Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – “Mùa Hè Đỏ Lửa,” trước hết, là nhan đề một thiên ký sự chiến trường của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam, xuất bản tại Sài Gòn hồi năm 1972-1973, viết về những trận đánh long trời, lở đất và khốc liệt nhất trong Chiến Tranh Việt Nam từ mùa Hè cho tới mùa Thu năm 1972.
Vì quyển sách quá nổi tiếng, các nhà viết quân sử ở cả hai bên chiến tuyến đều sử dụng tựa đề này để chỉ các trận chiến giữa Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), có Quân Đội Mỹ yểm trợ hỏa lực cùng phi pháo, và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt, với sự tham gia chiến đấu hỗ trợ của các lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Tại sao các cuộc giao tranh được coi là khốc liệt nhất?
Có nhiều lý do để khiến đa số những nhà viết quân sử cùng nhận định rằng các cuộc giao tranh hồi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 trên chiến trường miền Nam Việt Nam được coi là khốc liệt nhất trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam:
Thứ nhất, vì thời hạn dưỡng quân của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt sau tổn thất nặng nề của họ trong trận Tết Mậu Thân 1968 đã hết, các lực lượng Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam phải tiếp tục cuộc chiến đấu một cách quyết liệt hơn để giành lấy chiến thắng sau cùng, nhất là khi họ đã đánh hơi được rằng Hoa Kỳ thế nào cũng bỏ rơi VNCH để thanh niên Mỹ khỏi chết oan uổng tại Việt Nam. Cộng Sản gọi trận chiến này là Chiến Dịch Xuân, Hè 1972, còn phía Mỹ thì gọi đó là Easter Offensive (Cuộc Tấn Công Mùa Lễ Phục Sinh).
Thứ nhì, với cuộc Hòa Đàm Paris diễn tiến chậm chạp từ sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, Cộng Sản Bắc Việt cần một chiến thắng dứt khoát để kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam, hay ít ra cũng giúp phe Cộng Sản giành được thế mạnh tại cuộc hòa đàm. Hơn nữa, ngày 24 Tháng Sáu, 1970, Thượng Viện Mỹ đã nhất định bãi bỏ “Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt” và ra luật giới hạn quyền của tổng thống tham chiến ở hải ngoại. Đã thế, Hà Nội còn đánh hơi biết được rằng, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hồi đầu năm 1972 của Tổng Thống Richard Nixon, người kế vị Tổng Thống Lyndon Johnson, phía Mỹ đã cam kết với Cộng Sản Trung Hoa là họ sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam và bỏ rơi luôn đồng minh VNCH.
Thứ ba, Quân Ủy Trung Ương của Cộng Sản Bắc Việt muốn đánh tan cái cảm tưởng cho rằng Quân Lực VNCH đã thật sự trưởng thành và Kế Hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh đang thành công sau cuộc Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Quân, nhất là khi các lực lượng bộ chiến Hoa Kỳ đã thôi không tham gia chiến đấu bên cạnh các đơn vị Quân Lực VNCH nữa mà chỉ yểm trợ về mặt hỏa lực và phi pháo. Và nhờ gây được những tổn thất lớn cho Quân Lực VNCH qua các cuộc đụng độ tay đôi giữa hai bên tại Hạ Lào trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 một năm trước đó, Cộng Quân càng tin tưởng họ sẽ dễ dàng đè bẹp đối phương trong Chiến Dịch Xuân, Hè để tạo ra một “Điện Biên Phủ” thứ hai đặng giành ưu thế trong cuộc Hòa Đàm Paris 1973, điều mà họ đã không thể nào làm được trong cuộc chiến Tết Mậu Thân bốn năm về trước.
Thứ tư, Cộng Sản Bắc Việt hiểu rằng, trong bất cứ thỏa hiệp ngưng bắn nào giữa hai bên tại Paris, cũng có điều khoản nói rằng đây là cuộc ngưng bắn tại chỗ, nghĩa là vào thời điểm cuộc ngưng bắn có hiệu lực, quân của ai đang ở đâu thì cứ ở lại nơi đó để làm ranh giới lúc đình chiến. Vì thế Cộng Quân lại càng phải dốc sức đánh mạnh để có thể giành được càng nhiều lãnh thổ trong tay mình càng tốt, với mục đích tối hậu là kiếm cho ra một nơi để làm trụ sở cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trước khi hai bên đạt được một thỏa hiệp hòa bình, dù là tạm thời.
Các mặt trận chính trong Mùa Hè Đỏ Lửa
Về thời gian, Mùa Hè Đỏ Lửa kéo dài suốt nửa năm trời, khởi sự từ cuối Tháng Ba và kết thúc vào cuối Tháng Chín, 1972, với bốn mặt trận chính sau đây:
-Mặt Trận Quảng Trị, từ cuối Tháng Ba đến cuối Tháng Chín, 1972, với việc các sư đoàn tinh nhuệ nhất của Cộng Quân đánh chiếm được tỉnh Quảng Trị cùng khu Cổ Thành Quảng Trị và đẩy lùi các lực lượng VNCH xuống phía Nam Sông Mỹ Chánh (phía Bắc tỉnh Thừa Thiên) trước khi họ bị các lực lượng VNCH, gồm Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, và Sư Đoàn 1 Bộ Binh đẩy lùi về vùng Đông Hà. Cao điểm chiến thắng của Quân Lực VNCH tại mặt trận này là việc Thủy Quân Lục Chiến tái chiếm và cắm cờ VNCH trên Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 16 Tháng Chín, 1972.
-Mặt Trận Kon Tum, từ cuối Tháng Ba đến cuối Tháng Năm, 1972, trong đó có các trận đánh lớn tại vùng phía Bắc Kon Tum, nơi Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, tử trận vì trúng đạn pháo của Cộng Quân, để trở thành “Người ở lại Charlie” trong nhạc phẩm danh tiếng cùng tên của Trần Thiện Thanh. Cộng Quân, sau đó, tràn ngập các căn cứ Delta, Tân Cảnh, Võ Định, Dakto 2, và cả Trại Ngọc Hồi của Thiết Giáp tại vành đai thị xã Kon Tum, để rồi phải nhận chịu những tổn thất nặng nề trước những cuộc phản công của Quân Lực VNCH, khiến họ phải rút lui khỏi Mặt Trận Kon Tum sau các cuộc ác chiến.
-Mặt Trận Bình Long, từ đầu Tháng Tư đến giữa Tháng Sáu, 1972, với những cuộc tấn công bao vây ngặt nghèo của Cộng Quân trước sức kháng cự dũng mãnh của các đơn vị Quân Lực VNCH. Trận chiến kinh hoàng đã diễn ra khắp tỉnh Bình Long, trên Quốc Lộ 13, và ngay cả bên trong cũng như bên ngoài thị trấn An Lộc, với bảy đợt tấn công liên tiếp của của bộ đội, chiến xa, trọng pháo và hỏa tiễn của Cộng Quân. Các lực lượng tham chiến phòng thủ An Lộc bao gồm Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Sư Đoàn 25 Bộ Binh, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Cộng Quân đã dốc hết toàn bộ lực lượng của họ tại Bình Long vào Mặt Trận An Lộc, quyết sống mái với các lực lượng tử thủ tại đây, nhưng tất cả đều đã thất bại khi thị trấn này vẫn đứng vững nhờ sức kháng cự mãnh liệt của các lực lượng VNCH, trong đó lực lượng Biệt Cách Nhảy Dù, từng vào sinh, ra tử để giải cứu An Lộc, được đặt biệt vinh danh: “An Lộc Địa sử ghi chiến tích, Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.”
-Ngoài ba mặt trận chính tại Kon Tum, Quảng Trị và Bình Long ra, Cộng Quân còn mở thêm Mặt Trận Đồng Bằng Sông Cửu Long, từ đầu Tháng Sáu cho tới đầu Tháng Tám, 1972, với những cuộc tấn công vào các tỉnh lỵ và thành phố tại Vùng IV Chiến Thuật, từ Long An, Kiến Tường, An Thới cho đến Bến Tre, Chợ Gạo, Gò Công, Long Xuyên… nhưng tất cả các cuộc tấn công của họ đều bị đẩy lui sau nhiều thiệt hại về nhân mạng và vũ khí.
Cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa chứng tỏ Quân Lực VNCH trưởng thành vượt bực
Những trận chiến long trời, lở đất và khốc liệt nhất trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã diễn ra trong Mùa Hè Đỏ Lửa, lúc giới lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam quyết định tung ra các đơn vị tinh nhuệ nhất và được trang bị bằng những vũ khí tối tân nhất, từ chiến xa, trọng pháo cho đến hỏa tiễn phòng không, nhằm đè bẹp Quân Lực VNCH tại ba mặt trận lớn trên bốn vùng chiến thuật là Bình Long, Quảng Trị và Kon Tum. Dụng ý của họ rõ ràng là để phân định ngôi thứ đoàn quân nào là thiện chiến nhất và dũng mãnh nhất trong chiến tranh. Tuy nhiên, sau nửa năm trời giao tranh ác liệt, tất cả các lực lượng tham chiến của Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đều thảm bại, tan vỡ luôn giấc mộng “lấn đất, giành dân” với những tổn thất nặng nề cả về nhân sự lẫn khí tài.
Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 mà họ tin rằng có thể là chương cuối cùng của cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã kéo dài quá lâu, với hầu như tất cả các phóng viên chiến trường của báo chí truyền thông từ Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc đều có mặt tại mỗi trận chiến. Và chiến thắng sau cùng của Quân Lực VNCH trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa chứng tỏ Quân Lực VNCH đã trưởng thành vượt bực, để được ghi nhận là đội quân tinh nhuệ nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
Đặc biệt, một sự thật đã được phô bày qua cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa, đó là tâm trạng vừa chán ghét vừa sợ hãi quân Cộng Sản của người dân tại các vùng giao tranh, từ Kon Tum tới Quảng Trị và Bình Long, khi Cộng Quân tiến tới đâu thì dân chúng bỏ chạy tới đó, với cao điểm bi thảm là cuộc rút lui của quân và dân Miền Nam Việt Nam từ Quảng Trị vào Thừa Thiên và Huế trong những ngày đầu chiến cuộc tại Vùng I Chiến Thuật, để lại một “Đại Lộ Kinh Hoàng” với hàng trăm, hàng nghìn thường dân vô tội bị Cộng Quân bắn giết không nương tay trên bước đường di tản.
Tiếc thay, ưu thế tuyệt vời đó của Quân Lực VNCH đã không thể giữ được lâu, bởi vì đồng minh Hoa Kỳ, một khi ký được Hiệp Định Paris 1973 với phe Cộng Sản để có thể “rút lui trong danh dự” ra khỏi Việt Nam và lấy lại được hằng trăm tù binh chiến tranh đang bị Hà Nội giam giữ, đã dần dà cắt giảm viện trợ quân sự, gây ra tình trạng thiếu hụt đạn dược và chiến cụ cho các lực lượng VNCH, rồi còn giảm luôn viện trợ kinh tế, gây nguy hại cho mạch sống của dân chúng miền Nam Việt Nam giữa lúc chiến cuộc tại miền Nam Việt Nam lại tái diễn, vì phe Cộng Sản đã trắng trợn vi phạm Hiệp Định Paris chỉ vài tháng sau khi hiệp định được ký kết.
Và điều tất yếu đã xảy ra, đó là Quân Lực VNCH đành phải tan rã và chính phủ VNCH, dưới quyền Tổng Thống Dương Văn Minh, phải đầu hàng vô điều kiện khi đoàn quân xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt, dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tiến vào Dinh Độc Lập tại Sài Gòn, thành lũy cuối cùng của chính quyền Miền Nam Tự Do sau hai thập niên tồn tại mà không có cơ hội nào để canh tân đất nước, do phải liên tục đối phó với một cuộc chiến tranh triền miên từng gây ra biết bao chết chóc và đổ vỡ trên đất nước tang thương. (Vann Phan)