LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Dinh Tỉnh Trưởng được ghi nhận xây dựng từ trước năm 1910 và được xem là di sản kiến trúc văn hóa ở thành phố hoa, nhưng nay sẽ được quy hoạch với kiến trúc mang dáng dấp của Hồi Giáo, Ấn Độ!
Sau hơn một năm gây tranh cãi về dự định phá bỏ Dinh Tỉnh Trưởng ở Đà Lạt, nhà chức trách mới đây thông báo “lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực dinh” từ nay đến ngày 14 Tháng Chín.
Theo báo Tuổi Trẻ, Dinh Tỉnh Trưởng là một kiến trúc đẹp với diện tích hơn 1,500 mét vuông. Đây có thể nói là nơi duy nhất ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích đất lớn, vị trí cao và đẹp nhất. Đồng thời, đây cũng là mảng xanh quan trọng bên cạnh đồi Cù, đang thuộc sở hữu của công ty Hoàn Cầu Đà Lạt.
Có lẽ để tránh chuyện bị công luận chỉ trích vụ phá bỏ Dinh Tỉnh Trưởng, ba phương án mới được cho là “giữ lại nguyên trạng hoặc di dời theo hướng nâng cao” và xây dựng các khách sạn 10 tầng, tổ hợp thương mại và bảo tàng bao quanh. Công trình khách sạn trở thành “điểm nhấn” trên ngọn đồi.
“Hiện tại, khu trung tâm Hòa Bình là khu vực nút thắt gây ùn tắc cục bộ nặng nề nhất ở Đà Lạt. Nếu tiếp tục triển khai các công trình thương mại cao tầng sẽ gây dồn nén đô thị, tạo nên những hậu quả khó lường trong phát triển đô thị. Nhiều ý kiến khác đặt thẳng câu hỏi: Quy hoạch khu Hòa Bình cho ai? Đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm Hòa Bình do một doanh nghiệp tài trợ,” báo Tuổi Trẻ viết.
Trong khi đó, tờ Thanh Niên cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng theo đồ án quy hoạch này thì khu vực Dinh Tỉnh Trưởng rất xa lạ với Đà Lạt. Dinh Tỉnh Trưởng là một công trình có giá trị lịch sử, có giá trị về kiến trúc, văn hóa sẽ bị di dời nguyên khối đến một góc nào đó, để thay bằng khối khách sạn cao 10 tầng với kiến trúc mang dáng dấp của Hồi Giáo, Ấn Độ.”
Bên dưới bài báo, độc giả có nick Phuong nguyen11 để lại ý kiến: “Nói thật kiến trúc của các phương án này đều có gì đó giả tạo, nên giữ nguyên hiện trạng! Sao lại cất công thay đổi vẻ đẹp tự nhiên bằng các phương án giả tạo đó?”
Điều oái oăm là chỉ mới hồi đầu Tháng Bảy, cũng theo báo Thanh Niên, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng “thống nhất chủ trương xây dựng đề án quy chế bảo tồn kiến trúc cảnh quan Đà Lạt” và đây là “bước quyết định để tiến tới xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố di sản đầu tiên trong cả nước.”
Kiến Trúc Sư Ngô Viết Nam Sơn bình luận trên trang cá nhân: “Đồ án triển lãm [phương án kiến trúc khu vực Dinh Tỉnh Trưởng] cho thấy chỉ chú trọng tô vẻ thêm bề ngoài, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn Khu Hòa Bình của cộng đồng, và các cơ quan chức năng (Bộ Xây Dựng, Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, Hội Quy Hoạch Phát Triển Đô Thị Việt Nam…), các chuyên gia trong và ngoài nước.”
Ông Sơn nhấn mạnh rằng việc cố tình chọn xây dựng trên nền công trình di sản, bên cạnh ý chí lợi ích riêng của nhà đầu tư và của một số lãnh đạo địa phương “có sự tiếp tay của kiến trúc sư thiếu chữ tâm.”
Vị kiến trúc sư cũng lên tiếng kêu gọi chủ đầu tư “hãy xây dựng dự án này ở rất nhiều khu đất trống khác ở Lâm Đồng.” (N.H.K)