Thiện Lê/Người Việt
Tuy là một nước đứng đầu về dân chủ, nhưng hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ còn nhiều thiếu sót. Nhưng nhờ những thiếu sót đó, nhiều nhà làm có cảm hứng để tạo ra nhiều tác phẩm về bầu cử rất khó quên.
Hiện nay, nước Mỹ đang trong mùa bầu cử rất căng thẳng vì nhiều lý do. Vì vậy, khán giả không thể bỏ qua những phim có chủ đề bầu cử khó quên này.
All the President’s Men
Tác phẩm “All the President’s Men” năm 1976 nói về tình hình căng thẳng trong nước Mỹ sau vụ scandal Watergate của cựu Tổng Thống Richard Nixon hồi năm 1972.
Nhân vật chính của phim là hai ký giả có thật ngoài đời Bob Woodward (Robert Redford đóng) và Carl Bernstein (Dustin Hoffman đóng). Họ tìm hiểu chuyện đặc vụ của ông Nixon đột nhập vào tổng hành dinh của đảng Dân Chủ để lấy nhiều thứ quan trọng liên quan đến bầu cử, nhưng không thành công.
Khi càng tìm hiểu sự việc này, hai ký giả càng phát hiện nhiều bí mật kinh khủng. Nhờ sự giúp đỡ của một nguồn tin bí mật, những phát hiện của hai nhân vật chính làm thay đổi nhiệm kỳ của Tổng Thống Nixon, dẫn đến chuyện ông phải từ chức vào năm 1974.
“All the President’s Men” dựa theo sách cùng tên của hai ký giả Woodward và Bernstein, được đạo diễn Alan J. Pakula đưa lên màn ảnh vào năm 1976. Phim này rất thành công, thắng đến bốn giải Oscar và được coi là một trong những phim chính trị không thể bỏ qua.
Election
Qua tác phẩm “Election” của năm 1999, khán giả có thể thấy được sự nguy hiểm của chính trị không chỉ có bầu cử các dân cử, mà còn có ở một môi trường như trường học.
Minh tinh Reese Witherspoon đóng vai Tracy Flick, một học sinh lớp 12 nổi tiếng trong trường, nhưng có một mặt đen tối mà ít ai biết. Cô muốn đắc cử thành chủ tịch hội học sinh của trường, nhưng phải tìm cách cân bằng bộ mặt khi ra ứng cử và mặt đen tối là chuyện mình có quan hệ với một giáo viên.
Khán giả sẽ thấy được nhân vật Flick này sẽ tìm đủ mọi cách để đắc cử, không khác gì các chính trị gia ngoài đời.
Tài tử Matthew Broderick đóng vai thầy giáo Jim McAllister, hiểu được các suy nghĩ của cô Flick, và sẵn sàng hy sinh công việc của mình để chặn không cho cô dùng thủ đoạn để đắc cử.
Game Change
Phim “Game Change” sản xuất năm 2012 có chủ đề là cuộc tranh cử tổng thống của năm 2008 giữa John McCain và Barack Obama.
Tác phẩm này có nhân vật chính Thống Đốc Sarah Palin của Alaska, người được Thượng Nghị Sĩ McCain chọn làm phó tổng thống nếu đắc cử. “Game Change” cho khán giả thấy một quyết định dường như táo bạo, nhưng lại làm cho chiến dịch tranh cử của ông McCain trở nên rối loạn.
Trong suốt bộ phim, minh tinh Julianne Moore cho khán giả thấy được bà Palin thiếu hiểu biết về nhiều vấn đề chính trị và chưa sẵn sàng cho một vị trí quan trọng như phó tổng thống. Bà lại không chịu nổi áp lực khi vận động tranh cử, lại có nhiều quyết định khiến cử tri không thích bà.
Qua diễn xuất của minh tinh Moore và tài tử Ed Harris trong vai John McCain, “Game Change” được nhiều khen ngợi, trong đó có ông Steve Schmidt, cố vấn tranh cử cho ông McCain.
Napoleon Dynamite
Các phim có chủ đề bầu cử lúc nào cũng căng thẳng, nhưng khán giả không cảm thấy như vậy khi xem “Napoleon Dynamite” của năm 2004 vì đây là phim hài.
Phim nói về một học sinh trung học có tên Napoleon Dynamite sống ở thành phố nhỏ Preston, Idaho. Nhân vật này có tính cách lập dị, khó hòa nhập với bạn cùng lứa.
Sau khi bà nội gặp tai nạn, người chú của anh là ông Rico xuất hiện để trông coi nhân vật chính. Điều này làm cuộc sống làm cuộc sống của anh khó khăn hơn vì không cảm thấy an toàn ở nhà lẫn ở trường.
Anh quyết định làm bạn với một học sinh đến từ Mexico, có tên Pedro. Học sinh đó gần như không biết nói tiếng Anh, nhưng Dynamite quyết định kêu Pedro ra ứng cử chủ tịch hội học sinh.
Qua nhiều khó khăn, hai người bạn này thành công và làm được điều tưởng như không thể làm được.
Nixon
Tài tử Anthony Hopkins trong vai Tổng Thống Richard Nixon của “Nixon.” (Hình: mauiwatch.org)
Tác phẩm “Nixon” năm 1995 của đạo diễn lừng danh Oliver Stone là phim đầu tiên nói về sự nghiệp chính trị của Tổng Thống Richard Nixon.
Bộ phim này còn nói về cuộc đời của ông Nixon từ lúc còn trẻ đến lúc vào đại học và nói đến những thăng trầm trong chính trị của ông.
Trong suốt bộ phim, khán giả có thể thấy được ông Nixon gần như bỏ hết sự nghiệp chính trị của mình để đi vận động tranh cử. Ông không được cử tri yêu mến như đối thủ John F. Kennedy. Ông bỏ nhiều năm để vận động tranh cử, cuối cùng lên được vị trí cao nhất của chính phủ. Khi làm tổng thống, ông vẫn không nhận được sự ủng hộ của người dân.
Với diễn xuất của tài tử lão làng Anthony Hopkins trong vai Tổng Thống Nixon, “Nixon” được đề cử bốn giải Oscar, trong đó có vai chính hay nhất.
The Ides of March
Ai cũng biết bầu cử lúc nào cũng có những chuyện không hay hoặc những scandal của những ứng cử viên và những cố vấn tranh cử của họ.
Phim “The Ides of March” cho khán giả thấy được điều đó qua câu chuyện của một quản lý chiến dịch tranh cử, có tên Stephen Meyers. Anh làm quản lý cho Thống Đốc Mike Morris, một trong hai người đang muốn được đảng Dân Chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống.
Để được đảng Dân Chủ chọn, hai ứng cử viên đang muốn lấy được sự ủng hộ của Thượng Nghị Sĩ Frank Thompson. Từ đó, khán giả sẽ thấy nhiều bí mật, nhiều mặt tối của bầu cử.
Nhân vật Meyers quan hệ tình dục với cô Molly Stearns, con gái của chủ tịch Ủy Ban Dân Chủ Toàn Quốc, nhưng sau đó phát hiện cô từng quan hệ với Thống Đốc Morris.
“The Ides of March” cho khán giả thấy những gì xảy ra ở “hậu trường” giúp các ứng cử viên đắc cử, chứ không phải nhờ cách họ vận động ra sao.
Với diễn xuất của tài tử Ryan Gosling trong vai Meyers và Gorge Clooney trong vai Thống Đốc Morris, đây là một phim về bầu cử không thể bỏ qua.
The War Room
Phim “The War Room” của năm 1993 là phim tài liệu về chiến dịch tranh cử của Tổng Thống Bill Clinton hồi năm 1992.
Tuy nhiên, phim không nói về ông Clinton, mà nói về hai cố vấn James Carville, George Stephanopoulos và những cách họ giúp ông Clinton đắc cử.
Đội ngũ làm phim được cho phép đi theo hai cố vấn đó trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Clinton và gặp nhiều sự kiện. Khi vận động ở New Hampshire, họ gặp một số vấn đề làm mất lòng cử tri, trong đó có scandal bà Gennifer Flowers nói mình từng có quan hệ tình dục với ông Clinton.
Tuy gặp một số rào cản, nhưng ông Clinton vẫn lấy được số phiếu nhiều thứ nhì ở New Hampshire, phần lớn nhờ vào nỗ lực của hai cố vấn đó.
“The War Room” có thể nói cho đến ngày nay là phim tài liệu đưa khán giả đi sâu nhất vào “hậu trường” của các chiến dịch tranh cử tổng thống.