Thanh Long/Người Việt
HOLLYWOOD, California (NV) – Phim về đề tài thảm họa nói rất nhiều về dịch bệnh, chiến tranh, hay người ngoài hành tinh xâm lược, nhưng hầu như không bao giờ đề cập tình trạng biến đổi khí hậu.
Nhà báo Nicholas Barber của đài BBC tìm hiểu tại sao Hollywood muốn tránh né cuộc khủng hoảng rất thực này.
Theo ông, nhiều chục năm nay, trong phim Hollywood, mối đe dọa với loài người thường là chiến tranh (“The Book of Eli,” “Mad Max: Fury Road,” “Alita: Battle Angel”), dịch bệnh “Zombieland,” “World War Z,” “Contagion,” “Inferno”), thuốc điều trị bệnh (“I Am Legend,” “Rise of the Planet of the Apes”), người ngoài hành tinh xâm lược (“Oblivion,” Edge of Tomorrow,” “A Quite Place”), và ác quỷ (“This Is The End”).
Rõ ràng, loạt phim giải trí về đề tài thảm họa này phản ảnh mối lo ngại của chúng ta về tình trạng hành tinh mà chúng ta đang sống. Nhưng nạn biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng ảnh hưởng rất thực đến cuộc sống của chúng ta, lại ít được Hollywood quan tâm.
Phim lớn duy nhất của Hollywood về biến đổi khí hậu
Trong phim “The Core” (năm 2003), lõi Trái Đất ngừng quay, người ta phải cho nổ bom nguyên tử để khởi động lại. Trong phim “Sunshine” (năm 2007) của đạo diễn Danny Boyle, đến lượt Mặt Trời ngưng hoạt động, và một lần nữa, người ta cũng phải dùng bom nguyên tử để giúp Mặt Trời hồi sinh. Trong phim “Interstellar” (năm 2014), đạo diễn Chrisropher Nolan nói về mùa màng bị dịch bệnh. Trong phim “Children of Men” (năm 2006), đạo diễn Alfonso Cuaron đề cập vấn đề vô sinh.
Rồi đến phim “Snowpiercer” (năm 2013), bộ phim mà đạo diễn Nam Hàn Boon Joon-ho thực hiện vài năm trước “Parasite,” phim đoạt giải Oscar phim hay nhất năm 2020. “Snowpiercer” là phim hành động giả tưởng lấy bối cảnh Trái Đất rơi vào kỷ băng hà mới, nhưng thay vì nguyên nhân là nạn biến đổi khí hậu, thảm họa này lại do nỗ lực sai lầm “đưa chất CW7 đưa lên tầng cao khí quyển.”
Bộ phim lớn duy nhất của Hollywood làm về đề tài này là “The Day After Tomorrow” (năm 2004) của đạo diễn kiêm nhà biên kịch người Đức Roland Emmerich. Ông Emmerich nổi tiếng nhất với phim “Independence Day” và “Godzilla,” cả hai đều nói về sự hủy diệt hàng loạt, nhưng nhiều chục năm trước đó, ông đã quan tâm đến tình trạng khí hậu khắc nghiệt cũng như vấn đề môi trường. Bộ phim mà ông làm thời sinh viên vào năm 1984, “The Noah’s Ark Principle,” lấy bối cảnh một trạm không gian có thể gây ra bão lớn. Năm 1990, đạo diễn Emmerich tung ra bộ phim khoa học giả tưởng khác, “Moon 44,” kể về công ty đua nhau khai thác khoáng sản khắp thiên hà vì đã xài hết tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất.
Sau đó, khi đã có danh tiếng trong Hollywood, đạo diễn Emmerich thực hiện một bộ phim về thảm họa, dựa theo cuốn sách “The Coming Global Superstorm” (Siêu Bão Toàn Cầu Đang Đến) của Art Bell và Whitley Strieber, cuốn sách có nội dung cảnh báo rằng khí hậu toàn cầu ấm lên sẽ gây hậu quả bất ngờ và tàn khốc. Bộ phim được đặt tên “The Day After Tomorrow,” với dàn diễn viên toàn sao.
Cũng như những phim khác của ông, bộ phim này nhìn chung đầy tính tưởng tượng. Nhưng vài cảnh trong “The Day After Tomorrow” mang tính dự báo rất cao, chẳng hạn cảnh người ta đổ xô mua đủ thứ đồ về dự trữ (mặc dù dường như không người nào trữ giấy vệ sinh), và sự châm biếm tỏ ra sắc bén hơn theo thời gian. Khi phần lớn nước Mỹ trở nên không thể sinh sống được, dân tị nạn đổ về phía Nam, băng qua sông Rio Grande, nhưng không được cho vào Mexico đến khi nào nợ của Châu Mỹ La Tinh được xóa hết. Hồi năm 2004, sự châm biếm này được xem là “quá hớp,” nhưng ngày nay, thời “Phải Xây Tường,” nó có vẻ khá phù hợp.
Thói quen xấu của Hollywood
Quan trọng hơn, xét về mặt thương mại, “The Day After Tomorrow” thành công vang dội, tiền bán vé thu được nhiều thứ sáu trong số những phim phát hành năm 2004, chỉ sau phim “The Passion of the Christ” một bậc. Điều đó chứng tỏ phim về đề tài môi trường vẫn có thể kiếm được nhiều trăm triệu đô la.
Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn Emmerich cũng không tạo ra được xu hướng làm phim giải trí về môi trường, khí hậu. Thay vào đó, đề tài này lại xuất hiện trong phim tài liệu, chẳng hạn như “An Inconvenient Truth,” nói về chiến dịch của cựu Tổng Thống Mỹ Al Gore giải thích cho người dân hiểu về tình trạng hâm nóng toàn cầu.
Nhưng các đạo diễn phim giả tưởng vẫn tiếp tục né đề tài biến đổi khí hậu, và ngay cả ông Emmerich cũng vậy. Khi làm bộ phim thảm họa toàn cầu khác, “2012” (năm 2009), ông gán nguyên nhân lũ lụt khắp thế giới trong phim cho… đơn tử neutrino từ một vụ nổ trên mặt trời, chứ không phải bất kỳ thứ gì mà có thể do con người gây ra.
Có lẽ bố cục của “The Day After Tomorrow” giúp chúng ta hiểu đôi chút tại sao đây là phim hiếm hoi về nạn biến đổi khí hậu. Phim mở đầu khá tốt: Giáo Sư Jack Hall (do Dennis Quaid đóng), nhà nghiên cứu khí hậu, suýt rơi xuống nước thiệt mạng ở Nam Cực khi tảng băng mà ông đang khoan thăm dò bất ngờ bị nứt ra đến một dặm. Không lâu sau đó, tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở New Delhi, Ấn Độ, ông cảnh báo về mối đe dọa của tình trạng hâm nóng toàn cầu, nhưng Phó Tổng Thống Mỹ Raymond Becker (do Kenneth Welsh đóng) không tin lời Giáo Sư Hall.
Tuy nhiên, đạo diễn Emmerich không đi sâu vào giả thuyết mà lại nhanh chóng chuyển sang hậu quả. Mưa đá to bằng trái banh tennis vùi dập Tokyo. Lốc xoáy xé toang Los Angeles. Trực thăng đang bay ở Scotland thì bất ngờ bị rơi do xăng đóng băng. Sóng thần kinh hoàng ập vào Manhattan, đường phố ngập nước, các tòa cao ốc trở thành đảo. Rồi New York bị băng tuyết phủ dày nhiều foot. Có thể những cảnh này không thuyết phục về mặt khoa học, nhưng cũng đủ khiến bất kỳ ai muốn mua xe hơi mới chạy xăng phải suy nghĩ lại.
Sau khi cho thấy nhân loại bị tàn phá như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp? Hầu hết nửa sau của bộ phim tập trung vào con trai của của Giáo Sư Hall là Sam (do Jake Gyllenhaal đóng) cố gắng tránh bị đóng băng trong Thư Viện Công Cộng New York, trong khi Giáo Sư Hall lội tuyết tìm con trai. Những cảnh này tạm ổn, nhưng dường như không quá quan trọng nếu so với những gì khán giả vừa chứng kiến trước đó. Suy cho cùng, ai muốn quan tâm đến ông Hall hay anh Sam?
Phim “bom tấn” thường có xu hướng kể về người hùng nỗ lực cứu sống hàng ngàn hoặc hàng triệu người. Họ tìm ra cách điều trị virus hay tháo ngòi bom. Riêng trong phim của đạo diễn Emmerich, họ đánh bại con khủng long khổng lồ (“Godzilla”), và cho nổ tung đoàn tàu bay của người ngoài hành tinh (“Independence Day”). Trái lại, trong “The Day After Tomorrow,” tất cả nỗ lực của Giáo Sư Hall là chỉ để gặp lại con trai; còn xã hội thì vẫn tan tành.
Có thể đó là lý do khiến các nhà làm phim thường phớt lờ đề tài biến đổi khí hậu chăng? Vì đề tài này quá lớn, không phù hợp với thời lượng khoảng hai tiếng của phim? Và vì không thể giải quyết vấn đề này bằng cách cho người hùng đánh bại kẻ xấu?
Về mặt nào đó, hầu như mỗi người chúng ta đều là kẻ xấu trong phim, do những thứ lặt vặt mà chúng ta chọn hằng ngày như bay hãng nào, ăn món bò nướng nào, xài điện thoại nào. Có thể thông cảm cho việc Hollywood không muốn nhắc đến sự thật đau lòng đó, vì như vậy sẽ làm phật lòng khán giả. Để tránh chuyện đó và để bảo đảm doanh thu cho phim, cứ gán đại nguyên nhân thảm họa thế giới cho cuộc thử nghiệm tào lao của khoa học gia điên rồ nào đó, hoặc hỏa tiễn nguyên tử của tên độc tài ngoại quốc nào đó cho chắc ăn.
Ngoài ra, việc khán giả thờ ơ với đề tài môi trường cũng là do lỗi của Hollywood. Phim nào của họ cũng thường ca ngợi chủ nghĩa tiêu thụ, khiến khán giả ao ước nào là phi cơ riêng, nhà cửa cao cấp, quần áo sang trọng. Và bản thân phim “The Day After Tomorrow” cũng lồng khá nhiều quảng cáo sản phẩm.
Ngoài đời, kỹ nghệ điện ảnh cũng không khá gì hơn. Để làm một bộ phim, vô số người phải đi máy bay khắp thế giới, trước hết là để quay phim, rồi sau đó là quảng cáo phim sao cho càng nổi bật càng tốt.
Hồi Tháng Giêng, nhà thiết kế thời trang Stella McCartney lên Twitter khoe rằng tài tử Joaquin Phoenix sẽ góp phần bảo vệ “tương lai của hành tinh” bằng cách mặc đúng một bộ vest “suốt mùa trao giải phim năm nay,” tức là, nhiều tháng trời. Bản tweet này bị mọi người chế giễu thậm tệ, nhất là những người mặc đúng một bộ vest suốt 20 năm nay.
Tuy nhiên, thông điệp của bà McCartney ít nhất là dấu hiệu cho thấy Hollywood cũng biết được thói quen xấu của mình. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như Hiệp Hội Nhà Sản Xuất Phim Mỹ đưa ra Hướng Dẫn Làm Phim Xanh, và hãng Sony quyết định lắp hệ thống năng lượng mặt trời ở khu vực thu âm trong phim trường.
Nhưng liệu James Bond có bao giờ bỏ chiếc Aston Martin để đi xe đạp? Liệu diễn viên Phoenix sẽ mặc bộ vest của nhà thiết kế Stella McCartney trong mùa trao giải năm sau? Và, khi kỹ nghệ phim ảnh hoạt động lại sau đại dịch COVID-19, liệu Hollywood có bắt đầu “bật đèn xanh” cho vài bộ phim về thảm họa đề cập nạn biến đổi khí hậu ngay từ đầu, giống như phim “The Day After Tomorrow?” (Thanh Long)