Vũ Đình Trọng/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Cuộc biểu tình do đại diện ngành nail của người Việt tổ chức tại khu thương xá Phước Lộc Thọ, thành phố Wesminster, hôm 8 Tháng Sáu vừa qua, như mũi tên được bắn đi khi dây cung đã căng quá mức.
Anh Tuấn Trần, một chủ tiệm nail tại Long Beach, cho biết: “Rất nhiều người chúng tôi hiện đang ở trong tình trạng nguy ngập rồi. Như tôi, dù không được làm gì cả nhưng mỗi tháng vẫn phải đóng hơn $6,000 tiền thuê tiệm. Ba tháng đóng cửa đã mất gần $20,000 rồi!”
“Nếu cứ như vậy vài ba tháng nữa thì chúng tôi ‘banh xác’!”
Để không bị “banh xác” như anh Tuấn lo lắng, chỉ còn cách tiệm phải được mở. Và để chuẩn bị công việc sắp tới, anh Tuấn và nhiều chủ tiệm đang ráo riết mời gọi thợ cũ chuẩn bị về làm lại. Tuy nhiên, việc này tưởng không khó, lại khó không tưởng.
Anh Tuấn Trần cho hay: “Tôi mời 12 người thợ cũ, chỉ có 2 người nhận lời, vì ‘ở nhà chán quá,’ họ nói thế. Số còn lại nói họ vẫn còn sợ bị lây nhiễm COVID-19, nhưng tôi nghĩ họ muốn lãnh hết tiền thất nghiệp trong đó có $600/tuần tiền trợ giúp của chính phủ, rồi mới tính chuyện đi làm.”
Cô Nancy Nguyễn, chủ tiệm nail vùng Riverside, cũng bày tỏ nỗi lo chung: “Thợ đồng ý đi làm, nhưng họ nói cho họ lãnh tiền mặt, để vẫn được tiếp tục lãnh gần $1,000/tuần cho đến hết Tháng Bảy. Tôi khó xử quá!”
Nancy khó xử vì cô không muốn phải xử theo luật đối với những người thợ lãnh W2 được mời đi làm lại nhưng từ chối.
Cô nói: “Nếu bây giờ mở cửa lại, tôi sẽ mời những người thợ cũ đi làm lại để dùng số tiền PPP mượn của chính phủ trả lương cho họ. Nếu họ không đi làm, buộc lòng tôi phải báo với EDD chuyện này. Đây là điều tôi không muốn…”
Anh Tuấn cùng chung nỗi lo như cô Nancy, ngoài ra anh còn đánh giá tương lai không mấy sáng sủa khi tiệm nail mở cửa trở lại.
“Sau ba tháng không được làm móng, khách hàng sẽ có suy nghĩ khác. Họ sẽ cảm thấy quá tốn kém khi mỗi tháng phải bỏ ra cả trăm đô la để làm móng, nhất là những người đang thất nghiệp, dù chỉ là tạm thời, họ cũng không muốn xài tiền dễ dãi nữa. Sau thời gian dài không đeo nail, nhiều người sẽ nhận ra rằng bây giờ mình chỉ làm nail khi cần thôi, chứ không làm nail theo thời trang nữa. Sự thay đổi tâm lý sẽ khiến ngành nail đi xuống.”
Ngành nail Las Vegas sẽ không “như xưa”
Trong khi ngành nail ở California đang cố gắng gây áp lực với chính phủ tiểu bang để được mở cửa thì các tiệm nail ở Las Vegas đã hoạt động lại từ đầu Tháng Năm.
Anh Hùng Lê, chủ một tiệm nail nhỏ trong khu China Town, cho biết: “Tiệm đóng cửa hồi Tháng Ba. Tiền phố thì đóng đều đều, tháng trước chậm có hai, ba ngày mà chủ phố gởi thư cảnh báo liền. Nói chung, chẳng nhờ ai được.”
Với những tiệm nail nhỏ như của anh Hùng, việc tìm thợ đi làm lại là một điều nan giải. “Chủ lớn, chủ nhỏ gì cũng khổ vì thợ hết anh à. Xưa giờ như vậy rồi.”
Anh Hùng cho biết: “Thợ dù lãnh lương 1099 nhưng trong đại dịch COVID-19 này cũng được lãnh tiền thất nghiệp từ $800 đến $1,000/tuần, nên họ thích ở nhà chơi. Thợ thương thì mình khỏe, tôi cũng may là lúc mở cửa tiệm lại, 4 thợ đi làm lại đủ.”
Như nhiều tiệm khác ở Las Vegas, tiệm anh Hùng khá đông khách trong một hai tuần lễ đầu tiên khi bắt đầu hoạt động lại, “bây giờ thì vắng hẳn, hy vọng sau khi casino mở cửa, khách sẽ đông trở lại.”
Anh Hùng nhận định: “Tôi cho rằng sang năm ngành nail ở đây sẽ trở lại bình thường.”
Không lạc quan như anh Hùng, anh Sunny Trương, chủ tiệm nail vùng North-West Las Vegas cho rằng ngành nail phải cần đến 2 hoặc 3 năm mới bằng được như xưa.
Nhìn về tương lai ngành nail, người chủ tiệm với hơn 15 năm trong nghề nail không còn hứng thú. Anh cho biết đang tính bán tiệm để nghỉ ngơi một thời gian, rồi tính tiếp.
Có thể, anh Sunny cho rằng ngành nail không còn kiếm tiền dễ như xưa nữa nên không còn muốn gắn bó nữa. Cái nhìn của anh khác với cái nhìn của Angelina, một cô chủ tiệm nail có hơn 20 năm trong nghề.
Cô nói: “Ngành nail không bạc đãi ai hết. Thực sự, nó không bao giờ tệ, chỉ có con người xấu làm cho ngành nail tệ đi mà thôi.”
Angelina mở đầu câu chuyện về ngành nail bằng một giọng điệu sôi nổi, khi cô phê phán những cái xấu.
Cô nói: “Trước đây, trong khi hầu như cả Las Vegas đều trả lương thợ bằng 1099, thì tôi đề nghị thợ của tôi nhận W2. Họ không chịu, 2/3 thợ hăm dọa đòi nghỉ việc, tôi nói W2 có lợi cho họ nhiều hơn, nên theo chính sách này. Họ vẫn không nghe. Giờ họ mới thấy tôi đúng, rồi khi quay lại lại việc, họ đòi tôi phải trả W2, nhưng với điều kiện bớt giờ của họ lại để họ tiếp tục hưởng tiền thất nghiệp của chính phủ. Tôi không đồng ý.”
Cô Angelina cho rằng các tiệm nail nên đi theo hệ thống của Mỹ để bảo vệ quyền lợi cho mình và cho thợ. Đừng vì thiếu thợ mà chiều theo yêu cầu của họ, “thợ Việt Nam khó điều đình lắm, vì họ không chịu nhìn xa.” Angelina nói: “Nhưng tôi nhất quyết làm theo ý mình, dù biết thiếu thợ, tôi là người chịu thiệt thòi nhiều nhất, khi mất rất nhiều khách hàng.”
Với tiệm nail gồm 9 ghế spa, 13 bàn nail, tiệm của Angelina là một trong những tiệm đông khách địa phương thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, trong một vùng phần lớn là dân về hưu. Có thể nhờ vậy, tiệm của cô không bị ảnh hưởng khi không có khách du lịch, tuy nhiên, sự đánh giá lại tương lai của ngành nail cũng là điều cần thiết để cô điều chỉnh lại công việc.
Angelina chia sẻ: “Tôi mà ‘rớt’ xuống thì không ai cứu tôi cả, chính vì thế tôi luôn có vốn back-up từ một đến hai năm, đủ thời gian để ngành nail phục hồi. Nhưng ngành nail sẽ không còn dễ sống như xưa.”
Cần có xu hướng mới trong ngành nail
Angelina cho rằng từ giờ đến cuối năm tại Las Vegas khó có chương trình nào đủ mạnh, đủ hay để lôi kéo khách quay trở lại đây vui chơi. Các casino sẽ cho nghỉ việc khá nhiều nhân viên, và điều này sẽ ảnh hưởng đến các ngành nghề khác. Các tiệm nail trước nay sống nhờ vào khách du lịch sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Lượng khách địa phương ở đây cũng sẽ giảm đi hơn 50% do họ muốn tiết kiệm chi phí hàng tháng.
“Làm thế nào để kéo khách lại tiệm nail như thời hoàng kim?” là câu hỏi chưa có lời giải đáp hoàn hảo.
Theo cô Angelina: “Đây là lúc các tiệm nail phải chấn chỉnh lại cách làm. Hãy đi theo hệ thống dòng chính, đừng làm ăn chụp giựt, giá nào cũng làm để rồi bỏ qua phẩm chất phục vụ khiến khách thêm ngao ngán. Khách sẽ không bỏ đi nếu ta phục vụ hết mình.”
Anh Tuấn Trần nhìn xa hơn, trong nỗ lực phát triển ngành nail: “Tôi cho rằng đây là lúc ngành nail phải tạo ra được một cú hích mạnh về thời trang. Phải tạo ra được một xu hướng mới phù hợp với hoàn cảnh chung hiện tại. Điều này cần sự hợp tác của nhiều chủ tiệm nail, các nhà thiết kế và nhà sản xuất. Có thế mới lôi kéo được khách hàng quay trở lại ngày càng nhiều hơn.”