WESTMINSTER, California (NV) – “Nailed It,” bộ phim tài liệu về hành trình của người tị nạn và di dân trong nghề nail tại Mỹ, nhằm đi tìm câu trả lời cho thắc mắc “Tại sao nghề nail gắn liền với người Mỹ gốc Việt?”
Bộ phim qua đó làm rạng danh những người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, trong suốt 44 năm qua, để làm nên một “kỹ nghệ nail” ở Mỹ trị giá $8 tỷ như ngày nay.
Adele Free Phạm, đạo diễn phim “Nailed It,” đã dùng kỹ thuật phim hoạt họa, cách quay gần và cách kết nối những đoạn phim khác thể loại ngắn, nhằm chú trọng vào những điều không những rất thân mật và sâu thẳm với cộng đồng người Việt hải ngoại, mà còn rất quen thuộc với mọi người.
Cô phải mất hơn sáu năm với hàng chục chuyến bay từ New York đến California và ngược lại để tìm hiểu tại sao nghề nail lại gắn liền với người Mỹ gốc Việt và những câu chuyện đằng sau của nghề này.
“Nailed It” cho thấy người Mỹ gốc Việt gốc Mỹ đã tạo ra cho chính mình một “căn cước” trong nghề làm móng tay móng chân- dù “căn cước” đó thiên về kinh tế, về xúc cảm hay thiên về một định kiến nào đó.
Các tiệm nail còn là nơi để người Việt tị nạn và di dân hàn gắn những vết thương cũng như “xả” bớt đi những căng thẳng hay đau buồn trong cuộc sống. Nó là nơi kiếm tiền để xây dựng cuộc sống lúc ban đầu, và cũng là nơi gia đình bạn bè có thể học hỏi lẫn nhau về cách sống cũng như văn hóa Mỹ.
Phóng viên nhật báo Người Việt phỏng vấn đạo diễn Adele Free Phạm để mong tìm được lời đáp cho câu hỏi: “Tại sao có rất nhiều người Mỹ gốc Việt làm nghề nail?”
Người Việt: Đạo diễn Adele Free Phạm bắt tay làm cuốn phim này như thế nào?
Adele Free Phạm: Tôi lúc nào cũng tự hỏi là tại sao có nhiều người Mỹ gốc việc làm trong nghề nail? Nó chỉ là một trong rất nhiều câu hỏi mà tôi thắc mắc về nền văn hóa của mình. Khi tôi còn nhỏ, nó là một cái gì đó về “phân chia giai cấp,” và cảm thấy hổ thẹn về tiệm nail (hơn là về người làm trong tiệm nail). Khi tôi lớn hơn nữa thì lại tự hỏi tại sao tôi lại cảm thấy như vậy. Có lẽ phần nào đó là vì tôi không nói được tiếng Việt.
Tôi biết có rất nhiều tiệm nail của người Việt nhưng chuyện làm cho tôi khó chịu nhất khi trưởng thành hơn là cái nhiều tiếng xấu gắn liền với các tiệm móng tay móng chân. Tôi để ý thấy người Mỹ không bao giờ nói những người này là người Mỹ gốc Việt. Đối với người Mỹ, dân Á Châu cũng chỉ là dân Á Châu. Chúng ta, một cách (hiểu) nào đó cũng là dân Trung Hoa hết. Thành ra, chủ đề này có một cái gì đó làm cho tôi hướng về. Hơn nữa, tôi nghe tin tức từ các hãng thông tấn lớn nói về những nguy hiểm khi làm nghề nail, và tôi rất tò mò. Tôi đã cảm nhận được những điều rất khác với những gì tôi đã suy nghĩ trước đây về ngành nail sau bộ phim này.
Người Việt: Cha của bạn là người Việt nhưng mẹ của bạn thì không phải là người Việt. Tại sao bạn cảm thấy rất khó chịu khi họ nói xấu người Việt?
Adele Free Phạm: Là một người có hai dòng máu, tôi hiểu được như thế nào khi bị hiểu lầm. Và bởi vì tôi là người Việt, tôi rất nhạy cảm khi người ta ganh ghét hay kỳ thị người Việt hoặc là người Châu Á. Khi lớn lên tôi chứng kiến điều đó đối với ba của mình, vì thế tôi nghĩ người Châu Á nói chung không được đánh giá hay cho lắm trong nền văn hóa chính. Và ngay cả khi chúng ta được nhắc đến, nó chỉ là một tính cách, thể loại như là tích cách của người làm nail trong hài kịch chế giễu của Angela Johnson.
Tôi biết có rất nhiều điều đằng sau câu chuyện đó, tại làm sao nhiều người Mỹ gốc Việt làm nghề này đến như vậy? Và chính ba của tôi muốn tôi đi làm nghề này như là một nghề phụ lỡ như có chuyện gì khi tôi tốt nghiệp đại học. Có thể kiếm rất nhiều tiền trong nghề này. Bạn biết điều đó khi ba mẹ muốn con của mình đi theo ngành này; và đó là một câu chuyện rất thú vị. Làm sao nó xảy ra như vậy? Nó không chỉ tự nhiên xảy xa. Phải có cái gì đó sâu thẳm hơn nữa.
Người Việt: Điều này xảy ra khi nào vậy?
Adele Free Phạm: Thập niên 1990. Tôi có một vài anh chị em họ mới qua từ Việt Nam. Họ lái xe buýt đến tiểu bang Washington; họ đã sống cùng với nhau trong một căn nhà và họ có một tiệm nail nhỏ. Tất cả các tiệm nail bắt đầu phát lên và họ đã làm được rất nhiều tiền.
Người Việt: Bạn đã học được điều gì đó về chính bản thân khi làm cuốn phim tài liệu này?
Adele Free Phạm: Đương nhiên rồi. Đó là một cách giúp tôi kết nối lại các mảnh vụn. Nếu bạn để ý trong phim, tôi nói về những điều làm sao người Việt trở thành người Việt hải ngoại. Tại vì chiến tranh và Cộng Sản, và mọi người ai cũng bị ảnh hưởng. Giống như là cách ba của tôi nhập cư vào Mỹ. Việc đó đã tạo ra một nguồn nhân lực đẩy mạnh các tiệm nail phát triển.
Nó chỉ là đan kết lịch sử của riêng tôi trong bối cảnh lịch sử rộng hơn của người Mỹ gốc Việt trong các tiệm nail. Giống như là thông qua các tiệm nail, tôi có tiếng nói trong nền văn hóa đó. Tôi không nghĩ tới điều đó khi tôi bắt đầu làm phim. Nhưng tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi rất gắn liền với người Mỹ gốc Việt, cái mà tôi không có một chút quan hệ gì trước đây.
Lịch sử của người Việt mình rất sâu sắc, họ thật sự không muốn nhắc tới nó vì có rất nhiều thương tâm; rất nhiều bí mật. Và tôi nghĩ với thế hệ thứ hai có học thức có nghệ thuật, họ thật sự đang cố gắng đem những câu chuyện của người Mỹ gốc Việt ra ánh sáng. Và thế hệ này là thế hệ cuối có cùng ký ức với thế hệ thời chiến. Có rất nhiều thế hệ thứ hai có ba mẹ là những người Việt tị nạn. Họ đang cố gắng kể lại những câu chuyện trong bối cảnh là một người Mỹ, một người da màu, sống trong nước Mỹ hôm nay.
Người Việt: Mẹ của Adele Free Phạm có ủng hộ, có nói gì, hay có ảnh hưởng ra sao khi bạn làm phim “Nailed It?”
Adele Free Phạm: Ồ, đó là một ngăn cách khác biệt về văn hóa. Mẹ của tôi là một phụ nữ da trắng nên có suy nghĩ rất thoáng. Bà ủng hộ tôi nhiều trên con đường nghệ thuật hơn là ba của tôi, vì ông lớn lên trong nghèo khó, và ông phải trải qua chiến tranh. Giống như nhiều cha mẹ người Việt khác, ông muốn chúng tôi được sống trong yên ổn và hưởng thụ những gì chúng tôi có như cuộc sống bình yên, học vấn, và nói tiếng Anh. Cho nên đó là một thách thức khi bạn là một người Mỹ gốc Việt đi theo con đường nghệ thuật. Và điều đó cũng dễ hiểu. Nhưng càng ngày càng có nhiều người Việt kể các câu chuyện của mình.
Người Việt: Có nhiều khía cạnh trong phim như chủng tộc, tầng lớp, ngôn ngữ hay hình ảnh những người Việt làm việc với những người da đen. Bạn nói từng cảm thấy “xấu hổ” về các tiệm nail hay cách người Việt Nam nói tiếng Anh… Vậy làm sao để sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên?
Adele Free Phạm: Tôi không nghĩ mình có thể sắp xếp chúng theo thứ tự. Tất cả các khía cạnh đó đều có quan hệ với nhau. Tôi hy vọng những gì đọng lại sau khi xem phim là một hiểu biết sâu sắc hơn về người Việt Nam. Nguồn gốc họ từ đâu, và chúng ta nữa, để thấy rằng không chỉ có chúng ta mới là người tạo ra điều đó. Nếu không có văn hóa người da đen, có lẽ đã không có một ngành làm móng tay móng chân với các tiệm nail lớn như hôm nay. Và đó thật là một quan hệ rất thú vị. Và kỳ thị chủng tộc, kỳ thị da đen và cách người Việt Nam bị kỳ thị nữa.
Khi tôi lớn lên, ba tôi có dặn không được ăn hiếp những trẻ em tới từ Việt Nam. Mặc dù ông đến Mỹ khi đã trưởng thành, người ta thỉnh thoảng vẫn rất nhẫn tâm với ông và những điều đó rất khó quên. Hy vọng của tôi là chúng ta đến để có một hiểu biết sâu sắc hơn về những nhóm người có thể khác với chúng ta, ngay cả khi cần dựa vào nhau để sống. Tôi thấy dường như người ta đi vào tiệm nail và đối xử người làm nail như nô lệ, giống như là họ thấp hơn con người. Có rất nhiều thất vọng trong hệ thống này nhưng có một mối quan hệ rất sâu sắc mà tôi muốn tiếp tục khám phá.
Người Việt: Một cách vắn tắt, bạn có thể cho biết tại sao người Mỹ gốc Việt lại hướng vào nghề nail?
Adele Free Phạm: Đó là một câu hỏi rất khó. Phải rất lâu (sáu năm) để tôi có thể hoàn thành cuốn phim vì tôi cứ tìm ra nhiều lý do khác nhau. Có cái gì đó về văn hóa và gia đình của chúng ta và vị trí của chúng ta trên thế giới và thời điểm đó làm cho nghề này rất “quyến rũ.”
Chắc bạn cũng biết người phụ nữ Việt Nam thường thầm lặng nhưng giỏi quán xuyến gia đình. Khi kinh doanh họ cũng làm việc rất chăm chỉ và nghề này được xây dựng trên nền tảng của phẩm chất đó. Điều này giúp chúng ta có thể tồn tại và nó thỉnh thoảng đẩy người ta vào tình trạng làm việc quá sức. Nó dẫn tới nhiều vấn đề trong đó có sức khỏe. Lúc đó, để kinh doanh được, bạn phải làm việc 24 tiếng 7 ngày. Một cách nào đó, nó là phong cách làm việc, và sự khám phá để đi tới một tiểu bang mới mẻ xa lạ. Chẳng hạn “ Ồ, ở đó chưa có nghề nail, thì mình bắt đầu.” Thật là kinh ngạc, và nó cũng xuất xứ từ kinh nghiệm của những người tị nạn nữa.
Tôi thật sự nghĩ rằng, nghề nail bắt đầu tại California với một nhóm 20 phụ nữ và một vài người tị nạn sớm nhất. Họ có ảnh hưởng trong cộng đồng lúc đó vì họ là vợ của những sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Một vài người làm việc cố vấn và giúp những người di dân mới tìm việc làm và đưa họ vào nghề này. Bạn đã thấy cách mà trường dạy thẩm mỹ ABC (Advance Beauty College) chuyển hóa cả hệ thống trường dạy nghề của người Việt, và đó cũng là một cách để có nhiều di dân mới bước vào nghề này.
Người Việt: Làm sao bạn kết hợp tất cả các kỹ nghệ như phim hoạt họa, cảnh quay gần để minh họa một câu chuyện vốn rất riêng tư?
Adele Free Phạm: Tôi có một người làm minh họa mà lại không biết làm cảnh hoạt họa, cho nên tất cả đều là học hỏi. Tôi làm một vài cảnh hoạt họa, nhưng cho tới cuối bộ phim, tôi phải học cách làm sao thật nhanh. Tôi biết tôi muốn có cảnh hoạt họa để đưa người xem ra khỏi các cảnh quay gần, ra khỏi những giây phút riêng tư để đi đến một bức tranh có ý rộng hơn, hoặc để nhảy qua xuất xứ của câu chuyện làm sao nghề nail lại trở thành lớn như vậy.
Có nhiều người bảo tôi phải cắt cảnh hoạt họa đi. “Nó quá nhiều, cắt nó đi,” họ nói như vậy. Nhưng tôi cương quyết giữ lại vì nó là một phần của nghệ thuật và sự sáng tạo đối với tôi. Tôi muốn kể câu chuyện bằng một phong thái hình ảnh mà làm cho khán giả cảm nhận hoặc cảm giác cái gì đó trên một mức cao hơn.
Nó thật đa sắc đối với tôi, câu chuyện đó, đến nỗi tôi muốn một cách biểu đạt khác của nghệ thuật và của cái cảm giác giống như là tôi đang ở trong tiệm nail. Một cái gì đó khác hơn là một phim tài liệu đơn thuần.