Thông tin được thu thập bao gồm ngày sinh, chỗ ở, tình trạng hôn nhân, hình ảnh chân dung, hiệp hội chính trị tham gia, người thân và tài khoản mạng xã hội.
Một giáo sư người Mỹ, từng làm việc tại Bắc Kinh đến năm 2018 trước khi chuyển đến Việt Nam, đã quay trở lại Hoa Kỳ vì lý do an toàn, sau khi ông được tiết lộ thông tin về một công ty Trung Quốc đang thu thập dữ liệu của hàng triệu người trên thế giới.
Christopher Balding hiện là Phó Giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam, sau 9 năm làm việc tại Trường Kinh doanh HSBC của Đại học Bắc Kinh ở Thâm Quyến, Trung Quốc, theo thông tin trên trang web chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam.
Ông Balding là một trong những chuyên gia hàng đầu về kinh tế Trung Quốc và thị trường tài chính. Ông tư vấn cho các chính phủ, ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư trên khắp thế giới về Trung Quốc.
Ông đã được tiết lộ về cơ sở dữ liệu của công ty Trung Quốc Zhenhua chứa thông tin của hàng triệu người từ các quốc gia trên khắp thế giới.
Sau đó, cơ sở dữ liệu này đã được chia sẻ với những hãng truyền thông quốc tế ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Ý, Đức và Úc, bao gồm Tạp chí Tài chính Úc và ABC.
Hãng Truyền thông Quốc gia Australia ABC ngày 14/9 đưa tin, công ty Trung Quốc Zhenhua có cơ sở dữ liệu của 2,4 triệu người từ hàng loạt quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Canada, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea…
“Khách hàng chủ yếu của Zhenhua là quân đội Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”,theo ABC.
Thông tin được thu thập bao gồm ngày sinh, chỗ ở, tình trạng hôn nhân, hình ảnh chân dung, hiệp hội chính trị tham gia, người thân và tài khoản mạng xã hội.
Các thông tin lấy từ các tài khoản Twitter, Facebook, LinkedIn, Instagram và thậm chí cả TikTok, các bài đăng tin tức, hồ sơ tội phạm.
Hiện công ty Zhenhua vẫn chưa đưa bình luận về vụ việc này.
Giáo sư Balding nói với ABC: “Trung Quốc đang xây dựng một nhà nước giám sát quy mô lớn cả trong nước và trên quốc tế”.
“Họ đang sử dụng nhiều công cụ khác nhau – công cụ này được lấy chủ yếu từ các nguồn công khai, có dữ liệu không công khai ở đây, nhưng nó được lấy chủ yếu từ các nguồn công khai”, ông Balding cho biết.
“Tôi nghĩ nó nói lên mối đe dọa rộng lớn hơn về những gì Trung Quốc đang làm và cách họ thu thập [dữ liệu], giám sát và tìm cách gây ảnh hưởng…không chỉ công dân của họ mà còn cả công dân trên toàn thế giới”.
ABC cho biết, có người đã khuyên giáo sư Balding nên rời khỏi Việt Nam, vì ông không còn an toàn ở đó. Hiện ông đã trở lại Hoa Kỳ.
Được biết, giáo sư Balding được tiết lộ thông tin về công ty Zhenhua khi ông bắt đầu xuất bản các bài báo về gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei.
Người tiết lộ thông tin cho ông Balding cũng đang đối mặt với một rủi ro lớn.
Ông Balding nói: “Chúng tôi đã làm việc tích cực để đảm bảo rằng không có mối liên hệ nào giữa tôi và người đó (người tiết lộ thông tin cho ông), khi tôi nhận ra những gì đã được tiết lộ cho tôi [là nghiêm trọng]”
Ông cho biết thêm: “Họ (người tiết lộ thông tin) vẫn ở Trung Quốc. Nhưng hy vọng, họ sẽ an toàn”.
Theo ABC, tuy phần lớn thông tin được “thu thập” từ các nguồn mở, một số thông tin được lấy từ những hồ sơ bí mật, đơn xin việc và hồ sơ tâm lý. Đồng thời, công ty Zhenhua được cho là đã lấy một số thông tin trang “web đen”.
Một nhà phân tích tình báo cho biết, trang “web đen” là cơ sở dữ liệu có tên “Cambridge Analytica on steroid”, là kho thông tin cá nhân được lấy từ hồ sơ trên Facebook trước chiến dịch bầu cử Mỹ năm 2016, theo ABC.
Trong số 35.558 người Úc có thông tin bị thu thập trong cơ sở dữ liệu này, có các chính trị gia tiểu bang và liên bang, sĩ quan quân đội, nhà ngoại giao, học giả, công chức, giám đốc điều hành kinh doanh, kỹ sư, nhà báo, luật sư và kế toán.
Trong đó, dữ liệu cũng chứa thông tin về các thủ tướng đương nhiệm và cựu thủ tướng, các tỷ phú của công ty người Atlassian, Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar, cùng các doanh nhân nổi tiếng David Gonski và Jennifer Westacott.
Danh sách này bao gồm Thẩm phán đương nhiệm của Tòa án Tối cao Victoria Anthony Cavanough, cựu Đô đốc Hải quân và cựu giám đốc điều hành Lockheed Martin Raydon Gates, cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby, cựu Thủ tướng Tasmania Tony Rundle và cựu ngoại trưởng Bob Carr.
Nguyễn Minh
Theo ABC