Văn Lan/Người Việt
HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Nghe nhiều người nói cuộc chiến tranh Việt Nam là phi lý, tại sao con người ở hai phía phải bắn giết lẫn nhau, giết nhau vì cái gì? Câu hỏi luôn theo đuổi chàng trai trẻ Trầm Kim Thạnh, nên khi học xong Tú Tài, ông xin vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Tốt nghiệp Khóa 26 ông về ngay Chiến Đoàn 1 ở Phú Bài, Đà Nẵng.
Ông kể, Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật có ba chiến đoàn gồm Chiến Đoàn 1 (Đà Nẵng) nhảy ra vĩ tuyến 17, Chiến Đoàn 2 (Kon Tum) nhảy vào vùng A Sao, A Lưới; và Chiến Đoàn 3 phụ trách Vùng IV Chiến Thuật. Ba chiến đoàn này, mỗi chiến đoàn có nhiều toán, không ai được biết ai hết, do một sĩ quan làm trưởng toán.
Ông Thạnh thuộc Sở Liên Lạc, Chiến Đoàn 1, đóng tại Phú Bài, Huế, nhưng căn cứ xuất phát ở Mai Lộc, thuộc Đông Hà, Quảng Trị. Căn cứ nơi ông đóng quân là căn cứ tiền doanh, lúc chiến tranh tới hồi khốc liệt sau năm Mậu Thân 1968.
Ở Chiến Đoàn 1, những chuyến nhảy toán có nhiệm vụ bắt cóc cán binh Cộng Sản Bắc Việt từ biên giới Lào, hoặc quan sát, chụp hình những đoàn quân theo đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập vào Nam, tiếp cận vào địa phương để chụp hình những đoàn quân xâm nhập này.
Trong những nhiệm vụ bí mật, toán của ông Thạnh có sự kết hợp của đơn vị PRU (Province Reconaissant Units đọc tắt là Province Recon Unit hay Thám Sát Tỉnh). Trong toán của ông có một người Mỹ thường tâm sự với ông rằng, anh ta đang học đại học, sau chuyến hành quân này, hy vọng anh ta hết thời gian nhập ngũ, sẽ trở về Mỹ học tiếp.
“Có lần anh ấy nói nếu có đụng trận, nếu chết hãy cố gắng đem xác anh ấy về, đừng bỏ anh ấy lại trong rừng. Anh ấy giúp chúng tôi mua đồ PX Mỹ, và mua tặng tôi một chiếc đồng hồ để tặng ba tôi. Đó là những kỷ niệm quý của những người bạn đồng minh, đã bỏ lại tuổi trẻ êm đềm bên kia bờ đại dương để sang một đất nước chiến tranh, cùng chiến đấu với người lính VNCH để bảo vệ lý tưởng tự do cho miền Nam Việt Nam,” ông nhớ lại.
Thu phục lòng người
Ông Thạnh kể: “Khi ra ngoài Mai Lộc, căn cứ xuất phát nhảy toán để nhảy vào đường mòn Hồ Chí Minh, lúc ấy bắt được một tù binh Cộng Sản còn rất trẻ, đem về căn cứ và do một sĩ quan Mỹ khai thác. Sau nhiều lần khai thác không được, cả người Mỹ và người Việt, dù có lúc viên thiếu tá Mỹ thẩm vấn nóng tính đòi bắn bỏ, người tù binh Cộng Sản vẫn nhất quyết không khai. Lúc đó tôi xin được thẩm vấn.”
Thiếu Úy Thạnh kể tiếp: “Việc đầu tiên tôi xem xét ba lô của anh ta, trong đó chỉ có mấy lá thuốc lào để hút, nhưng đặc biệt có một quyển nhật ký, trong đó có viết lại lời rất thật với người yêu của mình, là sau chuyến đi Nam này, anh ta sẽ về làm đám cưới.”
“Tôi lấy danh dự của một sĩ quan Quân Lực VNCH đứng ra bảo đảm cho người tù binh được an toàn mạng sống với điều kiện anh ta phải khai thật. Hơn nữa đang trong chiến trường, nếu có bị bắn chết cũng không ai xử được. Và khi khai thật như vậy, chính là anh ta đã cứu hàng vạn binh lính Bắc Việt thoát chết bởi hàng loạt bom do B52 dội xuống trên đường xâm nhập vào Nam,” ông Thạnh tiếp tục câu chuyện.
“Thấy anh ta còn rất trẻ, để khuyến khích anh ta nên khai thật, tôi bèn nói với anh ta rằng muốn về quê cưới vợ hay muốn chết tại nơi này? Sau khi người tù binh trẻ tỏ ý muốn về quê cưới vợ, tôi hỏi Cộng Sản có hận thù gì với miền Nam không, mà sao cán binh miền Bắc cứ phải đi vào Nam chiến đấu cho cái gì? Anh ta bèn nói thật là nếu không đi vào Nam thì cả nhà phải bị cắt hộ khẩu và lý do thứ hai là sau chuyến đi này anh ta sẽ trở về cưới vợ. Rốt cuộc anh ta khai thuộc Sư Đoàn Sao Vàng Bắc Việt, theo đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập vào Nam, còn mục tiêu đánh ở đâu đơn vị chưa kịp phổ biến thì bị bắt,” ông nói.
Ông cho biết: “Tôi suy nghĩ khi tù binh đã chịu khai thành thật hết với mình, thì mình cũng nên thực hiện lời hứa, như vậy mới thu phục được lòng người, và các cán binh Cộng Sản nếu lầm đường lạc lối sẽ trở về quy phục đường ngay nẻo chánh. Còn nếu mình cứ bắn giết khi họ đã thành thật với mình thì thù hận sẽ càng nhiều hơn!”
Đó là cách giải quyết đầy tình người của ông, lấy tình thương hóa giải hận thù. “Từ đó tôi nghiệm thấy riêng trường hợp của tôi, luôn được êm xuôi không gặp những gì nguy hiểm cả,” ông Thạnh cho hay.
“Theo lời hứa của tôi là sẽ thả ngưởi tù binh trẻ, sau khi đã khai thật với mình, các cấp trên đều đồng ý. Mấy hôm sau, trước khi thả anh ta, tôi phải nói trước là phải trùm bao bố kín hết mặt, đem lên trực thăng, đến nơi máy bay hạ thấp xuống, khi nào kêu nhảy mới được nhảy. Trước khi thả, chúng tôi có cho anh ta một ít mì gói. Khu vực ấy rất nhiều lau sậy mọc dày đặc, qua ngọn đồi, đi bộ qua ngọn núi phía bên kia là coi như được tự do. Đó là khu vực Làng Cùa, gần Khe Sanh thuộc Đông Hà, Quảng Trị,” ông Thạnh nhớ lại.
Ông Thạnh kể, khu vực Làng Cùa có rất đông Việt Cộng ẩn nấp, trong làng nhà nào cũng có hầm chứa Việt Cộng. “Chúng tôi thường đến đó la cà thăm hỏi người dân, nói chuyện với họ, có nhiều khi đưa tiền họ mua gà về nấu cháo cùng nhậu cho vui, mục đích để dò la tin tức, có nhiều khi họ cũng do thám tin tức của mình,” ông nói.
“Trước khi tập trung ở Mai Lộc để nhảy toán, chúng tôi thường ra đầu làng uống bia, hút thuốc chơi, mục đích để dò la tin tức trước khi xuất phát. Lúc đó có một trung sĩ trong toán đem lòng thương một cô gái trẻ trong làng Hưng Hóa, anh ta cho biết nhảy chuyến này nữa rồi xin về cưới cô ấy. Sau khi biết sự tình, tôi nói hết sự thật cho anh ấy biết người dân ở đó theo Việt Cộng, và có lời can ngăn anh ta không được cưới cô ấy,” ông kể.
“Nhưng không ngờ chuyến đi ấy là chuyến cuối cùng trong đời, anh ấy đã ra đi mãi không về. Sau này tôi suy nghĩ mới hiểu, có thể trước khi lên đường, anh ta đã nói với cô gái trẻ ấy địa điểm nơi nhảy toán, mà không biết cô ấy là giao liên Việt Cộng,” ông nhìn xa xăm nói.
Kể về những lần trực thăng từ Đà Nẵng bay ra bốc lính nhảy toán, ông nói: “Sương mù dày đặc, trực thăng không xuống được, phải bắn giải vây chung quanh. Nhưng khi vừa thả dây xuống câu biệt kích lên thì phía dưới đất đạn bắn theo như một lưới lửa. Có lúc vừa nhảy xuống là bị phục kích liền, bắn dữ dội, trận ấy cả toán tổn thất nặng, Đại Úy Nguyễn Cao Vỹ đã hy sinh.”
Số phận người lính VNCH sau 1975
Sau năm 1975, khi đi trình diện ở Phú Nhuận, vì ông Thạnh không khai cấp bậc, chức vụ nên không thuộc diện đi “học tập cải tạo.” Không sống nổi trong chế độ Cộng Sản, ông vượt biên ba lần nhưng đều không thành công, mất sạch nhà cửa, ông đưa vợ con về bên ngoại ở Bà Chiểu, Gia Định.
Thời gian đó sáng ông đạp xe đi ra khỏi nhà, tối về ở trong nhà mẹ, sống không có hộ khẩu. Sự có mặt của ông ở địa phương khiến nhiều người “chướng mắt” và họ họp tổ địa phương.
“Họ quyết định bắt tôi. Cũng may có chị làm trong Hội Phụ Nữ báo cho biết trước. May sao chiều hôm đó, vợ tôi đi xe đạp về, chở theo ba đứa con nhỏ, cho biết có chuyến đi vượt biên, ghe sắp khởi hành, bảo tôi nên đi gấp theo chuyến này,” ông kể.
“Tôi suy nghĩ mình đã hết sạch tiền rồi sau ba chuyến đi không thành công, làm sao đi được. Sau khi do dự, vợ tôi cho biết sẽ chạy tiền, tôi cứ đi với ba người bà con theo đúng chỗ hẹn, đúng ngày giờ mà đi, ở nhà vợ tôi chung tiền cho chủ ghe. Sau này mới biết nhà tôi bán miếng vườn ở Long Thành mà ba má vợ tôi đã cho,” ông Thạnh kể tiếp.
Chuyến đi vượt biên xuất phát từ Rạch Giá, vô U Minh, từ đó ra cửa biển Cà Mau, ông để lại vợ với ba đứa con nhỏ 3, 4, và 7 tuổi.
Đức Quán Âm Bồ Tát ẩn thân cứu giúp người tị nạn trên đất Thái
Chuyến vượt biển tìm tự do của ông Thạnh không suôn sẻ chút nào, trên chiếc ghe ọp ẹp dài 10.5 mét chen chúc 52 người, già trẻ dẫm đạp lên nhau khiến một bé gái 10 tuổi chết phải thủy táng. Sau ba đêm lênh đênh trên biển, bốn lần bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp, cuối cùng dạt vào bờ biển Thái-Mã Lai.
Rồi mọi người bị bắt vào trại Sekiew, nơi có 13,000 người sống chen chúc, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, nấu nướng tắm giặt. Đêm lạnh, ngày nóng đầy bụi cát, các bà mẹ không có sữa cho con bú, khóc la, cảnh sát Thái đánh đập, treo tay tại cột cờ.
Ở trại Sekiew, ông Thạnh được Giáo Sư Bùi Tuyết Hồng giao cho việc giúp những người trong trại, khi biết những người nào không có thân nhân, chẳng hạn những trẻ nhỏ đi trong chuyến vượt biên mà cha mẹ bị chết, thì báo cho bà biết, để xin Hoàng Gia Thái Lan giúp đỡ.
Bà Bùi Tuyết Hồng vốn là giáo sư các trường Petrus Ký, Gia Long, Võ Trường Toản trước năm 1975. Sau năm 1975, với cương vị là phu nhân của vị đại sứ lỗi lạc của Vương Quốc Hòa Lan, ông Frans van Dongen phụ trách khu vực Đông Nam Á, bà Hồng đã liên lạc và xin được gặp quốc vương và hoàng hậu Thái Lan, để xin can thiệp cứu giúp cho nhiều thuyền nhân Việt Nam tại các trại tị nạn Thái Lan.
“Bà Tuyết Hồng rất đau khổ khi biết được những cô gái Việt Nam bị hải tặc hãm hiếp, có khi bị quăng mất xác trên biển, nên cương quyết cứu giúp những trường hợp này. Bà dặn tôi ở trong trại tị nạn, biết có những trường hợp như vậy, hãy âm thầm báo cho bà biết để tránh mặc cảm cho những cô gái bị nạn đó,” ông Thạnh kể.
Đặc biệt trong vụ cứu 19 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa trong chuyến vượt biển, bị hải tặc Thái Lan cướp hai lần và hãm hiếp phụ nữ, nhóm quân nhân này đã liều chết chống cự, giết chết năm tên cướp biển, còn ba tên nữa bơi được vào bờ, tố cáo ngược lại với chính quyền Thái là họ bị nhóm thuyền nhân Việt Nam này cướp tàu.
Cùng lúc với báo chí Thái Lan làm rùm beng, để bao che tội ác của những tên cướp biển. Nhóm 19 người này bị đưa ra tòa án Thái kết án tử hình hoặc tù chung thân. Hay tin, bà Bùi Tuyết Hồng đã cấp tốc bay từ Geneve đến Thái Lan, vào ngay trại Songkhla thu thập tin tức chính xác, với thư có chữ ký của thân nhân 19 người này kêu cứu. Bà Tuyết Hồng trở về Bangkok xin yết kiến quốc vương và hoàng hậu Thái Lan để xin ân xá, kết quả 19 quân nhân VNCH này được trắng án và được định cư tại một quốc gia thứ ba.
Ông kể, chính bà Bùi Tuyết Hồng là người phụ nữ Việt Nam thiết lập những căn lều để đón nhận thuyền nhân Việt Nam trôi dạt vào đất Thái. “Đây là chiếc lều cứu trợ lịch sử đầu tiên do bà Tuyết Hồng, ông đại sứ, các con của bà, gia nhân và người giúp việc của Tòa Đại Sứ Hòa Lan dựng lên trên bờ biển Pattaya Thái Lan, ngày 5 Tháng Năm, 1975, cùng với $2,000 do hoàng hậu Thái Lan trao tặng để mua thực phẩm. Đây là những công trình cứu trợ dân tị nạn Cộng Sản Việt Nam đầu tiên trên thế giới,” ông nhớ lại.
“Ban cứu trợ của bà Tuyết Hồng đã dành hết công sức của mình trong công tác cứu dân tị nạn Cộng Sản, tiếp nhận thư từ kêu cứu, giải quyết khó khăn, thắc mắc cho đồng bào được thực hiện thường xuyên. Những chuyến đi như con thoi không mệt mỏi của bà Tuyết Hồng từ Hòa Lan đến các nước Thái Lan, Indonesia, Thụy Sĩ để giúp giải quyết những trường hợp người tị nạn Việt Nam không có thân nhân ở nước thứ ba bảo lãnh, những cô gái bạc phước bị hải tặc dày vò thân xác, hoặc những trẻ em vị thành niên không có thân nhân đi kèm, bơ vơ đói rách lạc lõng trong các trại tập trung,” ông cho hay.
Ông Thạnh xúc động nói: “Bà Tuyết Hồng đã thể hiện được Tâm Bồ Đề, Hạnh Bồ Tát của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, luôn cứu khổ cứu nạn trên Biển Đông.”
Tấm lòng, tình thương của bà khiến ông giác ngộ đạo Phật hồi nào không hay.
Cuối năm 1981 ông Thạnh vô trại Songkhla, đầu năm 1982 vô trại Sekiew, đến năm 1983 ông được chuyển qua trại Galang 2, Indonesia.
Năm 1984 ông được định cư tại Mỹ sau ba năm ở các trại tị nạn Thái Lan. (Văn Lan)