GENEVA, Thụy Sĩ (NV) – Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), e ngại những con số lây nhiễm toàn cầu bắt đầu gia tăng trở lại, “Hơn 100,000 ca nhiễm bệnh mới trong một ngày được báo cáo trên 9 ngày trong số 10 ngày qua,” ông cho biết như vậy trong cuộc họp báo ngày Thứ Hai, 8 Tháng Sáu.
“Riêng ngày Chủ Nhật vừa qua, có ít nhất 136,000 ca nhiễm mới được báo cáo,” ông Ghebreyesus cho biết chi tiết và thêm rằng: “Đây là con số kỷ lục cao nhất trong một ngày,” theo nhật báo The New York Times.
Với những con số nhiễm bệnh không lạc quan như trên, tổ chức WHO khuyến cáo, các quốc gia có ghi nhận gia tăng phải vô cùng cảnh giác.
Ông tổng giám đốc WHO nhấn mạnh khoảng ba phần tư số ca nhiễm mới trong ngày Chủ Nhật được báo cáo chỉ từ 10 quốc gia, phần lớn là Mỹ Châu và vùng Nam Á.
Trong khi tình hình ở các quốc gia Âu Châu khả quan hơn, tổ chức WHO khuyến cáo các quốc gia có dấu hiệu tích cực phải tiếp tục đề phòng đừng vội tự mãn.
Trong cuộc họp báo, ông Tedros đồng thời khuyến cáo những người tham gia biểu tình chống nạn kỳ thị cần phải áp dụng cách ly khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, và nhớ che miệng khi ho và ở nhà nếu cảm thấy bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, Thứ Hai, 8 Tháng Sáu, toàn thế giới có hơn 7.1 triệu người nhiễm bệnh, hơn 400,000 người chết.
Riêng Hoa Kỳ chiếm hết 25% số tử vong toàn cầu, với ít nhất 113,000 người thiệt mạng, đứng đầu thế giới.
Anh quốc đứng hàng thứ nhì số tử vong với ít nhất là 40,000 người, kế đến thứ ba, Brazil có ít nhất là 37,000 bị thiệt mạng vì COVID-19.
Peru là quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng thứ hai ở Nam Mỹ, hiện nay. Hệ thống y tế ở nước này đã quá sức chống đỡ, đặc biệt, rất thiếu thốn các máy trợ thở.
Tại châu Âu, các quốc gia bị dịch tấn công nặng như Ý, Tây Ban Nha, và Pháp hiện đang khôi phục lại từng bước .
Hiện nay, Ba Lan đang lo trở thành điểm nóng dịch bệnh ở Âu Châu với số ca nhiễm mới tăng nhanh.
Còn tại Anh, bắt đầu từ ngày 08/06/2020, bất cứ ai nhập cảnh vào Anh bắt buộc cách ly 14 ngày. (MPL)