(NV) – Theo truyền thống đã có từ nhiều năm nay, phần lớn các nhà lãnh đạo thế giới không bày tỏ ý kiến gì về bầu cử tổng thống Mỹ, vì lo ngại sẽ gặp phản ứng phe phái, hay làm thiệt hại các quyền lợi chiến lược của quốc gia qua các hành động có thể bị coi là can dự vào nội tình nước Mỹ.
Theo bản tin của tờ Washington Post hôm Thứ Tư, 28 Tháng Mười, vào năm 2016, bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống phía đảng Dân Chủ khi đó, nói rằng một số nhà lãnh đạo ngoại quốc đã liên lạc để hỏi họ có thể công khai bày tỏ sự ủng hộ bà “để ngăn chặn Donald Trump.”
Cũng có người, như thủ tướng Ý khi đó, là ông Matteo Renzi, lên tiếng trước công chúng để tỏ sự ủng hộ cho bà Clinton. Tuy nhiên, lúc đó bà không kể tên những vị nguyên thủ bày tỏ ủng hộ.
Trong khi đó, Tổng Tống Donald Trump, cả vào năm 2016 và 2020, đã nhận được sự công khai hậu thuẫn của một số ít các nhà lãnh đạo ngoại quốc, phần lớn là những người thuộc giới khuynh hữu, có quan điểm chính trị và các phát biểu giống với ông, từ đại dịch COVID-19 cho tới vấn đề di dân.
Ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Joe Biden hiện cũng có sự ủng hộ từ nhiều cựu lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, dù kết quả nhiều cuộc thăm dò ở các quốc gia khác cho thấy người dân những nơi này né tránh nói về Tổng Thống Donald Trump, phần lớn các nhà lãnh đạo quốc tế hiện nay đều giữ im lặng, không khen ngợi mà cũng chẳng chê bai.
Trong số nhà lãnh đạo quốc gia bày tỏ ủng hộ cuộc tái tranh cử của Tổng Thống Trump có Thủ Tướng Hungary- Viktor Orban.
Vào năm 2016, ngay sau khi ông Trump được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, ông Orban, người có khuynh hướng thiên hữu, đã lên tiếng ủng hộ. Hồi tháng qua, Thủ Tướng Orban một lần nữa bày tỏ ủng hộ cho ông Trump.
Ông Orban nói: “Chúng tôi mong muốn Tổng Thống Donald Trump chiến thắng, vì chúng tôi biết rõ về chính sách ngoại giao của các chính phủ đảng Dân Chủ ở Mỹ, là dựa trên sự áp đặt đạo đức lên các quốc gia khác (moral imperialism). Chúng tôi đã từng phải thử nghiệm điều này trước đây, chúng tôi không muốn thấy điều này tái diễn.”
Trước đây, thời chính phủ Obama đã từng lên án các hành động vi phạm dân chủ, nhân quyền ở các quốc gia khác, từ Philippines sang tới Hungary, và đã gặp phản ứng kịch liệt của các chính phủ này.
Tổng Thống Brazil Jari Bolsonaro bày tỏ hậu thuẫn cho Tổng Thống Trump hồi đầu tháng này, sau khi ký thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Ông Bolsonaro lúc đó hứa sẽ sang dự lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ nhì của ông Trump. Ông Bolsonaro sau đó nói thêm rằng ông không muốn can dự vào nội bộ Mỹ mà chỉ nói ra “từ tấm lòng.”
Tại Philippines, Tổng Thống Rodrigo Duerte bày tỏ ủng hộ cho nỗ lực tái tranh cử của Tổng Thống Trump hồi Tháng Hai, sau khi hủy bỏ một thỏa thuận quân sự đã có từ lâu với Mỹ.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper gọi quyết định hủy bỏ thỏa thuận gọi là VFA này là điều “đáng tiếc,” nhưng ông Trump nói rằng ông không có gì phiền hà.
Tổng Thống Duerte sau đó nói: “Thái độ cẩn trọng và sáng suốt của Tổng Thống Trump khi có lời phát biểu về việc chấm dứt thỏa thuận VFA cho thấy ông là tổng thống tốt và xứng đáng để được tái đắc cử.”
Các nhóm tranh đấu nhân quyền ở Philippines nhiều lần cáo buộc rằng ông Duterte tạo ra tình trạng vi phạm nhân quyền, trong “cuộc chiến chống ma túy” của ông, cùng là thẳng tay đàn áp đối lập. Ông từng thay đổi lập trường theo Trung Cộng, nhưng gần đây Tổng Thống Duerte tỏ ra cứng rắn về vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo trong vùng…
Thủ Tướng Janez Jansa của Slovenia, quê nhà của Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump, hôm Thứ Sáu tuần qua gửi tweet nói rằng nếu ông Biden được đắc cử “thì sẽ là một trong những tổng thống yếu kém nhất trong lịch sử” và kêu gọi chiến thắng thuộc về ông Trump. (V.Giang)