HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Thành phần viên chức hành chính được cắt giảm trong khi lực lượng đàn áp dân chúng của nhà cầm quyền CSVN lại gia tăng mạnh.
Báo điện tử VNExpress hôm Thứ Ba mùng 6 Tháng Mười cho hay “Tổng biên chế công chức năm 2021 của cơ quan hành chính nhà nước và các hội đặc thù là 249,650, giảm gần 4,000 so với năm 2020”.
Bản tin vừa kể nêu ra các con số “biên chế” từ các bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập, đến các tỉnh, huyện và các cơ quan ngoại giao. Con số “biên chế” nêu trên chỉ là các viên chức hành chính ăn lương từ ngân sách nhà nước “không bao gồm Bộ công an, Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.”
Biên chế là gì? Trong các văn bản pháp luật CSVN hiện nay, không thấy một định nghĩa cụ thể, rõ ràng nào về “biên chế” dù nhóm từ này xuất hiện thường xuyên trên các văn bản, tin tức về cán bộ, công chức, viên chức, như Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức… và các Nghị định về “tinh giản biên chế”.
Theo giải thích trên trang thông tin “Luật Việt Nam” thì “Hiểu một cách đơn giản, biên chế là số người làm việc trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước do đơn vị quyết định hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn của Nhà nước. Đây là vị trí công việc phục vụ lâu dài, vô thời hạn trong các cơ quan Nhà nước, hưởng các chế độ về lương, phụ cấp theo quy định của Nhà nước.”
Suốt hơn hai chục năm qua, các định chế tài trợ quốc tế đã rất nhiều lần thúc hối CSVN cải cách hành chính, cắt giảm số người được thu nhận vào guồng máy công quyền cho bớt cồng kềnh, tốn kém ngân sách. Nhưng nó vẫn cứ mỗi ngày một phình lớn ra, không chỗ này thì chỗ khác, dù rằng chương trình “tinh giản biên chế” năm nào cũng thấy họp hành.
Khi ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn là phó thủ tướng, tháng Giêng năm 2013 báo chí trong nước đưa tin, ông từng kêu ca “30% công chức sắng cắp ô đi, tối cắp về, không có cũng được” trong tổng số 2.8 triệu công chức. Như vậy, có tới 840,000 cán bộ là thành phần ăn bám. Bây giờ, ông đã là thủ tướng được 5 năm và cái thành phần 5C (Con Cháu Các Cụ Cả) vẫn ngồi nguyên chỗ.
Con số người ăn lương từ ngân sách nhà nước CSVN khá phức tạp và cũng không có thông tin chính thức là bao nhiêu, nay đưa ra con số kiểu này, ngày khác đưa ra con số kiểu khác. Cho tới nay, con số lính và công an cùng các thành phố bán quân sự CSVN vẫn là “bí mật nhà nước”, không ai biết thật sự là bao nhiêu triệu người.
Ngày 13/06/2019, báo điện tử Vietnamnet nói “Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bao gồm cả các đối tượng chính sách. Đó là con số chính thức được cung cấp tại Hội nghị “Chính phủ và Chính quyền địa phương” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 28/8/2018 (cập nhật đến tháng 3/2018).”
Bản tin vừa kể còn nói rằng “Bộ máy cồng kềnh, chi ngân sách để nuôi bộ máy chiếm tỷ trọng lớn… là những vấn đề được đặt ra từ lâu. Vậy nên, thời gian qua, nhiều bộ ngành địa phương đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn hơn”.
Tháng trước, ngày 11 Tháng Chín, báo chí trong nước thuật lời bộ trưởng Công an Tô Lâm giải thích ở quốc hội việc ông vòi thêm tiền ngân sách để nuôi thêm 1.5 triệu người “lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” tức là các người ở các đội dân phòng, tổ bảo vệ dân phố cũng như “công an xã bán chuyên trách” bên cạnh lực lượng công an chính thức, hiện không biết là bao nhiêu.(TN)