KING COUNTY, Washington (NV) – Gia đình anh Tommy Lê, sinh viên gốc Việt, bị cảnh sát King County, Washington, bắn chết cách đây đúng ba năm, vừa kêu gọi điều tra lại về cái chết của thanh niên này, theo nhật báo The Seattle Times hôm 10 Tháng Bảy.
Yêu cầu điều tra độc lập
Anh Tommy Lê, 20 tuổi, ở Burien, Washington, bị một cảnh sát viên bắn chết vào năm 2017, và gia đình đang kêu gọi điều tra lại về cái chết của anh để được đưa vào danh sách các trường hợp bị nhân viên công lực sát hại.
Văn Phòng Bộ Tư Pháp Washington đang xem xét hồ sơ này.
Cách đây ba năm, vào ngày 13 Tháng Sáu, anh Tommy Lê bị cảnh sát viên Cesar Molina bắn chết khi cảnh sát thấy anh cầm một vật nhọn, không tuân lệnh, và có ý định tấn công cảnh sát.
Tuy nhiên kết quả điều tra sau đó xác nhận Tommy chỉ cầm cây viết chứ không phải là dao nhọn. Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy Tommy bị bắn 3 phát đạn từ phía sau lưng, chỉ vài giờ trước khi nạn nhân dự lễ tốt nghiệp trung học.
Sự việc tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người Việt tại địa phương, nhiều người cho rằng cảnh sát kỳ thị và quá nặng tay trong lúc thi hành công vụ.
Tuy nhiên, vào năm 2018, một hội đồng tranh tra của cảnh sát trưởng lại đồng ý với kết luận rằng, việc cảnh sát nổ súng như vậy là hợp lý và không có gì trái luật.
Gia đình anh Tommy Lê đâm đơn kiện, phản bác kết luận này, và đòi bồi thường $10 triệu.
Vụ kiện đang trong thời gian chờ xét xử.
Trong một lá thư gửi Bộ Trưởng Tư Pháp Bob Ferguson, Thống Đốc Jay Inslee, và Tổng Thanh Tra Washington Noah Purcell, các thành viên trong gia đình nạn nhân nói rằng cái chết của Tommy Lê phải được điều tra một cách độc lập.
Chờ ngày công lý được thực thi
Cái chết của anh Tommy Lê được nhắc lại và nhanh chóng gây chú ý sau khi các cuộc biểu tình lan rộng khắp Hoa Kỳ và cả ở ngoại quốc về cái chết của ông George Floyd khi bị một cảnh sát viên ở Minneapolis ấn đầu gối vào cổ và nạn nhân chết sau đó.
“Tôi nghĩ chắc chắn rằng sẽ còn nhiều trường hợp tương tự xảy ra nhiều hơn nữa, nhưng khi nói về các vấn đề mang tính hệ thống đang diễn ra, đây là một trong những ví dụ điển hình nhất mà tôi thấy,” Thượng Nghị Sĩ Joe Nguyễn, (Dân Chủ-South King) nói.
Ông Joe Nguyễn cũng cho rằng cái chết của anh Tommy Lê là một trong những lý do khiến ông ra tranh cử.
Người nhà của nạn nhân cho biết họ rất thắc mắc, không biết vụ này có được đem ra xét xử hay không, vì xảy ra cách đây ba năm.
“Chúng tôi đến đất nước này vì chúng tôi tin vào hệ thống tư pháp,” bà Xuyến Lê, cô của nạn nhân nói. “Tommy chết khi cháu còn quá trẻ. Chúng tôi vẫn có niềm tin vào chính quyền và chúng tôi vẫn mong chờ ngày công lý được thực thi.”
Cha mẹ Tommy là người Việt, anh ra đời tại Mỹ, và là con út trong gia đình có sáu anh chị em. Tommy sống cùng bà ngoại nhiều năm trước khi chết, và rất thân thiết với mọi người trong đại gia đình. Tommy không có dấu hiệu sử dụng ma túy và chưa bao giờ có vấn đề về tâm thần. Anh được mô tả là người rất thích đọc sách, chơi cờ, và hay giúp bà ngoại làm vườn.
“Liệu cảnh sát có bắn một đứa trẻ da trắng trong tình huống này?” ông Jeffery Campiche, luật sư đại diện gia đình, nêu câu hỏi trong cuộc họp báo sau cái chết của nạn nhân. “Tại sao họ có thể nói rằng việc nã súng là đúng đắn và hợp lý?”
Gia đình nạn nhân tin rằng anh Tommy là mục tiêu của cảnh sát vì gốc Châu Á. Nhiều người gốc Châu Á gọi điện thoại và gửi email đến các luật sư để bày tỏ sự ủng hộ nạn nhân và hy vọng sự việc được làm sáng tỏ.
Vụ kiện của gia đình nạn nhân đáng lý được xử vào Tháng Sáu, 2019. Tuy nhiên, một tuần trước khi vụ kiện được tiến hành, ông Thoma Zilly, chánh án tòa liên bang, cho phép cảnh sát viên Molina được quyền kháng án quyết định của ông không cho “miễn kiện dân sự.”
Tuy nhiên, hồi cuối Tháng Sáu, ba chánh án của Tòa Kháng Án Khu Vực 9 cho phép vụ xử được tiếp tục tiến hành. (Đ.Trang)