ANAHEIM, California (NV) – Đầu năm 1965 là cột mốc khó quên trong đời khi chàng trai trẻ Hứa Thiện Hùng lần đầu tiên tình nguyện vào Quân Chủng Không Quân, Khóa 65D, được qua Mỹ học giai đoạn đầu nhưng sau đó vì lý do sức khỏe, phải trở về Việt Nam.
Nhưng nhiệt huyết vẫn luôn sôi sục trong lòng khi chứng kiến bao cảnh đau thương của chiến tranh, sau khi về nước ông được đưa qua Khóa 26 Bộ Binh Thủ Đức, mãn khóa ông tình nguyện về Lực Lượng Đặc Biệt.
Được nhập ngũ trong thời chinh chiến, phục vụ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ là một biểu tượng của tình yêu tổ quốc, đó cũng là danh dự và trách nhiệm của công dân. Và người trai thời loạn Hứa Thiện Hùng, đã vinh dự đứng dưới lá cờ vàng, qua hai sắc lính với hai quân chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Lần đầu gia nhập Quân Chủng Không Quân Quân Lực VNCH
Tiếp phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà ở Anaheim, miền Nam California, ông Hứa Thiện Hùng kể, để bước vào Quân Chủng Không Quân, đầu tiên sau khi thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang khoảng 11 tháng, ông Hùng được qua Mỹ học tiếng Anh tại trường Lackland Air Force Base, Texas. Rất tiếc trước khi tiếp tục qua trường học bay, lúc đó sức khỏe không cho phép tiếp tục khóa huấn luyện phi công, ông Hùng đành phải bỏ dở nửa chừng chương trình học.
Trở về nước, ông Hùng gia nhập Khóa 26 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau khi ra truờng, ông tình nguyện vào Lực Luợng Đặc Biệt, đặt hậu cứ ở Nha Trang, thuộc Trung Tâm Hành Quân Delta.
Lúc đó đang trong trận Mậu Thân 1968, ông Hùng đang hành quân ở vùng Cây Quéo, Cây Thị (tỉnh Gia Định), tảo thanh Việt Cộng tấn công vào nội thành Sài Gòn-Gia Định. Lúc đó lực lượng Delta đang truy lùng tìm Việt Cộng lẩn trốn và ông Hùng là phụ tá toán trưởng Delta. Sau trận đó ông được rút về Nha Trang, tiếp tục là trưởng toán nhảy vào mật khu Đồng Bò Nha Trang. Rồi ông tiếp tục nhảy vào rừng, mỗi tháng nhảy toán một lần, vào vùng Mỏ Than Nông Sơn, Khu Kỹ Nghệ An Hòa, Đồng Xoài, Lộc Ninh…
“Tôi ở đó hơn một năm, nhảy trong rừng khoảng 17 lần, mỗi lần vô ra khoảng bảy ngày, dắt theo sáu toán viên. Lúc mới về, có cố vấn Mỹ đi cùng sau đó thì không cần thiết, mình tự đi. Sau khoảng 13 tháng ở đơn vị nhảy toán Delta, bên Không Quân có yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu cho tôi về khám lại sức khỏe, may sao lại qua hết những đợt kiểm tra này,” ông Hùng cho biết.
Trở qua Mỹ, tiếp tục học khóa phi công
“Tôi lại được trở qua Mỹ lần nữa, đưa về Trường Phi Hành Keesler AFB, San Antonio, Texas, để được huấn luyện bay T-28 khoảng 12 tháng. Đây là loại máy bay một động cơ cánh quạt để thực tập các bài học lái căn bản. Người học lái ngồi ghế trước, tiếp cận trực tiếp với bảng đồng hồ và tự điều khiển cần lái, còn người thầy huấn luyện ngồi ở ghế sau,” ông Hùng kể.
Ông Hùng cho hay, để học lái trên chiếc T-28, một ngày có khoảng 2 đến 3 giờ bay trong hai buổi, sáng đi bay chiều học dưới đất, khoảng 400 đến 500 giờ là xong chương trình. Khó khăn và nguy hiểm nhất trong chương trình học là kỹ thuật “Spin,” bay chúc đầu xuống, lấy lại thăng bằng bình thường để xoay cánh bay lên. Ngoài ra những kỹ thuật cất cánh, đáp, nhận diện địa hình dưới đất cũng được học và thực hành rất kỹ.
Nhớ về kỷ niệm đẹp nhất trong đời người phi công, ông Hùng vui vẻ kể: “Khi đã thành thục, người thầy huấn luyện sẽ không đi theo nữa, học viên tự bay một mình, tự cất cánh và đáp xuống với sự điều khiển, nhắc nhở của ông thầy dưới đất. Chuyến bay ‘solo’ thành công, khi đáp xuống học viên sẽ được huấn luyện viên nhấc lên bỏ vô thùng nước ướt hết cả người, leo ra đứng chụp hình chung với ông thầy. Cả học viên lẫn người thầy huấn luyện đều vui mừng vì cả hai đều hoàn thành tốt đẹp khóa học bay!”
“Ngoài ra, sau khi bay ‘solo’ thành công, sẽ được bay bằng phi cụ, tức là học viên ngồi trong buồng lái bao bọc chung quanh một bao tối đen, chỉ tiếp xúc trực tiếp với những đồng hồ chỉ báo tốc độ, cao độ, hướng bay, và người thầy ngồi phía sau điều khiển nhắc nhở,” ông Hùng kể thêm.
Mãn khóa học bay T-28, ông Hùng được chuyển qua học bay C-123 là loại máy bay vận tải hai cánh quạt tại Trường Phi Hành Lockbourne AFB ở Columbus, tiểu bang Ohio, khoảng ba tháng là xong khóa học.
Ông Hùng cho biết thêm trong chiến tranh Việt Nam, loại máy bay C-123K có trang bị thêm hai động cơ phản lực phụ để lên xuống ở những phi đạo ngắn, rất đắc dụng để vận chuyển lính đi hành quân, huấn luyện nhảy dù, thả dù tiếp liệu súng đạn, lương thực, thuốc men y tế, nhu yếu phẩm cho từng đơn vị. Trước năm 1975, Mỹ cho thu hồi loại máy bay C123 để đổi lại chiếc C130, mạnh hơn.
Về nước, lái máy bay vận tải C123 khắp chiến trường
Về Việt Nam, ông còn một giai đoạn chót nữa trong chương trình huấn luyện tại phi trường Phan Rang, là phi công phải học lái máy bay trên những phi đạo ngắn, được lót bằng những tấm vỉ sắt như phi trường Kon Tum, hoặc đáp xuống những con lộ ngắn tại những quận lỵ nhỏ, hoặc tiền đồn địa phương hẻo lánh, không có phi trường.
“Như ở tiền đồn Tống Lê Chân hoặc những nơi đang bị vây, máy bay đến thả hàng tiếp liệu súng đạn, lương thực, nhu yếu phẩm, thường là súng đạn cho chiến trường đang rất cần, thả cho thật lẹ rồi bay ngay. Cũng có mấy chiếc C123 bị hỏa tiễn SA7 của Việt Cộng bắn rơi trên chiến trường,” ông Hùng kể.
Từ đó phi công Đại Úy Hứa Thiện Hùng phục vụ tại Phi Đoàn 423-425, thuộc Không Đoàn Vận Tải 53, Sư Đoàn 5 Không Quân Tân Sơn Nhất, bay khắp nơi để phục vụ chiến trường lúc bấy giờ đang hồi khốc liệt. Tiếp tục bay đến năm 1975, sau đó đời tù “cải tạo” bắt đầu.
“Đầu tiên tôi bị đưa vào trại Trảng Lớn, Tây Ninh, nơi đó là đồn đóng quân của Địa Phương Quân, gần phi trường Trảng Lớn, Tây Ninh. Sau đó tôi bị đưa qua trại Cà Tum, sát biên giới Cam Bốt, trại này thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, thuộc Lôi Hổ biên phòng ngày xưa,” ông nhớ lại.
“Cuộc đời tù cũng như bao người khác, nhưng được cái may mắn là tôi không ở trong những trại tù hắc ám thành ra có phần nhẹ hơn. Ở trại Cà Tum đến cuối năm 1980 thì tôi được đưa về Thành Ông Năm, Hóc Môn. Ra tù, tôi phải đi đào thủy lợi như mọi người dọc theo con kênh ở Đức Hòa, Đức Huệ, Hậu Nghĩa,” ông Hùng kể.
Chuyến vượt thoát và những nỗi kinh hoàng trên biển
Cuối năm 1980, ông Hùng được người dắt mối vượt biển với giá 2 cây vàng. Chuyến đi xuất phát từ Rạch Giá, Kiên Giang, sau một ngày đêm lênh đênh trên hải phận quốc tế, lần đầu gặp ngay hải tặc Thái Lan.
Chuyến ghe vượt biển dài khoảng gần 20 thước, chở 120 người phần lớn là phụ nữ và trẻ em, còn lại chỉ có 19 tay thanh niên trên 18 tuổi, trong đó có tôi, ông Hùng cho hay.
“Bọn hải tặc thả dây kéo ghe mình cập vô sát ghe nó, kêu hết tất cả đàn bà con nít qua hết trên ghe nó, nấu cơm cho ăn tử tế, xong hãm hiếp phụ nữ, khi bọn cướp trả người về ghe của mình, tất cả phụ nữ đều thất thần hoảng loạn!” ông Hùng bần thần nhớ lại.
“Sau đó ghe tiếp tục đi, vợ con của chủ ghe hoảng hốt, người chủ ghe cũng mất tinh thần theo. Tôi lúc đó nằm dưới lườn ghe, được chủ ghe yêu cầu tôi tiếp tục điều khiển chiếc ghe để đi tiếp. Chủ ghe cho biết nếu bị cướp biển lần nữa, thì tôi tùy theo hoàn cảnh mà giải quyết, nếu cần thì liều chết. Tôi kêu các anh em đi trên ghe, cho biết nay tôi theo sự ủy thác của chủ ghe, nếu gặp cướp biển lần nữa, các anh em phải nghe theo sự chỉ huy của tôi, các anh em trên ghe đều đồng ý,” ông Hùng kể tiếp.
Ông Hùng cho hay, mấy anh em đi vượt biển chuyến này hầu hết đều là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ít nhiều đều có võ nghệ để phòng thân. Hơn nữa vừa xảy ra việc cướp bóc hãm hiếp vừa rồi, nên mọi người đều uất ức!
Bị cướp lần thứ hai, phải giết người trên đất Thái
Ông Hùng kể, ngay ngày hôm sau, lúc đó ông định hướng là gần vô đất Thái, lại gặp cướp lần thứ hai. Lần cướp này xảy ra bài bản hơn lần thứ nhất, khi bọn hải tặc cho tất cả mọi người trên ghe vượt biên qua hết trên tàu lớn của chúng, để bọn chúng lên ghe nhỏ của mình, lục soát lấy những gì có thể lấy. Sau đó bọn chúng đập phá nát ghe của mình, mục đích coi còn giấu vàng bạc chỗ nào không.
“Sau khi cướp phá xong, bọn hải tặc bắt đầu đuổi người vượt biển trở xuống ghe nhỏ của mình. Tôi nhìn xuống thấy hỡi ơi, chiếc ghe nhỏ mình bị phá tan tành, coi như không thể đi được nữa! Tôi nói với nhóm thanh niên mình, phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng, khi nghe tôi ra lệnh, tất cả đều phải lao vào tử chiến,” ông Hùng nhớ chuyện xưa.
“Vừa bị cướp bóc hãm hiếp xong, nỗi uất ức mọi người còn dâng tràn, nên sau khi tôi ra lệnh ‘Xung phong,’ cả đám thanh niên say máu ào vô đánh liền. Bọn cướp biển tên nào cũng có cầm dao trên tay, còn bọn tôi thì tay không, nhưng ai nấy cũng đều là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ít nhiều gì cũng ‘có nghề’ nên nhất tề xông vào đánh tới tấp!” ông kể.
Ông Hùng buồn rầu kể lại chuyện đã xảy ra hơn 40 năm: “Bọn cướp biển bất ngờ bị tấn công dữ dội, chúng trở tay không kịp. Riêng tôi bị tên đầu đảng cầm mã tấu phóng tới chém liền. Không may cho nó, tôi chụp chiếc cần xé đan bằng tre rất chắc dùng để đựng cá, quăng tới đỡ liền. Khi mã tấu bị chém hụt, rớt xuống trước mặt, tôi chụp ngay mã tấu chém ngược một nhát ngay cổ tên đầu đảng, hắn ngã xuống giãy đành đạch, máu phun có vòi!”
“Việc hỗn chiến diễn ra quá nhanh, kết quả bọn hải tặc chết bốn tên tại chỗ, chúng tôi kéo xác quăng xuống biển, ba tên còn lại hốt hoảng nhảy xuống biển. Tôi cũng không ngờ anh em thanh niên ra tay sấm sét như vậy! Bên phe ta có anh Danh bị đâm lòi ruột nặng nhất, và một anh khác bị chém xệ bả vai. Nhờ có anh Bác Sĩ Chi Lăng đi trong nhóm vượt biên, lấy dụng cụ y tế trên ghe băng bó tạm,” ông nói.
“Kế tiếp tôi chỉ huy anh em lấy cây gỗ trên ghe, chặt thành từng đoạn làm vũ khí chống trả nếu có gặp cướp biển lần nữa. Khi đó có có mấy chiếc ghe Thái chạy vòng quanh nhưng không dám tới gần. Sau đó tôi kêu anh em nổ máy ghe chạy tiếp vô đất liền, nhưng không biết sao máy không nổ, chiếc ghe nằm yên không nhúc nhích!” ông Hùng kể tiếp.
Thế là mọi người phải nằm chịu trận tại chỗ cho tới hôm sau, khi thấy một chiếc tàu Hải Quân Thái Lan tới gần, bà con lấy áo phất lên làm dấu hiệu cầu cứu, cùng lúc mấy thanh niên quăng hết dao trên ghe xuống biển để tránh phiền phức.
“Thấy chúng tôi, tàu Hải Quân Thái thả xuống chiếc ca nô nhỏ chạy tới. Thế nhưng, chúng dừng lại quan sát hồi lâu rồi bỗng bắn hàng loạt đạn bay tung trên mặt nước tới tấp để thị uy xong mới xáp vô lục soát. Sau khi thấy không có gì nguy hiểm, chúng kéo ghe vô đất liền,” ông miêu tả. (Văn Lan)