Văn Lan/Người Việt
ANAHEIM, California (NV) – Trước ngày 30 Tháng Tư, nữ biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy trăn trở không ngủ được, lúc nào cũng suy nghĩ phải giải quyết như thế nào về nhân viên, hồ sơ, và gia đình, mặc dù gia đình bà được đi trong một chuyến tàu sang Mỹ lúc ấy.
Biệt Đội Thiên Nga gồm khoảng 30 người người thuộc “phái yếu” rất trẻ đẹp, ai cũng học giỏi và thông minh, tất cả mọi người đều có một tên chung là Thiên Nga, với công tác đặc biệt là bí mật xâm nhập vào hàng ngũ hạ tầng cơ sở Cộng Sản để thu thập tin tức.
Vào những ngày cuối cuộc chiến, vì còn kẹt một số hồ sơ mật, bà Thủy phải chờ lệnh trên thì mới tiêu hủy được. Chiều 28 Tháng Tư, 1975, có người tài xế của một ông trưởng đoàn đặc nhiệm tới nhà, cho biết sẽ đem xe tới đón cả gia đình bà đi Mỹ.
Bà Thủy kể, khi nhìn thấy cái thẻ của ông trưởng gởi người tài xế mang tới, bà biết ngay là đã tới tình trạng khẩn cấp rồi. Người nào nhận được thẻ này là biết ám lệnh đã tới giờ cuối cùng nhưng bà quyết định không đi, để trở vô Khối Đặc Biệt đốt hết tất cả hồ sơ. Nhờ vậy tất cả hồ sơ nhỏ lớn gì cũng mất sạch, không còn gì. Nhưng bà thì không vượt thoát được.
“Bọn Việt Cộng vào tới nơi tìm mãi cũng không thấy hồ sơ ở đâu, về sau này khi bị biệt giam, tôi mới biết bọn chúng đã để ý từ lâu. Với nhận xét người chỉ huy Biệt Đội Thiên Nga là một người phụ nữ trẻ đẹp, thông minh và học giỏi, chính tôi đã ở trong mục tiêu của kế hoạch ám sát khi tôi còn làm việc trước 1975,” bà Thủy kể.
Một Thiên Nga thứ hai hoạt động sau 1975: Phải chiến thắng kẻ thù
Ngay sau ngày 30 Tháng Tư, bà Thủy được lệnh tới Ủy Ban Quân Quản (văn phòng của Khối Đặc Biệt Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa) hằng ngày. Sau đó có giấy kêu bà đến trình diện tại trại Trương Quốc Dung (Tân Định, Sài Gòn), sau thời gian ở đó, họ chuyển bà sang trại Long Thành, rồi qua trại Thủ Đức.
Đến 1978, họ chuyển bà qua trại Z 30D, căn cứ 5 Rừng Lá, thuộc huyện Hàm Tân, Phan Thiết, tiếng lóng dân tù gọi là trại “Án Sầm,” do cán bộ cấp trung ương về điều tra, khai thác. Trong trại cũng có những thành phần “phản động” nhốt chung. Chủ đích những câu hỏi lúc đó là hỏi về hồ sơ của bà, gồm những công tác gì, tình báo viên trong mạng lưới của bà gồm những ai, hoạt động ra sao.
“Họ hỏi tôi về địa chỉ các nhân viên cộng tác, và luôn nhận được câu trả lời vì đường Sài Gòn quá nhiều ngõ hẻm, mỗi lần đi hoặc đến đều có người chở nên tôi không biết, hoặc số nhà tôi cho toàn số giả không có thật, hoặc bọn chúng chận đầu khi nói là tôi là người học trường Luật Sài Gòn chuyên đi vào cổng chính và ra bằng cổng sau,” bà Thủy nhớ lại.
Vì hồ sơ đã bị thiêu hủy hết, nên bà phải hóa thân ra một Thiên Nga khác, nhập vai vào một Thiên Nga mới để đối phó, dựa vào đó làm mục tiêu để trả lời những câu hỏi lúc bị biệt giam. Như vậy bà tuyệt đối phải nhớ những gì đã khai và nhất là không được quên những gì đã khai trước đó.
“Và cứ như thế, những câu trả lời của tôi trong những cuộc điều tra tại trại biệt giam theo đó mà biến ảo đến nỗi sau khi bị đưa về trung ương do Đại Tá Liễn (có lẽ là tên giả, người ngoài Bắc vô) điều tra, ông ta chìa ra một xấp những hồ sơ, tài liệu do tôi trả lời, và nói rằng những câu trả lời của tôi đều ‘lửng lơ con cá vàng,’ nghĩa là chẳng đi tới đâu, đọc mà không khai thác được gì,” bà Thủy cho biết.
Có lần Việt Cộng nghi ngờ lục lọi xét phòng, giũ hết quần áo chăn mền của bà để tìm tìm tài liệu cất giấu, nhưng “Hôm đó tôi có nhét tờ giấy nhỏ ghi chú vài điều vào trong gối và ngồi lên đó nên bọn chúng không tìm được gì. Nếu chúng cứ xét như vậy, thế nào cũng có ngày bị lộ nên tôi không ghi vô giấy nữa mà học thuộc lòng, làm sao thiếu hơn là dư, thiếu còn khai thêm được nhưng dư rất nguy hiểm, thế là kịch bản được học thuộc lòng và trả bài được kéo dài trong suốt 10 năm ở trại Z30D, sao cho khớp với tinh thần của một Thiên Nga mới,” bà Thủy kể.
“Trong những lần hỏi cung, bọn chúng thường giáo đầu bằng câu ‘với chính sách khoan hồng của nhà nước, nên thành khẩn khai báo, cách mạng sẽ khoan hồng’ nhưng trong những lần đó, tôi không cần biết người hỏi cung mình là ai, cấp bậc gì, chỉ biết đó là kẻ thù, và mình phải chiến thắng kẻ thù. Nhất là tránh việc bọn chúng dùng tình cảm để khai thác mình, nếu yếu lòng sẽ bị lộ. Cấp như chúng tôi, bọn nó không đánh đập, thường để cho nói cái gì cũng được, cấm nói đến Tết Mậu Thân vì chúng bị thua cay trong trận ấy khi nắm chắc phần thắng, để tấn công bất ngờ vào miền Nam,” bà Thủy nói.
Tuy hồ sơ tại Khối Đặc Biệt đã bị bà thiêu hủy hết sạch, nhưng có vài hồ sơ ở các nơi khác chưa kịp tiêu hủy nên bị lọt ra ngoài. Trong một lần hỏi cung ngay tại phòng của ông trưởng khối đặc biệt cũ tại Tổng Nha Cảnh Sát, gồm năm người phụ trách, Việt Cộng đưa những lời khai của bà, dụ dỗ bà nếu chịu hợp tác khai hết về Thiên Nga sẽ được thả về lo cho con.
“Đằng đẵng 10 năm ở tù, cho ra rồi bị đưa trở lại mấy lần ở trại Z30D, đây là lần đầu tiên nghe nhắc đến con, cổ họng tôi nghẹn đắng. Lúc đó tình mẹ trỗi dậy mãnh liệt trong lòng bởi khi tôi vô tù thì ba đứa con còn nhỏ, một đứa 4 tuổi, đứa 5 và đứa lớn 7 tuổi, phải đưa về Mỹ Tho gởi bà ngoại nuôi. Nỗi nhớ con mãnh liệt dâng tràn khiến cổ họng nghẹn cứng, tôi phải giả vờ suy nghĩ hồi lâu để bình tĩnh, bèn hỏi lại muốn tôi hợp tác bằng cách nào cứ nói thẳng ra, đừng đem con tôi ra rào đón nữa,” bà Thủy kể tiếp.
Chuyển trại tù liên tục
Bà kể, ở trại Z30D, bà mắc bệnh kinh hoàng là sốt rét rừng, tưởng phải bỏ mạng. Có lần vào dịp Tết tù nổi dậy chống đối, sau đó bị phân tán ra nhiều nhóm đổi về Chí Hòa, nhóm ra miền Trung. “Còn ở trại Long Thành lúc mới vô trại, vấn đề vệ sinh thật là rắc rối và kinh khủng cho phái nữ vào những tháng mùa mưa dầm, khi con dòi (tù gọi là ‘thằng mập’) bò lổn nhổn khắp nơi, ai cũng mắc bệnh tiêu chảy liên miên,” bà nhớ lại.
“Lúc đó tôi còn ở chung với tù hình sự, nước là vấn đề cần thiết nhất, mỗi người một ngày chỉ được một lon gô nước, ăn uống sinh hoạt tắm rửa tùy thích! Trồng rau phải tưới bằng nước tiểu và phân người, thời gian đó tất cả người tù đều mắc bệnh sán lãi, ai cũng xanh mét. Người tù bị mắc bệnh sốt rét, lao phổi, dịch tả, riêng tôi bị sốt rét rừng trầm trọng, lại thêm đau bao tử tưởng đâu bỏ mạng trong tù rồi!” bà kể tiếp.
“Thời điểm đó người dân cả nước đều ăn bo bo thì người tù làm gì có cái ăn, chỉ có khoai mì mốc xanh, phải ráng nuốt để sống. Hoặc mì sợi luộc lên, tôi nhận phần chia thức ăn cho tù, có ngày phải vớt ra một con chuột cống bỏ thùng rác không nói gì, cả đội đều ăn hết không ai biết,” bà Thủy nhớ lại.
Năm 1980, có lần bà Thủy bị đưa về trại của Bộ Công An (Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia trước đây) đề điều tra trong bốn tháng sau khi có thêm hồ sơ về bà. Bà bị nhốt vô đó riêng biệt mỗi người một phòng, bịt kín không có máy hút nhiệt và người tù đi phát thức ăn không được mặc áo chỉ mặc quần đùi, bị cấm nói chuyện với bất cứ ai, chỉ có cán bộ mới được nói chuyện. Thức ăn để bên ngoài và người tù phải thò tay ra khỏi song sắt để lấy, phải ăn bốc bằng tay.
“Chỉ có tôi là bị điều tra nhiều nhất, ngoài ra những người khác được yên thân. Những người tù ‘phản động’ bị tra tấn ở đâu đó, khi đưa về có người bị dập nát ngón chân, hoặc có một chị bị đánh gãy cổ, vì chị ấy bị thêm tội ‘phục quốc,’ nhưng lúc đó Việt Cộng không biết chị ấy là Thiên Nga,” bà Thủy kể tiếp.
Năm 1975 bà bị tù ở Long Thành, năm 1976 qua trại Thủ Đức, năm 1978 sang trại Z30D, rồi trở về trại Long Thành lần thứ hai. Năm 1984 bà trở lại trại Z30D và ở đó đến năm 1988 khi về nhà. Tổng cộng người biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga trải qua 13 năm lao tù Cộng Sản.
Ra tù sau 13 năm
Sau 13 năm ở tù Cộng Sản, năm 1988 khi về lại xã hội bà phải đối diện với nhiều khó khăn khi nhà cửa bị tịch thu mất hết, không có giấy tờ hợp pháp. Cuối cùng, bà Nguyễn Thanh Thủy lập một chỗ bán cà phê lề đường hẻm Trương Quyền, Quận Nhất, gần bánh mì ông Lý Toét. Nhờ ơn trên mà quán nhỏ lề đường rất đắt khách, còn mua bán thêm món ăn sáng, nhờ vậy bà cũng tạm sống qua ngày.
Bà Thủy cho biết: “Đến một hôm, có một chị đến quán tôi hỏi thăm, sau khi xưng tên, tôi và chị ấy qua chỗ vắng hơn để hỏi lại cho kỹ mới biết chị ấy là Thiên Nga Cẩm Vân, đã phá vỡ 10 ổ giao liên của Việt Cộng, bị kêu án tử hình từ sau 1975, nhưng chị đã đổi chổ ở nhiều lần nên không bị bắt.”
“Với tư cách là Thiếu Tá Trưởng Biệt Đội Thiên Nga, tôi bèn viết tay chứng nhận để giúp chị ấy làm hồ sơ đi qua Mỹ, vì tất cả chúng tôi đều có hồ sơ cá nhân được người Mỹ đem về nước từ 1972. Vấn đề khó là làm sao gởi hồ sơ để chị ấy được đi, không gởi qua bưu điện vì sẽ bị lộ, sẽ bị Việt Cộng làm khó dễ không cho đi. Không ngờ tháng sau, chị ấy được mời đến Sở Công An phỏng vấn bổ túc hồ sơ, hiện nay chị ấy đang định cư ở Mỹ,” bà cười tươi.
Tháng Mười Một, 1992, bà được qua Mỹ.
Nỗi nhớ về thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở quê nhà
Bà Thủy kể: “Khi sang Mỹ nhờ bà chủ tiệm bánh mì Cali là em gái của anh Nguyễn Kim Hùng, bạn học cùng khóa 1 Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt năm xưa, giúp tôi có việc làm trong tiệm. Sau 10 giờ đêm hết giờ bán, hai mẹ con tôi qua làm cho tiệm giặt ở Costa Mesa đến 2 giờ sáng mới về tới nhà. Nghỉ chút xíu sáng mẹ lại đi bán chè Cali, con trai tiếp tục đi học. Cũng nhờ có tay mua bán, sau đó tôi làm chủ tiệm bán bánh mì ăn sáng ở Tiệm Thiên Nga Deli, góc đường Heil và Brookhurst cũng rất đắt khách. Cứ thế làm suốt bao nhiêu năm trời mới có đủ tiền để trả nợ mượn trước khi đi Mỹ, phần cũng nhín chút gởi về nuôi mẹ già bệnh tật và người em thương phế binh ở quê nhà.”
“Lúc bán quán ngoài lề đường sau khi ra tù, những khi bán không hết bánh cuốn, hai vợ chồng tôi ngồi ăn thay buổi cơm chiều. Thấy người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ngồi lết trên hai chiếc ghế gỗ đi bán vé số, chúng tôi đều mời họ lại ăn chung. Cùng chia sẻ tình đồng đội lúc gian khổ thôi, chứ chúng tôi cũng có dư dả gì đâu!” bà Thủy bồi hồi xúc động kể.
“Khi qua Mỹ, người đầu tiên đón tôi là bà Hạnh Nhơn, vì chúng tôi cùng ở tù trại Z30D ở Hàm Tân sau 1975. Sau đó bà Hạnh Nhơn có mời tôi giúp công việc ở Hội Thương Phế Binh mà bà là hội trưởng. Lúc đó tôi bận quá nhiều việc để kiếm sống, nên chỉ nhận giúp trông coi có hồ sơ nào cần giúp sẽ đem tới cho hội. Cho tới năm 2003 tôi mới có thì giờ rảnh để giúp Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh cho đến ngày hôm nay,” bà Thủy kể.
Nói về ước mơ nhỏ nhất hiện nay, nữ biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy cho biết: “Thời gian tôi bán cà phê ngoài lề đường là dịp tiếp xúc nhiều nhất với người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa và rất cảm thông cho số phận nghiệt ngã của họ, đã hy sinh cả thân mình cho công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam thân yêu, hiện đang vất vưởng bên lề cuộc sống. Tôi ao ước năm nào cũng có đủ tiền để giúp đỡ thương phế binh ở quê nhà luôn sống trong nỗi khắc khoải đợi chờ. Tôi mong rằng chúng ta, những người may mắn ở Mỹ, nhất là những cựu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, lúc nào cũng nhớ về họ, chia sẻ chút tình đồng đội khi cùng chiến đấu chống Cộng Sản để mang lại thanh bình cho đất nước, nhưng tiếc thay ước mơ vẫn chưa thành!” (Văn Lan) [qd]
—–
Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy sinh năm 1943 tại Mỹ Tho.
Cựu sinh viên Dược Khoa Đại Học Sài Gòn.
Cựu sinh viên phân khoa Chánh Trị Kinh Doanh Khóa 1 và Đại Học Sư Phạm, Viện Đại Học Đà Lạt.
Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 1 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hòa.
Cấp bậc Thiếu Tá, biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga thuộc Khối Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hòa.
Huy chương: Đệ Tam Đẳng Chiến Công Bội Tinh, Đệ Nhị Đẳng Danh Dự Bội Tinh.
Sau năm 1975 đi tù Cộng Sản 13 năm.
Định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ năm 1992.
Kế nhiệm hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa.