WASHINGTON, DC (NV) – Tối Cao Pháp Viện Mỹ hôm Thứ Hai, 15 Tháng Sáu, công bố phán quyết theo đó xác định rằng luật liên bang hiện hành cấm sự kỳ thị nơi sở làm dựa trên xu hướng tính dục (sexual orientation) của cá nhân.
Đây là một chiến thắng quan trọng đối với những người tranh đấu cho quyền lợi của người đồng tính, và cũng là một sự ngạc nhiên về tòa án ngày càng trở nên bảo thủ này.
Theo bản tin của NBC News, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Mỹ nói rằng Khoản VII (Title VII) của Luật Dân Quyền 1964, theo đó có phần cấm giới chủ nhân không được kỳ thị nhân viên vì giới tính của họ (sex discrimination), cũng bao gồm yếu tố khuynh hướng tính dục. Tối Cao Pháp Viện đồng ý với các phán quyết của tòa dưới, nói rằng sự kỳ thị dựa trên khuynh hướng tính dục cũng là một hình thức của kỳ thị giới tính.
Trên khắp nước Mỹ, hiện có 21 tiểu bang đã đưa ra luật cấm không được kỳ thị ở sở làm dựa trên khuynh hướng tính dục hay bản dạng giới (gender identity), nghĩa là sự tự cảm nhận về giới tính của cá nhân. Ở 7 tiểu bang khác chỉ có sự bảo vệ này đối với các công chức chính phủ.
Hiện tất cả các luật này đều đang được thi hành. Tuy nhiên, phán quyết hôm Thứ Hai của Tối Cao Pháp Viện có nghĩa là luật liên bang nay cũng cho sự bảo vệ tương tự đối với các nhân viên LGBT trên toàn nước Mỹ.
Các nhóm tranh đấu cho quyền lợi người đồng tính coi vụ kiện này là rất quan trọng, có thể còn quan trọng hơn việc tranh đấu để có đám cưới đồng tính, bởi vì hầu như tất cả người LGBT trưởng thành đều phải đi làm việc.
Họ công nhận rằng vấn đề xu hướng tính dục (sexual orientation) không là điều Quốc Hội Mỹ nghĩ tới khi thông qua đạo luật về dân quyền năm 1964. Tuy nhiên, họ nói rằng khi chủ nhân đuổi việc một nam nhân viên vì hẹn hò với các người đàn ông khác, mà không có hành động gì đối với một nữ nhân viên hẹn hò với các người đàn ông, thì đây là hành vi phạm luật.
Phán quyết này là một chiến thắng cho ông Gerald Bostock, người bị chính quyền quận hạt ở Georgia đuổi việc sau khi gia nhập đội banh bóng chày của người đồng tính, và cũng là chiến thắng của gia đình ông Donald Zarda, một huấn luyện viên nhảy dù.
Ông Zarda bị công ty cho nghỉ việc sau khi nói với một nữ khách hàng là chớ ngần ngại khi được đeo chặt vào người của ông ta trong lần nhảy dù, vì ông “100% gay”. Ông Zarda qua đời trước khi vụ kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện.
Chính phủ của Tổng Thống Donald Trump nói rằng Title VII không kể tới các trường hợp như nêu trên, ngược lại lập trường trước đây của chính phủ Mỹ thời ông Obama.
Phán quyết được đưa ra với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống.
Thẩm Phán Neil M. Gorsuch là người viết bản ý kiến của phía đa số. Ông đứng cùng với Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John G. Roberts Jr. và các Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg, Stephen G. Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan.
Phía không đồng ý với phán quyết gồm các Thẩm Phán Clarence Thomas, Samuel A. Alito Jr., và Brett M. Kavanaugh. (V.Giang)