Anh Th. thân mến,
Tôi viết lá thư này cho anh, vào buổi tối thật ảm đạm tại thành phố Anaheim thuộc miền Nam Cali. Từ chỗ tôi đang ở, muốn chạy xuống khu Little SàiGòn, tôi phải tốn mất vào khoảng gần 30 phút lái xe. Nói tới Cali, chắc anh sẽ hình dung ra, đấy là một vùng đất hiền hòa, ấm áp. Vùng đất mà hầu hết người Việt mình đều qui tụ về đây để lập nghiệp, sinh sống. Vùng đất còn được mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ nạn trên đất nước hiệp chủng đầy màu sắc phong phú này. Ở đây, đi đâu anh cũng thấy người Việt! Chợ Việt. Hàng quán cùng các bảng hiệu đều bằng chữ Việt. Đặc biệt nhất, là mọi sinh hoạt ở nơi đây, đều giao dịch với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ anh ạ. Về đây, anh sẽ có cảm tưởng, giống y như anh đang đứng ở giữa lòng của thành phố Sài Gòn năm nào.
Nhận được tin anh nhắn, tôi liền gọi điện thoại cho anh. Qua vài câu thăm hỏi, anh vui vẻ cho tôi biết, chị Yến đã thoát khỏi được con coronavirus. Nói như thế, có nghĩa là chị đã vượt qua được thời kỳ nguy hiểm và hiện đang được chăm sóc tại một khu đặc biệt, thật an toàn, thật chu đáo. Tôi cũng mừng cho anh.
Ngập ngừng vài giây, anh buông giọng trầm xuống:
“ Thư Quán Bản Thảo sẽ ra số đặc biệt, liên quan đến mùa đại dịch covid-19. Anh có thể đóng góp bài vở với chúng tôi trong số này được không!”
Tôi chần chừ suy nghĩ trong giây lát rồi nói với anh:
“Chắc anh cũng thừa biết, tôi mới vừa mất đứa con gái cách đây chưa đầy sáu tháng. Vì thế, trong lúc này, tôi cũng chẳng còn tâm trí đâu để mà viết! Thú thật, là tôi không dám hứa! Nhưng! Tôi sẽ cố gắng. Nếu có gì trục trặc, tôi sẽ báo cho anh biết sau.”
Nói xong, tôi buông máy với nỗi buồn man mác gợn lên ở tâm thức. Tôi biết viết gì bây giờ! Viết gì! Tôi tự hỏi thầm với lòng mình như thế. Viết về cơn đại dịch chết người này chăng! Cơn đại dịch khủng khiếp, đang hoành hành dữ dội trên hầu hết mọi quốc gia từ Á sang Âu, rồi còn lây lan sang đến tận cả vùng Phi châu nữa. Về thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, nơi xuất phát ra mầm mống của cơn dịch bệnh nguy hiểm nói trên. Tôi sẽ viết gì đây! Viết về tình người đang trải ra trong mùa thương khó, khốn đốn này chăng! Viết về chị Yến. Đấy là chuyện đương nhiên tôi phải viết. Bởi vì! Chị cũng là nạn nhân của cơn đại dịch Covid-19, mà cũng là người bạn đời gắn bó với anh trong suốt cả chặng đường dài gió bụi ở quá khứ. Viết về chị Yến, dĩ nhiên tôi cũng phải tô thêm một đôi nét chấm phá về anh. Về đơn vị thám kích mà trước đây anh đã từng phục vụ trong những năm tháng khói lửa ở miền Nam. Đột nhiên, tôi lại nẩy sinh ra ý nghĩ hết sức thật ngộ nghĩnh. Có lẽ, sau khi cơn đại dịch này chấm dứt, thì con người ta sẽ nhận ra: Thế nào là sự tương quan, mật thiết giữa con người với con người. Từ đó, người ta sẽ xích lại với nhau gần hơn. Thân thiện, gắn bó với nhau nhiều hơn, đồng thời, bầy tỏ niềm thương yêu nồng nàn, khắng khít với nhau nhiều hơn nữa. Có phải đúng như vậy không anh!
Cho tới giờ phút này, hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều nhận ra: Cơn đại dịch nói trên đều xuất phát từ thành phố Vũ Hán. Trong khi đó, nhà nước Trung Quốc cứ quả quyết cho rằng: Mầm mống của cơn dịch bệnh kể trên, bắt nguồn từ những người lính của Hoa Kỳ. Lập luận này có tính cách gượng gạo và trở nên lố bịch, đồng thời để lộ ra sự ngoan cố, dối trá ở trong đấy. Từ đó, câu hỏi được đặt ra cho toàn thể thế giới: Tai sao nhà cầm quyền Trung Quốc lại tỏ ra tránh né, dấu diếm, chẳng những về số lượng tử vong, mà lại còn che đậy cả về ngày sinh tháng đẻ của nó nữa!
Theo nguồn tin khả tín, tiết lộ từ bên trong cho biết, thì cơn đại dịch nói trên, khởi sự bùng phát từ tháng 11 năm 2019. Nhưng! Tất cả mọi tin tức đều bị nhà nước Trung Cộng dấu nhẹm. Cho đến tháng 2 năm 2020, nhà nước Cộng Sản Trung Quốc mới chính thức công bố cho toàn thể thế giới được biết. Riêng về con số tử vong, họ chỉ đưa ra số lượng tượng trưng, là trên 3000 người. Cho đến ngày 14 tháng 4 năm 2020, con số tử vong được bổ sung thêm là 1200 người nữa. Như vậy, số lượng người chết được cộng lại là trên 4000 người. Nếu đem ra đối chiếu hoặc so sánh với các quốc gia khác, như Mỹ hoặc Ý chẳng hạn, thì số lượng họ đưa ra, vẫn là con số quá ít ỏi, quá chênh lệch, phải không anh!
Cứ theo như tin tức từ bên trong xì ra, thì con số thống kê đều bị nhà nước Trung Quốc lấp liếm, cắt xén, không đúng với sự thật. Nó phải được nhân lên gấp mười lần, so với con số mà họ đã đưa ra. Có nhiều người còn cho rằng: Dịch bệnh này xuất phát từ một phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, chứ không phải là từ ngôi chợ buôn bán các động vật hoang dã. Người ta còn cho biết, dịch bệnh nói trên xuất xứ từ một loại dơi mà ra. Phải chăng! Đó là câu trả lời chính xác hay là có sự dối trá quanh co ở trong đấy. Ngược lại, có dư luận còn mạnh bạo hơn và quả quyết cho rằng: Đấy là một tác phẩm quá độc ác do chính con người tạo ra. Một loại vũ khí sinh học được nhà nước Trung Quốc tung ra, với mục đích là để tiêu diệt nhân loại. Người ta còn miêu tả, Vũ Hán chẳng khác nào như một thành phố chết. Thành phố bị cô lập. Bị giới nghiêm hoàn toàn. Mọi bệnh viện đều bị quá tải. Hầu hết các bệnh nhân đều bị từ chối và phải cách ly ở tại nhà để nằm chờ chết. Nhiều lò thiêu được dựng lên và tất cả nhân viên đều phải làm việc liên tục từ ngày cho lẫn đêm. Tóm lại, nhà nước Trung Quốc đã đẩy người dân Vũ Hán vào tình cảnh thoi thóp, vô vọng. Cả thành phố đều bị phong tỏa chặt chẽ bởi lực lượng quân đội dầy đặc, vây kín ở chung quanh. Nhắc tới Vũ Hán, người ta lại liên tưởng ngay đến cái chết của bác sĩ Lý văn Lượng. Ông nguyên là một bác sĩ giải phẫu về nhãn khoa. Chính ông đã đích thân gửi đi mấy tin nhắn cho các đồng nghiệp, cảnh báo về sự nguy hiểm của loại coronavirus. Nhưng! Liền sau đó, ông bị cấp trên cảnh cáo rồi còn bị tống giam. Cuối cùng, ông bị nhiễm bệnh, rồi bị chết ở trong tù cũng chỉ vì con virus độc hại này. Vào youtube, anh sẽ thấy, còn có rất nhiều trường hợp hết sức là thương tâm, điển hình như trường hợp của một gia đình khá nổi tiếng ở Hoa Lục. Mọi thành viên trong gia đình đều bị nhiễm bệnh, rồi bị chết thê thảm, cũng chỉ vì sự từ chối trắng trợn của giới chức cao cấp ở bệnh viện. Vào Youtube, tôi còn nghe thấy những tiếng than van, khóc lóc, vọng xuống từ các tầng lầu cao ngất trong thành phố Vũ Hán. Những tiếng la hét thảm thiết, thất thanh, phát ra từ các lò thiêu, tự nhiên, tôi cảm thấy rùng mình, đồng thời ớn lạnh cả xương sống. Từ đó, tôi tự hỏi: Tại sao nhà cầm quyền Trung Quốc lại quá nhẫn tâm, độc ác, dã man đến như vậy!
Nói tới Trung Quốc là phải nói tới tội ác, tới Thiên An Môn, tới các vụ tàn sát, triệt hạ giáo phái Pháp Luân Công, liên quan đến những vụ buôn bán nội tạng của con người. Nhắc đến Trung Quốc là phải nhắc tới những tay đồ tể khát máu. Những tay đao phủ khét tiếng như Mao trạch Đông, Đặng tiểu Bình, Giang trạch Dân và hiện nay là Tập cận Bình.
Có nhiều người thường lên tiếng cảnh báo: Đừng bao giờ tin vào Trung Quốc! Đừng bao giờ tin vào Cộng Sản! Bởi vì! Đối với Trung Quốc thì không bao giờ có hai chữ nhân đạo! Không bao giờ có sự thành thật ở trong đó! Độc ác, xấc xược, dối trá, lươn lẹo, là những ngón nghề của người Cộng Sản. Trâng tráo, ngang ngược, phách lối, được thể hiện rõ nét trên các khuôn mặt của mọi tầng lớp lãnh đạo ở Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã để lộ ra cái ý đồ bá quyền để thống trị thế giới, điển hình như những sự kiện đã và đang xảy ra ở trên biển Đông. Lúc nào họ cũng lập luận cho rằng, Trường Sa, Hoàng Sa, cũng như toàn bộ trên biển Đông, đều nằm trong quyền sở hữu của Trung Quốc. Trong khi đó, dấu tích lịch sử vẫn còn ghi rõ, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhìn lại dòng lịch sử, trải qua các triều đại Lê, Lý, Trần, dân tộc Việt Nam đã phải chống trả liên tục với biết bao nhiêu cuộc xâm lăng ác liệt tràn xuống từ phương Bắc, điển hình như Đống Đa, Ngọc Hồi, Hà Hồi của Quang Trung, hoặc Bạch Đằng Giang của Hưng Đạo Vương chẳng hạn. Câu hỏi lại được đặt ra: Tại sao họ lại phải nói dối! Phải dấu diếm về mọi sự thật ở bên trong. Về con số tử vong đều không đúng với con số thống kê mà họ đã đưa ra. Tại sao! Tại sao! Và tại sao! Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc lại còn ngoảnh mặt, từ chối với bất cứ một sự giúp đỡ nào dẫn đến từ phía ở bên ngoài, điển hình như lời đề nghị của chính phủ Hoa Kỳ chẳng hạn. Chính vì nguyên nhân nói trên, đã dẫn tới sự nghi ngờ cho hầu hết mọi quốc gia trên toàn thể thế giới.
Nhìn vào bức tranh tổng thể trong mùa đại dịch. Người ta chỉ thấy toàn là một màu đen tối, ảm đạm và thê lương. Sau Vũ Hán, con virus lại mò mẫm, xâm nhập vào quốc gia Nam Hàn. Các thành phố đều báo động, rộ lên trong cơn sốt. Chính phủ Nam Hàn đã phải điên đầu, nhức óc để đối phó với cơn đại dịch ghê gớm này. Từ Nam Hàn, cơn dịch bệnh lại tiếp tục lây lan ra khắp cả vùng Đông Nam Á. Đâu đâu, người ta cũng đưa ra những biện pháp thích nghi để ngăn chận con virus khủng khiếp này. Mọi trường học, quán xá, chợ búa, cho đến mấy nơi giải trí công cộng cũng đều được lệnh phải đóng cửa. Lệnh thiết quân luật được ban hành. Ai nấy đều phải triệt để, tuân theo mọi điều lệ mà chính phủ đã đề ra. Phải đeo khẩu trang trong khi đi ra đường, đồng thời, phải giữ khoảng cách từ người này sang tới người khác tối thiểu từ hai mét trở lên.
Tính cho đến ngày hôm nay (5/12/20) con số tử vong trên toàn thể thế giới được ghi nhận là 286.604 người trong số 4.244.674 ca bị nhiễm bệnh. Tại Anh, con số tử vong là 32.065 người trong số 223.060 ca bị nhiễm bênh. Tại Tây Ban Nha, con số tử vong được ghi nhận là 26.744 người trong số 268.143 ca bị nhiễm bệnh. Tại Mỹ, số người chết được ghi nhận là 81.568 người trong số 1.381.000 ca bị nhiễm bệnh. Con số được xem như là đứng vào hàng đầu trong tất cả các quốc gia trên thế giới, đồng thời, dẫn tới một hệ quả bi đát, là có hơn 20 triệu việc làm bị mất. Riêng tại Ý, có 30.739 người chết trong tổng số 219.814 ca bị nhiễm bệnh. Tại Nga, con số tử vong được ghi nhận là có 2418 người chết trong số 262.843 ca bị nhiễm bệnh. Tại Brazil, có 14.455 người chết trong số 212.198 ca bị nhiễm bệnh.
Ngày nào cũng giống như ngày nấy. Ngày nào tôi cũng thấy con số tử vong mỗi ngày mỗi gia tăng một cách thật khủng khiếp đến chóng mặt, khiến cho tôi cảm thấy bàng hoàng, se thắt. Tôi tự hỏi thầm với chính mình:
“ Rồi đây thế giới này sẽ đi về đâu!”
Điều đáng buồn hơn hết, cơn đại dịch lại rơi đúng ngay vào mùa lễ phục sinh. Phục sinh là ngày lễ thiêng liêng của giáo hội Công Giáo. Một ngày lễ trọng đại, kỷ niệm sự màu nhiệm phục sinh của thiên chúa, sau khi bị quân dữ đóng đinh treo trên thập giá. Mùa lễ nhuộm đầy màu sắc tươi vui, rạng rỡ, đối với mọi tầng lớp tín đồ công giáo trên toàn thể thế giới. Chưa bao giờ, mùa lễ phục sinh lại diễn ra trong bầu không khí lặng lẽ, buồn tẻ như năm nay. Mọi giáo đường đều được lệnh phải đóng cửa kín mít. Chưa bao giờ giáo hội Công Giáo lại cử hành thánh lễ Phục Sinh trong không khí lặng lẽ, ủ dột, sâu lắng của giáo đường. Thoáng chợt! Tôi liên tưởng đến vị linh mục người Ý. Vị mục tử đi chân đất. Nặng trĩu với cây thập giá ở trên tay. Trầm tĩnh bước đi trên con phố ảm đạm, đìu hiu, đượm đầy màu sắc vàng vọt, thê lương, tang tóc hằn lên ở trong đấy. Hình ảnh đó, ai nhìn vào mà không khỏi bùi ngùi, xúc động, hở anh!
Covid-19 là một thảm họa cho toàn thể thế giới. Nó giết đi biết bao nhiên là sinh mạng. Ngoài ra, nó còn làm tê liệt cả một hệ thống kinh tế toàn cầu. Nghe đâu, nó còn len lỏi vào đến tận bên trong của tòa Bạch Ốc ở Washington D C. Nói tóm lại, con virus nguy hiểm này, nó đâu có chừa với bất cứ một ai! Ngay đến cả thủ tướng Boris Johnson của Anh quốc, cũng còn bị nó xâm nhập vào đến tận lục phủ, ngũ tạng nữa là đằng khác! Rất may, tính cho đến ngày hôm nay, bệnh tình của ông thủ tướng này đã hoàn toàn được ổn định. Theo nguồn tin thông thạo mới nhất cho biết, thì giờ đây, ông đã trở lại với công việc, để điều hành guồng máy chính phủ Anh quốc, ngõ hầu đối phó với cơn đại dịch khủng khiếp đang hoành hành dữ dội trên quê hương, đất nước của ông.
Nhìn vào thực trạng của nước Mỹ, qua số liệu được ghi nhận, thì hiện nay Hoa Kỳ là một nước đang dẫn đầu trên toàn thể thế giới, liên quan đến sự thiệt hại về nhân mạng. Giờ đây, nước Mỹ đang bước vào thời kỳ cao điểm của cơn đại dịch. Mọi giới chức cao cấp, từ liên bang cho tới tiểu bang, đều phải bù đầu, bù óc, vật vã với con virus đáng sợ này. Mọi hãng xưởng, trường học, quán xá, cho đến các địa điểm vui chơi, giải trí, cũng đều được lệnh phải đóng cửa. Qua thông cáo được đăng tải, chính quyền khẩn thiết, kêu gọi mọi người dân ở trong nước, không được tụ tập ở ngoài đường phố, hoặc các nơi công cộng và nhất là những người nằm ở trong hạn tuổi từ con số 65 trở lên. Ngoài ra, nếu có trường hợp khẩn cấp, chính phủ kêu gọi người dân phải triệt để, tuân theo các luật lệ đã định sẵn, có nghĩa là phải đeo khẩu trang trong khi đi ra đường. Phải giữ khoảng cách từ người này sang đến người khác, tối thiểu từ 2 hoặc 3 mét trở lên.
Kể từ khi có lệnh hạn chế việc đi lại cho tới nay, ông bạn hàng xóm thường hay gọi điện thoại sang than vãn với tôi:
“Chán quá ông ơi! Suốt ngày cứ phải nhốt mình ở trong nhà, chẳng khác nào như người tù bị giam lỏng. Cả ngày, tôi chẳng biết làm gì! Chỉ biết dõi mắt vào TV. Ngày nào, tôi cũng thấy ông tổng thống của mình xuất hiện cùng với ê kíp thân cận ở bên ông. Gương mặt ông lúc nào cũng thấy thảm não, hốc hác, biến sắc hẳn ra. Nhìn vào khuôn mặt sầu thảm như thế, cũng đủ nói lên được nỗi lo lắng, ray rứt của vị nguyên thủ quốc gia đối với toàn thể nhân dân Hoa Kỳ. Anh ta còn nhanh nhẩu hỏi tôi:
“Anh có biết chính phủ đã bỏ ra bao nhiêu tỷ đồng, để lo cho dân chúng trong cơn đại họa này, không anh!”
Tôi nói với anh, tôi hoàn toàn không biết! Anh nhỏ nhẹ:
“ Trên 2000 tỷ đó anh.”
Anh ta còn nói tiếp:
“Đã vậy! Ông Trump còn rút cả tiền quỹ tranh cử ra để lo cho các đội ngũ y tế, hiện đang làm việc quên cả ngày đêm tại các bệnh viện trên toàn thể nước Mỹ. Họ là những anh hùng. Những anh hùng đang chiến đấu trên tuyến đầu của mặt trận y tế. Tự dưng! Tôi liên tưởng đến một hình ảnh mà tôi cho là xúc động nhất, nổi bật nhất trong mùa đại dịch covid 19 này. Hình ảnh về ông Trump. Về vị tổng thống Hoa Kỳ, trong một buổi cầu nguyện thật xúc động cùng với các cộng sự đắc lực của ông. Họ xiết chặt lấy tay nhau. Hiệp nhất trong lời cầu nguyện tha thiết, khẩn cầu xin ơn trên, phù hộ cho nước Mỹ này, mau sớm được vượt qua cơn phong ba, bão táp, đầy gian nan, khốn khó trong mùa đại dịch hôm nay. Bức hình đó, ai nhìn vào mà không cảm động, hở anh! Cảm động về cái tấm lòng cao cả của vị nguyên thủ quốc gia đối với đất nước. Cũng nhân trong mùa đại dịch nguy khốn này, chúng ta mới nhận chân ra được, thế nào là cái ý nghĩa cao quí nhất của hai chữ tình người, phải không anh!
Tiện đây, tôi cũng muốn nói với anh, về mấy tấm gương sáng đang tỏa ra trong cộng đồng người Việt mình ở tại nơi mà tôi đang sinh sống. Họ là những chủ nhân của các nhà hàng ăn uống. Là những chủ shop may đang hành nghề ở tại nơi đây. Giữa lúc, mọi người đang phải đối mặt với mọi thử thách cùng vô vàn nỗi khó khăn đang trải ra, chồng chất ở phía trước, thì ngược lại, họ vẫn thản nhiên, bình chân như vại và chẳng có chút gì tỏ ra là nao núng! Lạ lùng hơn nữa! Họ còn bỏ ra biết bao nhiêu là tiền bạc. Biết bao nhiêu là công sức, để thực hiện cả hằng trăm phần thức ăn cho những đội ngũ y tế hiện đang làm việc hăng say, cật lực tại các bệnh viện. Ngoài ra, họ còn quên cả giờ giấc. Quên cả ngày đêm, căm cụi may cả hằng chục ngàn chiếc khẩu trang cho những người vô gia cư, hoặc đem đến giao tận tay cho những nhân viên trực thuộc tại các bệnh viện ở trong vùng. Việc làm ấy, tấm lòng ấy, tôi hỏi anh, ai nhìn vào, cũng đều phải nói với nhau rằng: Họ là những người đáng khâm phục. Phải không anh!
Còn có rất nhiều chuyện đáng nói hơn nữa! Như câu chuyện của vị linh mục người Việt mà tôi sắp sửa kể ra đây. Câu chuyện của một nhà tu. Một linh mục khả kính, có đầy lòng bác ái cùng đức tính thương người. Trước khi dấn thân vào đời sống tu trì, ông nguyên là bác sĩ ở ngoài đời. Một thầy thuốc cần mẫn, tận tụy với nghề nghiệp, và lúc nào cũng đặt hai chữ lương tâm lên hàng đầu để phục vu cho tha nhân.
Đứng trước tình trạng nguy kịch mỗi ngày mỗi gia tăng, ông tình nguyện, xung phong vào đội ngũ y tế, để tiếp tay với mọi người, trong công cuộc săn sóc và chữa trị những bệnh nhân đang bị lây nhiễm bởi con virus độc hại này. Câu hỏi được đặt ra cho họ:
“Anh chị có thể cho biết: Vì nguyên nhân hoặc động lực nào, đã thúc đẩy anh chị lăn xả vào công việc hữu ích nói trên!”
Nghe xong, họ chỉ mỉm cười rồi vui vẻ trả lời:
“Đây mới chính là thời điểm tốt nhất, để chúng tôi có dịp trả ơn cho đất nước Hoa Kỳ. Trước kia, họ đã giang rộng cả hai tay, để đón nhận những người tỵ nạn như chúng tôi, hòa nhập vào với xã hội mà họ đang sống. Họ đã cưu mang, tận tụy, lo lắng, giúp đỡ cho chúng tôi cũng như biết bao nhiêu người Việt khác nữa! Thì giờ đây, chúng tôi nhận thấy, mình phải có nhiệm vụ để đáp trả lại cho họ. Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng: Đây mới chính là việc làm rất cần thiết mà chúng tôi phải nên làm trong giai đoạn nguy nan, cấp bách này.”
Song song với những cử chỉ cao đẹp nói trên, thì ngược lại, cũng có những lời lẽ thiếu suy nghĩ của cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức là mẹ Nấm. Đến đây, tôi sực nhớ tới lời của ông bạn hàng xóm, đã nói với tôi cách đây chừng mấy hôm:
“ Mẹ Nấm là nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Rồi! Cô bị bắt. Bị cầm tù. Bị đưa ra tòa để kết án. Rất may, cô ta được chính phủ Hoa Kỳ chú ý và đặc biệt quan tâm đến. Giả sử! Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ từ ở phía bên đây, thì sức mấy cô này được nhà nước Cộng Sản Việt Nam thả ra! Đặc biệt nhất, cô ta còn được thả ra trước cả thời hạn nữa cơ. Rồi còn được hưởng cái qui chế tỵ nạn, ra đi cùng với gia đình. Sang đây để được thở, được sống trong cái không khí trong lành, ấm áp của tự do. Giữa lúc mọi người đang phải bận rộn, điêu đứng với con coronavirus, thì trong khi đó, ả này lại gióng lên tiếng nói, bằng những lời lẽ phê phán, chê trách, bình phẩm về sự chậm trễ của chính phủ Hoa Kỳ, trong công cuộc đối phó với cơn đại dịch nguy khốn này. Tức thì, cô liền bị cộng đồng mạng tại hải ngoại ồ ạt lên tiếng, chỉ trích thậm tệ về những lời lẽ hằn học, thiếu suy nghĩ của cô, đối với vị tổng thống đương nhiệm. Người đã có công nhấc cô ra khỏi cái cảnh tù đầy cay nghiệt trước đây ở Việt Nam. Thú thật! Cho đến giờ phút này, tôi vẫn không tài nào hiểu nổi, tại sao cô mẹ Nấm này lại có những luận điệu kỳ quặc, quái gở đến như vậy!
Thoắt chốc, đã gần ba tháng rồi đấy anh! Ba tháng, cuộc sống cứ bị đóng khung trong cái phạm vi hạn hẹp, bé nhỏ của bốn bức tường vây kín ở chung quanh. Ngày nào, tôi cũng chỉ quanh quẩn từ trong nhà ra đến ngoài vườn. Hết nằm rồi lại ngồi. Ngồi chán rồi lại dán mắt vào màn ảnh T V. Mở ra chỉ thấy toàn là mấy tin tức liên quan đến covid-19. Đến con số tử vong càng ngày càng gia tăng mà lòng tôi cảm thấy ngao ngán, se thắt.
“Cho đến bao giờ, cơn đại dịch mới được chấm dứt!”
Câu hỏi này vẫn thường được đưa ra và cho đến ngày hôm nay vẫn chưa có câu trả lời nào cho thỏa đáng! Chính những giây phút hoạn nạn, khốn khó, nguy ngập nhất, thì con người ta mới bừng tỉnh, chạy lại, tìm đến với thượng đế, để cầu khẩn, van xin ngài. Nơi đâu cũng thấy người ta kêu gọi hiệp thông. Hiệp thông qua những tiếng kinh cầu. Hiệp thông trong các bản thánh ca nồng nàn, thống thiết. Hiệp thông! Hiệp thông! Hiệp thông để xin ơn trên cho cơn đại dịch này mau sớm được kết thúc, cho mọi người được nhìn nhau, niềm nở, bắt tay, hăng hái đi vào công cuộc phục hồi và gầy dựng lại cuộc sống.
Anh Th.
Tiện đây, tôi cũng không quên, gửi lời chia vui đến với anh, về kết quả khả quan hiện nay của chị Yến. Người bạn đời đã từng chia ngọt, xẻ bùi với anh. Từng kề vai, sát cánh với anh trong suốt chặng đường dài ngang dọc ở quá khứ. Tôi tự nhủ thầm với lòng mình: Phải chăng đây là một phép lạ! Một sự mầu nhiệm. Một ân huệ quá to tát, lớn lao mà thượng đế đã dành riêng cho chị trong giai đoạn thập tử nhất sinh này.
“Chị Yến là mẫu người hiền lành, nhân hậu. Cho dù bệnh tình có khó khăn đến cách mấy đi chăng nữa! Nhưng! Tôi tin rằng: Chị ấy sẽ vượt qua được tất cả mọi cam go, thử thách anh ạ.”
Đấy là lời mà tôi vẫn thường nói với anh như thế.
Trước đây, tôi đã có dịp gặp chị được hai lần ở Cali. Như tôi mới vừa trình bầy với anh ở phần trên. Chị Yến là mẫu người hiền lành, bình dị. Mẫu người đàn bà bặt thiệp, khôn khéo trong lúc giao tế, nên rất dễ cho việc gây cảm tình với tất cả mọi người ở chung quanh.
Cách đây cũng khá lâu, qua điện thoại, anh báo cho tôi biết, chị Yến mới vừa vướng phải chứng tai biến cũng khá nặng và đã được đưa vào bệnh viện để điều trị. Sau thời gian chữa trị, bệnh tình đã có phần thuyên giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên! Việc đi đứng, sẽ không được bình thường, dễ dàng như trước kia nữa! Mọi thức ăn lẫn thức uống, anh đều phải đem đến tận nơi, tận chỗ cho chị. Từ đó, anh nghiễm nhiên trở thành người đàn ông quán xuyến tất cả mọi công việc ở trong gia đình. Đã có lần anh khoe với tôi:
“Hiện nay, tôi bỗng nhiên trở thành người đầu bếp giỏi dắn. Thực khách duy nhất của tôi chỉ có mỗi một người. Người đó, không ai khác hơn, chính là bà Yến.”
Tôi cười xòa rồi lựa lời khen anh:
“Có hai điểm làm cho tôi phục anh sát đất. Thứ nhất, là anh vừa phải lo cho chị Yến. Thứ hai, anh còn phải chăm bón, vun sới cho tờ Thư Quán Bản Thảo.”
Thư Quán Bản Thảo là tờ báo thuần túy về văn học. Tờ báo tuyệt nhiên không có đề giá bán. Không có nằm tênh hênh trong các tiêm sách của người Việt. Tờ báo chỉ luân lưu trong giới bạn bè, bằng hữu, cùng những người quen biết, mến mộ anh. Đây mới chính là vấn đề cốt lõi mà tôi muốn nêu ra trong lá thư này.
Sau thời gian nghỉ ở tại nhà, chị Yến lại trở bệnh, anh đành phải đưa chị vào viện dưỡng lão, để cho việc chăm sóc thuốc men có phần hiệu quả hơn. Khổ nỗi, chị Yến lại không quen với thức ăn của người bản xứ ở trong đấy. Chính vì thế, ngày nào anh cũng phải đích thân đem cơm nước vào đến tận nơi, tận chỗ cho chị.
Vào buổi chiều cuối tuần, anh gọi điện thoại báo tin chô tôi hay. Tôi ghi lại nguyên văn như lời anh nói:
“Bà Yến bị nhiễm bệnh bởi con coronavirus. Hiện giờ tôi cũng chẳng biết họ chở bà ấy đi đâu! Tôi đang chờ thằng con trai tôi liên lạc với các bệnh viện xem sao! Nó là bác sĩ nên nó biết rành rẽ về chuyện này hơn mình.”
Nghe đến đấy, tôi giật mình, bàng hoàng, sửng sốt, rồi lựa lời an ủi:
“Chắc không sao đâu anh Th.! Tôi tin rằng, chị Yến sẽ qua đi và chẳng có gì đáng ngại cả.”
Bẵng đi thời gian ngắn, anh goi phone báo tin cho tôi hay, với chất giọng mừng rỡ, oang oang ở trong máy.
“Con tôi đã tìm ra được mẹ nó rồi. Nó còn báo cho tôi biết một tin mừng, là mẹ nó đã vượt qua được thời kỳ nguy hiểm rồi anh ạ.”
Tới đây tôi liền reo lên:
“Anh thấy chưa! Tôi đã nói với anh, chị Yến sẽ vượt qua được tất cả và mọi việc đều trôi chảy một cách tôt đẹp.”
Anh Th.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn hết sức là thê thảm và bi đát, phải không anh! Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh với anh về hai chữ cách ly. Cách ly là biện pháp an toàn và tốt nhất để tránh sự truyền nhiễm, lây lan có thể xảy ra. Cách ly, có nghĩa là trong giai đoạn này, anh sẽ không thể nào gặp được chị! Nhưng! Có một điều mà tôi biết chắc chắn rằng: Trong thâm tâm anh hiện giờ, đang có sự bình an, thanh thản, lắng sâu ở trong đấy, chứ không còn cái tâm trạng bồn chồn, phiền não, thấp thỏm, lo lắng như trước kia nữa! Điều đó, có phải đúng như vậy, không anh!
Quanh đi, quẩn lại, tháng tư lại đến rồi đấy anh! Tháng tư, chúng ta lại đánh dấu thêm một cột mốc nữa là 45 năm. 45 năm. Thời gian cứ hờ hững, bình thản trôi qua. 45 năm, còn đọng lại ở trong anh, tôi, cùng nhiều người khác được những gì! Phải chăng! Chỉ còn trơ lại nỗi ngậm ngùi, nuối tiếc, hoài niệm về chuỗi năm tháng của tuổi trẻ. Của khói lửa chiến tranh. Của những địa danh như An Lão, Bồng Sơn, Đèo Nhông, Phù Ly, Cây Da, Lạc Sơn, nằm trong lãnh thổ thuộc tỉnh Bình Định. Nếu tôi nhớ không lầm, thì hình như đã có lần anh nói với tôi: Trước kia, anh nguyên là một nhà giáo. Một nhà giáo gắn bó với bảng đen, phấn màu, học sinh cùng lớp học. Rồi! Anh có lệnh động viên. Thủ Đức gọi anh về.
“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.”
Chính cái thao trường đổ mồ hôi ấy, đã mở ra ở trong anh, một khái niệm mới mẻ về đời sống quân ngũ. Về đoạn đường chiến binh. Về đội hình tấn công cho đến bài học phục kích và phản phục kích. Những bài học chiến thuật hữu ích, cho đến các bài thực hành về địa hình, cùng vài phương thức căn bản để tìm điểm đứng ở trên bản đồ. Mãn khóa, anh nghiễm nhiên trở thành một người lính. Người lính bộ binh với đầy đủ mọi ý nghĩa giản dị và thuần túy của nó. Người lính với tay súng, tay viết. Người lính của Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Người lính thám kích của Hắc Tam Sơn Bạch Nhị Hà. Người lính từng vào sinh ra tử. Từng lăn lộn, dọc sang trong vùng đất Bình Định thuộc Liên Khu 5 nổi tiếng. Đơn vị anh đóng ở cầu bà Gi. Còn tôi cùng đơn vị thì thường xuyên lưu động ở bên ngoài. Thỉnh thoảng, chúng tôi mới có dịp tạt ngang về hậu cứ ở Phù Mỹ. Từ Nhà Đá, Vạn Ninh, Lac Sơn, Mỹ Chánh, Mỹ Thọ. Nơi nào tôi cũng đến rồi lại đi. Máu của tôi từng nhỏ xuống mảnh đất già nua, cằn cỗi ấy, rồi loang đầy trên những ngọn cỏ. Chắc anh vẫn còn nhớ tới cuộc hành quân Đại Bàng 800 thì phải! Cuộc hành quân phối hợp với lực lượng Mãnh Hổ của Đại Hàn đấy anh! Về trận đánh ác liệt trên ngọn đồi Kỳ Sơn năm nào. Trong đầu óc tôi hiện giờ, vẫn còn lởn vởn nhớ đến cuộc hành quân giải tỏa Qui Nhơn vào mùa xuân Mậu Thân năm 1968. Nhắc đến Qui Nhơn, là phải nhắc tới quán cơm bình dân của bà Năm Huế. Quán cơm nằm sát nách với bến xe, nhìn xéo qua phòng ngủ Thái Bình đấy anh. Quán cơm có món mắm cá thu nổi tiếng mà ai nấy cũng đều phải khen nhức, khen nở. Món mà tôi cho là hết sức độc đáo và tuyệt cú mèo nhất của tỉnh Bình Định.
Ngày đó, tôi với anh, đều là hai kẻ xa lạ. Chúng ta chưa hề quen biết nhau! Chưa hề ngồi chung bàn, để san sẻ cho nhau nghe về đời lính gian khổ tác chiến, hoặc đề cập đến sự phong phú, đa dạng của nền văn học ở miền Nam, trước viễn ảnh đen tối, mù mịt của chiến tranh.
Sấp sỉ gần ba năm, tôi lăn lộn, dọc ngang trên mảnh đất xôi đậu, gai góc Bình Định. Ba năm. Vào buổi chiều mưa mịt mù, tầm tã. Tôi tình cờ gặp anh, trong tiệm cà phê ế ẩm, thưa khách, tọa lạc trên con phố chính Gia Long ồn ào, huyên náo. Với dáng dấp dong dỏng cao. Mảnh khảnh trong bộ đồ trận lâu ngày, nhăn nhúm, bạc phếch theo thời gian. Chiếc kính trắng dầy cộm, xệ xuống trên khuôn mặt lầm lì, xạm nắng, đã lột tả hết được những nét trung thực của người lính tác chiến. Người lính sống nay, chết mai. Người lính gắn liền với mặt trận. Người lính của lửa đạn, của nắng mưa, của dãi dầu, sương gió. Anh bạn đi chung, liền khều vào tay tôi nói nhỏ:
“THT đấy. Nếu anh có đọc Bách Khoa, thỉnh thoảng anh sẽ thấy tên của ông này xuất hiện ở trên đấy.”
Dạo ấy, ít khi tôi có dịp về thành phố. Họa huần lắm tôi mới “dù” về được đôi ba ngày. Lần nào tôi cũng chúi đầu vào mấy canh bạc thâu đêm, hoặc lang thang vào các bar rượu, ngật ngưỡng, chuyếnh choáng trong những cơn say, hầu tạm quên đi được phần nào nỗi nhọc nhằn, gian khổ khoác lên trong cuộc sống.
Có một điều mà lâu nay tôi chưa hề nói với anh! Thực ra, trước kia, tôi có đọc của anh một truyện ngắn trên tờ tạp chí Bách Khoa. Tờ nguyệt san có giá trị vào thời điểm lúc bấy giờ. Tôi rất thích câu chuyện anh viết ở trong đấy. Câu chuyện anh viết về Huế. Về Thành Nội. Về cặp tình nhân chở nhau trên chiếc xe đạp vào đêm tối trời khuya khoắt. Hai bên, mùi hoa sứ tỏa ra ngào ngạt thơm phức. Anh có biết, tại sao không! Tại sao tôi lại thích câu chuyện đấy! Nguyên nhân, cũng chỉ vì nó đánh động ở trong tôi, một chuỗi giây kỷ niệm đầy ắp về Huế. Nơi mà tôi đã từng sinh sống ở tại đó. Từng thở rồi lớn lên trong cái diện tích thầm kín ấy. Huế là quê hương thứ hai của đời tôi. Đời tôi gắn bó với thành phố cổ kính, trầm lặng này, đằng đẵng suốt cả hằng bao nhiêu năm trời. Từ ngã tư An Danh cho tới Trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề. Khu đại nội cùng mấy gánh bánh khoái nằm ở bên ngoài cửa Thường Tứ. Tôi đều nhớ và nhớ rõ tất cả. Tôi liên tưởng đến mấy lớp bình dân học vụ về đêm, được tổ chức thường xuyên tại trường nữ Tiểu Học Đoàn thị Điểm vào những năm 56, 57 của thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhớ tới Trường Kỹ Thuật. Trường Tiểu Học Trần cao Vân, cho đến Cầu Kho, Tây Lộc, Lương Y, Bao Vinh, Thương Bạc, Gia Hội. Nơi đâu cũng có dấu chân tôi in hằn ở trên đấy. Ngày đó, Huế chỉ có ba rạp chiếu bóng duy nhất. Rạp Tân Tân, Gia Hội và Châu Tinh. Riêng! Chỉ có rạp Châu Tinh, là nơi mà bọn nhãi ranh chúng tôi thường lân la kéo đến để coi cọp. Nguyên do, cũng chỉ vì gã soát vé trẻ tuổi, vui tính này, cùng ở chung xóm với lũ trẻ con chúng tôi. Lớn lên, tôi lại hay la cà với đám bạn bè, lui tới vào mấy tụ điểm cà phê nằm trên con đường Trần hưng Đạo sầm uất. Tôi hình dung ra ngôi nhà tranh xụp xuệ mà gia đình tôi đã từng sinh sống suốt cả hằng mười mấy năm trời, trong khu xóm ổ chuột, lao động. Khu canh nông nghèo khó, tối tăm, kề cận với khu chăn nuôi, nồng năc xông lên mùi hôi thối. Tôi nhớ mãi những trận mưa dầm dề, dai dẳng ở ngoài Huế. Mưa thối đồi, thối núi. Mưa kéo dài lê thê, nhớp nháp từ tuần này sang đến tuần khác! Cho dù trời có mưa to, gió lớn đến thế nào đi chăng nữa! Nhưng! Ngày nào tôi cũng vẫn phải cuốc bộ, đội mưa, cắp sách để đến trường. Ngày nào, tôi cũng phải lần theo bức tường thành Mang Cá. Vượt qua cống Lương Y. Rồi băng qua chợ Sép. Xuyên qua cửa Đông Ba. Rẽ trái rồi từ đó mới tiến thẳng vào trường học. Kỷ niệm của tôi về Huế là thế đấy. Những kỷ niệm tôi cho là mượt mà, bóng bẩy nhất của một thời thơ ấu. Nó gói ghém, tích tụ, chắt chiu thành những sâu chuỗi ngà ngọc, vàng óng, khó quên ở tại đời sống này.
45 năm trôi qua rồi đấy anh! 45 năm. Nhưng! Thỉnh thoảng! Vẫn có người còn lên tiếng hỏi tôi:
“Sau 45 năm, anh có cảm nghĩ gì về ngày 30 tháng 4!”
Tôi đáp chẳng cần suy nghĩ:
“Tháng 4, tôi nghiêng mình trước anh linh của 5 vị tướng lãnh khả kính. Những vị tướng đã lấy cái chết để đền nợ nước. Những vị tướng đã noi theo gương Hoàng Diệu, Phan thanh Giản, cùng với biết bao nhiêu quân, cán, chính của miền Nam, đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu vừa qua. Tôi thiết nghĩ rằng: Những cái chết nói trên, sẽ đi vào lịch sử và sẽ được tô đậm mãi mãi vào giữa lòng của dân tộc.”
Tháng 4. Sau khi miền Nam hạ màn, kết thúc. Anh với tôi cùng biết bao nhiêu người khác, đều rơi vào hoàn cảnh bi đát, khốn cùng. Anh vào tù. Tôi cũng chẳng ngoại lệ. Mãn hạn, anh ra tù, vật vã, lăn lộn với đủ mọi thứ công việc nặng nhọc để phụ giúp gia đình. Rồi! Anh vượt biên. Đến Mỹ. Vừa đi học. Anh vừa đi làm. Ngoài ra, anh còn miệt mài, cặm cụi, vun sới cho tờ Thư Quán Bản Thảo. Với anh, văn chương, chữ nghĩa là mạch sống, là hơi thở, là cái nghiệp. Cái nghiệp dĩ đã đeo đuổi, bám chặt vào đời anh. Anh luôn luôn quan niệm: Sống là để viết. Nó chẳng khác nào như câu kinh nhật tụng. Là kim chỉ nam. Là lẽ sống của đời anh. Nó được tô đậm rõ nét, thể hiện trên từng số báo của tờ Thư Quán Bản Thảo.
“Cho đến bao giờ, cơn đại dịch mới được chấm dứt!”
Câu hỏi này vẫn được tiếp tục lặp đi, lặp lại cả hằng bao nhiêu lần. Và, cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa có câu trả lời nào chính thức được đưa ra! Nhưng! Có một điều mà tôi tin chắc rằng: Rồi sẽ có một ngày, cơn đại dịch này sẽ được chấm dứt. Ngày đó, chắc vui lắm, anh nhỉ! Ngày mà anh sẽ gặp lại được chị, trong niềm hân hoan rộng mở của buổi bình minh tràn đầy nắng ấm. Ngày đó, nó sẽ đến và phải đến.
Cuối thư, tôi xin tạm dừng bút. Cầu chúc cho anh cùng gia quyến, được mọi điều an lành và tốt đẹp trong cơn đại dịch đầy bi thương, thảm não, tang tóc này./.
Ghi chú: Những con số, sự kiện trong bài được ghi nhận từ tháng Tư, 2020
TRANG LUÂN
Viết xong tháng 5/20