* Phạm Quốc Bảo.
Giữa cơn đại địch đang hoành hành, cũng như hầu hết lớp cư dân về hưu ở Nam Cali bị bó buộc phải chịu cảnh cách ly tại nhà, từ đầu tháng Tư đến giờ tôi đã bắt đầu quen với một thời khóa biểu sinh hoạt ‘cấm túc’ riêng mình, quanh quẩn trong nhà – bước ra hiên – xuống đến vườn, suốt 24 giờ mỗi ngày: Thức dậy – làm vệ sinh thân thể, tập thể dục ngoài hiên, ăn sáng. Ra ngồi bật cái laptop lên, trả lời email, đọc tài liệu hay xem sách báo nào cần. Rồi thơ thẩn trước hiên hay đi vòng vườn nhà, nhặt lá- cắt cành.. nhưng thường chỉ là nhìn ngắm lan man mấy thứ cây cỏ – hoa lá, trước khi vào viết xuống những gì mới nẩy ra trong trí. Độ 3 giờ chiều thì ăn gì đấy cho đỡ đói. Và lại vào bàn check emails, ra salon nằm nghỉ mười lăm phút – nửa giờ hay viết gì đấy nếu thấy cần. Cho đến độ sáu rưỡi bẩy giờ thì ăn bữa tối với vợ, xong lại ngồi vào bàn trước cái laptop…để cuối ngày, mười hay mười một giờ tối thì vào phòng ngủ.
Mỗi ngày lẩn thẩn như vậy, tôi cũng có vài ba lúc bật tivi lên xem tin tức…
Tri ân đến giữa mùa đại dịch:
Và trên băng tần CBN 14.5 ngày thứ Ba, 01/12/2020, tình cờ nội dung bình luận được phát hình ở chương trình Tự Lực Bookstore về câu chuyện của bà Sandra Nathan nhân lễ Thanksgiving năm nay được ông Đinh Quang Anh Thái nhắc đến, đã khiến tôi động tâm.Vào lục ở Google, bài viết “She Helped South Korea in Its Time of Need. In the Pandemic, It Repaid Her”(1) của Choe Sang-Hun đã được đăng vào ngày 20 tháng 11 trên nhật báo News York Times, tôi tạm thời dịch vài đoạn cần thiết rút ngắn như sau:“…Bà Sandra Nathan từ 1966 đến 1968 đã hiện diện ở một thị trấn Nam Hàn như một tình nguyện viên trẻ thuộc Peace Corps ( Phong trào thanh niên phụng sự Hòa Bình thế giới phát xuất từ Hoa Kỳ), dạy anh ngữ cho những nữ học sinh trung học xứ này. 52 năm sau, Nathan nay đã về lại Hoa Kỳ và đột nhiên nhận được một gói quà từ Nam Hàn khiến bà xúc động đến muốn rơi lệ.
Bà Nathan,75 tuổi, hiện đang cảm giác mỗi lúc một gia tăng bị cô lập ở nhà tại Stephentown, thuộc tiểu bang New York. Tin về đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Hoa Kỳ khiến bà ngại ra ngoài, nơi mà giới chuyên gia đã cảnh báo rằng những đợt lây nhiễm thứ hai và thứ ba đang ập tới.
Rồi đầu tháng này bà đã nhận được một gói đề là“Hộp cứu sinh Covid-19”. Đó là gói quà do chính quyền Nam Hàn gửi sang đựng 100 cái khẩu trang và nhiều thứ khác,’như một biểu lộ tri ân tấm lòng của bà đã từng dành cho chúng tôi.’
‘ Gói quà này khiến tôi hồi tưởng lại năm 1968’ bà Nathan, một luật sư chuyên về nhân quyền và lao động đã về hưu, nói. ‘ Nó như một thứ gì huyền diệu: Ai đó, dân Nam Hàn, ở rất xa đây, họ muốn chắc là tôi vẫn còn an bình. Nó là thứ mà tôi cần để chống lại cái bệnh hiểm nghèo (này). Họ như muốn bầy tỏ rằng họ có trách nhiệm( phải) lưu tâm đến tôi”
“ Nhiều thập niên qua, dân Nam Hàn đã luôn nhớ tới bà Nathan cùng 2,000 thiện nguyện viên Peace Corps khác. Những tình nguyện viên người Mỹ này đã đến phục vụ xứ sở ấy như những giáo viên và những chuyên viên chăm sóc sức khỏe từ năm 1966 đến năm 1968, lúc mà Nam Hàn còn là một nước trong khối thế giới thứ ba đang chìm ngập trong bệnh tật, độc tài quân phiệt, nghèo khổ và tan hoang sau cuộc chiến Triều Tiên.
Nam Hàn nay đã là một trong những quốc gia giầu nhất thế giới, và biện pháp chống lại đại dịch coronavirus của họ đang trở thành mẫu mực cho các quốc gia khác…Tháng mười (năm nay), trong kế hoạch đền bù những món nợ(quá khứ),cơ quan đặc trách do chính phủ xứ này điều hợp cho biết là họ đã gửi những hộp cứu sinh Covid-19 cho 514 cựu thiện nguyện viên Peace Corps…”
Tri ân bằng hữu trong quãng đời phục vụ:
Câu chuyện cụ thể của bà Nathan tạm trích ở trên tự nhiên đã khiến tôi cảm nhận một cách sâu xa. Nhiều hình ảnh lẫn những câu chuyện lần lượt hiển hiện ra:Đầu tiên, Peace Corps trong Google viết “Chương trình này được thiết lập theo Lệnh Hành pháp 10924 của Tổng thống John F. Kennedy ban hành vào ngày 1 tháng 3 năm 1961. Nó được thông báo trên truyền hình ngày 2 tháng 3 năm 1961, và được Quốc hội Hoa Kỳ cho phép bằng việc thông qua Đạo luật Tổ chức Hòa bình vào ngày 21 tháng 9 năm 1961..”
Trong khi ấy, tôi còn nhớ rằng các đoàn thanh niên hoạt động côngtác xã hội có tên là IVS
[ viết tắt của International Voluntary Services] (2) bắt đầu xuất hiện tại miền Nam Việt Nam vào vài năm cuối thập niên 1950, với những nhân vật còn sót lại trong trí nhớ của tôi. Chẳng hạn những bạn đã mất như Nguyễn Thượng Hiệp, Nguyễn Tường Quý, Hà Tường Cát,..; những người còn như Nguyễn Hy Văn (Seattle), Trần Công Sung (Paris, Pháp), Ngọc Hoài Phương (Little Sàigòn, Nam Cali)…Và trụ sở của hội này ( như đã có lần trước Bẩy Lăm, tôi được mời tới dự một buổi tiệc họp mặt với bằng hữu) đâu ở đường Phùng Khắc Khoan [ giữa Phan Thanh Giản- Phan Đình Phùng, Sàigòn (?)]
Tất cả những nhân vật tiêu biểu ghi lại ở trên( mà tôi nhất thời còn nhớ được), họ vốn trước đó đã có mặt hoạt động trong những hội đoàn như Hướng Đạo Sinh, Gia Đình Phật Tử, Thanh Sinh Công..,nên khi được biết có một tổ chức thiện nguyện như IVS là nơi đang thực hiện nội dung những hoạt động đáp ứng thích hợp với mục đích phục vụ xã hội mà lại có chi phí trợ cấp, dù ít thôi, thì bảo sao họ lại không thích thú tham gia cho được!
Tuy nhiên, song song với hình thức hoạt động xã hội ấy, họ vẫn đã là những nhân tố tích cực hiện diện ở các ban chấp hành học sinh – sinh viên, Tổng Hội sinh viên ( Sàigòn – Huế -Đà Lạt), Phong trào cứu trợ nạn lụt Miền Trung (1964 & 66) , Công Tác Hè 65, CPS (1966), Chương Trình Học Đường Mới (66), Phong Trào Du Ca (67)…
Rồi khi thoát được ra sống ở ngoài này thì bên cạnh việc ưu tiên kiếm sống là chính, họ vẫn không quên tiếp tục gặp nhau để lại cùng hoạt động trong các hội đoàn khác nữa, như Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại (tháng 2- 1982), Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Các Trung Tâm Việt Ngữ, các Khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm Việt Ngữ, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt…
Cạnh đấy, có hẳn một tập họp nhau khác mà đặc biệt lợi ích ở chỗ là vừa kinh doanh để sinh sống mà lại vừa thỏa mãn niềm thích thú phục vụ chuyên môn ở lãnh vực truyền thông: Đó là tờ báo Người Việt, công ty này đã được một số anh chị em di tản ngay từ sau biến cố Ba Mươi Tháng Tư 75 họ nỗ lực lập ra và nuôi dưỡng từ tháng 12 năm 1978, và sẵn sàng đón tiếp các anh chị em hoạt động xã hội cũ ở trong nước lần lượt di cư ra. Cho đến cuối năm 1985, nhóm anh chị em này lại bắt đầu gầy dựng một tập họp mới, mong muốn tạo thành truyền thống hằng năm của trên dưới nửa thế kỷ qua, bằng nội dung think-tank phù hợp với nhu cầu học hỏi để tiến bộ trong xã hội mới, có tên là Họp Mặt Thanksgiving.
Từ đấy đến nay đã có không biết bao nhiêu bằng hữu lần lượt bỏ anh chị em ở lại để đi vào cõi vô cùng. Như Trần Đại Lộc (1997), Lê Đình Điểu (1999), Trầm Tử Thiêng (2000), Lý Văn Chương (2001), Trần Đình Quân (2002), Ngô Mạnh Thu (2004), Đỗ NgọcYến, Đào Mộng Nam, Nguyễn Văn Diên ( 2006), Nguyễn Đức Quang (2011),…
Những người còn lại đây, cụ thể như cá nhân tôi,đúng vào dịp các lễ lớn cuối năm này thì thấy cần phải nhắc nhở đến, cho ít nhất chính mình, mặc dù chỉ liệt kê đại khái sơ sài như trên. Để làm gì? Tôi tâm niệm rằng chẳng qua là chỉ ôn lại một vài kỷ niệm mà từ đấy, thấy mình đã may mắn hạnh phúc có một số giai đoạn trong quá khứ được cùng bằng hữu cộng tác với nhau để làm một thứ gì đấy… Thụ hưởng như vậy, há tôi lại không biết ngỏ một lời tri ân họ, tri ân những thời gian- những không gian trong quá khứ ấy của đời mình sao?
Nhớ Hạc.
Cả năm không được gặp nhau rồi
Nay chỉ hình bạn thoáng qua thôi
Hơi thơ vẫn cứ cổ phong cũ
Lãng đãng thẩn thơ, hạc đã bay…
Hạc đã vỗ cánh bay lên rồi
theo gió ra đi chốn xa khơi
quên mất đường về ân nghĩa cũ
rơi rớt tiếng lòng xưa rất xưa…
( December 13, 2020, 08:58:09 PM.)
Tri ân đời sống:
Tuần trước và sau lễ Tạ Ơn, một số chương trình phát hình Nam Cali mà tôi tình cờ được xem và còn nhớ là đã trao cho tôi mấy nhận xét, như:
– Những trình chiếu tiếp tục lâu nay các công tác cứu trợ từng đợt của Hội Bạn Người Cùi (băng tần 57.3), của Hội Từ Thiện Hoa Sen Việt – Kết nối từ tâm – xây cầu tặng cho dân cư khắp những nơi cụ thể cần thiết ở đủ mọi miền tại VN ( 14.7, 57.19)…
– Chương trình ca nhạc do VietLove Foundation Inc. tổ chức quyên góp để cứu bão lụt Miền Trung VN được trình chiếu nhiều đợt trên băng tần 56.10.
– Tin tức về những hoạt động từ thiện, như phân phối thức ăn nóng vào những sáng cuối tuần hay phát chăn- mềm- quần áo lạnh cho người nghèo – không nhà ở Nam Cali (từ chương trình Trái Tim Yêu Thương qua các băng tần 14.2) , ở Washington D.C. (từ VOA Express), đặc biệt là tổ chức The People Concern đang nỗ lực gấp rút ghép nhiều thùng containers thành những dẫy nhà tiền chế cấp thời cho giới không nhà tại L.A cư ngụ qua mùa đông này…
– Rầm rộ và đáng chú ý nhất phải là những chương trình thể hiện lên nỗ lực dành cho giới Trẻ gốc Việt hải ngoại như:
* Tổ chức thi Áo Dài Truyền Thống cho giới trẻ gốc Việt vào dịp cuối năm 2020 & Tết Canh Tý. * Bộ phận trẻ của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ sinh hoạt học & ca hát, talk show riêng cho mục “Trong cơn đại dịch”.
* Chương trình VietYouth do Trang Phan & Michelle Nguyễn hướng dẫn (14.1)..
* Và một kế hoạch qui mô có tên là Ước Mơ Việt – ‘Bảo tồn tiếng Việt trong sáng’ do bác sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương chủ trì : Theo kế hoạch thì nửa năm nay các em ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có thể tham dự bằng cách hát-nói & kể truyện vào video clips rồi gửi về www.uocmoviet.org , tất cả sẽ lần lượt được cho phát hình phổ biến rồi được chấm điểm và có quà thưởng nữa!
Cạnh đấy, ít nhất là ba mục mà khi xem được thì tôi thấy cứ kể ra đây để quí vị biết:
– Trong một lần phát hình Talk show trong cơn đại dịch trên IBC(57.19), nha – nhạc sĩ Cao Minh Hưng của CLB Tình Nghệ Sĩ trò chuyện tâm tình với ca sĩ Thu Sương (Paris), phần cuối mục có phát lại đoạn video clip ca sĩ này hát bài “Thiên Thần Trong Bóng Tối” của Trúc Hồ trong buổi Đêm Thắp Nến Hát Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam.
– Cách đây vài năm, một anh vô gia cư tên Ted ‘golden voice’ William nhờ có giọng nói đặc biệt bắt micro, đã được phỏng vấn trên một băng tần truyền hình địa phương. Lập tức anh ta may mắn được nhân giúp làm xướng ngôn viên cho một đài phát thanh, rồi anh nhanh chóng khếch trương thành công dịch vụ này, nay anh ta đã là một triệu phú. Ted đang chủ động tổ chức một chương trình từ thiện chỉ chuyên giúp lại cho dân vô gia cư nhân thời đại dịch này.
– Trong mục Đời sống & Xã hội phát hình trên AVA(57.7), ông Nguyễn Tuyên kể lại câu chuyện
rằng có đàn khỉ đã kéo nhau đến sống tại một rạp hóa hoang phế bên Thái Lan. Và đột nhiên vào dịp cuối năm vừa qua, đàn khỉ này tự dưng được một nhạc sĩ dương cầm ở đâu tới chơi piano giúp vui cho chúng!
Tri ân yếu tố điều chỉnh
Hai tuần lễ nay, đại dịch coronavirus đợt thứ ba đang dữ dội tấn công toàn thế giới. Thống kê trên internet cho biết, vào ngày 16 tháng 12 đã có trên 74 triệu lây nhiễm, trên 1 triệu người tử vong với 443, 627 người bị dương tính chỉ trong 24 giờ qua.
Riêng tại Hoa Kỳ, đã có tới 92,765 lây nhiễm mà 1,779 người tử vong trong một ngày, nâng tổng số lên trên 17 và ¼ triệu lây nhiễm và 312, 871 tử vong. Biện pháp phòng ngừa gay gắt liền tới tấp được ban hành ở hầu hết 50 tiểu bang.
Tuy nhiên, từ gần một năm nay, người ta mỗi lúc mỗi nghiệm thấy rõ rằng yếu tố kỷ luật cá nhân (3) chưa bao giờ lại có cơ hội cọ sát gay gắt với nếp sống tự do trong xã hội Mỹ đến như bây giờ.
May mắn rằng tiến trình nghiên cứu thuốc chủng ngừa lại được nỗ lực nhanh kỷ lục đến như hiện nay: Thuốc của hãng Pfizer vừa được chuẩn thuận và bắt đầu thực hiện công cuộc chích ngừa vào bắt đầu từ thứ ba 15 tháng 12 vừa qua. Tiếp theo, thuốc của hãng Moderna có thể cũng sẽ được chính thức cho phân phối vào một vài tuần tới đây. Còn lại là đều tùy thuộc vào chương trình phân phối và những đợt chích ngừa cho từng thành phần dân cư, chiếu theo kế hoạch do liên bang và tiểu bang xếp đặt ưu tiên, tuần tự thực hiện từ nay cho đến mùa hè năm tới, 2021.
Trong khi đấy, trước đó một ngày( thứ hai, 14/ tháng 12), Đại cử tri đoàn Hoa Kỳ đã hợp thức hóa chiến thắng của ông Joe Biden với 306 phiếu ( so với 232 phiếu bầu cho ông Trump).Và tạp chí Times phát hành số mới nhất, trong đó họ chọn nhân vật của năm (Person of the Year 2020) là ông Joe Biden & bà Kamala Harris.Tin này khiến tôi nhớ lại 4 năm trước cũng tạp chí này đã vinh danh ông D. Trump là nhân vật của năm. Còn bây giờ thì tôi thấy rằng với những gì đã xảy ra ở 4 năm qua, ông Trump quả là một nhân vật đặc biệt: Tác phong biểu lộ cá tính mãnh liệt luôn luôn trùm lấp cả trách vụ tổng thống của ông ấy; trong lịch sử nước Mỹ tôi chưa hề thấy có một vị tổng thống nào độc đáo như thế cả…Và đồng thời, tôi nghĩ rằng ông Biden và bà Harris ‘hứa hẹn’ là hai nhân vật sẽ gặp phải những tình huống khá chật vật để mà xoay trở trong nhiệm vụ lãnh đạo của họ ở 4 năm cầm quyền tới đây.
Mấy sự kiện này, theo tôi, gián tiếp xác nhận rằng triết lý thực dụng đã có truyền thống áp dụng vào sinh hoạt tự do – dân chủ của dân Mỹ hiện vẫn còn ngự trị xã hội này, đáng để cho giới lãnh đạo các quốc gia và dân chúng trên khắp thế giới suy ngẫm.
Cuối cùng, tôi cho rằng: Năm 2020 này có hai hiện tượng (đại dịch coronavirus & cuộc bầu cử tổng thống Mỹ) minh chứng cho yếu tố toàn cầu hóa đã và đang chi phối bước tiến bộ chung của loài người, kể từ khi mạng lưới điện toán internet bắt đầu xuất hiện.Và đến bây giờ thì nó vẫn dần dần hiện mỗi lúc một rõ khắc sâu vào cuộc sống con người, nó đang mở rộng trên quá trình tạo thêm nhiều yếu tố khác nữa để hoàn hảo hóa nếp sinh hoạt mới cho con người sống trong xã hội hiện nay và ở trước mặt./.
Thứ Tư, ngày 16 /12/ 2020.
Phạm Quốc Bảo