(NV) Bước vào năm học mới khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, nhiều phụ huynh cảm thấy chuyện học online của con không quá kinh khủng như trước, vì có thể mọi thứ đã được ổn định tốt hơn. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em, nhất là đối với các em tuổi còn nhỏ.
“Để ý các cháu nhà tôi học online từ lúc dịch bệnh bùng phát, tôi thấy thời gian đầu, bản thân thầy cô giáo chưa có kinh nghiệm, nên lúng túng, làm chiếu lệ. Còn vô niên học mới, nhà trường chuẩn bị chu đáo hơn nhiều,” ông Chánh Lê, cư dân thành phố Westminster, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
Ông Chánh Lê có ba cháu nội và ba cháu ngoại. Ba cháu ngoại sống chung với ông bà là Aaron Vũ, học sinh lớp Chín, Ayden Vũ, học sinh lớp Hai, và Jolene Vũ, học sinh lớp Một. Ba mẹ của các cháu đều phải đi làm suốt ngày. Nhưng vì được ở với ông bà, nên các cháu rất vui.
Các trường thuộc học khu Westminster khai giảng đồng loạt vào Thứ Tư, 2 Tháng Chín, nhưng từ mấy tuần trước, nhà trường đã mời phụ huynh đến nhận laptop, sách vở và đồ dùng học tập cho các cháu.
“Nếu như trước đây, mỗi tuần các cháu chỉ được gặp cô giáo và các bạn qua Zoom một lần vào Thứ Sáu, thì nay, theo thời khóa biểu, giờ học của các cháu trên online nhiều hơn.” Ông Chánh kể tiếp.
“Cô giáo có nhiều thời gian chuyện trò với học sinh nhiều hơn, và cách giao tiếp cũng dễ dàng hơn cho các cháu. Ví dụ Ayden và Jolene nhà tôi được phát mỗi cháu ba cây que, mang ý nghĩa khác nhau: Que có hình mặt đăm chiêu có nghĩa là ‘chưa hiểu bài,’ hoặc ‘có thắc mắc’; que có mặt nhăn nhó là ‘không hiểu bài,’ và que mặt cười là ‘hiểu bài.’ Các cháu chỉ cần giơ que lên là cô giáo biết, chứ không cần nói, sẽ rất ồn ào trong Zoom.”
Kể từ khi dịch bệnh, “ông ngoại Chánh Lê” không phải đưa đón các cháu mỗi ngày, nhưng việc chăm sóc khi các cháu ở nhà còn cực hơn nhiều.
Ông kể: “Ở tuổi teenager như Aaron, các cháu thích tự do, không muốn ai vào phòng. Với Aaron, tôi phải giải thích: ông vào không phải là ông làm phiền con, mà là ông giúp con. Mình phải tìm cách nói chuyện với các cháu, chứ không áp đặt theo kiểu Việt Nam được.”
Ông Chánh cho biết thêm, học kỳ trước khi có dịch, Ayden chỉ học ở mức trung bình. Nhưng nhờ học online khi có dịch bệnh, môn Toán của Aaron khá hơn. Nói đúng ra, là do ở nhà với ông ngoại, nên khi không hiểu, Aaron… cầu cứu ông, và được ông giúp.
Ông Chánh là kiến trúc sư từ trước năm 1975. Tuy có sẵn kiến thức về các môn khoa học tự nhiên, nhưng như ông nói, cách người Mỹ dạy Toán không giống Việt Nam, nên rất khó kèm.
“Muốn kèm được cháu, tôi phải vô YouTube tìm hiểu cách giảng bài thế nào, gặp chữ tiếng Anh không biết là phải tra tự điển. Sau đó giảng lại cho cháu,” ông Chánh nói.
Đối với hai cháu lớp Hai và lớp Một, ông ngoại có vẻ “nhàn” hơn.
“Các cháu rất thích học. Chỉ cần khuyến khích, rồi thỉnh thoảng ‘dụ khị’ kiểu ‘con làm xong bài tập, ông ngoại cho cái này, cái kia,’ thứ mà cháu thích, thế là các cháu rất hăng say làm bài.”
Ông Chánh kể: “Nhưng cũng phải dành thời gian ngồi nói chuyện, cái gì cháu không hiểu phải ngồi giảng cho cháu đến khi tường tận thì thôi. Với cách này, các cháu học nhanh lắm, vì giống như một kèm một vậy.”
Ông Chánh cho rằng các cháu bé sẽ bị thiệt thòi, nếu không được ở gần ông bà, hoặc cha mẹ phải đi làm suốt ngày. “Tôi đặc biệt lo cho các cháu nhỏ mới từ ngoại quốc sang Mỹ định cư, tiếng Anh chưa quen sẽ gặp khó khăn khi học online. Thường phải mất khoảng 6 tháng các cháu mới bắt đầu quen với môi trường mới và giọng của thầy cô giáo người bản xứ. Tôi nghe nói sắp tới các cháu này khi học sẽ có thông ngôn viên để dịch tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Việt qua tiếng Anh và ngược lại. Nhưng làm như thế các cháu sẽ càng khó giỏi tiếng Anh.”
Học ở nhà thích hơn đến trường
Vì đều học trong các trường thuộc Học Khu Rosemead, nên cả năm cháu đều được khai giảng từ ngày 13 Tháng Tám.
Ông Chấn kể, trước ngày khai giảng, trường gửi thư về nhà mời phụ huynh đến nhận cho mỗi em một bộ gồm laptop, sách vở, dụng cụ học tập, và các hướng dẫn để học và làm bài tại nhà.
Từ ngày “đi học ở nhà,” các con của ông Chấn vẫn phải thức dậy sớm. Ăn sáng xong, cả năm cháu đều “lên máy” vào lúc đúng 8 giờ sáng, vì đó là giờ các trường ở Rosemead quy định cho tất cả học sinh trong học khu. Thời gian học kết thúc vào lúc 1 giờ trưa.
“Mỗi học sinh được cấp ID để vào lớp online. Mỗi ngày cô giáo đều điểm danh giống như khi tới trường,” ông Chấn kể với nhật báo Người Việt.
“Cứ học xong một môn 2 tiếng, các cháu được nghỉ giải lao 15 phút. Trong giờ học, cháu nào cũng đeo headphone để nghe cô giáo nói, và nếu chưa hiểu bài, hay muốn gì thì cứ nói.”
Ông Chấn Từ là một nhà khoa học nghiên cứu về năng lượng sạch, sang Mỹ định cư từ khi còn rất trẻ, việc thay thầy cô giáo dạy con, đối với ông, không có gì là khó khăn.
“Vậy, các cháu có vui không, khi phải học online và ở nhà nhiều hơn?,” chúng tôi hỏi.
Ông Chấn cười đáp: “Hiện nay các cháu nhà tôi thích học ở nhà, vì chúng không bị bó buộc gì cả. Mẹ các cháu để sẵn thức ăn trên bàn, lâu lâu đói bụng hay khát nước là chạy ra ăn thôi.”
Ông Chấn cho biết, ngoài laptop trường cấp, ông còn sắm cho các con, mỗi cháu một chiếc iPad để… chơi game. “Tất nhiên chỉ sau giờ học, tức từ 2 giờ chiều trở đi, sau khi các cháu làm xong home-work, thì mới được chơi iPad. Đến khoảng 5-6 giờ chiều, tôi lôi các con ra sân để tập thể dục và chơi vũ cầu. Coi như đây là thời gian tập luyện thể thao, giống như ở trường vậy.”
Theo ông Chấn, nếu cha mẹ biết cách chăm sóc cho các bé phát triển, thì việc các cháu phải “ở nhà” không bị ảnh hưởng gì trong mùa dịch bệnh. “Chờ có vaccine, hoặc khi trường mở cửa trở lại một cách an toàn, cho các cháu đi đến trường, cũng không sao.”
Chấp nhận “sống chung với dịch”
Cháu Hartley Trần, 18 tuổi, con trai chị Hằng Nguyễn ở thành phố Costa Mesa, cũng bắt đầu học online từ cuối Tháng Tám. Nói chuyện với nhật báo Người Việt, chị Hằng tỏ vẻ lo lắng cho chuyện học của con.
Chị cho biết, niên học đầu tiên thời đại dịch, trường chia ra lớp học ngày chẵn, lớp học ngày lẻ; mỗi môn học chỉ còn 45 phút thay vì 90 phút như trước. “Với thời khóa biểu này, tôi không biết thầy cô có đủ thời gian đề giảng dạy kiến thức cho các em hay không,” chị Hằng băn khoăn.
Tại trường của Hartley, các môn thể thao cũng bắt đầu trở lại, nhưng chỉ được tập ngoài trời chứ không được vào sân vận động bên trong.
“Cháu Hartley nhà tôi không buồn khi ít được gặp bạn bè, vì suốt mùa Hè qua, cháu và chị cháu đều tập tennis thường xuyên cùng với các bạn, mỗi tuần ba buổi, nên coi như có giao tiếp với các bạn rồi. Tôi biết nhiều em khác chỉ ở nhà, không được gặp bạn, các em sẽ rất buồn chán,” chị Hằng nói.
Thực tế, nhiều học sinh chỉ mong trở lại trường để được gặp thầy cô và bạn bè.
Ông Chánh Lê cho biết: “Vừa qua, các trường ở Học Khu Westminster gửi khảo sát cho phụ huynh, đưa ra các lựa chọn, như học một buổi ở trường, một buổi online; lớp này học xong về nhà học online, lớp kia học online ở nhà xong vô trường học tiếp. Hoặc học cách ngày, hôm ở trường, hôm ở nhà. Làm vậy để giãn túc số. Họ cho rằng nếu mở trường như trước, học trò đến đông, không thể giãn cách được.”
“Nhưng nếu trường cho mở cửa, ông bà, cha mẹ ba mẹ có dám đưa con đến trường không?” Trả lời câu hỏi này của phóng viên, ông Chánh nói: “Vì các cháu nhỏ chưa ý thức trong việc phòng ngừa bệnh tật như người lớn, nên ba mẹ các cháu nói dù trường mở lại, cũng không dám cho các cháu đến trường.”
Ngược với quan điểm của ông Chánh, chị Hằng cho biết, chị không ngại cho con đến trường.
Theo chị Hằng, hiện nay Học Khu Newport Mesa cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn 2, khi học sinh được phép trở lại trường. Khi đó, một nửa lớp học buổi sáng, một nửa học buổi chiều, để lớp học chỉ còn nửa túc số.
“Hồi Hè, con trai tôi có tham dự một khóa nghiên cứu của UCI. Khi về, cháu ‘phán’ ngay một câu: ‘Không có thuốc ngừa COVID-19 hoàn toàn đâu nhé, vì virus luôn biến thể.’ Vì thế, tôi không sợ cho con đến trường, vì nghĩ mình phải ‘sống chung với lũ’ thôi. Nếu trường đóng cửa mãi thế này, bọn trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, không chỉ hiện tại mà còn tương lai về lâu về dài.”
Chị Hằng còn lo cho các cháu lớp nhỏ: “Học sinh trung học, hoặc sinh viên đại học còn đỡ, chứ đối với các cháu nhỏ, việc tiếp thu kiến thức sẽ bị hạn chế, gây khó khăn cho sự học của các cháu sau này.”
Xem ra, chuyện học hành của các em, các cháu, ngay cả học online, hay được đến lớp khi trường học mở cửa trở lại, dù có vui, có buồn, nhưng vẫn còn lắm mối ngổn ngang, chưa thể an tâm, nhất là ngay lúc này, không ai có thể trả lời câu hỏi: đến khi nào dịch bệnh COVID-19 mới được đẩy lùi.