Thanh Long/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Năm chàng lính Mỹ gốc Phi đang nghe radio trong rừng rậm ở Việt Nam thì biết được tin một trong những người hùng mà họ ngưỡng mộ nhất thiệt mạng – Mục Sư Martin Luther King Jr. – không phải vì đạn của Việt Cộng, mà là đạn súng trường của một kẻ da trắng phân biệt chủng tộc cách đó 9,000 dặm, ở Tennessee.
Cuối bản tin, giới chức tuyên truyền của phía địch hỏi một câu xoáy vào lòng mỗi người trong số họ: “Hỡi những người lính Mỹ gốc Phi, các anh chiến đấu để được gì?”
Đó là một trong những cảnh gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong bộ phim mới của đạo diễn Spike Lee – “Da 5 Bloods” – chính thức công chiếu trên Netflix vào Thứ Sáu, 12 Tháng Sáu.
Đây vừa là phim về chiến tranh và đi tìm kho báu, vừa là phim hài, đưa khán giả đi từ hồi hộp sang vui nhộn, sang rùng rợn chỉ trong tích tắc.
Diễn viên chính trong phim gồm các tài tử: Delroy Lindo (từng đóng phim “Crooklyn and Clockers” năm 1995 cũng của đạo diễn Lee), Norm Lewis (ngôi sao sân khấu Broadway), Isiah Whitlock Jr. (từng đóng phim “The Wire” và hai bộ phim khác của đạo diễn Lee là “BlacKkKlansman” và “25th Hour”), và Clarke Peters (nổi tiếng trong phim “The Wire” và phim “Red Hook Summer” của đạo diễn Lee).
Họ đóng vai bốn thành viên biệt đội Da 5 Bloods sống sót trong cuộc chiến Việt Nam và đang lặn lội trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt người chỉ huy của họ là Norman (do tài tử Chadwick Boseman, nổi tiếng trong phim “Black Panthers,” đóng).
Vụ Mục Sư King, nhà lãnh đạo phong trào dân quyền, bị sát hại khiến các nhân vật chính trong “Da 5 Bloods” phải suy nghĩ về sự cống hiến của mình cho đất nước rất thường coi nhẹ tính mạng người da màu. Năm mươi năm sau, khi gặp lại nhau, những cựu chiến binh này thay đổi nhiều, Việt Nam cũng vậy, nhưng vấn đề đó hiện vẫn mang tính thời sự.
Được biết, theo kịch bản ban đầu, “Da 5 Bloods” nói về bốn cựu chiến binh da trắng, và từng dự trù để đạo diễn Oliver Stone thực hiện. Nhưng khi bàn với nhà biên kịch thường làm việc chung với ông là Kevin Wilmort Jr., đạo diễn Lee quyết định đổi bốn nhân vật này thành người Mỹ gốc Phi và viết lại toàn bộ câu chuyện. Nhìn chiến tranh qua lăng kính phân biệt chủng tộc, rõ ràng “Da 5 Bloods” của đạo diễn người da màu từng đoạt giải Oscar này trở nên lôi cuốn hơn, gồm nhiều chi tiết công chúng chưa từng biết đến.
Phim mở đầu đầy ấn tượng bằng đoạn video tư liệu võ sĩ quyền Anh huyền thoại Muhammad Ali nói trước máy quay phim vào năm 1978 tại sao ông không muốn đi chiến đấu ở Việt Nam: “[Người Việt] đâu có xua chó cắn tôi, họ đâu có cướp mất quốc tịch của tôi,” ông nói.
Trong 10 năm trước đó, ông Ali bị kết án năm năm tù vì tội trốn lính; bị tước đai vô địch hạng nặng cũng như bằng thi đấu quyền Anh, mặc dù ông tại ngoại trong lúc kháng án. Sau đó, năm 1971, cuối cùng, Tối Cao Pháp Viện ủng hộ ông Ali, công bố rằng ông là người chống lệnh có lương tâm trong sạch, chứ không phải kẻ trốn lính bất hợp pháp.
Chiến tranh trên hai mặt trận
Những lời nói của võ sĩ Ali xuất hiện ở phần đầu đoạn phim gồm hình ảnh lính Mỹ gốc Phi tham chiến ở Việt Nam, phi hành gia Neil Armstrong đáp xuống Mặt Trăng, giáo sĩ Hồi Giáo Malcom X đọc bài diễn văn đầy xúc động, hai vận động viên người da màu Tommie Smith và John Carlos đeo bao tay đen giơ nắm đấm trên đầu trong lúc đứng trên bục nhận huy chương ở Thế Vận Hội Mexico 1968, hình ảnh nghèo nàn ở khu Harlem, và nhà hoạt động dân quyền Kwame Ture (Stokely Carmichael) cho rằng “Mỹ tuyên chiến với người da màu.” Rồi đến câu nói có lẽ hùng hồn nhất – của triết gia Angela Davis – “nếu không có mối liên hệ nào giữa chuyện đang xảy ra ở Việt Nam với chuyện đang xảy ra ở đây, có lẽ chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ đối mặt với một giai đoạn phát-xít phát triển mạnh.”
Dù nói về chiến tranh Việt Nam, đạo diễn Lee tạo ra đoạn phim này để nhắc khán giả nhớ lại bối cảnh rộng lớn hơn ở Mỹ cuối những năm 1960 và 1970. “Việt Nam có chiến tranh, mà Mỹ cũng có chiến tranh.” Vào thời đó, võ sĩ Ali là một trong những người giúp chỉ ra rõ rằng diễn biến ở Việt Nam cũng có nhiều điểm giống ở Mỹ, so sánh cuộc đấu tranh đòi dân quyền ở Mỹ với cuộc nổi dậy của Việt Cộng chống phong kiến, và cho rằng kẻ thù của người Mỹ gốc Phi cũng như kẻ thù của lính Bắc Việt.
Tuy nhiên, việc “Da 5 Bloods” nhấn mạnh cuộc xung đột trên mặt trận ở Mỹ mang tính thời sự đến mức kinh hoàng. Phim được công chiếu trên Netflix vào giai đoạn người biểu tình xuống đường khắp nước Mỹ và cả thế giới để phản đối nạn bạo lực cảnh sát ở nước này sau vụ ông George Floyd, một người da màu, bị cảnh sát da trắng đè gối lên cổ khiến ông thiệt mạng sau đó.
Có lẽ có người sẽ cho rằng nước Mỹ trong đoạn phim này dường như không khác gì với nước Mỹ hiện tại. Thực vậy, mới đây, đạo diễn Lee đăng lên Instagram bộ phim ngắn tựa đề “3 Brothers,” trong đó kết hợp hình ảnh có thật về cái chết của ông Eric Garner ở thành phố New York năm 2014 và ông George Floyd tháng trước, với cảnh trong bộ phim nổi tiếng của ông năm 1989 có tên “Do The Right Thing” về nhân vật Radio Raheem bị thiệt mạng sau khi bị cảnh sát chặn cổ (cảnh này được đạo diễn Lee lấy cảm hứng từ vụ họa sĩ graffiti Michael Stewart bị sát hại năm 1983).
“Có lẽ, đây là kế hoạch của đấng tối cao, tối cao,” đạo diễn Lee nói về việc “Da 5 Bloods” công chiếu vào giai đoạn đau khổ này. “Tôi thường cố không tốn thời gian suy nghĩ nhiều tại sao sự vật lại xảy ra. Chúng ta phải chấp nhận sự vật mà chúng ta không kiểm soát được. Tôi biết rằng vụ này tôi không kiểm soát được. Nhưng tôi mừng là bộ phim ra mắt lúc này, vì rất nhiều nội dung trong phim thẳng thắn đề cập rất nhiều vấn đề đang xảy ra hiện nay.”
Trong những cảnh hồi tưởng cuộc chiến, đạo diễn Lee sử dụng đúng những diễn viên đó nhưng không làm cho họ trẻ đi, nhằm nêu bật quan điểm rằng lịch sử là một phần của hiện tại. Quá khứ như thế nào, hiện tại sẽ như vậy – cá nhân lẫn quốc gia đều như vậy.
Tổng Thống Donald Trump được nhắc đến trong phim
Tổng Thống Trump bất ngờ được nhắc đến trong “Da 5 Bloods.” Nhân vật Paul (do diễn viên Lindo đóng) khiến đám bạn cũ sửng sốt khi tiết lộ mình ủng hộ ông Trump. “Đây là một trong những điều mà mẹ tôi từng dạy khi tôi còn nhỏ,” đạo diễn Lee giải thích. “Hồi đó, mẹ thường nói, ‘Spike nè, không phải người da màu nào cũng giống nhau. Không phải người da màu nào cũng nhìn giống nhau, hoặc suy nghĩ giống nhau.’ Do đó, trong phim có nhóm này, và tôi phải cho thấy một chút đa dạng trong số những ông Mỹ gốc Phi này. Họ không được giống nhau y chang – như vậy không những ngu mà còn dở… Và để tăng thêm kịch tính cho vai diễn Paul, ông đội chiếc mũ in chữ MAGA thấy ghét.” MAGA (Make America Great Again – Hãy Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại) là câu khẩu hiệu nổi tiếng của Tổng Thống Trump.
Vận động viên đoạt huy chương vàng Tommie Smith (giữa) và người đoạt huy chương đồng John Carlos (phải) giơ nắm đấm trên đầu khi nhận giải ở Thế Vận Hội Mexico 1986. (Hình: en.wikipedia.org)
Quan điểm chính trị của ông Paul khiến đám bạn cũ vừa bất ngờ, vừa khó hiểu. Ông Eddie (do tài tử Lewis đóng) giàu nhất trong nhóm, và là người bỏ tiền “bao” cả chuyến đi cho mọi người. Nhân vật Melvin (do diễn viên Whitlock đóng) tính cách hiền lành, thích đùa giỡn. Còn ông Otis (do tài tử Peters đóng) là người ít nói, được xem là thủ lĩnh của nhóm. Ông Otis có lẽ cũng là người đằm tính nhất. “Anh biết tại sao không? Vì ông ấy là bác sĩ,” đạo diễn Lee nói với phóng viên tạp chí Vanity Fair. “Như ông ấy kể, ông ấy từng gắp nhiều viên đạn ra khỏi cái mông đen thui của ông Paul.”
Thời chiến tranh Việt Nam, ông Otis chỉ cứu mạng người chứ không giết chết ai, do đó, tâm hồn ông thanh thản. Còn ông Paul vẫn luôn bị những cảnh máu me mà ông chứng kiến và gây ra ám ảnh. “Ông ấy có tính ác. Chiến tranh khiến ông ấy trở nên như vậy. Tính khí ông ấy rất thường.” Đạo diễn Lee gọi chiếc mũ MAGA của ông ấy là “trái cherry nằm trên đầu”: “Đó là bằng chứng bạn bè biết rằng ông ấy không giống như xưa.”
Tính khí ông Paul thất thường đến mức con trai ông là anh David (do diễn viên Jonathan Majors đóng) phải đi theo cha đến Việt Nam, mặc dù hai cha con thường hay cãi cọ.
“Da 5 Bloods” còn là phim về đi tìm kho báu
Nhóm đồng đội cũ này gặp lại nhau không chỉ để nhớ lại những ngày xưa không mấy tươi đẹp. Họ tái ngộ để cùng nhau tìm lại vị thủ lĩnh đã bỏ mạng ở Việt Nam. Thi thể người này vẫn còn nằm đâu đó trong rừng rậm, và họ muốn đưa về Mỹ chôn cất đàng hoàng.
Ngoài ra, còn một thứ gì đó chôn gần thủ lĩnh mà nhóm bạn này rất muốn tìm lại: đó là chiếc rương đựng đầy thỏi vàng mà CIA làm mất từ lâu trong vùng chiến sự.
Thời chiến tranh, có lần, sau một trận đánh lớn, nhóm họ lượm được số vàng này rồi giấu ở nơi chiếc phi cơ rơi khiến thủ lĩnh Norman thiệt mạng. Nay, họ tìm thấy lại kho báu này, như là sự bồi thường cho những mất mát mà họ từng gánh chịu.
Âm nhạc làm tăng thêm sự ly kỳ cho “Da 5 Bloods”
Cũng như phần lớn những phim thành công, âm nhạc góp phần làm cho “Da 5 Bloods” thêm hấp dẫn.
“Chúng tôi muốn đưa vào phim ca khúc từ một trong những album hay nhất mọi thời đại. Theo tôi, đó là bản ‘What’s Going On’ của ca sĩ Marvin Gaye,” đạo diễn Lee cho hay. “Ông Frankie, anh của ông Marvin Gaye, từng đi Việt Nam ba lần. Hồi đó, ông ấy là nhân viên vô tuyến (radio operator). Ông ấy luôn viết thư về cho ông Marvin, do đó, ông Marvin luôn biết được những tin tức kinh hoàng về cuộc chiến trực tiếp từ anh mình. Những lá thư đó thực sự là nguồn cảm ứng để ông Marvin làm một trong những album hay nhất mọi thời đại.”
“What’s Going On” tăng thêm sự ly kỳ cho “Da 5 Bloods” là lời nhắc nhở rằng bộ phim pha trộn nhiều thể loại. Đây không chỉ là phim về chiến tranh, đi tìm kho báu, mà còn là phim hài và phim ma. Không phải theo nghĩa đen, mà theo nghĩa rằng những người đã khuất từ lâu không bao giờ thực sự rời bỏ chúng ta. Nhất là những người bị sát hại khi còn quá trẻ.