Văn Lan/Người Việt
ANAHEIM, California (NV) – Sau ngày mất nước năm 1975, phi công Đại Úy Hứa Thiện Hùng phải giã từ Phi Đoàn 423-425, thuộc Không Đoàn Vận Tải 53, Sư Đoàn 5 Không Quân Tân Sơn Nhất, để sống đời tù “cải tạo.” Ra tù, không sống nổi dưới chế độ Cộng Sản, cuối năm 1980, ông tìm đường vượt biển.
Kể tiếp với phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà ở Anaheim, miền Nam California, ông Hứa Thiện Hùng cho biết chuyến đi từ Rạch Giá, Kiên Giang, sau một ngày đêm lênh đênh trên hải phận quốc tế, thì gặp hải tặc Thái Lan.
Chiếc ghe chở 120 người phần lớn là phụ nữ và trẻ em, còn lại chỉ có 19 thanh niên trên 18 tuổi, bị hải tặc kéo ghe. Điều ông không tưởng tượng được là hầu hết phụ nữ trên ghe đều bị hải tặc hãm hiếp. Người chủ ghe mất tinh thần nhưng nói “nếu bị cướp biển lần nữa, thì tùy theo hoàn cảnh mà giải quyết, nếu cần thì liều chết.”
Khi gần đến đất Thái, ghe lại gặp cướp lần thứ hai và bị đập phá nát, mục đích để hải tặc coi còn giấu vàng bạc chỗ nào không. Uất ức, tất cả thanh niên trên ghe đánh trả hải tặc. Việc hỗn chiến diễn ra quá nhanh, kết quả bọn hải tặc chết bốn tên tại chỗ, ba tên còn lại hốt hoảng nhảy xuống biển.
Đời tù trên đất Thái, bắt đầu cơn khổ nạn
Sau đó ghe vượt biên được tàu Hải Quân Thái Lan kéo vô Pattani, giáp với Mã Lai. Ông Hùng kể, ngay lập tức ông có hai yêu cầu: “Thứ nhất cho thuyền nhân được gặp Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Thứ hai là cho phép anh Trịnh Công Danh đang bị lòi ruột do tử chiến với hải tặc được cấp cứu ngay. Còn mấy anh khác bị thương cũng được chăm sóc y tế đầy đủ.”
Hai hôm sau có phái đoàn Cao Ủy tới, ông Hứa Thiện Hùng xin trình bày câu chuyện người vượt biên bị hải tặc Thái cướp bóc hãm hiếp trên biển. Lúc đó báo chí đến chụp hình quay phim, phỏng vấn làm rùm beng lên, vì lần đầu tiên trong lịch sử thuyền nhân có một vụ giết người kinh khủng như vậy! Sau đó cả chiếc ghe và 120 người bị đưa về Ty Cảnh Sát Pak Phanang, nơi Hải Quân Thái bàn giao lại chiếc ghe này cho cảnh sát Thái.
“Khoảng vài ngày sau, cả nhóm vượt biên được đưa về thành phố Pak Phanang, là nơi có chủ ghe của bọn cướp Thái Lan bị chúng tôi đánh trả, khiến bốn tên bị chết,” ông nói.
Ông Hùng cho hay: “Có luật sư của Cao Ủy đến hỏi han để bảo vệ chúng tôi. Rồi Ty Cảnh Sát bắt đầu lấy lời khai, lọc ra những người trên 18 tuổi, bắt đứng sắp hàng để ba tên cướp người Thái đã nhảy xuống biển đến nhận mặt. Ba tên này đã thoát thân khi bị chúng tôi đánh chống lại, sau đó lên bờ vu cáo ngược lại là người vượt biển cướp ghe của chúng.”
“Ba tên này đồng loạt chỉ tôi là người chỉ huy, đã chặt đầu tên người Thái chết trên ghe của bọn chúng. Cảnh sát kêu đúng 19 thanh niên trên 18 tuổi trong nhóm người vượt biên, đem nhốt trong nhà tù Ty Cảnh Sát ngay lập tức. Còn vợ con của người bị nhốt và những người khác đi trên ghe thì đem qua trại Songkhla. Cao Ủy có đến tiếp xúc với chúng tôi hằng ngày để hỏi han, lấy thông tin. Ông luật sư trẻ của Cao Ủy cho biết đây là lần đầu tiên có việc người vượt biên tị nạn giết người Thái,” ông nhớ lại.
“Luật sư của Cao Ủy cũng cho chúng tôi biết, người chủ chiếc ghe của bọn cướp đang có đơn kiện chúng tôi đã cướp ghe của họ, hiện cảnh sát đang điều tra,” ông kể tiếp.
Ông cho biết: “Cứ hằng tuần, luật sư của Cao Ủy đều đến thăm hỏi tù nhân, và từ trại Songkhla có Linh Mục Joe xin cho một toán y tá đến chăm sóc sức khỏe chúng tôi. Lúc đầu chúng tôi cũng sợ người tù Thái nhốt chung, nhưng sau đó họ cũng thân thiện với mình. Người tù được chia việc làm đan mây, người thì làm việc thợ mộc.”
Trong nhà tù, cứ khoảng ba tuần một lần, hai người tù bị xích chân chung một còng, giải đến tòa án Pak Phanang để xét xử. Ở tòa có luật sư của Cao Ủy biện hộ cho người tù, và phía chủ ghe cũng có luật sư biện hộ cho họ.
“Tòa hỏi cả hai bên luật sư, có cả ba tên cướp ra tòa làm chứng. Tất cả sự việc tôi đều khai trước tòa lần nào cũng y như vậy. Khoảnh bốn lần ra tòa thì tôi ngạc nhiên khi thấy ba tên cướp làm nhân chứng không thấy đến dự phiên tòa nữa. Ông luật sư của chúng tôi cho biết đó là dấu hiệu tốt lành cho chúng tôi, vì ba tên này sợ không dám ra làm chứng nữa,” ông Hùng kể.
Những lá thư với bà Bùi Tuyết Hồng
Trong những lần ra hầu tòa, ông Hùng đi quanh khu lán trại đang ở trong nhà tù Pak Phanang, thấy có mấy tờ báo Bangkok Post viết bằng tiếng Anh, ông nhặt lên coi thì thấy Thái Lan đang ca tụng bà Bùi Tuyết Hồng, người được Hoàng Gia Thái ngưỡng mộ hết mình. Bà đang cùng chồng là ông Frans van Dongen, Đại Sứ Hòa Lan phụ trách khu vực Đông Nam Á đã hết nhiệm kỳ tại Thái Lan, chuẩn bị về nước. Bà Bùi Tuyết Hồng vốn là giáo sư các trường Petrus Ký, Gia Long, Võ Trường Toản trước năm 1975
Cũng có những bài báo tường thuật những phiên tòa đang xét xử 19 người lính Việt Nam Cộng Hòa đã giết bốn hải tặc người Thái trong chuyến vượt biên. Với lập luận của tờ Bangkok Post, họ cho rằng tội giết người Thái trên ghe của người Thái, ngay trên đất Thái, theo luật của Thái chắc chắn là sẽ bị xử tử hình.
“Sau khi đọc bài báo viết như vậy, trong lòng tôi hoang mang lo sợ vô cùng, nghĩ rằng mình được Cao Ủy bảo vệ trước tòa án cũng rất tốt nhưng chưa đủ, mình phải có sự ủng hộ qua những tiếng nói từ bên ngoài nữa mới mạnh. Tôi bèn nhờ người y tá gởi giùm lá thư của tôi cho những người vợ của 19 người tù, đang ở trong trại Songkhla, xin cho tôi địa chỉ của bà Bùi Tuyết Hồng. Hai tuần sau khi tôi có được địa chỉ của bà, bèn viết thơ cầu cứu, nhờ bà can thiệp,” ông Hùng kể.
Ông nhớ lại: “Bà Tuyết Hồng viết thư trả lời, cho tôi biết bà sẽ gặp hoàng hậu Thái Lan trong chuyến đi Paris sắp tới, và cũng hứa với tôi là bà sẽ can thiệp. Bà đã kể cho hoàng hậu Thái Lan nghe câu chuyện của 19 người lính Việt Nam Cộng Hòa đi trên chuyến ghe bị hải tặc cướp và hãm hiếp người vượt biên, dẫn đến việc 19 người này đã giết chết bốn tên hải tặc, hiện bị giam trong nhà tù của cảnh sát Thái.”
“Vài tháng sau, bà Tuyết Hồng có gởi cho tôi lá thư cho biết là hoàng hậu hứa là sẽ xem xét vụ việc, nếu đúng sự thật thì sẽ can thiệp để giải quyết. Trong thư bà Tuyết Hồng có căn dặn tôi tuyệt đối không được nói cho ai biết bất cứ điều gì về sự liên lạc giữa bà và tôi, nên tất cả thư từ bà đã gởi đều bị tôi xé bỏ, để tránh bất kỳ sự rắc rối nào có thể xảy ra,” ông nói.
Ông Hùng ray rứt trong lòng khi kể chuyện: “Ở tù Thái Lan đúng một năm một tháng, cứ ba tuần một lần ra hầu tòa, cùng với những bài viết trên tờ báo Bangkok Post, làm tôi vô cùng hoang mang lo sợ, chắc mình sẽ chấm dứt cuộc đời trên đất Thái. Sao oan khiên quá vậy, những cô gái Việt bị hãm hiếp, những người bị hải tặc cướp bóc, giết chết quăng xác xuống biển phi tang, ai sẽ giải oan cho họ đây?”
“Bao nhiêu uẩn khúc dằn xé trong lòng, tôi luôn nghĩ rằng thời gian sống của mình đang đi gần đến cái chết, cùng với bản án oan dành cho 18 bạn tù đã cùng chiến đấu, giết người trên biển để tìm lẽ sống còn. Chẳng lẽ mình rời bỏ quê hương xứ sở, đi tìm tự do lại bị rơi vào chỗ chết oan như vậy sao? Trời cao có mắt hay không, tinh thần tôi như sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn cầu mong có ơn trên cứu mạng,” ông nói.
Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn trong nhà tù Thái
Cho đến một ngày đầu năm 1981, trong phiên tòa xử, ông quan tòa cầm búa gõ xuống bàn, hủy bản án, tuyên bố 19 người tù đã tham gia giết người trên chuyến vượt biên là vô tội, được xử trắng án.
Khi nghe tòa truyên án, ông Hùng khóc hết nước mắt, trong lòng ông nghĩ chỉ có ơn trên cứu mạng, và chỉ có bà Tuyết Hồng mới có thể cứu được 19 mạng người trong hoàn cảnh này! Bà là vị Bồ Tát Quán Thế Âm hóa thân, đã ra tay cứu giúp không biết bao thuyền nhân Việt Nam trong nhà tù Thái Lan, và trên những chuyến ghe vượt biển.
“Cả phiên tòa đều ngỡ ngàng, không hiểu được vì sao chúng tôi được trắng án, cả ông luật sư của Cao Ủy và luật sư của chủ ghe đều nhìn nhau ngơ ngác, chỉ có riêng tôi thì ngầm hiểu rất rõ trong lòng,” ông Hùng xúc động nói.
Sau phiên tòa, 19 tù nhân gốc lính Việt Nam Cộng Hòa được đưa về Ty Cảnh Sát Pak Phanang, cho ra khỏi nhà tù, ở tạm ngoài lều dành cho người tị nạn mới đến sau.
“Lúc đó tôi có thể nói tiếng Thái với tên thượng sĩ cảnh sát coi trại tị nạn dành cho người mới tới, chúng tôi rất vui vẻ, và đã cùng nhau cụng ly chúc mừng thoát nạn. Có điều là sau chuyện giết hải tặc của chúng tôi, những chuyến ghe đến sau, chỉ có toàn đàn bà và con nít, vô tới đảo đều không có đàn ông, vì bị hải tặc giết ngay trên ghe, quăng xác xuống biển phi tang. Chính những người phụ nữ trên những chuyến ghe đến sau đều khóc kể như thế,” giọng ông Hùng chùng hẳn khi kể chuyện khổ nạn vượt biển năm xưa.
Từ trại Songkhla, sau khi qua thanh lọc, ông Hứa Thiện Hùng được qua trại Phanat Nikhom để chờ qua Mỹ.
Từ khi được tòa Thái xử trắng án và được sang Mỹ đến nay, ông Hùng tâm sự: “Tôi xin hết lòng nhớ ơn bà Bùi Tuyết Hồng, người duy nhất đã cứu mạng 19 người lính Việt Nam Cộng Hòa trong cơn thập tử nhất sinh tại tòa án Thái Lan. Suốt đời tôi xin mang ơn bà, đã giúp tòa án Thái thấu đáo được thảm trạng của thuyền nhân Việt Nam đã liều chết bỏ xứ ra đi vì hai chữ Tự Do. Cho tới bây giờ và suốt đời, tôi xin mang ơn bà và xin thắp nén hương lòng, kính nhớ đến vị ân nhân đã cứu giúp không biết bao nhiêu thuyền nhân Việt Nam trong các trại tị nạn năm xưa, để họ có được một tương lai xán lạn nơi hải ngoại.” (Văn Lan)
Ông Hứa Thiện Hùng quê gốc Phan Thiết
Học sinh các trường Bạch Vân (Phan Thiết), và trường Trung Học Nguyễn Văn Khuê (Sài Gòn).
Tình nguyện vào Không Quân Khóa 65D. Năm 1966 qua Mỹ học lái máy bay.
Vì lý do sức khỏe phải trở về nước, vào Khóa 26 Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Ra trường Bộ Binh Thủ Đức, tình nguyện vào Lực Lượng Đặc Biệt, Trung Tâm Hành Quân – trưởng toán nhảy toán Delta.
Năm 1970 được gọi lại học Không Quân tại Mỹ.
Năm 1971 về nước lái máy bay vận tải C123, đại úy phi công thuộc Phi Đoàn 423-425, Không Đoàn Vận Tải, Sư Đoàn 5 Không Quân Tân Sơn Nhất.
Sau năm 1975, đi tù “cải tạo” năm năm.
Năm 1980 ra tù, vượt biển bằng ghe, cùng 18 thanh niên trên ghe giết hải tặc Thái Lan.
Bị giam trong trại tù Thái Lan 1 năm 1 tháng.
Nhờ bà Bùi Tuyết Hồng cứu khỏi trại tù Thái Lan, được tòa án Thái xử trắng án giết người.
Đoàn tụ gia đình tại Mỹ từ 1981.