Đoan Trang/Người Việt (thực hiện)
WESTMINSTER, California (NV) – Tối Thứ Ba, 9 Tháng Sáu, tại San Jose, California, Linh Mục Bùi Bằng Đoàn, thuộc Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện Mẹ Lên Trời ở San Antonio, Texas, qua đời do bị nhiễm COVID-19. Nói về sự ra đi này, Linh Mục Nguyễn Thanh Châu, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, chánh xứ giáo xứ Philipphe Phan Văn Minh thuộc Giáo Phận Orlando, tiểu bang Florida, dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
*Người Việt: Đại dịch COVID-19 gây ra hàng trăm ngàn cái chết tại Hoa Kỳ, trong đó có sự ra đi của Linh Mục Bùi Bằng Đoàn gây nên bao nỗi thương tiếc. Thưa, linh mục có thể chia sẻ cảm xúc của mình với độc giả nhật báo Người Việt?
-Linh Mục Nguyễn Thanh Châu: Linh Mục Bùi Bằng Đoàn và tôi có quen biết nhau từ lâu. Mấy tuần trước, khi nghe tin linh mục phải nhập viện vì COVID-19, tôi buồn lắm, và chỉ biết cầu nguyện cho Linh Mục Đoàn. Nỗi buồn của tôi chuyển sang cảm giác mất mát khi nghe tin Linh Mục Đoàn mất.
Thật sự khi nghe tin một linh mục hay tu sĩ nào qua đời, tôi rất buồn, vì họ đều là anh chị em cùng một lý tưởng trong cuộc đời tận hiến cho nước Trời. Hơn nữa, Linh Mục Bùi Bằng Đoàn lại là một vị tu sĩ Việt Nam, cùng là dòng máu với mình, càng làm tôi cảm thấy đau đớn hơn.
Ba điều mà mình không thể được lựa chọn
*Người Việt: Thưa, linh mục có kỷ niệm nào với Linh Mục Bùi Bằng Đoàn không?
-Linh Mục Nguyễn Thanh Châu: Tôi có cơ duyên được gặp Linh Mục Đoàn lúc đang học chương trình cử nhân tại Đại Học Ngôi Lời tại Epworth, Iowa, từ 1982-1985. Lúc đó Linh Mục học Anh Ngữ, hình như là năm 1983. Sau khi tốt nghiệp năm 1985, tôi chuyển qua Giáo Phận Orlando, Florida, và rồi được cử đi học ở Chicago, Illinois.
Lần cuối cùng tôi gặp Linh Mục Đoàn là vào mùa Thu 1988 ở Champaign-Urbana, tiểu bang Illinois. Lúc đó linh mục ở với một người họ hàng.
Sau đó, tôi vẫn theo dõi thường xuyên đời sống của Linh Mục Đoàn, và biết vào năm 2002, Linh Mục bị bệnh ung thư. Nhiều người nói rằng Linh Mục Đoàn sống rất vô tư, lạc quan, ít nhớ tới bệnh tật của mình. Lúc học cùng trường, cả hai chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau. Chúng tôi đều thẳng tính, và có lẽ vì thế mà hợp nhau.
*Người Việt: Chúa đã gọi Linh Mục Bùi Bằng Đoàn về vào đúng ngày lễ 25 năm Thụ Phong Linh Mục. Nhiều người cho rằng đây là cách Chúa “giải thoát” cho Linh Mục Bùi Bằng Đoàn. Thưa, linh mục có nhận xét gì về chuyện này?
-Linh Mục Nguyễn Thanh Châu: Trong cuộc đời chúng ta có ba điều mà mình không thể được lựa chọn: Sinh ra ngày nào, ở đâu, và chết lúc nào. Ai trong chúng ta cũng đều trải qua vòng “sinh-lão-bệnh-tử.” Có người cho rằng cuộc đời trên dương gian này là “bể khổ” cho nên con người cần phải được giải thoát nhờ cái chết. Linh Mục Bùi Bằng Đoàn mang bệnh như thế thì đau đớn, và như vậy chết là sự “giải thoát.” Con người luôn cố gắng giải nghĩa những gì đang xảy ra, nhưng chuyện của Thiên Chúa thì không ai biết được.
Trong niềm tin Giáo Hội Công Giáo, chết là một sự chấm dứt cuộc đời trần thế và bước vào cuộc sống vinh quang vĩnh cửu với Thiên Chúa. Cuộc đời trần thế này cũng có giá trị vì đã được cứu chuộc và người Kitô hữu được mời gọi làm nhân chứng tình yêu Chúa Kitô Phục Sinh.
Nói như thế không có nghĩa là cuộc đời không có đau khổ; nhưng chúng ta tin Thiên Chúa cứu độ chúng ta và mời gọi chúng ta bước vào cuộc sống với Ngài. Đến khi chết là trở về với Thiên Chúa và bước vào cuộc sống vinh quang của Đức Giêsu Kitô.
Người Công Giáo có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, sống hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là người quyết định cuộc đời của chúng ta. Lúc nào Chúa mời gọi, thì chúng ta theo Chúa về nước Trời. Chúa cho chúng ta sinh ra trong cuộc đời này, thì cũng có ngày Chúa gọi chúng ta về.
*Người Việt: Dịch bệnh COVID-19 không chừa một ai, dù đó là một vị mục tử. Tuy vậy, phải trải qua tiến trình đầy gian khổ mới có thể trở thành một linh mục. Thưa, linh mục nghĩ sao về sự ra đi của những vị linh mục – mất mát lớn cho Giáo Hội Công Giáo?
-Linh Mục Nguyễn Thanh Châu: Tôi có theo dõi tin tức, thì thấy nước Ý là nơi có nhiều linh mục tử vong nhất. Có đến hàng trăm linh mục qua đời trong các giáo phận miền Bắc của nước Ý. Do phải đi phục vụ, nên các linh mục bị lây, và chuyện đó phải chấp nhận thôi, vì làm linh mục là phục vụ. Còn tại Hoa Kỳ, theo tôi được biết, chỉ có Linh Mục Đoàn là linh mục người Việt tử vong vì COVID-19, cho đến thời điểm này.
Ở Michigan có 11, 12 nữ tu người Mỹ qua đời vì COVID-19, hầu hết là các nữ tu cao niên, đã về hưu, sức khỏe yếu. Ở New York có Linh Mục Nguyễn Hùng Cường thuộc dòng Maryknoll cũng bị nhiễm COVID-19, nhưng vượt qua được, nay đã khỏe. Tạ ơn Chúa. Nhưng trong Dòng Maryknoll có nhiều linh mục già về hưu, nếu tôi nhớ không lầm thì có 19 vị linh mục qua đời trong đại dịch này.
Chị nhắc đến những khó khăn để trở thành linh mục, khiến tôi nhớ tới Tổng Giáo Phận New Orlean. Mỗi lần đám tang của linh mục nào đó, khi dâng lễ xong, lời cuối trước khi tiễn đưa, Đức Giám Mục cầm chén lễ lên và hỏi: “Ai trong cộng đồng dân Chúa ở đây tiếp tục sứ mệnh của linh mục này?” Câu hỏi như một lời thách đố với giáo dân. Rất khó tìm được người đáp lại ơn Thiên triệu, vì tu là gian khổ. Thời gian để được trở thành linh mục rất dài, ơn gọi rất hiếm.
Việc đào tạo linh mục có hai khía cạnh: Một là đào tạo về kiến thức với bằng cấp được công nhận là bằng master, nhưng khía cạnh thứ hai mới quan trọng, là huấn luyện tu đức cho ứng viên đó sống cuộc đời linh mục. Linh Mục không chỉ cần có kiến thức mà là con người của sự cầu nguyện, hy sinh, dâng hiến.
Đó là lý do tại sao khi có một linh mục, hay một nữ tu, tu sĩ nào đó ra đi, đều là sự mất mát cho Giáo Hội.
Thực hành các biện pháp an toàn và sống lạc quan để giảm stress
*Người Việt: Hiệp Hội Giáo Dục Công Giáo vừa cho biết việc đóng cửa các trường học vì COVID-19 năm nay sẽ giảm số lượng trường K-12 Công Giáo ở Hoa Kỳ xuống còn khoảng 6,000, so với hơn 11,000 vào năm 1970. Tổng số ghi danh đã giảm mạnh từ hơn 5 triệu trong thập niên 1960 xuống còn khoảng 1.7 triệu. Đây thật sự là một mất mát to lớn của nước Mỹ. Thưa, là chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, xin linh mục có nhận định về một “bức tranh ảm đạm” của giáo dục Công Giáo?
-Linh Mục Nguyễn Thanh Châu: Nếu nói về trường Công Giáo, chúng ta phải đi ngược lại dòng lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ một chút. Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, những người di dân từ Âu Châu qua Hoa Kỳ đại đa số là người Công Giáo. Mà người Công Giáo thời đó bị kỳ thị lắm. Khi ấy chưa có trường công (public school), chỉ có trường Công Giáo dạy cho con em gia đình nghèo. Dạy trong trường là các soeur, mà soeur dạy học thì không lấy tiền lương, vì đó là phục vụ, dấn thân. Họ chỉ tiền hưu khi về già. Đó là lý do Giáo Hội Hoa Kỳ hằng năm đều có quyên góp cho các vị tu sĩ về già đủ nuôi sống bản thân.
Sau này thời gian biến đổi, xã hội tân tiến, trường công khá hơn, được chính phủ trợ giúp về tài chánh, nhiều người qua trường công. Có một nghịch lý: Sứ mệnh của trường Công Giáo là phục vụ cho người nghèo, mà nếu lấy tiền học phí mắc quá người nghèo không vô học được nữa. Mà người giàu vào học thì sứ mệnh của trường Công Giáo không còn.
Hồi trước ở giáo xứ tôi phục vụ có trường Công Giáo. Mỗi năm nhà thờ phải phụ cho trường từ $200,000 đến $400,000 thì trường mới “sống” được. Giáo xứ nào nghèo thì không có trường Công Giáo. Đó là lý do số trường Công Giáo giảm.
*Người Việt: Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người mắc bệnh về tâm thần do chứng kiến những cảnh đau khổ, chết chóc quá nhiều. Linh mục có lời khuyên gì để mọi người có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này?
-Linh Mục Nguyễn Thanh Châu: Thời gian dịch bệnh này rất căng thẳng (stress). Nội nghe tin tức thôi, đã stress rồi. Tôi hay nói thời buổi này đọc “tin” xong là “tức.” Nhiều khi đọc tin tức xong lại bị khủng hoảng không cần thiết. Muốn đừng tức, khi đọc tin thì nên cẩn thận, đọc hoặc nghe và nhìn khoáng đại hơn, chứ đừng quá tiêu cực, đừng thấy điều gì cũng đáng sợ.
Chúng ta phải hiểu rằng dịch COVID-19 rất nguy hiểm cho mọi người, với người lớn tuổi thì nguy hiểm hơn vì họ thiếu kháng tố trong cơ thể. Vì thế, chúng ta phải làm mọi cách để được an toàn, như mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh,… Nhà thờ bây giờ mở cửa rồi, nhưng tôi vẫn phải nhắc mãi, chứ không xem nhẹ. Mình cứ thực hành các biện pháp an toàn và sống lạc quan thì có thể giảm được stress.
Theo tôi, đừng để sự hoảng sợ làm tê liệt cuộc đời của mình, và phải hiểu sự quan phòng nơi Chúa, với niềm tin xác tín.
Chúng ta hãy nhìn ở một khía cạnh lạc quan hơn: Trong đại dịch này, nhiều người nói với tôi đây là thời gian để nhìn lại cuộc đời mình, có nhiều thời gian với Chúa, với gia đình và chính bản thân mình hơn. Vì nghĩ như vậy, nên họ cảm nhận được một cuộc sống bình an. Trong khi trước đây, họ bôn ba, tất bật nên không có nhiều thời gian cho nhau, không có giờ ngồi lại trong giây phút thinh lặng để tìm sự bình an. Trong khi chính sự bình an giúp mình vượt qua khó khăn của cuộc đời.
Hằng ngày, tôi vẫn luôn cầu nguyện cho mọi người. Trước hết là cầu nguyện để cơn dịch qua đi, cả thế giới được sống trong bình an; thứ hai là cầu nguyện cho mọi người trên thế giới, cho tất cả người Việt sống trên nước Mỹ, tất nhiên có cả độc giả nhật báo Người Việt, được nhiều sức khỏe, bình an.
Tôi tin rằng mọi sự sẽ qua đi. Người Mỹ thường nói cuối đường hầm bao giờ cũng có ánh sáng. Trong bất cứ khó khăn nào chúng ta cũng phải nuôi niềm hy vọng.