anh Ngọc định làm một cuộn băng nhạc của anh với tiếng hát Anh Ngọc và Thái Thanh, cũng như anh có dự định phổ 10 bài thơ tình của thi sĩ Trần Dạ Từ thành một tuyển tập ca khúc có tên “Những Tình Khúc Thời Có Em” mà lúc đó anh đã phổ được hai bài (Khi Buổi Chiều Rụng Xuống và Thơ Mừng Tuổi), nhưng biến cố tang thương năm 1975 đã làm tất cả dự định của anh thành mây khói.
Cá nhân tôi rất thích nhạc Lại Quốc Hùng. Nốt nhạc của anh khoan thai, dìu dặt, êm nhẹ. Lời nhạc của anh trau chuốt, óng ả, đài các… Nhạc và lời trong ca khúc Lại Quốc Hùng quyện vào nhau đưa ta về một quá khứ đã mất, về những mối tình tàn phai, về những hoài niệm khôn nguôi… nhạc và lời như một cơn gió thoảng đưa âm hưởng êm nhẹ mà thanh cao phảng phất như ta được nghe những bài thánh ca vọng ra tự một ngôi giáo đường nào.
Hãy thử nghe những tiếng gió trong ca khúc Lại Quốc Hùng.
Gió như lời gửi gắm trong Những Sáng Thứ Bẩy: Người hỡi, có nhắn gió về. Thì xin trong giây phút này. Nhìn nhau cho thiên thu đầy… Gió xao xuyến trong Tiếng Lá Xưa: Người thầm mong gió lên. Lá xôn xao về lối xưa. Hồn nhẹ nâng cánh bay. Tìm lại giây đắm say... Gió da diết trong Nghẹn Ngào: Gió nào nhuốm chia phôi. Gió nào thoáng đau thương. Nghe nhung nhớ kêu cồn rêu. Nghe thương tiếc lay hồn hoang… Gió thở dài trong Thì Thầm: Gió! Gió có cuốn về xin đừng lay những chiếc lá xanh. Để trong đêm vắng tiếng tôi thì thầm.…
Thật lạ!
Đó là những ca khúc trong rất nhiều ca khúc của anh tôi được nghe anh hát vào thuở ấy. Mà thuở ấy là thuở cao điểm của chiến tranh. Cả nguời hát lẫn người nghe, trong bộ quân phục, chúng tôi chui vào tiếng nhạc của anh như giấu mình vào một thế giới an bình, thế giới của tình yêu vĩnh cửu, thế giới trong đó không có chiến tranh, không có đại bác đêm đêm dội về thành phố… (Đại Bác Ru Đêm) mà chỉ có nắng hồng dìu nhau soi lối cho tình em mãi mặn nồng… (Ca Khúc Cho Người Tình Bé Nhỏ), không có em hỏi anh, em hỏi anh, bao giở trở lại? Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về… (Kỷ Vật Cho Em), mà chỉ có xin em một lời, một lời cuối thôi, một lần cuối thôi, để rồi xa, để rồi mãi xa, chẳng còn ngóng trông duyên tình dài…(Xin Em Một Lời).
Như một Thoáng Mơ – tên một ca khúc của anh – tôi nhớ như in một đêm nào của năm 1969, chúng tôi hai sĩ quan Chuẩn uý hướng dẫn một đại đội sinh viên sĩ quan đi kích trên đồi Tăng Nhơn Phú gần trường Bộ Binh Thủ Đức. Đó là một đêm trăng sao. Về khuya Hùng vén lều ra ngoài, anh đặt úp chiếc nón sắt trên bờ cỏ, ngồi xuống hát cho tôi nghe một ca khúc anh mới sáng tác: Người ru mắt ai vào mơ. Đắm trong trời thơ tháng năm xa mờ. Người đưa cánh sao lạc đêm. Chết bên thần tiên vỡ trong tay mềm... Dưới ánh trăng đôi mắt anh mơ màng. Anh nhìn về phía chân trời sáng ánh đèn của thành phố Sài Gòn, và đợi chờ Những Sáng Thứ Bẩy, hai đứa tôi chở nhau trên chiếc Lambretta về Sài Gòn tận hưởng hai ngày cuối tuần lễ sau năm ngày dài giam mình trong quân trường Thủ Đức. Về đến nhà hai đứa thay ngay đồ dân sự, rồi hẹn nhau tại một quán cà-phê, cà-phê nào nhỉ, La Pagode chăng? Hay chui vào rạp xi-nê xem một phim mới chiếu, nhưng phim nào, Hiệp Sĩ Mù chăng? Hay kiếm một quán ăn nào, nhưng ăn món gì? tôi hỏi anh, và anh luôn luôn trả lời: quelque chose de léger (một cái gì nhè nhẹ). Đấy, anh bạn của tôi đấy, anh luôn luôn đi tìm quelque chose de léger tựa như anh luôn luôn đi tìm những nốt nhẹ nhàng cho những bản nhạc của mình.
*
Nhạc sĩ Lại Quốc Hùng (phải) và tác giả Nguyễn Tường Thiết tại Vườn Nhật Bản ở Seattle.
Hơn năm mươi năm đã trôi qua kể từ dạo ấy. Kể từ dạo ấy đã bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Ngày nay, sửa soạn bước qua tuổi tám mươi và sửa soạn cho sự ra đời của tuyển tập ca khúc này, chúng tôi có cơ hội cùng nhìn lại một thời tuổi trẻ của mình, và cùng thấy rõ một điều: tất cả chỉ như một Thoáng Mơ như một cánh sao lạc đêm trên bầu trời một đêm nào của ngọn đồi Tăng Nhơn Phú.
Với tôi, tôi muốn nhạc Lại Quốc Hùng dừng lại ở thời điểm ấy, trong không gian ấy. Tôi muốn thế vì một lý do hết sức vị kỷ: chính những bản nhạc anh sáng tác trước 1975 và anh đã từng hát cho tôi nghe mới đích thực là những nốt nhạc gợi nhớ một thời vì nó làm sống lại trong tôi những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi thanh xuân.
Nhưng với anh, anh không dừng lại ở đó, anh vẫn tiếp tục đi tìm những nốt nhạc mới, tiếp tục sáng tác, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp tuổi đời, như thể âm nhạc là hơi thở, là lẽ sống của anh.
Trong hoàn cảnh nào anh cũng vẫn không ngừng sáng tác. Lời thầm của dòng sông, Sài Gòn ơi! Ngày nào anh sẽ về… là những ca khúc anh viết trong trại lao tù Cộng Sản. Ra tù anh viết Sài Gòn lại có em. Rồi trong cuộc sống ly hương vật vã nơi xứ người những bản nhạc vẫn tiếp tục ra đời Đã trở lại mùa Muguet yêu dấu, Hà Nội… Tuổi thơ… Em, Thánh đường vắng lặng…
Và gần đây anh gửi tôi nghe bản nhạc Cali, Đêm Giao Thừa anh mới sáng tác vào dịp Tết Canh Tý năm nay. Tôi ngạc nhiên. Sau hơn nửa thế kỷ, qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, nhạc của anh vẫn là nhạc của Lại Quốc Hùng những năm xưa, vẫn là những nhớ nhung, những hoài niệm khôn nguôi, tuy không da diết như trong một thời tuổi trẻ nhưng ngậm ngùi hơn mênh mang hơn trầm lắng hơn nghe tựa những tiếng thở dài trong đêm đen: Cali, Đêm Giao Thừa, bồi hồi tình viễn xứ, ngậm ngùi sầu lữ thứ, mênh mang, mênh mang… Ta tìm một cánh đào thơm, mơ về màu Tết xa xưa, mơ về màu Tết xa xưa. Hồn xuân cũ nay đâu? Người yêu dấu nơi nao?
Vào đầu năm nay anh Hùng ngỏ ý muốn tôi viết lời giới thiệu cho tuyển tập ca khúc “Lại Quốc Hùng – Những Sáng Thứ Bẩy”. Tôi phân vân vì tôi biết rõ âm nhạc không phải là lãnh vực của tôi, tôi không biết gì về nhạc lý và trình độ thưởng ngoạn cũng như thẩm định nhạc của tôi rất giới hạn, nhưng sau cùng tôi nhận lời vì tôi biết anh không cần tôi phê bình nhạc của anh. Anh muốn tôi giới thiệu vì tôi đã đi song hành với anh trong suốt thời gian anh sáng tác những bản nhạc đầu đời của mình, những bản nhạc đưa chúng tôi thân nhau, và ở tuổi cuối đời này còn gì đáng vinh danh hơn là một tình bạn cao quý.
Xin vào link sau đây để nghe những bản nhạc tiêu biểu của Lại Quốc Hùng.
Tiếng lá xưa, Thái Thanh và ban Hợp Ca Thăng Long trình bầy:
https://www.youtube.com/watch?v=FqL-lUA-LyQ
Nghẹn ngào, Anh Ngọc hát:
https://www.youtube.com/watch?v=Cw8aiIkS7w8
Những sáng thứ bẩy, Ngọc Quy hát:
https://www.youtube.com/watch?v=bg4_C-QR-nQ
Hà Nội tuổi thơ em, Ngọc Quy hát:
https://www.youtube.com/watch?v=6LXZC2rgyiY
Cali, đêm giao thừa, Trọng Khương hát:
https://www.youtube.com/watch?v=3V3GzJ1PqAA
Nguyễn Tường Thiết
Thanh Lan (VN) hát “CHO NHAU”: MP3 Youtube
“LỜI THẦM của GIÒNG SÔNG”
Thanh Lan (VN) hát: MP3 Youtube
Vũ Trung Hiền hát: MP3
Những “thoáng mơ” trong nhạc Lại Quốc Hùng
*** Lê Hữu ***
Người đưa ước mơ vào thu
Người đem nhớ nhung vào mây
Người ru bóng ai vào mơ
Những câu hát ấy ở trong “Thoáng mơ”, ca khúc đầu tiên tôi nghe được của nhạc sĩ Lại Quốc Hùng, và giọng hát mềm mại, dịu dàng của ca sĩ Mai Hương đã dẫn đưa tôi vào dòng nhạc êm nhẹ như một “thoáng mơ” qua.
“Thoáng mơ” (1970), bài hát có nhạc điệu dìu dặt, lời ca nhẹ nhàng ấy cũng được nghe qua tiếng hát nữ ca sĩ Kim Tước. Mỗi giọng hát có cách thể hiện riêng nhưng đều mang đến cho người nghe cảm giác lâng lâng, nỗi buồn nhẹ nhàng, nỗi tiếc nhớ xa xôi về những ngày vui mơ hồ.
“Thoáng mơ”, cái tựa ca khúc ấy hẳn đến từ chút dư âm nào còn đọng lại sau câu hát cuối, Một thoáng mơ rồi, người về không nguôi… trong “Duyên thề” của nhạc sĩ Thanh Trang.
“Ca khúc cho người tình bé nhỏ” (1969), sáng tác đầu tay của Lại Quốc Hùng, có thể được xem như “mối tình đầu” của chàng nhạc sĩ từng nhiều năm gắn bó với hoạt động âm nhạc. Ngay từ thời kỳ đầu sáng tác, những ca khúc Lại Quốc Hùng từng được giới yêu nhạc và các ca nhạc sĩ tên tuổi thời ấy yêu chuộng, trong số ấy có nhạc sĩ Vũ Thành, cũng như được trình bày qua những tiếng hát Anh Ngọc, Thái Thanh, Ban Hợp Ca Thăng Long, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao…
Tuyển tập nhạc đầu tay, Ca Khúc Cho Người Tình Bé Nhỏ xuất bản năm 1974 gồm 11 ca khúc của Lại Quốc Hùng, 2 ca khúc của Nguyễn Phúc Thọ , tuy không phổ biến rộng nhưng nhiều ca khúc của Lại Quốc Hùng trong số ấy đã trở nên quen thuộc với người yêu nhạc như “Tiếng lá xưa”, “Mắt cuối”, “Nghẹn ngào”, “Thì thầm”, “Xin em một lời”, “Những sáng thứ Bảy”.
Cũng từ ca khúc “Những sáng thứ Bảy”, tôi tìm nghe nhạc anh Lại Quốc Hùng nhiều hơn và từ đó cũng nhìn ra được những nét riêng trong nhạc của anh để gọi là dòng nhạc Lại Quốc Hùng.
Ca khúc ” Những Sáng Thứ Bảy” được viết ở nhịp điệu Boston dìu dặt, nhạc và lời ca hòa quyện mở ra không gian mênh mang mùa thu khi mặt trời vừa thức giấc. Câu nhạc đầu như bước chân ai lững thững dạo trên những lối đi mùa thu.
Một mình đi sáng nay trên con đường xưa
Lá thu bay cuốn bao ngày xanh…
Nhạc sĩ cho thấy cái khéo léo trong cách sử dụng kỹ thuật lập lại (repetition) và chuyển đổi các câu nhạc, đoạn nhạc trong lúc vẫn giữ được cấu trúc của phiên khúc, điệp khúc, lại khéo léo dùng phép tịnh tiến và vòng quãng năm (the circle of fifths) trong điệp khúc vẽ nên một nét nhạc đẹp, rất mới, rất tây phương, thật thu hút.
Ôi những sáng thứ Bảy, em đi trong mơ
Ánh nắng thức dậy, hôn đôi môi em,
dịu dàng ngủ quên trong mắt em…
Những sáng thứ Bảy, đi trong heo may
Nắng ấm xuống đầy, tay đan trong tay…
Phần kết tiểu đoạn này cũng rất mới nữa.
Mặt trời còn đây / mặt trời còn đấy / thầm gọi em…
Đến đây nhạc sĩ lại khai triển ý nhạc vẫn tràn trề ấy để vươn tới hai đoạn nữa.
Người hỡi, có nhắn gió về / thì xin mang theo tháng ngày…
Người hỡi, có nhắn gió về / thì xin trong giây phút này…
Điệp khúc như thế có đến bốn đoạn, ý nhạc phát triển một cách sáng tạo, nghe lạ và hay.
Nhiều bài nhạc đi qua tai người nghe mà không để lại chút gì. Một bài nhạc hay là bài nhạc truyền được cảm hứng đến người nghe, nghe qua một lần muốn nghe thêm lần nữa, nghe vài lần muốn buột miệng hát theo. “Những sáng thứ Bảy” là bài nhạc như thế.
Thế nhưng vì sao lại “những sáng thứ Bảy” mà không phải là buổi sáng, buổi chiều nào khác? Đây chắc phải là một kỷ niệm riệng biệt của chàng nhạc sĩ, ở một khung cảnh nào đó, ngỡ như đi lại trên con đường xưa, tìm về những “dấu chân kỷ niệm” của một sáng mùa thu đi trong heo may, nắng ấm xuống đầy, tay đan trong tay…
Điều thú vị là, tôi được thưởng thức tình khúc này qua những tiếng hát của hai thế hệ ca sĩ. Lần đầu là tiếng hát Anh Ngọc, vào thời miền Nam vẫn còn nhiều buổi sáng thứ Bảy đẹp tươi như thế, đến những tiếng hát trẻ trung về sau này như Ngọc Quy, … để thấy “những sáng thứ Bảy” êm đẹp, đầy tiếc nuối đó vẫn còn đấy, không mất đi bao giờ.
Một tình khúc khác của Lại Quốc Hùng, “Thì thầm” (1973), cũng được Anh Ngọc chọn lọc để đưa vào dĩa CD nhạc Một Đời Tôi Hát của ca sĩ này.
Nhạc sĩ Lại Quốc Hùng sở trường những ca khúc có nhịp điệu chầm chậm, tiết tấu dặt dìu và lời nhạc thường nặng trĩu những hoài niệm về những ngày vui đã đi qua, những tình yêu đã vụt mất. Người ta nghe thấy, tìm thấy trong nhạc của anh kỷ niệm nào còn giữ lại của Hà Nội xa xưa, Hà Nội của một thuở ấu thơ, Sài Gòn của một thời tuổi trẻ, một mùa giáng sinh xưa và những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người. Người ta nghe được, qua những “Hà Nội… tuổi thơ… em”, “Sài Gòn lại có em”, “Cali, đêm giao thừa”, “Tình khúc giáng sinh”… những dư âm của một mùa nào đã vắng xa.
“Cali, đêm giao thừa”, một trong những sáng tác gần đây, chở đầy tâm sự của người nhạc sĩ. Lời ca tiếng nhạc mang đầy tính tự sự, nghe trăn trở những nỗi niềm, với giai điệu chậm rãi như tiếng bước chân ai lầm lũi trong đêm.
Cali đêm giao thừa / Bồi hồi tình viễn xứ
Ngậm ngùi sầu lữ thứ / Mênh mang, mênh mang…
Nếu điệu nhạc nghe rời rã, khắc khoải thì tiếng kèn nghèn nghẹn độc tấu saxo mang phong cách blues jazz của Trần Mạnh Tuấn càng khoét sâu thêm nỗi buồn da diết.
Có khi chỉ nghe qua cái tựa những ca khúc Lại Quốc Hùng người ta tưởng nghe được tiếng nhạc tựa hồ tiếng mưa đêm, tiếng sóng vỗ về hay lời gió rì rào trên những ngọn cây. Nếu không “Thì thầm” thì cũng là “Lời thầm của dòng sông” hay “Tiếng lá xưa”. Nếu không “Tình chết” thì cũng “Cho nhau” hay “Nghẹn ngào”. Nếu không “Cali đêm giao thừa” thì cũng là “Khi buổi chiều rụng xuống” hay “Thánh đường vắng lặng”.
Tôi thích cái tựa ấy, “Thánh đường vắng lặng”, bài thánh ca mang sắc thái đặc biệt, với giai điệu chầm chậm, êm êm như lời khấn nguyện thiết tha, thành khẩn. Đặc biệt, điệp khúc “Ave Maria… Ave Maria…” được nhạc sĩ soạn bè cho giọng nữ hòa quyện giọng nam chính bằng những nét luyến láy, uốn lượn tạo cảm giác bay bổng và thanh thoát nâng hẳn khúc nhạc này lên, cho người nghe dạt dào cảm xúc của một lời nguyện cầu tha thiết, nhất là những tâm hồn đã có lúc “rời xa thánh đường” như chính tác giả.
Nét nhạc trầm buồn của nhạc sĩ Lại Quốc Hùng có phảng phất âm hưởng thánh ca, bàng bạc trong ít ca khúc của anh như “Thoáng mơ”, “Cho nhau”, “Anh cần em”, “Tình khúc giáng sinh” và cả “Ca khúc cho người tình bé nhỏ”, những bài thường có chung giai điệu lâng lâng, du dương dễ đi vào lòng người. Không ngạc nhiên khi biết anh từng là một trong những ca trưởng Ban hợp xướng Ca đoàn Trùng Dương của Liên đoàn sinh viên Công giáo ở Sài Gòn ngày trước cũng như từng viết lời Việt cho nhiều bản thánh ca ngoại quốc quen thuộc.
Không thể không nhắc đến những ca khúc được anh sáng tác trong những hoàn cảnh đặc biệt, như “Lời thầm của dòng sông” (1978), cũng là lời thầm thì của người tù “cải tạo” mơ ước ngảy trở về…
Anh sẽ nhìn, nhìn sâu trong đôi mắt
Đôi mắt đã úa khô vì khổ đau…
Em yêu dấu, anh tìm một vì sao
Trong đêm tối vẫn còn, còn le lói
Người tù, trong những cảnh ngộ nghiệt ngã nhất vẫn “tìm một vì sao”, vẫn thắp lên một niềm tin.
Hoặc, “Sài Gòn lại có em” (1992) như tia nắng ấm hửng lên sau những ngày dài ảm đạm. Thật thú vị khi có thể mường tượng rằng lồng trong ca khúc này có thể là một câu chuyện tình thật đẹp mà ở cuối đường là cuộc hội ngộ bất ngờ và cảm động sau những năm tháng dài chia cách.
Những nốt cuối trong câu nhạc ở phần coda ấy được đẩy lên cao, dâng trào như niềm vui vỡ òa, là một kết thúc đẹp, tròn đầy.
Nguyện xin cùng em sẽ / sẽ đi lại từ đầu / sẽ đi về mai sau…
Đêm nay em đã về! Đêm nay em đã về! Sài Gòn lại có em
Những ca khúc Lại Quốc Hùng mang nhiều nét sáng tạo và chắc chắn không phải là những bài nhạc của những người viết nhạc dễ dãi, nghe câu nhạc trước đoán được câu nhạc sau. Ý nhạc trải rộng miên man, mượt mà, dễ nghe dễ cảm nhưng lại không dễ đoán được sẽ đi về những phía nào, đôi lúc tạo những bất ngờ thú vị. Những khúc hát êm đềm tạo cảm giác êm ả như dòng suối mát, có khi là nỗi buồn vời vợi, có khi là nỗi tiếc nhớ mênh mang và rồi tất cả trôi đi thật nhẹ nhàng. Rồi đi, rồi nhẹ theo mây…, như một câu hát của anh.
Người nhạc sĩ đã viết lên những khúc nhạc êm dịu bằng những rung cảm thực sự của trái tim mình, có gì tha thiết, có chút vấn vương. Tôi không hỏi anh Lại Quốc Hùng về số lượng ca khúc anh đã sáng tác vì hẳn ai cũng biết giá trị nghệ thuật của tác phẩm đâu có phải ở số lượng, chỉ biết được rằng người nhạc sĩ ấy vẫn chưa ngừng sáng tác, nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào vơi cạn.
Sau cùng, dù chỉ mới quen biết anh, tôi không thể nào không nói lời cám ơn nhạc sĩ Lại Quốc Hùng, không chỉ vì âm nhạc của anh mang đến cho tôi những xao xuyến, những rung động và cảm giác thật yên bình mà còn cho tôi nhận ra rằng cuộc đời này chỉ như cơn gió thoảng, như giấc mơ qua. Hơn thế nữa, lại còn nhắc cho tôi nhớ ra rằng tôi đã có những hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc sống cũng thật ngắn ngủi. Hạnh phúc ấy thật đơn sơ, chỉ như những thoáng mơ.
LÊ HỮU – tháng 2, 2020
****
Kim Tước hát với dàn nhạc Vũ Thành – Mai Hương, Quỳnh Giao hát đệm: “Thoáng Mơ“
Anh Ngọc hát với dàn nhạc Nhật Bằng thu âm trước 1975: “Thì Thầm“
Ngọc Quy hát “SÀI GÒN LẠI CÓ EM”: MP3 Youtube
Duyên Quỳnh hát “TÌNH CHẾT”: MP3 Youtube
Trùng Dương – Các bước đường lang thang với Chúa & với các anh chị em (Trần Tấn Phúc tổng hợp)
( https://dotchuoinon.com/2015/08/25/tan-nhac-viet-nam-ban-hop-xuongca-doan-trung-duong/ )
…
Khởi thủy Ca Đoàn Trùng Dương
– Ca đoàn tự phát: Khoảng năm 1958, tại nhà thờ Mai Khôi đã bắt đầu có hát Thánh Lễ.
Khởi đầu, trụ sở đặt tại số 43 Nguyễn Thông, Quận 3. Số lượng thành viên tham gia ban đầu khoảng mươi người, nhưng chỉ tự phát và qui tụ các anh chị em biết, thích hát nhạc lễ, chưa có tên của ca đoàn, chưa hình thành nên một đoàn thể có qui củ, hoạt động nề nếp.
– Câu lạc bộ Phục Hưng: (1960 – 1963): Một số các anh chị em sinh viên hoạt động trong Liên đoàn Sinh Viên Công Giáo Viện Đại-học Saigon qui tụ thành một nhóm nhằm giúp nhau sống “tốt đời, đẹp đạo”. Họ đặt trụ sở tại 223 Hiền Vương (nay là Võ thị Sáu), thuộc tu viện Mai Khôi do các linh mục dòng Đa Minh chi Lyon chăm sóc về mặt thiêng liêng. Dần dần hình thành một ca đoàn cũng chưa có tên cụ thể. Các ca viên của Câu lạc bộ Phục Hưng thoạt đầu chỉ hát thánh lễ tại nhà thờ Mai Khôi với tính chất ai biết và thích hát thì hát, không có ca viên hát cố định và không hát bè. Tuy nhiên từ đó nảy sinh nhu cầu hát hoàn chỉnh hơn, bài bản tốt hơn.
– Do đó anh Trần Ngọc Báu, một thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ, có mối quen biết thân thiết với anh Trần Văn Quý và nhờ anh tổ chức thành lập ca đoàn. Anh Quý nguyên là cựu chủng sinh Dòng Chúa Cứu Thế, đang phục vụ trong quân nhạc, nên anh có nền tảng rất vững chắc về hợp xướng. Anh Quý chủ trương thành lập một ca đoàn bốn bè. Hầu hết các ca viên là sinh viên thuộc các phân khoa của Viện Đại Học Saigon, nên ca đoàn lấy tên là Ban Hợp Ca Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Viện Đại Học Saigon, gọi tắt là Ban Hợp ca Sinh Viên.
Giai đoạn 1963 – 1975, Ban Hợp xướng Trùng Dương ra đời
Các thành viên chủ chốt lúc đó là: Trần Văn Quý, Trần Ngọc Báu, Nguyễn Phúc Khánh, Đỗ Hữu Nghiêm, Vũ Sinh Hiên. Lúc này ca đoàn có khoảng 40 thành viên. Người tích cực đôn đốc thúc đẩy và tổ chức anh chị em ca đoàn hăng say nhất phải kể cách riêng đến Nguyễn Phúc Khánh, một sinh viên toán học, nhỏ bé nhưng rất năng động, ăn nói và làm việc nẩy lửa, nói năng nhanh nhẹn, nổ dòn như bắn liên thanh. Linh hồn của ca đoàn chính là những tài nghệ âm nhạc như những anh ca trưởng thế hệ Trương Văn Ngọc, Trần Anh Linh, Trần Văn Quý, Lại Quốc Hùng lo việc tập tành huấn luyện về nghệ thuật và xướng nhạc pháp và tài liệu bài vở ca hát. Những tay hoạt náo có hạng trong ca đoàn phải kể đến Đặng Mộng Thu, Nguyễn Thị Quý (Cao Thắng), Lê Minh Tâm, Nông Thị Khuê, Đặng Kim Thoa, Nguyễn Cẩm Vân, Đỗ Hữu Nghiêm, Kiều Quang Chẩn, Trần Đức Cương, Vũ Sinh Hiên, Nguyễn Trọng Kim, Phạm Trung, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Thành, Vũ Mỹ Linh, Hà Hải Lượng, Nguyễn Thị Sương, Hoàng Hoa Bắc, Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn thị Tuyết Mai, Lương thị Bạch Tuyết…Người ta không thể quên được mấy chị em Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Kim Yến, Nguyễn Thị Hằng của Xóm Bùi Chu và Phan thị Thanh Hằng xóm Phú Nhuận, về sau trở thành người bạn đời của anh Trần Văn Quý.
Kế Nguyễn Phúc Khánh “Râu” có Đỗ Hữu Nghiêm “nham nhở” một thời làm Ca Đoàn trưởng, lo đôn đốc tổ chức cùng với nhiều anh em khác. Tiếp theo là Nguyễn Thị Hương Lan, Dược khoa, làm Ca đoàn trưởng rất tích cực trong một thời gian. Người liên tục nắm giữ vị trí ca trưởng tài hoa là anh Trần Văn Quý. Đôi lúc có Lại quốc Hùng hay Nguyễn Trọng Kim phụ tá thay thế. Nhưng Trần Văn Quý là người có đôi tai nghệ sĩ rất tinh tường khi anh dần dần đào tạo Hoàng Hương trở thành một ca trưởng. Năm 1969, anh thành hôn với chị Phan Thanh Hằng (Alto) và cùng năm đó hai vợ chồng từ giã Trùng Dương để đi nhận nhiệm sở ngoại giao ở Buenos Aires, Argentina. Bốn năm sau, tháng 10-1973, sau một dạ tiệc tạm biệt bạn bè, từ giã nhiệm sở để trở về Việt Nam, anh bất ngờ bị tử nạn. Một tai nạn xe lửa đụng xe hơi hi hữu vào khoảng một giờ đêm tại thủ đô nước Argentina. Khi đó thì Hoàng Hương đã có thể chính thức thay thế và tiếp tục xây dựng thế hệ tiếp theo của ca đoàn Trùng Dương, với yểm trợ và khuyến khích của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín.
Giai đoạn 1964-1966, Ca Đoàn Trùng Dương thì có khá nhiều hoạt động đa dạng đáng chú ý như mở rộng sinh hoạt với nhóm nhạc sĩ Trần Văn Tín, với các đoàn thánh ca thuộc ca đoàn Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế (An Phong Học viện), ca đoàn Phanxicô, ca đoàn Nhà Thờ Đức Bà… TRÙNG DƯƠNG đã có những tháng ngày bận rộn với tổ chức ban đầu để đi vào nền nếp và với hai buổi trình diễn “đầu đời” Dạ hội hợp xướng Trùng Dương nhằm mục đích gây quỹ hoạt động công tác xã hội, dưới sự chủ tọa của Đức Khâm Mạng Tòa Thánh Angelo Palmas.
Sau đó, Trùng Dương còn mở rộng tinh thần đại kết với các giáo hội Kitô, đặc biệt là anh chị em thanh niên Cơ Đốc Phục Lâm và Ban Thánh Ca Mennonite, tham gia cầu nguyện đại kết với chi hội Tin Lành Pháp ở Nhà Nguyện Bệnh Viện Grall.
…
CÁC CA TRƯỞNG CỦA TRÙNG DƯƠNG QUA CÁC THỜI KỲ
• 1963 – 1969: Ca Trưởng Trần Văn Quý. Năm 1967, có thêm Lại Quốc Hùng và Nguyễn Hoàng Hương phụ tá cho anh Quý.
• 1969 – 1971: Ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương. Trong thời gian này có “Guest Conductor” Lê Văn Khoa sang giúp.
• 1971 – 1975: Ca trưởng Trần Chúc. Trong thời gian này, ca đoàn có tạm nghỉ (1972 – 1973) vì chiến cuộc.
• 1975 – Hiện tại: Ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương. Thời Cung Chiều, có Đỗ Mạnh Chu, Lại Thế Hưng phụ tá. Thời Lang Thang, có rất nhiều phụ tá, như Nguyễn Linh Diệu và nhiều người khác. Hiện tại có Nguyễn Duy Hoàng làm phụ tá.
…
GIÓ…TRONG NHẠC LẠI QUỐC HÙNG
Với cái duyên của đời, tôi trở lại khu vườn âm nhạc Lại Quốc Hùng, sau bao năm người chủ vườn phải đành đoạn bỏ lại sau lưng. Tôi nghĩ sẽ gặp một cảnh vườn hoang vu, tàn tạ.
Nhưng bước vào: Ồ, khu vườn vẫn quen thuộc như thuở nào, trái ngọt cây lành còn đằm thắm hơn xưa, cái đằm thắm được lọc qua khoảng thời gian dài cần thiết. Những tháng năm bão táp nay đã im gió? Không! vẫn nghe thoảng đâu đây một làn gió mới, nhè nhẹ của hoài niệm tuổi thơ: “Gió xuân nào đưa em về Hà Nội của chúng ta… (Hà nội… Tuổi Thơ… Em), và xa hơn nữa, vủi trong dĩ vãng xa xưa là gió của ‘Những Sáng Thứ Bảy’: “Người hỡi, có nhắn gió về, thì xin mang theo tháng ngày..”, gió của ‘Thì Thầm: “Gió, gió có cuốn về, đưa hồn ta lên muôn ánh sao…”, gió của ‘Tiếng Lá Xưa’: “Gió im trong mong chờ, nắng phai trong màu nhớ…”
Tiếng Lá Xưa vẫn khua động trong không gian im ắng ấy một sắc màu âm thanh gần gũi với nét nhạc Bán Cổ Điển Tây Phương…
Âm thanh ấy gợi mở một cái đẹp lặng lẽ, u hoài, trung thành chỉ riêng với một cảm xúc mà thôi. Và nó cũng được dùng làm nền cho những giai điệu dặt dìu, sâu kín lan tỏa ra khắp các bản nhạc.
Tôi ngồi nghỉ dưới một gốc cây.. với “Nghẹn Ngào”. Những câu nhạc vẫn miên man, tha thiết, không vội nghỉ, kéo dài nỗi u hoài đi mãi, đi mãi. Rồi gió lại đến, cho tôi một cuộc chia tay: “ Gió nào có chia phôi..”
Tôi đã được nghe rất nhiều những ca từ đẹp đẽ trong nhiều ca khúc về gió, nhưng chỉ riêng với “Nghẹn Ngào” tôi mới thực sự thấy được, cảm được gió đã lên như thế nào với cánh nhạc: Cánh nhạc của Lại Quốc Hùng.
Chúng ta hay nói đến một quê hương đã mất, nhất là từ sau cái biến cố sảy đàn tan nghé ấy. Nhưng khu vườn cũ nào có mất đâu. Nó chỉ bị tạm quên thôi. Nó chính là một giải mây trắng, nhẹ, mong manh bay trong biển trời mênh mông âm nhạc, không ngừng mời gọi những con người yêu nhạc.
Miền cố quận ấy, người nhạc sĩ ấy, sau cùng nhất định phải trở về… trở về và mang lại những làn gió vừa tươi mát, vừa ấm áp. Và đây cũng là lần trở về chung cuộc.
Trần Đình Lương
Sydney, tháng 4, 2019
“NGHẸN NGÀO”:
Thái Thanh & Ban Thăng Long thu âm trước 1975: MP3 Youtube
Trần Mạnh Tuấn solo kèn saxophone: MP3
Lan Phương hát “TIẾNG LÁ XƯA”: MP3 Youtube
CA KHÚC MỚI NHẤT CỦA LẠI QUỐC HÙNG – sáng tác năm 2019
“CALI ĐÊM GIAO THỪA”:
Trần Mạnh Tuấn solo kèn saxophone: MP3
Để nghe thêm các ca khúc của Lại Quốc Hùng, xin vào Youtube Channel của Đinh Tiến Luyện:
https://www.youtube.com/channel/UCo8zpn1akZ4MENOc_xo0Blg/videos
Nguồn: Cỏ Thơm Magazine