Ngày 28/9, Đài Loan bày tỏ sự hài lòng và cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã giúp đỡ Đài Loan giành chiến thắng trước Trung Quốc trong tranh chấp đặt tên khi một liên minh toàn cầu ngừng coi các thành phố Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Đây là một chiến thắng hiếm hoi của Đài Loan dân chủ trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ phía Trung Quốc nhằm buộc quốc đảo này phải chịu sự cai trị của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để khiến các nhóm và tổ chức quốc tế thể hiện trên trang web và các tài liệu chính thức của họ về Đài Loan rằng, quốc đảo này là một phần của Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ và nhiều người dân Đài Loan luôn kiên quyết phản đối.
Cuối tuần qua, các quan chức Đài Loan đã có hành động phản ứng sau khi tổ chức Global Covenant (Hiệp ước Toàn cầu) về Khí hậu và Năng lượng có trụ sở tại Brussels liệt kê trên trang web của họ 6 thành phố Đài Loan là thuộc Trung Quốc.
Các Thị trưởng của 6 thành phố này đã cùng viết một bức thư chung gửi đến Global Covenant, nhằm yêu cầu họ thay đổi việc liệt kê tên các thành phố Đài Loan là thuộc Đài Loan, chứ không phải thuộc Trung Quốc; nếu không quốc đảo này sẽ rút khỏi Hiệp ước.
Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu cho biết, sau khi các Thị trưởng của quốc đảo gửi thư, Global Covenant hiện đã liệt kê lại các thành phố Đài Loan là thuộc một phần của Đài Bắc Trung Hoa – đây là tên mà quốc đảo thường sử dụng ở một số tổ chức quốc tế như Thế vận hội.
Liên minh châu Âu “đã giúp chúng tôi trong nỗ lực này”, ông Wu nói, nhưng không cho biết chi tiết về việc giúp đỡ này.
Ông nói: “Chúng tôi rất vui vì với sự nỗ lực của mọi người, tên đã được liệt kê đúng. Tuy một số người có thể không hài lòng với cái tên này (Đài Bắc Trung Hoa), nhưng ít nhất tư cách tham gia của chúng tôi không bị đặt dưới tên của một quốc gia khác (Trung Quốc)”.
Đại sứ quán không chính thức của EU tại Đài Bắc và Global Covenant vẫn chưa bình luận về việc gọi lại tên này cho Đài Loan.
Hiện tại, không có quốc gia thành viên EU nào có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, còn EU có xu hướng kín tiếng khi nói đến Đài Loan, do cảnh giác với việc làm mất lòng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 2 của họ.
Global Covenant cho biết, sứ mệnh của tổ chức là “khuyến khích hành động vì khí hậu và năng lượng ở khắp các thành phố trên toàn thế giới”, đại diện cho hơn 800 triệu người dân trên toàn cầu. Hong Kong là thành phố thuộc Trung Quốc duy nhất được liệt kê là thành viên.
Trước đó, ngày 15/9, Hiệp hội Chim hoang dã của Đài Loan (Chinese Wild Bird Federation – CWBF) đã tuyên bố trên Facebook rằng, Hội đồng Quốc tế Bảo tồn Chim (BirdLife International) đã đơn phương yêu cầu CWBF ký một văn bản hứa sẽ không thúc đẩy hoặc ủng hộ tính hợp pháp của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và việc Đài Loan độc lập tách khỏi Trung Quốc, theo SOH.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An (Ou Jiang’an) tuyên bố rằng, họ lên án hành vi đàn áp Đài Loan của chính quyền Bắc Kinh, hiện còn bành trướng tới cả lĩnh vực hoạt động bảo vệ sinh thái vốn không có ý nghĩa chính trị gì. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng bày tỏ sự bất mãn và lấy làm tiếc trước việc làm của BirdLife International khi hợp tác với Bắc Kinh để ép Hiệp hội Chim hoang dã Đài Loan phải bày tỏ thái độ chính trị.
Nguyễn Minh – ntdvn