(NV) – Mặt trận Huế trong cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Quân được coi là trận đánh đẫm máu nhất và nhiều thương vong nhất trong Chiến Tranh Việt Nam của cả bạn lẫn thù, với từ 3,000 tới 6,000 thường dân bị Cộng Quân sát hại, theo Wikipedia.
Theo tài liệu “The Siege of Hue” của George W. Smith do Triệu Phong chuyển ngữ trên trang mạng thantrinhomhue.com, Mặt Trận Huế kéo dài từ 31 Tháng Giêng đến 25 Tháng Hai, 1968, là trận chiến dai dẳng nhất trong Chiến Tranh Việt Nam.
Diễn tiến của Mặt Trận Huế
Ngày 31 Tháng Giêng, 1968 (Mùng Hai Tết), lúc 3 giờ 40 phút sáng, quân đội Cộng Sản Bắc Việt bắn trọng pháo và rốc-kết tấn công và tràn ngập hầu như khắp mọi nơi trong thành phố Huế, ngoại trừ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh tại Trại Mang Cá nằm ở góc phía Bắc của kinh thành Huế (cũng nhờ có sự trợ chiến của một đơn vị Nhảy Dù tại đó), và cơ quan Viện Trợ Quân Sự Mỹ (MACV) tại khách sạn Thuận Hóa ở phía Hữu ngạn sông Hương.
Đến 8 giờ sáng thì cờ Mặt Trận Giải Phóng được kéo lên trên kỳ đài Phu Văn Lâu.
Sáng sớm ngày 1 Tháng Hai, tức Mùng Ba Tết, Tiểu Đoàn 7 và Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù cùng Chi Đoàn 7 Thiết Giáp đã băng đồng gần 20 km từ vùng Phong Điền, phía Bắc sông Cổ Bi, về giải cứu cố đô Huế, trong khi các đơn vị tăng viện khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đến được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1.
Ngày 2 Tháng Hai, thêm một đại đội Thủy Quân Lục Chiến Mỹ nữa đến MACV, gia tăng số quân Mỹ nơi đây lên thành bốn đại đội tất cả.
Ngày 3 Tháng Hai, quân Mỹ tiếp nhận một tiểu đoàn của Sư Đoàn 1 Không Kỵ ở mặt Tây Bắc thành phố Huế.
Ngày 4 Tháng Hai, cầu An Cựu trên quốc lộ 1, cách Huế 3 km, bị giật sập.
Ngày 5 Tháng Hai, tiểu đoàn Không Kỵ thứ hai của Hoa Kỳ đến Tây Bắc Huế.
Ngày 6 Tháng Hai, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ chiếm lại Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên và nhà lao Thừa Phủ.
Ngày 7 Tháng Hai, lúc 5 giờ sáng, đặc công Cộng Sản phá sập cầu Trường Tiền, cây cầu chính bắc qua sông Hương, từng được các kỹ sư hãng Eiffel của Pháp xây dựng vào năm 1899 và là biểu tượng của Huế suốt hai thế kỷ.
Ngày 11 Tháng Hai, hai đại đội Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cùng năm chiến xa tiến vào Thành Nội.
Ngày 12 Tháng Hai, những thành phần còn lại của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cùng với hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH tiến vào Thành Nội trong khi ba tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH được lệnh rút về Sài Gòn.
Ngày 13 Tháng Hai, Tướng Creighton Abrams thiết lập bản doanh tại Bộ Chỉ Huy Tiền Phương MACV ở Phú Bài để trực tiếp điều động cuộc chiến đấu tái chiếm Huế của quân Mỹ cùng với các lực lượng VNCH.
Ngày 14 và 15 Tháng Hai, Hải và Không Quân Hoa Kỳ mở những cuộc oanh tạc ồ ạt vào các cứ điểm địch ở Thành Nội.
Ngày 16 Tháng Hai, một đại đội thuộc Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ nhảy vào trận chiến tại mạn Tây Bắc thành phố. Một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến thứ ba của Quân Lực VNCH tham gia mặt trận nội thành Huế.
Ngày 19 Tháng Hai, tiểu đoàn Không Kỵ thứ ba của Mỹ nhận nhiệm vụ tại mạn Tây Bắc thành phố.
Ngày 21 Tháng Hai, các lực lượng Mỹ tràn ngập bộ chỉ huy của một trung đoàn Cộng Quân ở La Chữ, phía Tây Bắc Huế.
Ngày 22 Tháng Hai, hai tiểu đoàn Biệt Động Quân VNCH tiến quân vào Thành Nội.
Ngày 24 Tháng Hai, lúc 5 giờ sáng, Quân Lực VNCH thượng quốc kỳ lên Kỳ Đài Phu Văn Lâu. Lúc 3 giờ 15 chiều, các đơn vị Hắc Báo của Sư Đoàn 1 Bộ Binh mở cuộc càn quét địch ở khu vực Đại Nội.
Ngày 25 Tháng Hai, nhờ an ninh được hoàn toàn tái lập tại Huế, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu bay vào Thành Nội để khen thưởng các đơn vị chiến thắng tại Mặt Trận Huế.
Cũng theo tài liệu nói trên, các cuộc giao tranh tại Mặt Trận Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 đã lấy mất 5,713 sinh mạng, trong đó phía Mỹ có 142 Thủy Quân Lục Chiến và 74 Bộ Binh tử trận, trong khi phía Quân Lực VNCH có 384 chiến sĩ hy sinh, thuộc các binh chủng Bộ Binh, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân.
Về phía Cộng Quân, có đến 5,113 cán binh tử trận. Ngoài ra, vào những tuần và tháng sau ngày Huế được giải phóng khỏi tay Cộng Quân, người ta lại đào thêm được gần 3,000 xác người nữa bị chôn dưới những hố nông tìm thấy rải rác chung quanh Huế. Hầu hết họ đều là nạn nhân bị thảm sát dưới tay binh lính Cộng Sản cũng như các phần tử thân Cộng cùng cảm tình viên của họ tại vùng Thừa Thiên-Huế.
Huế Tết Mậu Thân: Một thiên anh hùng ca, một định mệnh buồn
Các nhà viết quân sử đều đồng ý rằng Huế là nơi mà kịch chiến trên đường phố được coi là khốc liệt nhất sau năm đợt giao tranh trên đường phố thủ đô Hán Thành (Seoul) của Nam Hàn (từ Tháng Sáu, 1950, đến Tháng Tư, 1951) trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên. Lực lượng hùng hậu của địch đổ dồn về mặt trận này đã làm cho liên quân Việt-Mỹ phải hết sức vất vả chiến đấu để giành lại thế chủ động.
Trận tử chiến tại Huế còn làm các cựu chiến binh Mỹ thời Đệ Nhị Thế Chiến nhớ lại Mặt Trận Bulge khốc liệt (từ Tháng Mười Hai, 1944, đến Tháng Giêng, 1945) tại Bỉ.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân, đặc biệt là Mặt Trận Huế, đã đánh dấu một khúc quanh trong chính sách can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Dù rằng phe Cộng Sản đã chịu tổn thất nặng nề và không đạt được mục tiêu lôi kéo quần chúng miền Nam về phía họ nhưng họ cũng đã tỏ cho thấy sức chịu đựng tới cùng của mình trước hỏa lực hùng hậu của Mỹ.
Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân và cuộc vây hãm dai dẳng của Cộng Quân tại Huế đã khiến Hoa Kỳ phải xét lại chính sách can thiệp của họ ở Việt Nam, để rồi dần dà cắt giảm hoặc đảo ngược lại những cam kết của mình đối với đồng minh VNCH.
Điều mỉa mai là, trước năm 1968, Huế được xem như thành phố có nhiều nhất các thành phần, mà nổi bật là giới trí thức, dành nhiều cảm tình cho Cộng Sản so với các thành thị khác tại miền Nam Việt Nam.
Đó chính là hậu quả của các cuộc biến động miền Trung trong năm 1966 khi các nhà trí thức gốc miền Trung (mà đa số là các nhà khoa bảng được người Pháp đào tạo và bị Cộng Sản mua chuộc) đứng lên cầm đầu cuộc bạo loạn chống lại chính phủ trung ương ở Sài Gòn dưới quyền lãnh đạo Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (quốc trưởng) và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ (thủ tướng). Họ muốn tách rời miền Trung ra khỏi VNCH, hay ít ra là trung lập hóa miền đất này theo lời hô hào của các chính quyền có khuynh hướng thân Cộng Sản Bắc Việt tại Âu Châu lúc bấy giờ.
Khi Trận Tết Mậu Thân nổ ra, các nhà trí thức từng bị chính phủ quân nhân tại Sài Gòn đánh bật ra khỏi guồng máy chính quyền địa phương trong cuộc Biến Động Miền Trung năm 1966, đã nắm được một cơ hội bằng vàng để quay trở lại cố đô, và việc làm đầu tiên của họ là toa rập với Cộng Quân để trà thù giới thường dân và quân đội trước đây đã cộng tác với chính quyền Sài Gòn để đánh dẹp họ, qua cuộc thảm sát tàn bạo tại Huế như thế giới từng biết đến.
Đây là một biến cố không hề xảy ra cho bất cứ tỉnh lỵ và thành thị nào khác, kể cả thủ đô Sài Gòn của miền Nam Việt Nam, nơi các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từng xâm nhập trong cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968.
Cũng như tại các nơi khác trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, thất bại ê chề nhất của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt tại cố đô Huế dịp Tết Mậu Thân là họ đã không nhận được sự hưởng ứng của dân chúng, như họ từng mong đợi qua kinh nghiệm của cuộc Biến Động Miền Trung năm 1966, để cùng họ nổi dậy “giành lấy chính quyền về tay nhân dân,” và rồi dẫn đến cuộc thảm bại của Cộng Quân tại Mặt Trận Huế sau gần hai tháng giao tranh đẫm máu.
Mặt khác, Mặt Trận Huế lại tạo nên một thiên anh hùng ca cho Quân Lực VNCH, với các lực lượng Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, và Nhảy Dù phối hợp cùng với Thủy Quân Lục Chiến và Không Kỵ Mỹ đánh bật quân Cộng Sản Bắc Việt ra khỏi các ổ kháng cự mà họ đang tử thủ trong nỗ lực giải phóng hoàn toàn cố đô Huế khỏi tay Cộng Quân.
Nhưng chính định mệnh đã khiến dân chúng cố đô, đa số là những con người hữu thần và luôn tin tưởng vào những truyền thống cổ xưa trong nền văn hóa và văn minh Việt Nam, sau những thương đau, tang tóc năm xưa, nay đành phải âm thầm chấp nhận cuộc sống dưới chế độ Cộng Sản vô thần chỉ vì biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà không biết đến bao giờ mới thoát được.
Thân phận nghiệt ngã của dân chúng cố đô Huế không khỏi làm người ta nhớ lại số phận của một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam để tìm tự do vì Hiệp Định Geneva 1954 đã chia cắt đất nước thành hai miền Nam-Bắc, lại một lần nữa phải lên tàu, xuống ghe vượt biển đi tìm tự do nơi những phương trời xa lạ sau khi miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản thôn tính hồi Tháng Tư, 1975.
Nhớ về Huế, nhạc sĩ Anh Bằng, qua nhạc phẩm “Huế Xưa,” đã viết nên những lời tình ca nhẹ nhàng nhưng da diết về đất Thần Kinh, nơi mà những kỷ niệm đẹp ngày xưa vẫn đeo đuổi không rời tâm hồn của những người Việt lưu vong có gốc gác Huế: “Huế ơi! Không biết bây chừ tiếng ca nào vương bên mạn thuyền, có ai chờ ai qua Tràng Tiền?” (Vann Phan)