Văn Lan/Người Việt
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Những cánh chim sắt bay vút lên bầu trời, những tiếng gầm rú dũng mãnh của động cơ cùng với hình ảnh những chàng phi công oai hùng trong bộ đồ bay của Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và những trận chiến đã làm say mê bao chàng trai thời tao loạn.
Ông Nguyễn Văn Chuyên kể lại, trong bối cảnh ngập tràn máu lửa khi Việt Cộng tấn công miền Nam trận Mậu Thân năm 1968, khi đó ông vừa đi học tại trung học Trường Sơn, vừa đi làm cho cơ quan USAID tại Sài Gòn, là cơ quan phụ trách viện trợ của Hoa Kỳ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Một năm sau, chàng học sinh trung học Nguyễn Văn Chuyên và các bạn đồng trang lứa đã theo lệnh động viên gia nhập vào quân đội. Sau ba tháng quân trường Quang Trung, ông vào Khóa 1/70 Trường Bộ Binh Thủ Đức để rồi sau khi tốt nghiệp Chuẩn Úy, ông thuyên chuyển qua Không Quân, theo nghiệp bay cho tới ngày cuối cùng cuộc chiến.
Học bay tại Mỹ, “bầm dập” ở bốn nơi
Ông kể, vào giữa khóa học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, ông và đồng khóa được nghe đoàn đại diện cho Quân Chủng Không Quân đến trường thuyết trình, kêu gọi ai muốn thử tài sức và lòng gan dạ thì hãy ghi danh vào Không Quân, và nếu qua được một số điều kiện cần thiết thì Không Quân sẵn sàng tiếp nhận.
Thực sự lúc đó ông nghĩ mình không đáp ứng đủ những tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe của Không Quân, nhưng vì muốn vào thăm phi trường Tân Sơn Nhứt, và cũng là dịp đi lang thang Sài Gòn sau những ngày tháng huấn luyện ở quân trường, nhưng cuối cùng may mắn ông cũng được chấp nhận.
Ông kể, khi mãn khóa 1/70 Bộ Binh Thủ Đức, ông là một trong 150 người được tuyển chọn qua Quân Chủng Không Quân, đưa qua Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang để chuẩn bị theo học các ngành nghề của Quân Chủng Không Quân, để bắt đầu cuộc đời binh nghiệp “Bảo Quốc, Trấn Không.”
“Trước khi mãn khóa ở trường Bộ Binh Thủ Đức ngày 29 Tháng Tám, 1970, chúng tôi gồm 150 anh em được hai chiếc phi cơ C-130 chở ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Tại đây, mọi người phải kiểm tra lại lần nữa về ba tiêu chuẩn cần thiết là sức khỏe, Anh Ngữ và an ninh để được vào Quân Chủng Không Quân, đặc biệt là Anh Ngữ phải đạt một số điểm căn bản mới được sang Mỹ du học. Tôi may mắn nhờ khi còn ở bậc trung học đã vừa đi học vừa làm việc cho cơ quan USAID của Mỹ, nên Anh Ngữ đối với tôi cũng suôn sẻ,” ông Chuyên cho biết.
Khi học Không Quân tại Mỹ, các học viên phải trải qua bốn nơi huấn luyện.
Theo ông, phi trường Lackland Air Force Base ở San Antonio, Texas, nơi kiểm tra lại khả năng Anh Ngữ lần chót cho các học viên từ khắp nơi trên thế giới, học khoảng 12 tuần.
Trường bay thứ nhì là Randolph Air Force Base cũng ở San Antonio, Texas, dạy lái T-41 là loại máy bay quân đội, hiện thân của loại Cessna-172 của dân sự, có hai chỗ ngồi song song. Đây là những bước căn bản đầu tiên của kỹ thuật cất cánh nhẹ nhàng, bay và nhìn những địa hình dưới mặt đất, nhất là để học viên làm quen với sự chịu đựng của cơ thể, và chuyện nhức đầu hay nôn ói là bình thường, rồi cũng quen dần với thời gian học khoảng ba tháng. Cho đến khi người thầy dạy bay đứng dưới đất thả cho học viên bay một mình rồi vẫy tay chúc mừng, học viên có thể cất cánh bay lên và đáp xuống solo an toàn là lúc có thể tốt nghiệp.
“Ngoài ra còn học thêm môn nhảy dù. Sau hai tuần lễ học các kỹ thuật té ngã, học viên được đưa ra một bãi đất trống rất lớn, cho đeo dù sau lưng, móc vào sợi dây dài 300 ft, nối vào sau một xe pick up chạy thật nhanh và kéo học viên lên cao đến 300 ft, rút chốt ra để học viên rơi xuống giống như nhảy dù thật từ trên máy bay,” ông kể.
“Mục đích học nhảy dù là giúp học viên biết cách té khi rơi xuống đất không bị dù lôi đi có thể gãy chân tay hoặc tử vong. Đây là bài học rất cần, đặc biệt cho phi công tác chiến, khi phải nhảy dù ra khỏi phi cơ trong trường hợp khẩn cấp,” ông nói thêm.
Trường bay thứ ba là Keesler Air Force Base ở thành phố Biloxi, Mississippi. Nơi đó học khó khăn hơn với chương trình học bay phức tạp, phải học biết cơ hành vận chuyển của máy móc, của các cánh cản, của đuôi máy bay, học về điều kiện thời tiết với phản ứng của máy bay. Khi lái máy bay phải hiểu nó là một phương tiện tốt cho mình, nhưng ngược lại nếu không điều khiển được thì chính nó là một cổ máy giết người.
“Vậy nên khi học, ngoài những kiến thức lúc bay bổng trên trời, chúng tôi còn phải học trong những phòng thực tập, người học viên phải trùm đầu kín mít, học bay bằng nhữngđồng hồ phi cụ giống như trong phòng lái, lúc bay trên trời khi có mưa hoặc bão tố, hoặc ban đêm,” ông Chuyên nói.
“Học viên không nhìn thấy gì bên ngoài, chỉ chú tâm nhìn vào những đồng hồ trong phòng lái, để xác đoán chỗ nào là trên trời, là dưới đất, phải trái, tốc độ, huớng gió,… hoặc những điều kiện khi gặp thời tiết xấu, phải học và hoàn toàn tin tưởng vào những đồng hồ chỉ báo. Đặc biệt là phải học nhào lộn để thoát hiểm trong những trường hợp trục trặc kỹ thuật nếu có xảy ra, tất cả đều học trên chiếc phi cơ T-28,” ông kể tiếp.
Ông nhớ lại một bài học nguy hiểm nhất trong trường hợp đánh trận là khi bị bắn, nếu kéo cần lái lên quá cao, thì mũi máy bay sẽ chúc đầu xuống đất, mà càng sợ càng cố kéo mũi máy bay lên thì cánh mất sức nâng, máy bay sẽ bị quay tít trên trời cuối cùng sẽ đâm xuống đất. Khi học đến tình huống đó, học viên phải đưa máy bay lên cao hơn 10,000 bộ để máy bay có đủ cao độ gỡ rối và lấy bình phi trở lại.
Ngày nhận cánh bay tại phi trường Keesler AFB là do vị tướng hai sao của Không Quân Hoa Kỳ ký trao bằng chứng nhận, ông đã qua đủ các kỳ huấn luyện bay thử thách và được phép mang cánh bay của phi công Không Quân Hoa Kỳ.
“Riêng chúng tôi còn phải sang phi trường Eglin Air Force Base ở Florida, để huấn luyện thêm về bay loại phi cơ A-1 Skyraider, là loại máy bay nặng nề và lớn hơn loại T-28, đặc biệt là bánh xe lái của nó nằm phía sau đuôi nên tương đối khó lái hơn. Vì đã tốt nghiệp bay tại trường Keesler rồi, nên anh em ở đây chỉ học thả bom và bắn cho trúng mục tiêu. Từ sáng sớm đến chiều tối mới trở về phòng, cứ thế mà trôi qua thời gian cuối cùng tại trường bay Eglin AFB,” ông Chuyên kể.
Về Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa
Ông cho biết càng gần tới ngày mãn khóa, ai cũng nôn nóng được sớm trở về nước để chiến đấu phục vụ quê hương, khi được tin có nhiều anh em cùng khóa ở Trường Bộ Binh Thủ Đức đi ra nhiều đơn vị tác chiến ở bộ binh đã hy sinh trong những trận đánh ác liệt.
“Khi học ở Florida, chúng tôi phải thực tập ném bom và bắn đại bác thật, lúc đó cũng đã nghe tin nhiều lớp đàn anh ở các khóa trước về nước, bay vào chiến trường và đã hy sinh ngoài mặt trận, lại càng thêm thôi thúc chúng tôi muốn sớm mau trở về nước, vì đối với chúng tôi chuyện hy sinh mất mát cũng là trách nhiệm phục vụ quê hương đất nước mà thôi!” ông nói.
Ngay khi vừa về nước, ông đến trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân Tân Sơn Nhứt, được phân bổ về Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa. Lúc đó ở Việt Nam chỉ còn ba phi đoàn bay loại máy bay Skyraider, đó là các phi đoàn 514, 518 ở Biên Hòa và 530 ở Pleiku.
Dù các phi đoàn khác đã chuyển sang bay các loại A-37 hoặc F-5 nhưng vì nhu cầu chiến trường lúc bấy giờ, ba phi đoàn Skyraider vẫn hoạt động, vì loại phi cơ này mang được nhiều bom đạn, bay với tốc độ chậm nên khả năng yểm trợ quân bạn rất hữu hiệu. Đặc biệt trong những trường hợp cận chiến, khi quân bạn và quân địch áp sát gần nhau trong phạm vi khoảng 100 mét trở lại, hoặc những phi vụ tháp tùng đoàn xe quân sự di chuyển từ căn cứ này sang căn cứ khác, thì Skyraider với khả năng bay trên trời khá lâu có thể khoảng 3 giờ đồng hồ, nên xuất hiện trên chiến trường thật nhanh, và đích thực nó là người bạn đồng hành hữu hiệu nhất.
Đó là lý do mà Không Quân VNCH còn giữ lại ba phi đoàn Skyraider gồm Phi Đoàn 514 và Phi Đoàn 518, và Phi Đoàn 530. Thời gian đó chiến trường khắp nơi đều sôi động, nhu cầu của các Phi Đoàn rất cần thiết nên cả ba phi đoàn phải chia nhau biệt phái đi yểm trợ quân bạn ở dưới đất khắp chiến trường. Riêng Phi Đoàn 518 và 514 thay phiên xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, nằm sát với Phi Đoàn 259G là phi đoàn trực thăng tải thương, nằm ở đó để có thể kịp thời đối phó những trường hợp cần thiết.
Ông Chuyên kể thêm một điều khá đặc biệt là Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng và 518 Phi Long nằm gần sát trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhứt, là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự bốn bên gồm chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ Hoa Kỳ. Riêng hai bên còn lại gồm Cộng Sản Bắc Việt và phe Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đào mương rãnh trồng rau, trồng bắp ăn ngủ luôn trong trại.
Cứ hai tuần là Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng từ Biên Hòa bay xuống Tân Sơn Nhứt thay thế, Phi Đoàn 518 Phi Long lại bay về Biên Hòa để yểm trợ các chiến trường khá nặng lúc ấy như Rạch Bắp, Đức Hòa, Đức Huệ, Tây Ninh, hoặc Lai Khê, Chơn Thành dọc quốc lộ 13, lên đến An Lộc, Tống Lê Chân, Lộc Ninh.
Skyraider vào ra chiến trường như chỗ không người
Skyraider là loại máy bay chiến đấu rất hiệu quả, tuy cánh to, bay chậm nhưng rất vững vàng khi mang trên mình nhiều loại vũ khí, mỗi bên cánh có thể mang đến sáu quả bom nổ hoặc ba quả bom napal, ngoài ra mỗi bên cánh còn gắn thêm hai khẩu đại bác 20 ly, nên có thể coi là có hỏa lực rất mạnh.
Khi phát hiện ra những điểm tập trung quân địch ở Lộc Ninh, Skyraider cũng được gọi lên để can thiệp, và đã vào trận ở đó nhiều lần bằng những cuộc đánh bom bằng ra đa. Đi từng đoàn như thời B-52 của Mỹ, dàn ngang từng 5 hoặc 10 chiếc tiến thẳng vào trận địa, được ra đa hướng dẫn thả bom vào mục tiêu.
“Chúng tôi vào mặt trận mặt trận Tống Lê Chân thường xuyên, nơi có một tiểu đoàn Biệt Động Quân nằm trong đó, khi rừng còn xanh màu cây lá cho đến khi rừng trơ hết lá cành mà quân bạn vẫn còn nằm trơ trụi dưới hầm. Khi anh em Không Quân Skyraider liên tục đánh bom và anh em trực thăng lên tản thương hoặc tiếp tế lương thực, thuốc men, vẫn thấy anh em Biệt Động Quân còn nằm trong đó,” ông xúc động kể.
Đến năm 1972, 1973 Cộng Sản được trang bị loại hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 thì Skyraider cũng bị tổn thất khá nhiều, khi bị nhắm thẳng vào những ống khói của máy bay ngay trước mặt phi công để nổ tung, nên nhiều anh em đã bị gãy cánh trong những phi vụ này.
“Có hai chiến hữu cùng khóa học bay với tôi đã hy sinh khá sớm, đó là Nguyễn Minh Hoàng thuộc Phi Đoàn 514, cùng học bay với tôi tại Keesler và Eglin, hy sinh tại mặt trận Dầu Tiếng; và Hoàng Trọng Hoài cùng học chung với tôi cũng tại Keesler và Florida, tốt nghiệp thủ khoa ở Keesler AFB về Phi Đoàn 514, đã nổ tung trên không trong mặt trận Lộc Ninh,” giọng ông chùng xuống khi nhớ lại những ngày tháng bè bạn ở bên nhau, từ khi học bay cho đến khi cùng nhau bay vào lửa đạn chiến trường.
Ông kể, trong 14 anh em học cùng khóa bay Skyraider khi về nước, thì nhu cầu của Sư Đoàn 3 Không Quân ở Biên Hòa lúc bấy giờ khá nặng nề, nên chia ra bảy người thuộc Phi Đoàn 514 và bảy người thuộc Phi Đoàn 518, và ông Chuyên thuộc Phi Đoàn 518 Phi Long.
Ông Chuyên kể, lúc đó các mặt trận ở Vùng III Chiến Thuật khá nặng sau khi cuộc chiến An Lộc đã tạm thời kết thúc, nhưng những vùng quanh đó như Bình Long, Tống Lê Chân, Phước Vĩnh, Lai Khê, và miệt Đức Hòa, Đức Huệ, Rạch Bắp,… vẫn còn những trận chiến đang tiếp diễn.
Mỗi phi đoàn có khoảng 25 người, nhu cầu không yểm nhiều nhưng khả năng thì giới hạn nên anh em rất thương nhau, trên nguyên tắc một ngày thường bay hai phi vụ nhưng cũng có khi nhu cầu đòi hỏi, phải bay tới ba phi vụ để đáp ứng nhu cầu chiến trường. Nếu có yêu cầu chống xe tăng hoặc chống biển người thì bộ chỉ huy sẽ cho máy bay trang bị loại vũ khí thích ứng.
“Ngoài ra khi gần cuối cuộc chiến, chúng tôi vẫn bay ra các mặt trận Ban Mê Thuột và Sa Huỳnh Quảng Ngãi. Riêng mặt trận Quảng Trị thì hai Phi Đoàn 514 và 518 thay phiên nhau bay ra phi trường Đà Nẵng cứ mỗi hai tuần, kể từ sau ‘Mùa Hè Đỏ Lửa,’ mặt trận Pleiku cũng vậy, tuy ít hơn vì đã có phi đoàn 530 trấn đóng,” ông kể. (Văn Lan)