GARDEN GROVE, California (NV) – Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, anh lính Sư Đoàn 21 Bộ Binh Huỳnh Anh Kiệt tìm đường từ Long Xuyên về Sài Gòn khi lương thực không có, tiền cũng không còn một xu trong túi, lại phải len lỏi để không bị Cộng Sản bắt.
Ông Kiệt kể, sau 20 ngày đi như vậy ông mới về tới Thủ Đức. Cha ông, một người lo về quân lương trong quân đội ở Ban Mê Thuột, vài tháng sau về tới nhà thì qua đời. Sống trong chế độ Cộng Sản tối tăm, không chịu nổi, ông tìm đường ra đi. https://ed042f799b281b6863648e6ba1724427.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-37/html/container.html
Vượt biên đường bộ, mất bốn năm để được bến bờ tự do
Tháng Tư, 1979, ông Kiệt vượt biên, bắt đầu từ Sài Gòn xuống Phú Lâm, mất hai cây vàng để theo chuyến ghe của con buôn đi Châu Đốc, từ đó qua Nam Vang, nằm tại đó sau hai ngày bể ổ, bị Cộng Sản Miên bắt nên chuyến đi từ Nam Vang dự tính vượt biên qua Thái Lan không thành,.
Ông Kiệt cho hay tình trạng lúc đó thật là hỗn mang, trên đất Miên ngược xuôi nào là người Việt vượt biên, người Miên chạy tị nạn, mọi người đều đói rách, lẫn lộn trong đó là người đi buôn, dân thường, có cả binh lính Việt Cộng đào ngũ, và có nhiều người dân làm tiền bằng cách dẫn đường đưa người vượt biên vào đất Thái Lan. Và ông cho biết vượt biên bằng đường bộ quá nhiều nguy hiểm, đau khổ hơn đi bằng đường biển gấp trăm lần, khi giới nữ bị lính Miên hãm hiếp triền miên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì không biết chuyện xấu sẽ xảy ra vào lúc nào!
“Xui cho tôi khi bị bắt nhốt tại quân lao Nam Vang phải bị còng chân chung với những quan chức của chính quyền Sihanouk bị phe Lon Nol bắt giữ. Sau đó bị giải giao đưa về Việt Nam, lợi dụng lúc không bị còng, giữa đường tôi nhảy xuống xe trốn thoát, từ đó tìm đường rừng chạy ngược về Nam Vang,” ông Kiệt nhớ lại.
Từ Nam Vang ông Kiệt theo xe chở gạo chạy về Pursat, khi trả tiền cho người tài xế xe chở gạo, ông được cho ngồi trong xe, núp sau ba phi dầu máy, có nhiều người ngồi bên trên gạo còn mấy tên Việt Cộng ngồi quá giang trên mui xe.
“Trên đường từ Pursat đi Battambang, không ngờ bị tai nạn lật xe, có nhiều người chết và bị thương, khi tôi chui ra khỏi xe, bị thương máu chảy lênh láng, được ông xe ôm người Miên gốc Việt chở về nhà ông ta ở Battambang, cho miếng vải trắng để tôi thấm máu viết vài chữ mật khẩu đưa cho ông ấy mang về tận nhà mẹ tôi ở Thủ Đức, lấy thêm hai cây vàng là tiền công để ông đưa tôi đi tiếp qua biên giới Thái-Miên.
“Vì bị mất máu quá nhiều nên tôi bất tĩnh phải nằm lại nhà ông ta, nhờ vợ ông chăm sóc khoảng tuần sau lành vết thương cũng vừa lúc ông trở về đưa tôi qua biên giới. Trong đêm tối, ông ấy chỉ tôi đi qua hết cánh rừng thì tới đất Thái Lan. Xui cho tôi đang trên đường gần tới đất Thái thì bị lính Pol Pot của Khmer Đỏ bắt lại, nhốt tại nhà giam khoảng chín tháng, đợi gom đủ người giao cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế để lấy gạo và tiền,” ông kể.
Ông Kiệt kể thêm sau khi được Hồng Thập Tự chở về trại tị nạn NW9 nằm trên đất Miên, cách biên giới Thái Lan bằng một giao thông hào thật sâu để chống chiến xa, nằm tại đó gần hai năm để chờ điều tra lý lịch, phân loại để được cho vào danh sách đi định cư. Trong trại có đủ thành phần người tị nạn gồm người Việt, người Hoa vượt biên, đặc biệt có cả lính Việt Cộng đào ngũ sau khi xét hồ sơ, sau đó được bảo lãnh cho định cư nhiều nhất ở tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.
Ông được đưa qua trại Phanat Nikhom khoảng bảy tháng, có nhân viên tòa đại sứ Mỹ vào phỏng vấn, ở đó ông may mắn được bà Mai Trần, vợ của một nhân viên tòa đại sứ Mỹ, chuyên phụ trách hồ sơ người tị nạn, thu nhận vào phụ giúp trong nhiệm vụ phân loại hồ sơ lý lịch người được phỏng vấn. Sau đó ông lại được chuyển qua Bangkok để chờ ngày đi Mỹ.
Rồi ông được chuyển qua Philippines, ở trại 6 Bataan để khám sức khỏe, học tiếng Anh, được đưa qua ban lương thực của trại, đến bốn tháng sau mới chính thức đặt chân lên đất Mỹ.
Cuộc chiến đấu nơi hải ngoại vẫn luôn tiếp diễn
Ngồi tại nhà ở Garden Grove nhớ lại chuyện vượt biên tìm tự do đã gần nửa thế kỷ, ông Kiệt cho hay: “Trải qua bốn năm đời tị nạn, từ khi bước chân vào đất Miên năm 1979, để rồi trôi nổi qua các trại quân lao, trại tị nạn trên đất Miên, Thái, rồi Philippines, thì năm 1983 tôi mới được định cư tại tiểu bang Virginia. Đằng đẵng bốn năm trời lăn lóc, phần nhớ mẹ già, phần lo nghĩ về quê hương trong khi mình bị bó tay bó chân một chỗ, mà tuổi đời ngày càng chồng chất!”
Định cư tại Virginia thì sau vài tháng ông nhận đủ thứ việc làm cho cuộc sống mới, để bảo lãnh mẹ già và hai cô em gái.
“Tôi may mắn gặp vị bác sĩ thú y người Đức có thành lập mấy trang trại Green House, trồng đủ các loại rau củ. Tôi được huấn luyện chuyên pha các loại phân bón, và được học kỹ thuật chăm sóc tưới cây. Tôi làm việc ở đó suốt tuần, kể cả đi qua Canada để làm nhiều Green House nữa,” ông kể.
Sau đó ông Kiệt may mắn xin được vào công ty luật sư Miller & Chevalier (Law Firm), và nghĩ rằng công việc này có vẻ thích hợp với môi trường trong tương lai hơn, với công việc đến tòa án thu thập và giao hồ sơ cho các thân chủ tại các công ty, tiếp xúc với cả những bộ của chính phủ, hoặc theo luật sư đến tòa để truy tìm hồ sơ vụ án.
Tại đây may mắn lại đến khi ông Kiệt tìm được việc làm khá hơn trong công ty Gourmet Giant Food, mục đích cũng để kiếm tiền nhiều hơn để yểm trợ đấu tranh trong nước, khi cũng muốn trở về nước để tiếp tục chiến đấu, và cũng để có tiền để bảo lãnh cho mẹ và các em còn ở lại quê nhà.
Những sinh hoạt đấu tranh tại hải ngoại
Sau khi bảo lãnh gia đình sang Mỹ, đến cuối năm 1999, khi ông Kiệt từ Houston, Texas, qua California thăm mẹ và gia đình thì gặp vụ Trần Trường. Thế là cùng với những người Việt tị nạn Cộng Sản, phải mất 55 ngày đêm chiến đấu biểu tình chống Trần Trường treo cờ đỏ và treo hình Hồ Chí Minh trong tiệm của ông ta ở khu Bolsa, vụ này mới chấm dứt. Lúc đó ông Kiệt là trưởng nhóm trật tự 20 người.
“Đó là vụ biểu tình của người Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ, với hàng chục ngàn người chiến đấu chống Cộng Sản tại khu Little Saigon, để chứng tỏ khí thế quyết tâm chống Cộng Sản và tay sai tại thủ đô người Việt tị nạn ở Orange County,” ông nói.
Hiện nay ông Kiệt vẫn tham gia những cuộc biểu tình tại Little Saigon để yểm trợ các phong trào đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, trong các cuộc biểu tình chống những tên Việt gian tuyên bố bắt tay làm ăn với Việt Cộng, đánh vào những đầu não có dính líu với Việt Cộng tại Orange County.
Một ngày lính trận, một đời chiến đấu
Hồi tưởng lại chuyện cũ, ông nói: “Nhân đây tôi cũng xin hướng lòng về mẹ Việt Nam, trong đó có mẹ tôi, người đã thay mặt chồng quán xuyến gia đình, nuôi dạy con từ lúc ấu thơ với chí khí rạng ngời của Bà Trưng Bà Triệu. Mẹ tôi đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và đã truyền cho tôi ý chí chiến đấu cho quê hương đất nước cho đến tận hôm nay.”
Khi kể về chuyện đời mình, lòng nhiệt huyết đấu tranh của người chiến sĩ Anhkiet Huynh (tên khi ông lấy quốc tịch Mỹ) vẫn tràn đầy khí thế như bài hát “Xuất Quân” của nhạc sĩ Phạm Duy mỗi khi đi quân hành ở thao trường năm xưa vẫn còn nhớ rõ: “Ngày bao hùng binh tiến lên/ Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến/ Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành/ Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành/ Đi là đi chiến đấu/ Đi là đi chiến thắng/ Đi là mang mối thù thiên thu/ Đi là đi chiến đấu/ Đi là đi chiến thắng/ Bước lên đây người Việt Nam…”
“Tôi tin chắc ngày chiến thắng không còn xa, thời thế bây giờ đã thay đổi nhiều khi các thế hệ con cháu trong nước và hải ngoại đã hiểu rõ Cộng Sản. Rồi đây chúng ta sẽ gặp lại nhau trên quê hương ngày rợp bóng cờ vàng để cùng nhau xây dựng lại đất nước thanh bình, tự do phú cường, tiến lên sánh vai với bốn biển năm châu,” ông Kiệt tự tin nói.
Trọn cuộc đời mình, ông Anhkiet Huynh, người chiến sĩ luôn chiến đấu chống Cộng Sản và Việt gian, luôn ghi nhớ một ngày chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa là một đời chiến đấu cho tổ quốc Việt mến yêu. (Văn Lan)