(NV) – Một mảng lớn trần thạch cao cùng sắt thép bất ngờ đổ sập xuống nền nhà tại sảnh tiếp đón bệnh nhân của bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên, khiến nhiều người một phen hoảng hốt.
Theo báo Người Lao Động, khoảng 11 giờ trưa ngày 6 Tháng Mười, trong lúc nhiều người đang làm thủ tục để khám bệnh tại khu vực tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên, thì một mảng trần thạch cao có diện tích khoảng 1.2 mét vuông đổ ập xuống nền nhà. Dưới nền, các tấm thạch cao bị bể nát, nhiều thanh sắt dài 20cm, 30cm văng tung tóe khắp nơi khiến nhiều bệnh nhân và người nhà náo loạn.
Một người phụ nữ chứng kiến sự việc cho biết: “Tôi vừa vào nộp sổ khám bệnh, quay lưng ra thì nghe một tiếng động lớn rồi mảng trần đổ sầm xuống sát chỗ đứng. Rất may, lúc này không có người ở dưới chứ không chết người rồi.”
Chiều cùng ngày, trả lời báo VTC News, Bác Sĩ Nguyễn Đại Phong, giám đốc bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên, cho biết nguyên nhân sự việc là do đơn vị đang thi công chống thấm nước làm rơi dụng cụ.
Theo ông Phong, do trước đó mái của khu nhà này thiết kế “chưa hợp lý,” vào mùa nắng thì nắng quá, mùa mưa thì nước tạt xuống. Vừa rồi, Sở Y Tế đã cho làm lớp trần chống nắng và vừa hoàn thành, song chưa làm chống tạt. Bây giờ sở lại bổ sung kinh phí để thi công chống tạt. Trong lúc thi công, vật liệu kèm theo một mớ sắt rơi từ tầng 5 (tầng thượng) xuống dưới làm thủng một lỗ của trần chống nắng, tiếp đó rơi xuống nền nhà.
“Đơn vị thi công này do Sở Y Tế làm chủ đầu tư. Sau khi xảy ra sự cố trên, họ đã nhanh chóng khắc phục,” ông Phong nói thêm.
Theo báo Giao Thông, bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên được khởi công xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư gần 1,100 tỷ đồng ($47.40 triệu) với thiết kế 800 giường bệnh, diện tích mặt sàn hơn 70,000 mét vuông, trong khuôn viên 12 hécta.
Tuy nhiên sau khi đưa vào sử dụng, bệnh viện triệu đô này bộc lộ nhiều bất tiện do thiết kế công trình bất hợp lý, phẩm chất xây dựng kém, nhiều phòng ốc không đạt yêu cầu.
Hằng ngày, cán bộ, công nhân viên lẫn người nhà bệnh nhân phải còng lưng đẩy xe chở bệnh trên những hành lang quá dốc, thang máy nhiều khu lại hư hỏng, thậm chí thấm dột không kém trần nhà, phải lấy chậu hứng nước. Đến năm 2019, bệnh viện tiếp tục được “bơm” thêm hàng tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục những khiếm khuyết bất cập. (Tr.N)