(Nguyên tác “Salem” của Robert Olen Butler, Thiên Nhất Phương & Trần Lệ Khanh dịch)
Lời giới thiệu
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tác giả Robert Olen Butler đã
hoàn thành tuyển tập truyện ngắn “ A good Scent From A Strange Mountain”
và lãnh giải thưởng văn chương Pulitzer prize năm 1993.
Gần 50 năm chinh chiến đã trôi qua, những sa ngã và lấm lem của cuộc chiến vẫn còn là đề tài suy nghĩ cho hậu thế.
Tên bao thuốc lá SALEM của Mỹ đã được tác giả phân tách theo kiểu Việt Nam gồm hai chữ”Sa” (sa ngã) và Lem (lấm lem) để áp dụng vào hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam.
Chuyện rất giản dị: một cán binh Việt cộng, giết người không gớm tay, đã băn khoăn khi kiếm được bao thuốc lá trong mình một chiến binh Mỹ bị hắn hạ sát, không biết nên đem nộp cho chính quyền hay giữ lại để hưởng thụ.
Sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, cúi đầu tuân lệnh cấp trên, anh cán binh CS nhận thấy những hy sinh của mình đã bị phản bội/lừa lọc. Đất nước vẫn nghèo khổ lạc hậu sau khi thống nhất, sau những hy sinh của hàng vạn lớp thanh niên. Ngay cả lãnh tụ tối cao- bác Hồ-cũng thèm khát mơ ước điếu thuốc Salem của đế quốc! Nghèo đến nỗi việc dấu một bao thuốc lá lấy từ xác chết kẻ thù cũng trở thành tội lỗi.
Dù đắm mình trong cảnh máu đổ thịt rơi, anh cán binh vẫn băn khoăn thấy được cái mâu thuẫn của hai hình ảnh: màu đen tàn nhẫn của chiến tranh nước tôi và ánh sáng chan hòa trên cánh đồng quê thanh bình xanh mướt của đất nước kẻ thù bên kia bờ đại dương.
Dù là một chiến binh tàn bạo, tình cảm của trái tim nhân bản vẫn còn thể hiện trong tình yêu thương vợ, chẳng khác gì anh lính Mỹ đã cất dấu ảnh vợ trong vỏ bao thuốc lá để những lúc dừng chân hút dở điếu thuốc trên đường hành quân, vẫn còn có dịp thấy chân dung người vợ yêu dấu ở quê nhà.
Đọc Salem, chúng ta sẽ thấy được sự sa lầy, Sa ngã của chiến tranh Việt Nam, đã phủ chụp, làm Lem lấm cả bao thế hệ thanh niên.
Ôi! Lãnh đạo Sa chân, mấy đời Lem lấm!
Tôi luôn luôn tuân lệnh các lãnh tụ chân chính của nước tôi, ngay cả khi cuộn mình trên đám rễ đa, tay vắt sau gáy, vùng vẫy như đứa trẻ, vì rồi sớm muộn, tuổi thanh niên của tôi cũng sẽ chôn vùi dưới những làn lửa đạn của pháo đài bay B-52. Tôi đã vâng lời các cấp chỉ huy, lao đầu vào chốn non cao rừng rậm, dâng hiến cho họ cả cuộc đời thanh niên của mình. Giờ đây tôi đang ngồi với gói thuốc lá Salem mà tôi vẫn khư khư giữ trong suốt 24 năm qua cùng với một tấm ảnh cắt xén bằng kéo không đều đặn và tôi nhủ thầm: không thèm nghe họ nữa. Tôi tự thì thầm, rồi ngước mắt nhìn xem có ai nghe lóm được không. Chẳng có ai. Chỉ có mỗi một mình tôi. Nhìn qua cửa sổ hướng ra con đường đầy ổ gà, giờ chan hòa ánh sáng, dẫn vào khu rừng rậm. Giờ này thì hòa bình đã đến với đất nước Việt Nam. Nhưng chúng tôi vẫn phải dùng các dụng cụ cày bừa cổ lỗ, dùng trâu để kéo cày dù đất nước đã thống nhất, nhưng vẫn còn rất nghèo nàn và không còn bị chia cắt. Tôi quay mặt đi, không nhìn vào những lùm cây dẫn vào khu rừng cách tôi vài trăm mét vì cảnh này đã quá quen thuộc với tôi, mà nhìn vào những hiện vật đang nằm trên mặt bàn trước mặt.
Sao tên lính Mỹ này lại đặc biệt đi có một mình, và tôi đã giết hắn bằng quả lựu đạn tự tôi làm lấy bằng lon coca cola. Chỉ cần ít thuốc nổ, thêm ngòi nổ, và một cần nắp bật trộn với mớ sắt vụn đổ vào lon coca cola mà tôi đã lấy trộm từ thùng rác của làng. Tôi nằm ẩn mình trên cây, và tôi đã giết hắn. Đáng lý tôi đã cho hắn một phát đạn, nhưng tôi đã chế ra quả lựu đạn này rồi. Tôi thấy hắn từ khu rừng thưa đi ra, chậm bước tiến về phía tôi, vừa đi vừa khua động ồn ào. Hắn có vẻ hoảng sợ vì mất liên lạc với đồng đội và bị lạc. Còn tôi thì dư thời gian, tôi từ từ thả lon lựu đạn trước mặt hắn. Hắn cúi nhìn xuống chân, nhòm vào lon coca tưởng như vớ được món quà từ thượng đế Mỹ của hắn và suy nghĩ không biết có nên lượm lon coca cola này lên để uống giải khát hay không.
Cho đến bây giờ, tôi đã hạ sát khá nhiều người, và chắc là sẽ còn giết thêm nhiều mạng nữa trước khi rời khỏi rừng rậm này. Số phận tên lính này cũng chẳng khác gì. Một tiếng bụp ngắn vang lên, hắn gục xuống , và cũng như mọi lần dù tiếng động có vang lên, sớm muộn gì cũng như nhau, tôi vẫn thấy mình dửng dưng. Hắn sẽ ra đi và tôi sẽ chờ đợi xem có tên Mỹ nào tới nữa không. Tôi nghĩ đúng về hắn. Tôi đã biết hắn bị tách rời khỏi đồng bạn. Hắn cất một bước chân, thêm bước nữa, nhòm quanh quất khu rừng thưa, lẩm bẩm tự nhủ, không, chẳng có ai ở đây cả! Tôi không thể nào tưởng tượng ra những suy tưởng đó trong đầu óc hắn khi mới thoạt nhìn thấy hắn lần đầu. Chỉ mới sáng nay tôi mới nghĩ xa như vậy. Trước đó, tôi nhìn hắn và biết là hắn bị lạc; và sau khi trái lựu đạn tự chế đã giết hắn, tôi kiên nhẫn chờ đợi, thật cẩn thận theo kinh nghiệm đã dạy. Nhưng tôi biết rõ là nhận xét của tôi về anh chàng lính Mỹ này đúng quá. Quả không thấy đồng bọn nào của hắn tới thêm cả!
Rồi tôi tuột xuống khỏi thân cây, bước gần tới xác chết. Tôi nhìn những vết thương, nhưng chẳng mảy may xúc động . Tôi đã chứng kiến quá nhiều thương tích. Mặc dù tôi đã nhận chân được rằng cái thân phận thanh niên của mình bị phản bội vì những làn bom đạn của pháo đài bay B-52, tôi vẫn phải đắm mình trong bể máu, chứng kiến những thân xác máu me tan nát mà chẳng hề mất tinh thần. Tôi đi về phía xác chết, đầy thương tích, máu chảy tràn trề. Tôi lùa tay, lục lọi mọi túi quần, túi áo, hy vọng tìm thấy tài liệu, hay vật gì đó để về báo cáo thượng cấp, nhưng tất cả tôi tìm được chỉ là một gói thuốc lá Salem!
Tôi không ngờ chuyện nực cười như thế lại xảy ra. Này nhé, tôi là một thanh niên đầy nhiệt huyết mà lại thành tức giận và xấu hổ chỉ vì chuyện kiếm được gói thuốc lá này. Quý vị cũng biết là hồi đó, một trong những lạc thú nhất của cha già dân tộc Việt- Hồ Chí Minh-là được hút thuốc lá Salem. Bằng chứng là một thượng úy trong đoàn dân quân đã nhận được một thư ngắn của Bác Hồ cảm ơn ông ta về việc bắt được và gửi biếu Bác một thùng thuốc Salem. Điều này bàn dân thiên hạ ai chả rõ. Nhưng cá nhân tôi, tôi cũng thích thuốc lá Mỹ. rồi chính sở thích này đã được khích lệ bởi tấm gương của cha già dân tộc, nên khi kiếm được gói thuốc từ xác chết này, tôi chỉ nghĩ đến mình giữ để hưởng thụ thôi.
Dường như tôi là một kẻ ích kỷ. Cùng năm đó, Hồ Chí Minh qua đời và chúng tôi phải mất thêm sáu năm chinh chiến, nước tôi mới được thống nhất. Tôi phải vâng lời những người đã mang lại chiến thắng vĩ đại cho đất nước tôi. Họ đòi hỏi chúng tôi những điều làm tôi phải suy nghĩ lưỡng lự, chờ đợi sau bao nhiêu hy sinh cống hiến cho đất nước. Chả là vì lệnh trên truyền xuống chúng ta phải tìm kiếm bất cứ vật dụng nào từ những người lính Mỹ chết trận và đem nộp cho chính quyền để cho chính phủ Mỹ có thể nhận dạng những người Mỹ đã chết, hoặc chưa được xác nhận, để cho hai nước sẽ nhân cơ hội đó mà kết thân. Điều này chẳng khác gì sự tin tưởng cổ lỗ của vợ tôi và mẹ của nàng. Cả hai chung sống với tôi, đều thương yêu tôi. Họ chăm sóc tôi nhưng không thể thay đổi được niềm tin đó, dù tôi đã xả thân vì họ. Họ suy nghĩ theo kiểu Phật giáo. Chúng ta chết và được tái sinh trong một thân xác mới, để nhằm chuộc những tội lỗi trong kiếp trước. Thí dụ những binh sĩ trẻ tuổi Mỹ và Việt cộng khi tái sinh sẽ trở thành những người trung niên, buôn bán giao tiếp với nhau, tỷ như việc chế ra những lon nước soda và thuốc lá.
Phải chăng những suy nghĩ này đã khiến tôi không muốn tuân lệnh cấp trên? Chỉ cần đặt câu hỏi là tôi biết câu trả lời. Trong khu rừng thưa, tôi đút gói Salem vào túi , từ từ lẩn vào trong rừng rậm, rồi đến chiều tôi lấy gói thuốc ra, sóc sóc cho điếu thuốc ra khỏi bao mà đầu óc cứ vơ vẩn đâu đâu trong khi tôi ngồi yên bên lạch nước, hơi cách xa đồng đội. Tôi không muốn chia xẻ với họ những điếu thuốc này, khi tôi mồi thuốc, hít một hơi thì tôi cảm thấy người lâng lâng quên hết sự đời và điều mong ước của tôi đã được thỏa mãn khi được hút điếu thuốc .
Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ được hút điếu thuốc lá mà Bác Hồ rất ưa thích, trong giây lát tôi nghĩ rằng cái cảm giác buốt lạnh trong óc tôi là một chỉ dấu của Bác. Ý nghĩ đó – cái bí ẩn mơ hồ đó – bất ngờ xảy ra và tôi cũng chẳng để ý xem nó từ đâu tới, và Bác Hồ có lẽ cũng bực mình với tôi về chuyện vớ vẩn đó. Mãi sau này tôi mới biết có một chất gọi là bạc hà được tẩm vào một số thuốc lá Mỹ, tôi nhớ lại những ý nghĩ trên bên bờ con lạch và cảm thấy xấu hổ.
Nhưng hồi đó, tôi cứ nghĩ là tinh thần Bác Hồ đã nhập vào tôi, và từ từ rút gói thuốc ra khỏi túi, tôi chăm chú nhìn kỹ hơn: ở giữa hai vạch lớn màu xanh lá cây phần trên và màu xanh nhạt phần cuối gói thuốc là một hàng chữ Mỹ dài ngoằng, mà tôi không hiểu nghĩa, ngoại trừ một chữ lớn SALEM nằm giữa vạch trắng – chữ này thì tôi đã nhận ra được. Phía ngoài còn có một miếng giấy bóng kiếng trong suốt bao quanh gói thuốc, tôi lùa ngón tay cái nhẹ nhàng vào bao kiếng, suýt nữa làm tuột miếng giấy bóng, may quá tôi kịp ngừng tay. Ồ, đây là lớp giấy che cho bao thuốc khỏi bị ẩm ướt. Kế đó, tôi lật ngược bao thuốc, giật thót người lại như bị gai đâm. Từ lòng bàn tay tôi thấy một khuôn mặt tươi cười- khuôn mặt phụ nữ và tôi nín thở để cô ta không nghe được. Do phản xạ, tôi cảm thấy như có thể muốn rút khí giới giết cô ta.
Giờ đây cô gái đang ở trước mặt tôi. Gói Salem nằm giữa mặt bàn gỗ trắc do tôi đóng lấy; tôi đã đập vỡ tủ đựng bát đĩa kiểu Tây trong văn phòng tỉnh lỵ để lấy tấm ván làm mặt bàn. Gói thuốc lá nằm ở giữa bàn, và sau lớp giấy bóng kiếng tấm ảnh đang nhìn vào cái người đi ra từ khu rừng thưa. Chưa bao giờ tôi rút tấm ảnh ra khỏi bao thuốc cũng như chưa bao giờ hút thêm điếu thuốc nào trong gói và tôi biết tôi phải làm gì ngay trước khi đôi bàn tay đã bớt căng thẳng và nhịp tim cũng đập chậm hơn. Tôi không tự hỏi tại sao tôi làm như vậy, chỉ biết là tôi muốn nhìn ảnh cô này một lần nữa- cô có khuôn mặt trái soan, mớ tóc không mầu, nụ cười rộng mở, để lộ nhiều răng- rồi tôi nhét gói thuốc thật sâu vào túi quần, cùng chỗ với tượng Phật hổ phách mà bà xã đã trao cho tôi khi đi hành quân xa.
Tôi mong bà xã sớm trở về nhà. Nhìn xuống con đường mòn qua cửa sổ, tôi hy vọng thấy nàng và mẹ nàng sẽ sóng bước từ lùm cây đi ra, còn nàng sẽ đội lu nước trên đầu, và sự hiện diện bất ngờ đó trên đường mòn sẽ làm đôi tay tôi chùn lại không dám hạ thủ cô gái Mỹ; tôi đã sai lầm khi nói mái tóc của người phụ nữ Mỹ không có màu gì, có lẽ đó là lúc ánh mặt trời chiếu xuống làm thay đổi màu tóc chăng?
Ước gì tôi hồi tưởng lại được những tháng ngày tôi còn là một chiến sĩ bảo vệ tự do. Lúc đó, làm gì thì tôi cũng quyết định rất nhanh, như giết người hay chạy trốn, hoặc co người nằm trên cây hay quậy phá, hoặc lục soát lấy đồ trong túi của kẻ địch đã chết. Tôi cũng có thể có ý định kỳ cục là cất bao thuốc lá này vào túi quần, bí mật dấu nó đi cả hàng chục năm trời. Giờ thì tôi cứ ngồi, ngồi lì tại chỗ, không quyết định được gì. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã phản bội lại những điều họ đã hoàn toàn tin tưởng và chiến đấu vì nó và họ sẽ biến chúng tôi thành những kẻ bại trận như người Nhật. Dù suy nghĩ như thế, tôi vẫn không có được phản xạ nào, tay tôi cứng ngắc, bất động trên mặt bàn trước nụ cười của cô gái Mỹ.
Tuy nhiên tôi không thể hành động hấp tấp được. Đó là cách cư xử của một chàng trai 21 tuổi. Mà tôi cũng chẳng phải một đứa trẻ nữa. Vì ngay cả đứa trẻ cũng biết là nên dấu vật này, không nên đụng tới nó.
Tại sao vậy ? Tôi nghiêng người, đợi chờ và quan sát như đang ẩn náu trong một tàng cây, nhìn vào khu rừng rậm từ một khoảng trống. Trông này, đây là một tấm ảnh có ba chiều được cắt gọn gàng, đầu ảnh, cuối ảnh và kéo xuống mé trái, nhưng chiều bên mặt hơi bị méo… Nhưng thực ra, người cắt xén tấm ảnh là chủ gói thuốc, anh ta rất cẩn trọng không muốn xén đi chút gì trong tấm ảnh người đàn bà anh rất thương yêu. Anh cắt tỉa tấm hình để vừa khít giấy bóng kính của gói thuốc, và tôi hiểu liền là anh lồng tấm ảnh vào trong bao thuốc để mỗi khi đơn vị dừng lại nghỉ chân cho bớt mồ hôi, lo sợ bên lạch nước trong rừng, anh sẽ lôi gói thuốc ra hút và nàng sẽ sẵn sàng ở đó mỉm cười với anh.
Đây phải chăng là một điều đáng ngạc nhiên? Một hành vi đầy cảm tính của một anh lính Hoa Kỳ, vượt đại dương qua đây thi hành công tác cho đế quốc của mình? Có lẽ đó là lý do tại sao tôi giữ lại gói thuốc lá. Hành động của anh chiến binh này làm tôi bối rối. Ngay cả bà xã tôi cũng có thể hành động tương tự. Chúng tôi vẫn còn một tủ thờ tổ tiên trong nhà. Một bàn thờ nhỏ được đặt sẵn với bát hương, chai rượu từ nhiều năm qua và chưa kể đến lá sớ ghi tên tuổi những người đã khuất từ tam, tứ đại. Vợ tôi tin tưởng rằng hương hồn những người đã chết cần được nghe kinh kệ của những người còn sống, nếu không hương hồn họ chẳng bao giờ được bình an. Tôi nói với nhà tôi là ngày nay người ta đã rũ bỏ những tật cổ hủ của quá khứ, suy nghĩ như vậy không được đúng lắm. Nàng quay mặt đi chỗ khác và tôi biết là đã làm phật ý nàng. Bàn thờ trong nhà và những lời cầu nguyện không phù hợp với tín điều Phật giáo của nàng, vì đó là những tín điều theo đạo Khổng của người Tàu mà họ đã đè nén chúng tôi qua nhiều thế kỷ. Nàng chẳng thèm nghe tôi. Đây là một chuyện không liên hệ gì đến tôn giáo và chính trị. Đây chẳng qua chỉ là tính yếu kém, niềm sợ hãi về một cuộc sống ở bên ngoài cuộc sống mà chúng ta có thể nhìn thấy, sờ thấy; chính những điều này đã khiến cho chính quyền đàn áp và tạo ra những tội lỗi nặng nề mà chúng tôi đã giúp chống lại.
Khi tôi nhìn kỹ hơn vào những vật dụng này và suy nghĩ sáng suốt hơn, tôi nhận thấy tôi đã chẳng nên ngạc nhiên vì hành động mẫn cảm của anh lính Mỹ này. Tôi bối rối suy nghĩ. Vợ hắn còn sống. Đây là bức ảnh của một người sống, chứ không phải di ảnh của tổ tiên đã chết. Và hắn đã bộc lộ tình cảm quá độ khi mong muốn thấy mặt vợ mình trong rừng rậm mỗi khi dừng lại hút thuốc. Chính quyền của hắn đã nhồi nhét những ý tưởng này vào đầu óc hắn- cái quyền uy của chính phủ in dấu vào hắn – và tôi nhìn qua khuôn mặt tươi cười của người đàn bà, tôi thoáng thấy một giải sáng màu xanh ve gần đó, nhưng rồi mặt đất bỗng trở thành tối đen. Tôi cúi xuống nhìn, cố gắng nhìn, bỗng mầu đen của đất đã trở thành mảnh đất phì nhiêu để trồng trọt có luống hẳn hoi. Tôi chợt thấy gia đình hắn là một gia đình nông dân, vợ hắn đang mỉm cười với hắn. Màu tóc nàng là màu của mặt trời đang phủ trên đám nông dân trong buổi sáng mờ sương và chắc hắn phải rất vui mừng thấy màu tóc đó, giống như màu tóc đen mượt của vợ tôi chải xuống. Tôi cảm thấy mùi đất ngọt ngào, đầy hương vị được trồng trọt bất cứ loại ngũ cốc gì mà người Mỹ có thể ăn được, tôi nghĩ là lúa mì thay vì gạo và có lẽ cả bắp nữa. Tôi cảm thấy hơi khó thở, tôi để bàn tay trên bao thuốc lá, che lấp mặt người thiếu phụ và tôi nghĩ điều cần phải làm đúng là đem nộp món này cho chính quyền. Tôi không cần đến những vật này đâu. Suy nghĩ như vậy là tôi đã cố tự dối lòng mình; tôi rụt tay về nhưng tôi không dám chăm chú nhìn vào bộ mặt người vợ anh lính Mỹ mà tôi đã hạ sát. Dựa lưng vào ghế, tôi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, chờ đợi.
Có lẽ tôi đang chờ đợi vợ tôi: khi nàng đi vào con đường dẫn tới khu rừng rậm là tôi thấy cần phải đem những vật này đi cho khuất mắt để khỏi suy nghĩ lao lung. Nàng tới thì tôi không còn sự lựa chọn nào khác hơn là đem nộp chúng cho nhà cầm quyền ở Đà Nẵng, nơi tôi vẫn phải đến báo cáo về giáo vụ của xã bốn lần mỗi năm. Dù bầu trời có mây vần vũ và có con chuồn chuồn lượn lờ nơi cửa sổ, và nàng xuất hiện đúng lúc thì việc mang nộp hiện vật phải được làm ngay, bởi tôi chưa hề kể cho nàng nghe những sự việc xảy ra trong rừng; và vốn là người tốt, vợ tôi không bao giờ căn vặn và tôi cũng đã cố ý không cho nàng xem những vật này…Nhưng bà xã tôi đã không xuất hiện. Tôi đã không chờ đợi nàng. Tôi đang nghĩ tới một chuyện khác.
Tôi nhìn lại lần nữa nét mặt người con gái trong ảnh. Xác của chồng cô ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Tôi vứt cái xác trong rừng, xa nơi đồng đội của nó, và tôi cũng chẳng hề lưu tâm gì tới nó mặc dù tôi đã cất cả gói thuốc lá vào một chỗ kín đáo cho chắc ăn. Có lẽ vợ hắn cũng đã viết tên hắn trên bàn thờ tại nhà, cũng đốt nhang và khấn vái cho linh hồn hắn. Dù sao cô ta cũng chỉ là vợ một nông dân. Có lẽ cô ta cũng có vài điều tin tưởng tương tự như bà xã của tôi. Có điều là cô ta không biết ông chồng còn sống hay đã chết. Trong cảnh huống này thật khó mà cầu nguyện.
Quý vị cho tôi là giàu tình cảm như chú lính Mỹ chăng? Không đúng như vậy đâu! Tôi có thể làm chủ những ý nghĩ của tôi. Này nhé, tôi biết có một số chi tiết nằm trong bao thuốc lá. Ngồi bên bờ con lạch, tôi biết thêm nhiều chi tiết khác. Hiện tại, tôi vẫn còn suy nghĩ và hiểu thấu nhiều hơn nữa. Khi tôi sóc gói thuốc cho những điếu thuốc lăn vào lòng bàn tay, điếu đầu tiên chỉ còn một nửa, đã hút dở, dụi hết bụi khói và được cất đi, lúc đó tôi cảm thấy anh chàng lính này là một người nghèo, chẳng khác gì tôi. Anh không dám hút hết điếu thuốc mà cũng chẳng muốn vứt đi nửa còn lại. Anh ta để dành nó. Có rất nhiều nửa điếu thuốc lá do lính Mỹ vứt tùm lum trong rừng ở Việt Nam-đó là một trong những dấu tích của họ. Binh sĩ Mỹ luôn luôn có thuốc lá, muốn bao nhiêu cũng có. Anh chàng này lại có thói quen tằn tiện. Hiểu tính tình hắn rồi tôi có thể ngồi suy nghĩ và tôi cũng lưỡng lự không muốn mang nộp chứng tích này cho chính quyền mà không nghĩ rằng mình là một kẻ giàu tình cảm. Dù sao đây cũng là một người tôi đã giết. Không cần suy tính thiệt hơn, không ràng buộc, dù kì cục, nếu ta gọi đó là xúc cảm vì tôi đã giết hắn.
Hiện vật có thể rất quan trọng. Chúng tôi có lá cờ, màu đỏ tượng trưng cho cách mạng, ngôi sao vàng tượng trưng cho sự thống nhất đất nước. Chúng tôi còn có bộ mặt của cha già dân tộc- Hồ Chí Minh- với chòm râu dễ thương và đôi mắt cương quyết. Và chính Bác thích hút những điếu thuốc này. Tôi lật ngược gói Salem và thấy cần phải tìm hiểu thêm. Chính hai màu sắc phần trên và dưới gói thuốc là màu tôi đã thấy ở biển Nam Hải khi trời quang và nước êm không gợn sóng. Rồi mặt biển bị tách làm hai, ở giữa khoảng trắng và cái chữ Salem này, là đường phân ranh mỏng manh giữa sự dốt nát và khôn ngoan.Tôi hiểu ngay là có một khoảng trống bí mật đã phân tách chữ Salem thành hai phần, “SA” và “LEM”. Chữ sa có nghĩa là rơi/ngã, còn chữ lem có nghĩa là mờ nhạt/lem luốc. Chuyện sa ngã này có thể xảy ra cho bất cứ ai: như tôi đã đem SaLem đến cho anh chiến binh Mỹ này vào buổi sáng hôm đó, khi hắn nhìn vào mặt vợ trong khi hút thuốc, tiếp tục tiến bước, cẩn thận gạt tàn thuốc rồi, để dành một nửa điếu. Tôi đoán nhà hắn ruộng đất chắc cũng nghèo, nhưng hắn rất thương yêu vợ, hắn bị chính phủ gửi đi trận mạc xa quê hương, cũng như tôi bị chính phủ bắt ngồi trên cây quan sát hắn đang sợ sệt di chuyển ở phía dưới. Chính tôi đã khiến cho hắn bị SA (ngã) và LEM( lem luốc.)
Tôi lật đi lật lại gói thuốc lá, nắm giữ nó trong bàn tay và nhẹ nhàng rút tấm hình ra khỏi lớp giấy bóng kiếng. Cô gái như tươi cười trước mặt tôi, chờ xem có lời nói nào không. Tôi lật tấm ảnh lại, phía sau cũng không có chữ nào. Không tên họ và cũng không ghi chú gì. Tôi không có gì ngoài gói thuốc lá và bộ mặt không tên tuổi, mà dù có chăng nữa cũng chẳng hữu ích gì. Tôi nghĩ tôi là kẻ ương gàn, đang suy tính xem có nên cất giữ món đồ này hay mang nộp phắt cho xong nợ. Rồi tôi không thèm suy nghĩ tiếp nữa, tôi để bàn tay tự do di chuyển, tôi lắc bao thuốc lấy nửa điếu sót lại, đưa lên môi và bật que diêm, mồi vào thuốc, rồi hít khói vào. Hơi thuốc làm tôi buốt lạnh. Tôi không tin ma quỷ. Nhưng tôi biết ngay là vợ hắn cũng đi đến một chỗ nào đó và cô ta sẽ lục soát mọi tấm hình và rồi cuối cùng, cô ta cũng nhìn thấy hình ảnh chính mình, và sẽ biết cần phải làm gì. Còn tôi, tôi sẽ vẫn cất giữ gói thuốc. Tôi sẽ phì phào một điếu khác vào một ngày nào đó, khi nào tôi muốn hút.
TLK & TNP dịch
Trích trong A Good Scent From a Strange Mountain , do Grove Press ấn hành năm 2001. Ân bản nguyên thủy- được giải Pulitzer Prize (1992) do TNP dịch & và Tuần Báo Người Việt Tây Bắc xuất bản 1995, không có chuyện này.