HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN dành ra ngân khoản lớn để “hỗ trợ” các gia đình nghèo, người lao động bị thất nghiệp vì đại dịch COVID-19, nhưng số người được thụ hưởng lại rất ít.
Tờ Lao Động hôm Thứ Ba mùng 9 Tháng Sáu phơi bày phần nào sự thật về kế hoạch đối phó với tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế xã hội tại Việt Nam. Tờ báo này nói: “Hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng, mới có 418 người được thụ hưởng.”
Nguồn tin dẫn lại các con số thống kê của Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội (LĐTBXH), cho hay trên cả nước “có 14 địa phương chi trả hỗ trợ cho gần 73,000 người lao động, hộ kinh doanh, trong đó, 71,525 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, chủ yếu là hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động. Mặt khác, Bộ LĐTBXH cũng duyệt chi hỗ trợ cho 418 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.”
Thủ tục để người lao động xin được tiền “hỗ trợ” đòi hỏi doanh nghiệp phải làm thủ tục gửi cho cơ quan liên quan của nhà cầm quyền, kiểu phải xác nhận người công nhân đó đã bị cho nghỉ việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại tránh né việc khai báo vì “sợ” những thủ tục bởi “liên quan đến cả báo cáo tài chính, thuế”…
“Đây là những thông tin doanh nghiệp không muốn cung cấp ra bên ngoài. Hơn nữa, làm thủ tục xong, doanh nghiệp còn phải chi trả cho người lao động. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ngại, không làm.” Tờ Lao Động thuật lời của bà Vũ Thị Minh Phượng – Chủ tịch công đoàn các khu công nghệ tỉnh Hà Nam.
“Công nhân có nguyện vọng được hưởng gói hỗ trợ, nhưng thủ tục để hưởng gói hỗ trợ này phụ thuộc vào công ty. Nếu công ty không làm thủ tục, công nhân cũng không được hưởng,” bà Phượng nói.
Trong khi có những công ty tránh né khai báo như thế, tại địa phương như tỉnh Thái Bình, thấy nói có 26 doanh nghiệp với 36,890 người lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có 5 doanh nghiệp với 1,756 công nhân lao động “đã gửi đề nghị hỗ trợ,” nhưng theo lời bà Phạm Thị Thắng, chủ tịch công đoàn các khu công nghệ tỉnh này thì công đoàn “hướng dẫn, công đoàn cơ sở đã xác nhận danh sách này rồi gửi về chính quyền từ giữa Tháng Năm. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có văn bản trả lời. Vì vậy, vẫn chưa có công nhân lao động nào được hưởng hỗ trợ của gói 62,000 tỉ đồng.”
Một đầu là các chủ xí nghiệp tránh né, một đầu là quan lại nhà nước cũng thấy nín thinh, những “người thụ hưởng” như tờ Lao Động thuật lời một người công nhân mất việc “cuộc sống rất chật vật.”
Trong một bản tin khác, chỉ riêng ở thành phố Sài Gòn, tờ Lao Động nói theo báo cáo của Sở Lao Động-Thương Binh và Xã Hội (LĐTBXH) địa phương, tính đến ngày 8 Tháng Sáu, thành phố “mới giải quyết cho 66,876 trên 273,866 lao động tự do bị mất việc làm do COVID-19 (tương đương 24.42%) với số tiền hơn 66.8 tỉ đồng.
Hồi cuối Tháng Ba vừa qua, nhà cầm quyền CSVN loan báo sẽ “hỗ trợ trực tiếp” tức trợ cấp dự trù trong 3 tháng, giúp các thành phần nghèo trong xã hội bị tổn thương tài chính do dịch COVID-19 gây ra.
Theo bản tin của nhà cầm quyền trung ương phổ biến trên trang mạng chinhphu.vn, số tiền được phát cho dân chúng có thể kéo dài ba tháng, từ 500,000 đồng/tháng đến 1.8 triệu đồng/tháng tùy loại “đối tượng.”
Bản tin của “chinhphu.vn” viết rằng: “Hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ 3 tháng (Tháng Tư, Năm, Sáu). Hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500,000 đồng/người/tháng”…
“Hỗ trợ người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương giảm thu nhập thì mức hỗ trợ 1.8 triệu đồng/người/tháng (tức 50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ cho 3 tháng (Tháng Tư, Năm, Sáu)”…
“Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh gặp khó khăn nhất do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/tháng trong ba tháng (Tháng Tư, Năm, Sáu). Hỗ trợ người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm, mức 1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng (Tháng Tư, Năm, Sáu)”…
Nay cũng gần đến giữa Tháng Sáu, như tờ Lao Động kể, sự thật của cái “gói hỗ trợ” đối với đại đa số vẫn chỉ là cái bánh vẽ. (TN)