Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cung cấp các khoản miễn trừ thuế để lôi kéo các công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chính sách này nhằm đẩy nhanh hơn quá trình chia cắt 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong bài phát biểu vào ngày 17/7 tại Minnesota, ông Trump tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tạo ra các khoản thuế tín dụng cho các công ty nào mang việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ, và chúng tôi sẽ đánh thuế lên các công ty nào rời Mỹ để sản xuất ở nước ngoài”.

Xem xét lại mục tiêu ‘sử dụng nguồn lực bên ngoài’

Hoa Kỳ nổi tiếng với chiến lược kinh doanh được gọi là “sử dụng nguồn lực bên ngoài” khi nhiều sản phẩm nổi tiếng của Mỹ được sản xuất ở nước ngoài. Các thương hiệu mang tính biểu tượng như Nike, cũng có các nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Một trong những công ty có giá trị nhất của Mỹ, Apple, sử dụng một công ty Đài Loan có tên là Foxconn để sản xuất phần lớn iPhone của họ. Foxconn có nhà máy ở cả Trung Quốc và Đài Loan, theo BBC.

Vào tuần trước, Liu Young-way, Chủ tịch Foxconn – nhà cung cấp lớn nhất cho Apple và là nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới với lực lượng lao động lên đến 1 triệu người ở Trung Quốc, cho biết công ty dự kiến rằng ​​chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu sẽ chia thành hai phe: “Một cho Trung Quốc và nhóm liên kết với họ, và một cho Hoa Kỳ và các đồng minh”.

Trong khi đang xây dựng năng lực tại Việt Nam và Ấn Độ, Foxconn cho biết họ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng công suất bên ngoài Trung Quốc từ 20% (hiện tại) lên 30%.

Trung Quốc thường được gọi là “công xưởng của thế giới”, đã bị giảm thị phần xuất khẩu toàn cầu do ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19.

Chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Ông chủ Nhà Trắng cam kết tạo ra 10 triệu việc làm trong 10 tháng tới và nhấn mạnh thêm rằng những công ty nào thuê người lao động bên ngoài nước Mỹ trong “các ngành công nghiệp then chốt” sẽ bị mất các hợp đồng liên bang của họ.

Ông Trump khẳng định nếu ông tái đắc cử tổng thống, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Chỉ còn 11 tuần lễ trước bầu cử, và với tỷ lệ thất nghiệp 10,2%, ông Trump muốn đẩy nhanh hơn “thông điệp khuyến khích” các tập đoàn sản xuất hàng hóa và dịch vụ tại nước nhà hơn là ở những quốc gia như Trung Quốc.

Ông Trump cho biết: “Tại tiểu bang Michigan hiện có nhiều nhà máy sản xuất xe hơi và vẫn đang tiếp tục phát triển rộng lớn. Đây là điều chưa từng thấy trong 42 năm qua, chúng ta sẽ kết thúc sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta sẽ tự sản xuất các loại thuốc quan trọng và những nguồn cung cấp cốt yếu của chúng ta ngay tại Hoa Kỳ”.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán, mà ông Trump gọi là “bệnh dịch do Trung Quốc sản sinh”, đã giúp tạo thêm động lực cho giới chức chính quyền Trump và các thành viên của Quốc hội để thúc đẩy việc mang các nguồn cung ứng trở về lại Hoa Kỳ.

Ấn Độ, Đài Loan và Nhật bản cũng cung cấp các ưu đãi tài chính để thu hút các công ty dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hoặc ít nhất là gia tăng đầu tư tại nước nhà.

Vào ba năm trước đây, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ chính thức đưa ra cuộc điều tra về việc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Kết quả của cuộc điều tra này tạo cơ sở cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bao gồm cuộc chiến thuế quan trị giá khoảng 500 tỷ USD, theo Bloomberg.

Theo Ngân hàng Bank of America Corp, một báo cáo gần đây đã ước tính rằng Hoa Kỳ có thể sẽ tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm để mang tất cả các nguồn sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

“Những gì chúng ta đang làm cùng nhau gần như là một phép màu kinh tế và giờ đây chúng ta sẽ làm điều đó một lần nữa. Chúng ta đã xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới và sẽ lại làm điều đó ngay bây giờ” – ông Trump phát biểu trong chiến dịch tái tranh cử của mình.

Chính quyền Trump đang có các hành động nhắm vào Trung Quốc trên nhiều mặt trận nhằm tái cân bằng quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc, thông qua các biện pháp hạn chế áp dụng lên các công ty Trung Quốc như Huawei, lệnh cấm TikTok, và một loạt lệnh hành pháp để đảm bảo sản xuất các sản phẩm quan trọng ngay tại Mỹ.

Tâm An

Nguồn NTDVN