Thái Hóa Lộc
Bốn cây nến Mùa Vọng đã thắp sáng, cây nến thứ năm chuẩn bị cho Chúa Giáng Sinh năm nay sẽ thắp lên vào thứ năm tuần này nhưng trong lòng những người dân Hoa Kỳ trong đó có người tỵ nạn Việt nam như đang chìm trong những nỗi buồn từ tin tức liên quan đến cuộc bầu cử từ ngày 3-11 vừa qua. Tất cả đều mong đợi và kỳ vọng từ sự khởi động và quyết định của cơ quan tư pháp tối cao là Tối Cao Pháp Viện…
Sự phát triển và những thăng trầm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ chính mà mọi người đã nhìn thấy tòa án này không phải như một thiết chế vô tri vô giác được Hiến pháp Mỹ minh định, mà là một tập hợp của những con người lịch sử. Hiến pháp Mỹ đã không cho Marshall một câu trả lời thỏa đáng khi ông phán xử Marbury. Nhìn nhận bằng cặp mắt ngày nay, vụ án Marbury là một vụ án hết sức… buồn cười. Nó là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 1800. Trong cuộc bầu cử năm ấy, tổng thống đương nhiệm là John Adams (tức tổng thống thứ hai của Mỹ) đã thất cử trước Thomas Jefferson, kẻ thù tư tưởng của chính Adams. Cuộc bầu cử tổng thống kết thúc vào tháng 11 năm trước, nhưng phải đến tháng Một năm sau thì vị tân tổng thống mới nhậm chức. Như vậy, khoảng thời gian ba tháng đó là cơ hội cho một cuộc chuyển giao êm đềm hoặc một cuộc đấu tranh, cài cắm của chính quyền trước với chính quyền mới.
Trong chỉ ba tháng đó, John Adams đã làm rất nhiều chuyện. Ông bổ nhiệm ngoại trưởng của mình lúc bấy giờ là John Marshall (đúng, chính là Chánh án John Marshall của vụ án Marbury) lên ngồi ghế Chánh án Tối cao Pháp viện. Ông cũng đã bổ nhiệm gần như toàn bộ các ghế trống của nhánh tư pháp Hoa Kỳ chỉ trong vòng 19 ngày sau khi Đạo luật Tư pháp 1801 được thông qua. Lịch sử gọi những thẩm phán này là “Thẩm phán Nửa đêm” (Midnight Judges), ám chỉ việc sáng thức dậy họ đã thành thẩm phán bằng quyết định của John Adams.
Một sự kiện khác là chánh án Tối Cao Pháp Viện Earl Warren vốn dĩ không phải là một thẩm phán chuyên nghiệp nhưng trở thành thẩm phán cấp tiến trong Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Sinh năm 1891 tại Los Angeles, California vào thời kì bang này còn là một thành trì của Đảng Cộng hòa, Warren phát triển sự nghiệp chính trị của mình với tư cách một chính khách Cộng hoà hoạt động trong chính trị tiểu bang là chủ yếu. Tốt nghiệp trường luật Đại học California – Berkeley, Warren trở thành phó tổng chưởng lý bang California, rồi tổng chưởng lý bang vào năm 1943. Dưới thời kỳ này, Warren chịu trách nhiệm cho việc giam cầm rất nhiều người Mỹ gốc Nhật trong thời kỳ Thế Chiến thứ Hai vì nỗi lo gián điệp. Về sau, Warren bày tỏ sự hối tiếc vì vai trò của ông trong chương sử buồn này của nước Mỹ. Warren kiên quyết với lý tưởng của ông, nhưng cũng phải thầm cảm ơn sự chính trực của Tổng Thống Eisenhower trong sự xung đột tại tiểu bang Arkansas khi đó Thống Đốc là Orval Faubus đã từ chối cho các học sinh da đen nhập học tại một trường thuộc thị trấn Little Rock. Faubus thậm chí đã bố trí lực lượng Vệ binh Quốc gia Arkansas trấn giữ các trường của thị trấn này nhằm ngăn cản chín học sinh da đen nhập học. Kết quả là Tổng thống Eisenhower đã phải can thiệp bằng việc bố trí Sư đoàn Không vận 101, những người anh hùng tại bãi biển Normandy năm 1944, đến Arkansas và hộ tống chín em học sinh vào trường. Sự kiện này được lịch sử Mỹ gọi là Little Rock Nine (Bộ Chín ở Little Rock) và được xem như một tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của Eisenhower rằng ông đứng về phe của Warren. Chính vì vậy mà Tối Cao Pháp Viện còn đứng vững để chúng ta hiểu rằng pháp luật không phải là chìa khóa vạn năng và thẩm phán không phải là thánh nhân. Tất cả, tuy có những quan điểm chính trị khác nhau, chia sẻ một mục tiêu rằng thông qua việc phán xử của mình, pháp luật sẽ sáng tỏ và xã hội sẽ tốt lên. Một tòa án phục vụ cho nền dân chủ hiệu quả nhất là một tòa án có những thẩm phán đúng nghĩa (chứ không để vai trò hoặc niềm tin chính trị chi phối) và một văn hoá pháp lý coi trọng sự tự kiềm chế quyền lực của bản thân. Trong con đường dân chủ hóa đất nước, một bản hiến pháp và thể chế rập khuôn sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có những con người như vậy. Đó là những con người không chỉ tuyên xưng dân chủ, xem dân chủ như một cái mác, mà còn phải thống nhất trong tư tưởng và hành động của mình nhằm hướng đến dân chủ, cho dù họ có thể sai lầm, cho dù họ có thể bị lung lay bởi những cám dỗ chính trị. Chỉ khi nào có những con người như vậy thì một xã hội mới thực sự trở nên dân chủ.
Có một bản hiến pháp dân chủ thôi chưa đủ. Ta còn cần những con người dân chủ.
Những gì đang diễn ra trên chính trường Mỹ sau bầu cử, cùng những cách hiểu khác nhau về Tối cao Pháp viện như một định chế chính trị và các thẩm phán như những thành viên của đảng phái. Suy nghĩ như vậy là tự đánh mất sự cao quý của Hiến pháp Hoa Kỳ trong sự nhịp nhàng “tam quyền phân lập”.
Nếu như Tối cao Pháp viện là một định chế chính trị và thẩm phán là những chính khách, vậy thì nguyên tắc tam quyền phân lập còn ý nghĩa gì nữa? Những ngày này, nhiều người ủng hộ Tổng Thống Trump đã đưa ra nhận định, một niềm hy vọng rằng kết quả bầu cử rồi sẽ được đưa lên cho Tối cao Pháp viện phân xử, và với một đa số 6 thẩm phán “bảo thủ”, ông Trump sẽ tái đắc cử. Họ cũng dẫn chứng vụ kiện Bush v. Gore như một cách để nuôi dưỡng niềm tin đó. Nếu thật sự Tối cao Pháp viện là nơi sẽ phân định thắng thua trong một cuộc bầu cử mà không có gian lận, thì đó sẽ là một bước lùi lớn cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Gian lận là mấu chốt của vấn đề để Tối Cao Pháp Viện quyết định. Sự từ chối nhận đơn khiếu kiện ở các cơ quan tư pháp từ dưới lên trên, ngay tại Tối Cao Pháp Viện với những chứng cớ được trưng dẫn khắp nơi đưa đã đem đến sự hoài nghi sự công tâm của Tối Cao Phép Viện. Phải chăng Tối cao Pháp viện cho rằng nếu có sự phân định thắng thua là chỉ dựa trên quan điểm chính trị của thẩm phán, thì xem như nền tư pháp của Hoa Kỳ đã chết. Kịch bản như vậy không được phép xảy ra.
Nói như vậy để thấy rằng một thẩm phán có tự trọng đúng nghĩa, trừ khi có một luận cứ pháp lý rõ ràng với những bằng chứng không thể chối cãi, sẽ không cho phép bản thân đem tư tưởng chính trị vào trong bản án. Trên thực tế thì tuy báo giới thường nói Tối cao Pháp viện có phe “cấp tiến” và “bảo thủ”, phần lớn các bản án của tòa này có kết quả đồng thuận, hoặc tuyệt đại đa số tán thành. Chỉ khi nào một vấn đề pháp lý quá gây tranh cãi thì người ta mới thấy được sự chia rẽ về quan điểm. Nhưng ngay cả như vậy, không có gì đảm bảo là thẩm phán “bảo thủ” sẽ luôn bỏ phiếu cho phe Cộng hòa và thẩm phán “cấp tiến” sẽ luôn bỏ phiếu cho phe Dân chủ.
Những bản án gần đây cho thấy điều đó. Đơn cử như các bản án liên quan đến Obamacare – hay Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền của Tổng thống Barack Obama. Theo đó, rất nhiều lần các thẩm phán phe “cấp tiến” đồng tình với các thẩm phán phe “bảo thủ”, và ngược lại. Lần tranh tụng gần đây nhất trong vụ California v. Texas, giới quan sát cho rằng hai thẩm phán “bảo thủ” là Chánh án John Roberts và Thẩm phán Kavanaugh có thể sẽ cùng chia sẻ ý kiến với ba thẩm phán “cấp tiến” đã giúp cho Obamacare tồn tại. Có phải vì Roberts và Kavanaugh đồng tình về mặt chính trị với Obamacare không? Không phải. Đơn giản vì họ không muốn thay Quốc hội xoá bỏ một đạo luật, không thông qua con đường dân chủ. Chính những bản án như vậy sẽ lại tái khẳng định vai trò độc lập của Tối cao Pháp viện, bất chấp việc các thẩm phán có thể sẽ trở thành kẻ thù của phe này hay phe kia. Tam quyền phân lập chỉ là một khẩu hiệu và phán quyết của tòa chỉ là một tờ giấy nếu như nó không được các thiết chế khác tôn trọng và tự nguyện thi hành. Rất có thể, sức mạnh của Hiến pháp Mỹ nằm ở chỗ nó thừa hưởng một nền văn hoá dân chủ, coi trọng những thứ luật lệ bất thành văn – chẳng hạn như tôn trọng phán quyết của tòa, khiêm nhường, kiềm chế, phân định rõ chính trị và pháp lý. Câu chuyện về hai nhân vật ta đã quen thuộc từ kỳ trước là Chánh án Warren và Tổng thống Eisenhower là một bằng chứng.
Hiến pháp Hoa Kỳ chính là nét đẹp của văn hóa dân chủ và là thứ thúc đẩy đất nước này tiến lên. Nước Mỹ sẽ thất bại nếu một tổng thống được chọn qua gian lận bầu cử hay phớt lờ truyền thống chính trị và văn hoá dân chủ, xem tòa án như một công cụ chính trị, xem thẩm phán là những đảng viên và cùng nhau cấu kết. Thật may mắn là cho đến nay tại Hoa Kỳ điều đó vẫn chưa xảy ra. Giáng sinh năm nay là thời gian thử thách của Hiến pháp Hoa Kỳ qua 244 năm lịch sử lập quốc.