Đoan Trang/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Vào những ngày này, hầu như tất cả các tiệm nail ở California đều đã hoặc đang chuẩn bị để cho ngày mở cửa lại ngay sau khi có lệnh của chính phủ tiểu bang. Một trong số các tiệm nail đã sẵn sàng cho ngày “tái xuất” là Studio 18 Nail Bar ở thành phố Tustin.
Vì an toàn của khách và nhân viên
Tiếp phóng viên nhật báo Người Việt, bà Michelle, đồng chủ tiệm Studio 18 Nail Bar (cùng với con gái là cô Christie Nguyen) cho biết tiệm đã thuê hẳn một người chuyên đo nhiệt độ và hướng dẫn khách thực hành các biện pháp an toàn khi vào tiệm.
“Khi khách bước vào, chúng tôi cho đo nhiệt độ, hỏi xem khách có khỏe không? Nếu khách khỏe và không có triệu chứng của bệnh, chúng tôi sẽ yêu cầu khách rửa tay bằng một trong ba loại: gel, nước và giấy, tùy khách chọn. Lau tay xong khách được hướng dẫn đi thẳng vào bồn để rửa tay lại một lần nữa bằng xà bông, rồi mới ngồi vào ghế.”
Ngoài tấm chắn tại bàn tiếp tân, tiệm đã lặp đặt tấm che (shield cover) ở 7 bàn làm nail. Ngoài ra, mỗi ghế làm nail còn để sẵn các chai nước khử trùng và mũ gắn liền tấm che mặt.
“Tất cả nhân viên đều mang khẩu trang và găng tay là những quy định có từ trước khi có dịch bệnh, nhưng nay sẽ phải thực hành nghiêm ngặt hơn, và có thêm một quy định mới là các nhân viên phải rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang ngay cả khi không làm cho khách, vì đó là để bảo vệ sức khỏe cho chính mình,” bà Michelle nói.
Thông thường khách hàng thích sờ vào các mẫu nail đặt trên bàn ở giữa tiệm. Bà Michelle cho biết thêm, sắp tới, khách sẽ được mời rửa tay hoặc đeo bao tay trước khi sờ vào mẫu. Nếu khách quên mà lỡ đụng vào mẫu, nhân viên sẽ phải đem rửa bộ mẫu, nhằm phòng ngừa tuyệt đối sự lây lan virus.
Bà Michelle không muốn nói về những phí tổn để chuẩn bị cho ngày mở cửa lại, nhưng theo dự đoán của anh Johnny Ngo, giám đốc Whale Spa và Skyline Beauty Supply, mỗi tiệm nail ở Nam California sẽ tốn ít nhất $2,000 để lắp đặt các thiết bị nếu muốn mở cửa lại, như giá cho mỗi tấm chắn để bàn (table shield) từ $30-60/cái; tấm chắn treo (pedi shield) từ $100-200, tùy phẩm chất.
Vì có con nhỏ, nên cô Christie không thể đến tiệm. Nói chuyện với nhật báo Người Việt qua điện thoại, cô cho hay: “Tuy phải thực hành nhiều quy định mới, nhưng chúng tôi luôn muốn khách hàng cảm thấy thoải mái khi đến tiệm. Mọi khách hàng của chúng tôi đều là VIP (very Important Person), và hiện tại tiệm chúng tôi rất háo hức để được phục vụ quý khách hàng.”
Tiệm Studi 18 Nail Bar có 10 ghế. Sắp tới tiệm sẽ nhận chỉ từ năm đến sáu khách mỗi tiếng. Có nghĩa, khách sẽ được ngồi cách một ghế (mặc dù khoảng cách mỗi ghế hiện nay cũng gần 6 ft.) Khi làm xong một khách, nhân viên sẽ lau và khử trùng. Nhưng người khách kế tiếp chưa ngồi vào ghế vừa được lau, mà ngồi ở ghế bên cạnh.
“Đến cuối ngày, có một nhân viên của công ty chuyên làm vệ sinh đến dọn dẹp, lau chùi và khử trùng toàn bộ, bà Michelle nói.
“Chúng tôi vừa bảo đảm giãn cách, mà còn thực hành vệ sinh tối đa để bảo vệ cho khách cũng như các kỹ thuật viên trong tiệm. Không phải vì tiệm có nhiều khách là bác sĩ, và người làm trong ngành y tế, mà hoạt động kinh doanh của chúng tôi luôn là như vậy cho tất cả khách hàng – an toàn là trên hết, vì không phải trong mùa dịch bệnh, mà sức khỏe của con người lúc nào cũng là chuyện quan trọng nhất.”
Tiệm Studio 18 Nail Bar thường đông khách vào những ngày cuối tuần, tất cả đều là khách đặt hẹn. Cô Christie Nguyen cho biết sắp tới tiệm cũng sẽ chỉ nhận khách hẹn, không nhận khách walk-in, trừ khi vào đúng giờ hẹn mà khách hủy hẹn.
Dù vẫn trong mùa dịch bệnh, bà Michelle và cô Christie đều khá bận rộn: “Tiệm chỉ có bảy nhân viên, mà sau gần ba tháng tiệm phải đóng cửa vì dịch bệnh, danh sách hẹn bây giờ rất dài, hàng trăm người, nên có thể chúng tôi sẽ phải tuyển thêm nhân viên thì làm mới kịp.”
Cho đi và không mong nhận lại
Vào những ngày cuối Tháng Ba, 2020, khi tiệm đã đóng cửa theo lệnh của tiểu bang, chủ tiệm Studio 18 Nails Bar vẫn làm việc, nhưng là những công việc thiện nguyện và giúp cho những “chiến sĩ ở tuyết đầu” chống COVID-19.
Cô Christie Nguyen là một trong năm đồng sáng lập Nailing it for America (hay còn gọi là Nailing it for Health Workers), bên cạnh Tam Nguyen của Advance Beauty College, Johnny Ngo của Whale Spa/Skyline, Ha Duong của Beeyond Capital & Ted Nguyen của OCTA.
Cô Ha Duong cho nhật báo Người Việt biết đến thời điểm này, “Nailing it for America đã quyên góp và chuyển đến tận tay các nhân viên y tế bệnh viện, nhà dưỡng lão, nơi cư trú của người vô gia cư nhiều nơi ở California, sang Houston, Dallas của Texas, đến tận New York, New Jersey,… tổng cộng 50,000 phần ăn, một triệu PPE (thiết bị bảo hộ y tế) với tổng trị giá $30 triệu.”
Cô Christie Nguyen là người tiếp nhận các nguồn tài trợ và điều phối các nơi.
Sau câu nói của thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom về tiệm nail là nơi lây lan COVID-19, đến nay Nailing it for America vẫn chưa ngừng có những hành động chứng minh các tiệm nail đã và đang làm những việc không chỉ bảo vệ khách hàng của họ mà còn chung tay giúp đỡ cộng đồng.
Lời mời Thống Đốc Newsom đến “thực địa” Orange County chưa diễn ra, nhưng cô Christie cùng Nailing it for America vẫn không ngừng theo đuổi các hành động để bảo vệ những tiệm nail, giúp họ sớm vượt qua thời kỳ khó khăn này.
“Hy sinh, đó là từ tôi muốn nói đến những chủ tiệm nail là người Mỹ gốc Việt, bởi họ đã làm việc siêng năng suốt nhiều năm qua để lo cho con cái đi học thành tài,” ông Ted Nguyen nói với nhật báo Người Việt, “Trong mùa dịch bệnh COVID-19 họ càng khó khăn khi phải đóng tiệm theo lệnh, mà vẫn phải trả tiền tiệm và nhiều thứ khác.”
Ông Tam Nguyen nói với nhật báo Người Việt: “Chúng tôi rất đau lòng khi thấy nhiều chủ tiệm nail bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng đa số đã cố gắng để mở cửa lại. Chỉ buồn là trong số 11,000 tiệm nail ở California, trong đó 80% là do người Mỹ gốc Việt làm chủ, sẽ có khoảng 20-40% tiệm phải đóng cửa vĩnh viễn.
Còn bà Michelle thì nói trong xúc động, “Sẽ không có chủ tiệm nào muốn kể về nỗi khó khăn, đau khổ mà họ phải hứng chịu trong đại dịch COVID-19, ngay cả chúng tôi cũng vậy, rất đau đầu. Sau dịch bệnh không biết như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ chưa hết khó khăn. Lỡ theo nghề này rồi, chúng tôi chỉ còn biết cố gắng đeo đuổi, vì tấm chân tình, cho đi mà không mong nhận lại, để tìm sự bình yên mà vui sống.”