Quả mọng chứa chất chống oxy hóa, là những chất giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa liên quan đến viêm, lão hóa và sự phát triển của các bệnh như bệnh tim và ung thư.
Quả mọng đã được chứng minh là có những lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc và được xem là loại quả quý từ hàng nghìn năm qua. Quả mọng có nhiều loại, có hình dạng khác nhau và cách bảo quản cũng khác nhau như trái cây tươi, đông lạnh và phơi khô. Loại trái cây nhỏ nhắn và tiện lợi này có thể dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn uống của bạn quanh năm.
Chúng được coi là “loại quả chứa đầy hứa hẹn” vì các thành phần mang tính dược liệu khác nhau như anthocyanin, flavonoid, flavanol, alkaloid, axit hữu cơ và đặc biệt là polyphenol có lợi cho sự mất cân bằng tế bào, béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường.
Trong các nghiên cứu, polyphenol cùng với các thành phần khác của quả mọng như chất xơ và vi chất dinh dưỡng có liên quan đến sự cải thiện sức khỏe tim mạch. Mỗi loại quả mọng đều có nguồn dưỡng chất đặc biệt, từ trái nam việt quất có hiệu quả trong việc điều trị và ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường niệu cùng hàm lượng vitamin C vượt trội của dâu tây cho đến việc hỗ trợ trí não và hiệu quả chống lại bệnh viêm khớp dạng thấp của quả lý chua đen.
Quả mọng giàu polyphenol giúp điều trị bệnh tiểu đường
Một báo cáo vào tháng 8 năm 2020 cho rằng việc ăn quả mọng có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó. Phân tích sự khác biệt về nồng độ đường huyết và insulin sau khi ăn ở các đối tượng mắc bệnh tiểu đường, các nghiên cứu đã phát hiện rằng việc ăn quả mọng có thể là một phương pháp đáng tin cậy để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng tăng đường huyết và tăng lipid máu.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên hệ của sử dụng quả mọng và kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách tìm kiếm các cơ sở dữ liệu khoa học khác nhau như sử dụng các từ khóa “việc tiêu thụ quả mọng và bệnh tiểu đường”, “quả mọng và chế độ ăn làm tăng đường huyết” với các loại quả mọng khác nhau. Có 336 bài báo được xem là liên quan đến vấn đề này đã được đưa ra để xem xét.
Nhiều loại quả mọng đã được khảo sát về những lợi ích tiềm ẩn đối với bệnh tiểu đường, bao gồm quả việt quất, quả việt quất dại, quả nam việt quất, phúc bồn tử, dâu tằm, quả mâm xôi lingon, quả dâu đen, dâu tây, câu kỷ tử, quả acai, quả anh đào dại, quả lý chua đen và quả maqui. Nghiên cứu cho thấy quả mọng có các cơ chế khác nhau để chống lại bệnh tiểu đường, bao gồm:
- Anthocyanin thúc đẩy sự hấp thu và chuyển hóa lượng đường trong máu cũng như kiểm soát việc tăng cân và các phản ứng tiền viêm
- Ăn quả mọng giúp cải thiện độ nhạy insulin của tế bào và làm giảm đường huyết
- Sử dụng quả mọng làm thay đổi hệ lợi khuẩn ruột, do đó hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường
Các hợp chất chính mang hoạt tính sinh học tăng cường sức khỏe trong quả mọng bao gồm:
- Glycoside
- Glucozit
- Catechin
- Epicatechin
- Quercetin
- Myricetin
- Flavanold
- Flavonol
- Axit caffeic
- Axit phenolic
- Polysaccharid
Như vậy, sử dụng quả mọng như thế nào để phát huy tác dụng có lợi cho sức khỏe? Theo các tài liệu đánh giá, liều lượng khuyến nghị hàng ngày khi ăn các loại quả mọng là từ 200 đến 400 gram (0,875 đến 1,69 cốc) cho một người trung niên 70 kg (154 pound)
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu bữa ăn có quả mọng thì cơ thể sẽ cần một lượng insulin ít hơn để cân bằng nồng độ đường sau ăn. Một nghiên cứu của Phần Lan trên những phụ nữ khỏe mạnh cho thấy rằng việc ăn kèm quả mọng với bánh mì trắng và lúa mạch đen làm giảm đáng kể mức tăng đột biến insulin sau bữa ăn. Dâu tây, quả việt quất đen, quả lingon và quả anh đào dại được coi là có hiệu quả.
Các lợi ích khác của quả mọng cũng đã được ghi nhận
Quả mọng có tác dụng tuyệt vời không chỉ đối với bệnh tiểu đường mà còn đối với nhiều vấn đề sức khỏe khác:
Rụng tóc — Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và chống viêm này có thể giúp giảm tình trạng rụng tóc ở cả nam và nữ. Các loại chứa chống oxy hóa cao nhất bao gồm quả lý gai Ấn Độ, quả việt quất đen, quả lý chua đen tươi, quả mâm xôi, quả nam việt quất, quả dâu quạ, câu kỷ tử, dâu tây và dâu tằm đỏ.
Chống lão hóa và cải thiện trí nhớ — Một phân tích dữ liệu về số lượng quả mọng tiêu thụ cho thấy đối với phụ nữ trên 70 tuổi thường xuyên ăn dâu tây hoặc quả việt quất có trí nhớ minh mẫn hơn. Những đối tượng ăn nhiều quả mọng có sự suy giảm sức khỏe tinh thần chậm lại, ước tính sự lão hóa nhận thức được kéo dài khoảng 1,5 đến 2,5 năm.
Sức khỏe tim mạch — Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng & Ăn kiêng liên quan đến phụ nữ sau mãn kinh đã kết luận rằng ăn 22 gram bột việt quất mỗi ngày trong tám tuần làm giảm huyết áp và xơ vữa động mạch. Điều này có thể là do tăng lượng axit nitric trong máu.
Ung thư vòm họng và ung thư đại trực tràng – Các nghiên cứu trên động vật cho thấy quả mâm xôi đen có thể ức chế sự phát triển của ung thư vòm họng. Trong một nghiên cứu trên những bệnh nhân đã được sinh thiết là u biểu mô tế bào vảy ở vòm họng, các nhà nghiên cứu xác nhận rằng trái cây có thể có hiệu quả trong việc phòng ngừa ung thư vòm họng, làm giảm biểu hiện của gen bất lợi. Đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, quả mâm xôi đen giúp thay đổi chuyển hóa axit amin, năng lượng và chuyển hóa lipid.
Ung thư vú — Các nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ ung thư vú thấp hơn ở những người ăn nhiều trái cây trong thời kỳ thanh thiếu niên. Trong nghiên cứu riêng biệt, hoạt động chống ung thư và làm giảm hoạt tính chống lại tế bào bình thường của câu kỷ tử cho thấy tiềm năng trong việc ngăn ngừa ung thư vú.
Gần 1.000 bản tóm tắt về các loại quả mọng trong cơ sở dữ liệu của GreenMedInfo.com đã được xem xét để tìm hiểu về những lợi ích gần như vô tận của quả mọng trên nhiều lĩnh vực sức khỏe khác nhau.
Nhóm Nghiên cứu GMI được lập ra để điều tra các vấn đề sức khỏe và môi trường quan trọng nhất mỗi ngày. Nhóm đặc biệt chú trọng đến sức khỏe môi trường. Nghiên cứu tập trung chuyên sâu của chúng tôi về cách cơ thể con người hiện tại phản hồi trực tiếp với trạng thái thực của môi trường xung quanh. Tác phẩm này được tái bản và xuất bản với sự cho phép của GreenMedInfo LLC. Đăng ký nhận bản tin tại www.GreenmedInfo.health
Theo Greenmedinfo
Thu Ngân biên dịch