Sự phục hồi toàn cầu đã được hỗ trợ bởi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu, trong khi lợi nhuận lại thuộc về các nhà sản xuất Trung Quốc một cách không tương xứng. Trung Quốc tiếp tục là gánh nặng với kinh tế thế giới. Chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục kéo dài, và với Mỹ và Châu Âu, “thoát Trung” dường như là giải pháp duy nhất.
Sản xuất của Trung Quốc đã tăng trong thời kỳ phục hồi, nhưng tiêu thụ thì không. Các kết quả mới nhất của người tiêu dùng và nhà sản xuất từ các nền kinh tế lớn trên thế giới – Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ – cho thấy rằng sự phục hồi toàn cầu từ dịch viêm phổi Vũ Hán đang dần mất đà.
Tuy nhiên, mỗi nền kinh tế đang chậm lại theo những cách khác nhau, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng hiện có và làm gia tăng chiến tranh thương mại.
Ban đầu, dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công cả ba nền kinh tế với lực lượng tương đương: chi tiêu bán lẻ và sản xuất công nghiệp ở cả ba khu vực kinh tế lớn của thế giới đều giảm khoảng 20% đến 30% so với mức cao điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, lộ trình của sự phục hồi đã khác nhau rõ rệt.
Ở châu Âu và Mỹ, các chính phủ ưu tiên trao tiền trực tiếp cho người tiêu dùng, bằng cách trả tiền cho các doanh nghiệp để giữ người lao động trong biên chế, cung cấp các khoản trợ cấp thất nghiệp. Điều này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc đưa chi tiêu trở lại đúng hướng, với chi tiêu bán lẻ cho hàng hóa (không bao gồm thực phẩm và nhiên liệu) ở cả hai nền kinh tế đều vượt qua mức trước dịch virus vào tháng 6/2020.
Đình trệ và mất cân bằng bởi ‘gánh nặng’ từ Trung Quốc
Kinh tế Mỹ và Châu Âu suy giảm và phục hồi tương tự nhau. Cả 2 đều có mức tiêu dùng phục hồi nhanh hơn sản xuất.
Điều đó dẫn đến thâm hụt thương mại ngành sản xuất của Mỹ tăng mạnh do nhập khẩu phục hồi nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu. Tính đến tháng 7/2020, giá trị hàng hóa sản xuất nhập khẩu vào Mỹ chỉ thấp hơn 1% so với trước đại dịch, trong khi giá trị hàng hóa sản xuất xuất khẩu thấp hơn khoảng 15%. Hiệu suất này có thể được giải thích bởi sự sụp đổ trong xuất khẩu hàng không vũ trụ của Mỹ.
Xuất khẩu Mỹ giảm mạnh hơn nhập khẩu trong quá trình dịch virus hoành hành, và phục hồi xuất khẩu từ tháng 5/2020 yếu hơn.
Ban đầu, thặng dư thương mại của châu Âu cũng giảm do xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu. Nhưng điều đó dường như đã thay đổi gần đây, khi xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 7/2020 đã giúp đưa thặng dư thương mại hàng tháng của châu Âu trở lại mức trước đại dịch.
Giá trị hàng xuất khẩu và nhập khẩu vào Châu Âu trở lại mức bình thường vào tháng 7/2020, đưa thặng dư thương mại của khối về mức trước đại dịch.
Nhưng thặng dư thương mại tăng trở lại của châu Âu cũng kèm theo cách giải thích tiêu cực hơn: chi tiêu bán lẻ của châu Âu đã giảm trong tháng 7/2020. Trong khi đó, tiêu dùng của Hoa Kỳ không giảm, vẫn giữ nguyên trong mùa hè, một phần nhờ vào trợ cấp thất nghiệp và các khoản thanh toán một lần được phân phối trong cuộc khủng hoảng.
Trung Quốc thể hiện sự tương phản với những phát triển này. Bắc Kinh đã liên tục cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, ngay cả khi hàng chục triệu lao động nhập cư đã quay trở về nhà làm nông nghiệp tự cung tự cấp ở nông thôn, vì họ không có việc làm hoặc trợ cấp thất nghiệp ở các thành phố.
Mất cân đối và đình trệ
Phục hồi ở Trung Quốc và Mỹ tiếp tục mất cân đối; với Trung Quốc sản xuất mạnh hơn tiêu dùng; và tiêu dùng Mỹ mạnh hơn sản xuất.
Kết quả là chi tiêu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ăn uống của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay thấp hơn 9% so với năm ngoái, trong khi sản xuất công nghiệp (không bao gồm các doanh nghiệp nhà nước) từ tháng 1 đến tháng 8/2020 cao hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là quần áo, đồ trang sức và đồ gia dụng. Trong khi đó, ngành sản xuất chế tạo đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ ở các khu vực sản xuất máy tính, điện tử, thiết bị điện, xe có động cơ, dược phẩm và thép, với sản lượng cao hơn khoảng 4-7% so với 8 tháng đầu năm 2019. (Chi đầu tư và phát triển bất động sản hầu như tăng 5% từ tháng 1 đến tháng 8/2020 so với năm ngoái).
Sự mất cân bằng ngày càng lớn giữa tiêu dùng và sản xuất trong nền kinh tế thế giới có thể xảy ra, chỉ vì các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu sản lượng thặng dư của họ sang phần còn lại của thế giới. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đang đạt mức cao nhất mọi thời đại ngay cả khi nhu cầu nhập khẩu vẫn giảm.
Trung Quốc đối lập thế giới – EU, Mỹ đồng thuận ‘thoát Trung’?
Giá trị xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc đạt mức cao mới, kể cả khi nhập khẩu bị trì trệ.
Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc dường như đã chậm lại gần đây, với sự tăng trưởng rất ít trong sản xuất công nghiệp hoặc chi tiêu bán lẻ kể từ tháng 6/2020. Tính đến tháng 8/2020, sản lượng chế tạo chỉ cao hơn một chút so với tháng 12/2020, trong khi chi tiêu bán lẻ không bao gồm hàng tạp hóa và nhiên liệu thấp hơn khoảng 3%.
Cho đến nay, sự phục hồi toàn cầu đã được hỗ trợ bởi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu. Các nhà sản xuất trên toàn thế giới đã được hưởng lợi, nhưng lợi nhuận lại thuộc về các nhà sản xuất Trung Quốc một cách không tương xứng.
Tuy nhiên, phương Tây đang tăng cường sản xuất trở lại, và trong tương lai gần sẽ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc; vì vậy trừ khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc tìm được một số nguồn cầu khác thay thế, nếu không thì các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh bằng cách cắt giảm sản lượng và sa thải công nhân.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có “dính đòn”, hay thay vào đó, họ sẽ tìm cách chuyển vấn đề sang phần còn lại của thế giới bằng cách giảm nhập khẩu và giảm giá đồng tiền để tăng thị phần?
Hiển nhiên là Trung Quốc không chịu hy sinh lợi ích xuất khẩu hay chia xẻ thị trường cho các công ty nước ngoài, thương mại càng phát triển thì Trung Quốc càng xuất khẩu nhiều (kể cả dùng thủ đoạn làm mất giá đồng tiền), và phần còn lại của thế giới phải mua nhiều.
Điều đó cho thấy Mỹ và Châu Âu không còn cách nào khác ngoài việc phải “thoát Trung” triệt để.
Lê Minh – ntdvn