HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dịch COVID-19 khiến làn sóng mất việc làm ở Việt Nam từ đây đến cuối năm 2020, có thể tăng lên tới hàng chục ngàn người mỗi tháng, do số doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản tăng mạnh.
Báo Người Lao Động dẫn thống kê từ Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội, cho biết thời điểm trước dịch COVID-19, mỗi tháng ở Việt Nam có khoảng 80,000 – 90,000 người có việc làm, chưa tính riêng lượng người “xuất khẩu lao động”đi làm việc ở ngoại quốc theo hợp đồng khoảng 11,000 người/tháng.
Tuy nhiên bắt đầu từ Tháng Tư và Tháng Năm, thị trường lao động cả nước mất khoảng 60,000 việc làm mỗi tháng. Nguyên nhân do doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa làm ra không xuất cảng được, dẫn đến tình trạng dư thừa người lao động.
Báo VNExpress dẫn lời ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội ở Sài Gòn, cho biết theo khảo sát của Cục Thống Kê thành phố, tại 16,300 doanh nghiệp cho thấy có gần 14,000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sáu tháng đầu năm, Sài Gòn có hơn 327,000 người bị mất việc và dự kiến trong sáu tháng cuối năm có thêm 180,000 người của 5,000 doanh nghiệp bị ngừng việc.
Trong đó ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú, vận tải, du lịch. Tiếp đến là da giày, dệt may, sản xuất trang phục, chế biến lương thực, chế biến gỗ…
Ông Tấn cho biết thêm sở đang kêu gọi doanh nghiệp nên luân phiên, giảm số ngày làm đối với công nhân thay vì cho chấm dứt, cắt giảm hợp đồng. Người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp như chấp nhận giảm lương, giảm ngày làm trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
“Hai bên cần có sự chia sẻ bởi khi dịch được khống chế, doanh nghiệp có đơn hàng và nguyên liệu, người lao động sẽ nhanh chóng có việc làm,” ông Tấn gợi ý nói.
Anh La Chí Cường (35 tuổi), tổ phó Tổ Hoàn Thiện Giày Da của công ty Huê Phong, quận Gò Vấp, Sài Gòn, với thu nhập 9 triệu đồng ($388) mỗi tháng, vừa cùng khoảng 1,600 công nhân của công ty này bị cho nghỉ việc vào ngày 31 Tháng Tám, buồn bã kể ý định tìm cách mưu sinh là cùng vợ (bị mất việc trước anh) làm thêm sữa chua, yaourt mang bán.
“Ở công ty đa số công nhân nữ thích ăn món này nên bán được. Nhưng hết Tháng Tám này, công ty sẽ cắt giảm tiếp lượng lớn công nhân nữa, không biết sẽ bán như thế nào,” anh Cường lo lắng nói.
Theo Bộ Lao Động đánh giá, đợt dịch COVID-19 lần 2 “sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động của Việt Nam” do thị trường hàng hóa đóng băng. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến hết Tháng Bảy, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 41.5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ giờ đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Cục Việc Làm thuộc Bộ Lao Động đã tính đến “kịch bản xấu nhất” là trong những tháng cuối năm 2020, số người mất việc làm có thể tăng khoảng 60,000 – 70,000 người/tháng. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, và số người lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3.5 – 5 triệu người. (Tr.N)